Saturday 2 October 2021

THÁO CHẠY (Lâm Bình Duy Nhiên)

 


 

THÁO CHẠY  

Lâm Bình Duy Nhiên

02/10/2021  08:07    

https://www.facebook.com/duynhienlambinh/posts/10226086757452523

 

Ngày đầu tháng mười, đây là lần thứ ba, người dân Sài Gòn đã tìm đường tháo chạy khỏi thành phố này.

 

Những hình ảnh tạo nên nhiều cảm xúc mạnh, thống thiết, lo lắng. Một nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn. Sau vài tháng “chống chọi” đại dịch, với sự thật bị bưng bít, che giấu, người dân Sài Gòn vẫn còn chưa thoát khỏi cơn ác mộng nghiệt ngã…

 

Dòng người tìm cách vượt những chốt kiểm soát, đạp đổ những vòng kẽm gai được dựng lên để ngăn chặn người dân là những hình ảnh sống động, tượng trưng cho nỗi sợ hãi về một kịch bản xã hội bị phong tỏa một lần nữa.

 

Có cả những người dân đớn đau, quỳ lạy lực lượng an ninh. Họ van xin như để được “thoát khỏi” một thành phố bị cô lập, tang thương và chết chóc.

 

Trong cái thành phố sầm uất và phồn thịnh này, vẫn có rất nhiều mảnh đời cơ cực của những người dân lao động, làm thuê. Chính họ đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển và giàu có của Sài Gòn. Họ đến từ những tỉnh thành lân cận. Họ để lại tất cả, từ gia đình đến kỷ niệm để tìm đường mưu sinh tại đây. Những người làm lụng cực lực và đứng bên lề của sự hào nhoáng. Từ khi chỉ thị 16 được ban ra nhằm đối phó với đại dịch, họ cùng với hàng triệu người dân Sài Gòn bị rơi vào sự phong tỏa nghiêm ngặt, phi lý và phi khoa học. Họ bị “trói chân” tại đây, không việc làm, không tiền bạc, không lương bổng, sống trong túng quẫn, đói khát và nỗi nhớ nhà tha thiết.

 

Họ, những người nghèo khổ, đến từ tứ xứ, chính là những kẻ dễ dàng bị bỏ quên nhất trong bối cảnh khó khăn chung của thành phố. Họ bị chính quyền buông xui, bỏ mặc trong các chỉ thị chạy đua theo thành tích “chống giặc” Covid.

 

Chính vì thế, họ chỉ mong được tháo chạy khỏi cái thành phố trống vắng và bị giãn cách này. Ít ra, dẫu có bị thiếu thốn, cơ cực, nhưng ít nhiều cũng còn có người thân, vợ chồng, cha mẹ, con cái bên cạnh.

 

Tiếc thay, nhà cầm quyền lại luôn độc quyền quyết đoán: chống dịch như chống giặc. Giặc chưa xong nhưng dân tình lại khổ sở, hoang mang và nghèo khổ trăm bề. Những người lãnh đạo lại chỉ hô hào những khẩu hiệu sáo rỗng, kêu gọi người dân hãy ở lại để tiếp tục “đóng góp” cho thành phố!

 

Đóng góp gì nữa? Những đồng tiền sau cùng hay tiếp tục bào mòn sức lực, gồng mình chịu đói để làm đẹp hình ảnh một thành phố đã “đập tan kẻ thù” dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của lãnh đạo?

 

Sức chịu đựng của đồng bào quả thật kinh khủng. Từ mấy chục năm qua, người cộng sản đã thành công khi áp đặt nỗi sợ hãi bao trùm toàn xã hội. Trấn áp, đàn áp và đe dọa luôn là những thứ vũ khí vô hình nhưng hiệu quả vô cùng để làm câm bặt sự phản kháng, dẫu thưa thớt và yếu ớt!

 

Và ngay cả khi sự đói khát cận kề, sự túng quẫn không lối thoát đe dọa toàn xã hội thì bộ máy cầm quyền vẫn an tâm tồn tại.

 

Cho đến bao giờ? Chỉ có người dân mới có thể có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi thương tâm và cấp bách trên!

 

Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=10226086741532125&set=a.4821006640116

 

.

5 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment

View My Stats