Friday, 15 October 2021

THẾ GIỚI HÔM NAY : 15/10/2021 (The Economist)

 


THẾ GIỚI HÔM NAY : 15/10/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

15/10/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/10/15/the-gioi-hom-nay-15-10-2021-2/

 

Ít nhất 5 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương ở Beirut khi những kẻ chưa rõ danh tính tấn công một cuộc biểu tình được tổ chức bởi nhóm vũ trang Hizbullah. Tin ban đầu cho thấy các tay súng bắn tỉa đã nhắm bắn từ trên mái nhà. Cuộc biểu tình có mục đích yêu cầu cách chức thẩm phán giám sát cuộc điều tra vụ nổ cảng năm ngoái, người mà Hizbullah cáo buộc đã loại bỏ các đồng minh của họ. Thủ tướng Lebanon Najib Mikati kêu gọi bình tĩnh.

 

Có khoảng 293.000 người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu trong tuần vừa rồi, giảm 36.000 so với tuần trước đó và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Đây là con số thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020. Có khoảng 3,6 triệu người đang nhận trợ cấp từ tất cả các chương trình của chính phủ, giảm từ 12 triệu hồi tháng 8, trước khi trợ cấp đại dịch bổ sung hết hạn.

 

Mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn cho biết sẽ đóng phiên bản tiếng Trung, với lý do “môi trường hoạt động đầy thách thức.” Trong nhiều năm, LinkedIn là nền tảng mạng xã hội lớn duy nhất của Mỹ không bị chặn ở Trung Quốc, vì hãng tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt. Hồi tháng 3 cơ quan quản lý internet Trung Quốc đã yêu cầu công ty thắt chặt quy định nội dung, khiến hồ sơ của một số nhà hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc bị chặn.

 

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã giải tán hạ viện trước cuộc tổng tuyển cử vào ngày 31 tháng 10. Trên lộ trình tranh cử, ông Kishida hy vọng nhận được ủng hộ nhờ một số thành công khiêm tốn gần đây trong ứng phó đại dịch covid-19. Ông được bổ nhiệm làm thủ tướng vào ngày 4 tháng 10 sau khi thay người tiền nhiệm Suga Yoshihide làm lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.

 

Cảnh sát Na Uy cho biết người đàn ông giết 5 người trong một vụ tấn công bằng cung tên ở thị trấn Kongsberg hôm thứ Tư từng cải sang đạo Hồi và có thể đã bị cực đoan hóa. Nhà chức trách liên lạc với người này lần cuối vào năm 2020. Đây là một công dân Đan Mạch 37 tuổi.

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã sa thải ba thành viên trong ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, khiến đồng lira xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la. Một trong số đó là quan chức duy nhất bỏ phiếu chống cắt giảm lãi suất hồi tháng trước. Là người yêu thích lãi suất thấp dù lạm phát tăng vọt, ông Erdogan đã sa thải ba thống đốc ngân hàng trung ương chỉ trong hai năm.

 

WHO thành lập một nhóm cố vấn khoa học mới gồm 26 thành viên để điều tra nguồn gốc của covid-19 và các mầm bệnh khác. Một nghiên cứu trước đó của WHO đã không thể kết luận nguồn gốc của covid-19, một phần vì bị Trung Quốc cản trở. Theo giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, đây có thể là “cơ hội cuối cùng để tìm hiểu nguồn gốc của virus này.”

 

Con số trong ngày: 155, là số lần ngắt mạng internet cục bộ hoặc trên cả nước vào năm ngoái, ở 29 quốc gia, theo một tổ chức phi chính phủ.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Các cựu quan chức thời Trump ra điều trần trước Hạ viện

Hôm nay bốn thành viên cũ của chính quyền Trump sẽ điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện về cuộc bạo động Đồi Capitol vào thứ Năm và thứ Sáu tuần này. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu họ bất tuân trát yêu cầu ra điều trần của ủy ban, mà về mặt pháp lý buộc các nhân chứng phải trình diện. Hôm thứ Năm, Steve Bannon, cựu chiến lược gia chính của ông Trump, đã không đến.

 

Ủy ban sẽ bỏ phiếu vào thứ Ba về việc có nên yêu cầu Bộ Tư pháp theo đuổi các cáo buộc khinh thường pháp luật hay không. Điều đó và các động thái tiếp sau của Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland sẽ được theo dõi sát sao. Tâm điểm đang tập trung vào Jeffery Clark, một cựu quan chức trong Bộ Tư pháp của ông Trump, người đã nhận trát yêu cầu điều trần hôm thứ Tư và sẽ phải điều trần vào cuối tháng này. Theo một báo cáo của Thượng viện, ông Clark là người có vai trò lớn trong nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử 2020.

 

Các đảng Đức bắt đầu đàm phán chính thức để lập chính phủ liên minh

Sau một tuần giằng co, thứ Sáu này ba bên đang nuôi hy vọng thành lập chính phủ tiếp theo của Đức sẽ đề xuất bắt đầu chính thức đàm phán liên minh. Nếu có thể tìm thấy điểm chung, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) ủng hộ doanh nghiệp sẽ hợp lực trong một liên minh mang tên “đèn giao thông”, theo màu sắc tương ứng của các bên. Nếu vậy lãnh đạo SPD Olaf Scholz, cũng là bộ trưởng tài chính hiện tại, sẽ tiếp quản vị trí thủ tướng từ Angela Merkel.

 

Đàm phán sẽ rất khó khăn. FDP mâu thuẫn với các đối tác về vấn đề tăng thuế, các quy định xanh và chính sách tài khóa nới lỏng. Nhưng các tín hiệu hiện tại khá tốt. Thay vì chống lại nhau, các bên đã giữ im lặng khi đàm phán thăm dò sau bầu cử tháng trước. Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo, những người từng hy vọng sẽ lãnh đạo chính phủ, đang rất hỗn loạn sau một cuộc bầu cử vô cùng thất bại. Kỳ vọng nhậm chức trước Giáng sinh của ông Scholz có vẻ sáng sủa.

 

EU sắp công bố số liệu xuất nhập khẩu

Vào thứ Sáu EU sẽ công bố số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa của khối trong tháng 8, và dĩ nhiên sẽ tốt hơn tháng 8 năm 2020, thời điểm đại dịch làm kiềm chế dòng hàng hóa trên khắp thế giới. Thương mại quốc tế đang bùng nổ và đã vượt mức tiền đại dịch; với nhiều nước lớn đang tăng trưởng tới hai con số. Riêng EU chiếm khoảng 14% thương mại hàng hóa của thế giới; còn dịch vụ không chiếm quá nhiều.

 

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của EU vào năm ngoái còn Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất. Khối nhập các mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng từ Trung Quốc, cũng như quần áo, thiết bị và giày dép. Trong khi đó máy móc và dược phẩm, đặc biệt từ Đức, chiếm phần lớn xuất khẩu của EU. Trong 5 năm qua Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức, với trao đổi hàng hóa tăng lên 213 tỷ euro (247 tỷ đô la) vào năm ngoái. Kết quả công bố hôm nay sẽ chỉ càng cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với thương mại của EU.




No comments:

Post a Comment

View My Stats