Friday, 1 October 2021

QUÀ TẶNG TRUNG QUỐC : NHÀ MÁY ĐIỆN NINH BÌNH (Hiệu Minh)

 


QUÀ TẶNG TRUNG QUỐC : NHÀ MÁY ĐIỆN NINH BÌNH 

Hiệu Minh  (Giang Công Thế)

01/10/2021  4 giờ  

https://www.facebook.com/giang.the.50767/posts/364700608668065

 

Hôm nay 1-10 Quốc khánh Trung Quốc. Xin chúc mừng.

 

Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, do Trung Quốc viện trợ, được khởi công xây dựng ngày 5/3/1971 với 4 tổ máy công suất 100 MW, tháng 5/1972 việc xây dựng nhà máy phải ngừng do Mỹ ném bom trực tiếp vào khu vực núi Cánh Diều, nơi xây dựng nhà máy. Năm 1974, Nhiệt điện Ninh Bình chính thức hòa nhập vào mạng lưới điện lực Việt Nam và trở thành một trong 3 nguồn điện chủ yếu của lưới điện miền Bắc.

 

Đọc bài về núi Cánh Diều và nhà máy Nhiệt điện của cựu Bộ trưởng Võ Hồng Phúc mới biết các cụ cao cao cũng biết nhưng vì hữu hảo nên theo Trung Quốc. Bộ trưởng Phúc kể khá nhiều chi tiết mà dân Ninh vầy đều thuộc.

 

Núi Cánh Diều ở Ninh Bình còn có tên là núi Ngọc Mỹ nhân, theo huyền thoại, do một tiên nữ giáng trần, hoá đá mà thành núi. Đứng từ phía Bắc, mạn Cao Bồ nhìn về nam hoặc đứng ở Cầu Yên nhìn về bắc núi có hình dáng một cô gái khỏa thân nằm ngửa.

Khi Trung Quốc giúp xây dựng nhà máy điện, muốn chọn núi Cánh Diều vì cho rằng thuận lợi cho việc bảo vệ nếu có tấn công bằng không quân (mẹ kiếp máy bay bắn từ phía nào chả được). Phía ta thì muốn xuôi về hạ lưu sông Đáy để thuận lợi cho vận chuyển than và tránh ô nhiễm bụi than cho thị xã Ninh Bình lúc đó.

 

Trong sâu xa còn có một lý do mà chỉ có các bậc cao niên lúc đó rỉ tai. Đó là lý do tâm linh: vấn đề huyệt đạo của núi Cánh Diều. Nhưng lý do này không ai dám nêu chính thức vì mê tín dị đoan là cấm kỵ lúc bấy giờ.

 

Nhà tôi (rất gần nhà Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ở Trung Trữ) cách núi Cánh Diều 12 km đường chim đi bộ nên quá biết chuyện này. Bố tôi học lớp 1 cũng biết thằng Tầu thâm. Rồi bây giờ dân vẫn đồn mỹ nhân bị đâm bằng dao hay bị hiếp tùy theo góc chụp từ đâu.

 

Tôi (Cua) còn nhớ khi xây dựng xong thì ống khói nhà máy đã cao bằng núi Cánh Diều chứ không nhớ có ống khói thứ 2 cao hơn sau này. Nhìn từ xa, cái ống khói cao hơn giống như một cái dương vật đâm thẳng vào đúng chỗ hiểm của Ngọc Mỹ nhân. Người già thì nói núi Cánh Diều bị yểm. Người trẻ thì nói Ngọc Mỹ nhân bị hãm hiếp. Cái này thì tôi đồng ý với Bộ trưởng Phúc.

 

Chuyện người đẹp bị hiếp, bị yểm bùa chỉ là dã sử nhưng 3B ô nhiễm của Ninh Bình là có thật do TQ nham hiểm để lại. Khu gang thép Thái Nguyên, cầu Thăng Long, nhiệt điện Ninh Bình, bauxite Tây Nguyên… chưa đủ mở mắt cho nhiều nhà lãnh đạo xứ ta. Giờ là đường sắt Hà Đông – Cát Linh nuốt không trôi cũng là từ phương Bắc.

 

Lúc còn bé, tôi học sử qua bố, một nông dân học xong bổ túc lớp 1 tại trường làng. Không hiểu sao, cụ chỉ biết đọc, biết viết qua loa, thế mà cụ thuộc dã sử Nguyễn Bỉnh Khiêm, vua Đinh Tiên Hoàng cờ lau tập trận, rồi các tích về những ngọn núi vùng Hoa Lư lầu lầu.

 

Nhờ cụ mà tôi biết Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là ông tổ cỡ 21-24 đời của họ Giang. Nguyễn Bỉnh Khiêm từng tham gia chấp chính trong triều đình nhà Mạc, có nhiều đóng góp, nhưng khi Mạc Thái Tông mất năm 1540 thì quốc gia rối ren.

 

Ông dâng sớ trị tội lộng thần nhưng vua mới lên thay còn trẻ, không chấp thuận, Trạng Trình đã bỏ về quê ở ẩn. Khi biết mình có thể bị liên lụy với triều đình khi đã hết thời, là người nhìn xa trông rộng, cụ đã khuyên các con đi trốn mỗi người một nơi, tránh họa tru di tam tộc.

 

Theo bố tôi kể, người con cả có tên là Nguyễn Văn Chính, hiệu là Hàn Giang cư sỹ, trốn về Ninh Bình. Khi đi qua bến đò sông Hoàng Long, nối Trường Yên với bên Gia Viễn, cư sỹ thấy phong cảnh hữu tình, liền đổi thành Hàn Giang Hầu (Giang Hàn Hầu), tránh được sự trả thù của nhà Lê – Trịnh. Dòng họ ấy đẻ ra một thằng cu đốt nhà và là chủ hang Cua.

 

Hàn Giang Hầu là ông tổ của nhà Cua mấy chục đời, hiện có nhà thờ tại cố đô Hoa Lư. Hai chục năm trước, họ Giang ra tận Tiên Lãng (Hải Phòng) để nhận họ hàng của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bây giờ giỗ họ, hai bên Nguyễn và Giang vẫn mời nhau chén rượu lạt.

Ông già tôi hay ngâm nga câu “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong” để nói về hai triều đại Lê Trịnh phải dựa vào nhau mà sống.

 

Ông kể vanh vách tích vua Đinh cờ lau tập trận, thịt trâu đãi bạn, rồi cắm đuôi xuống lỗ nẻ, bị chú đuổi chạy qua sông Hoàng Long và được rồng cứu, sau làm nên nghiệp lớn.

Tôi còn bé, nghe thế thôi, cũng không tin vào dã sử, không tin lắm vào chuyện cu Bin, cu Luck là con cháu mấy chục đời của Trạng Trình. Nhưng nhờ có cụ già nhớ dã sử mà tôi biết nhiều hơn về quê hương, đi đâu cũng so sánh, quê mình thế này, quê mình thế kia.

 

Năm 1974 tôi du học Ba Lan về phép thăm nhà thì Trung Quốc đã khánh thành nhà máy. Thấy cái ống khói cao vừa miệng núi, ông già nhà tôi đã lầm bầm “Thằng Tầu nó thâm, xây thế này thì bụi khói toàn đổ về thị xã cho mà xem”.

 

Thị xã Ninh Bình này có 3 chữ B: Bần, Bụi và Buồn chính là từ đây. Gió bắc tràn về cũng làm khói quẩn và đổ bụi vào thị xã, gió nam thổi cũng tạt bụi vào thị xã.

 

Bố tôi ngửa mặt than, nhớ lại lời sấm Trạng Trình “An Nam chớ vội làm giầu. Thằng tây nó tếch, thằng Tầu nó sang”. Các cụ nói cấm có sai.

 

HM Cua. 1-10-2021

 

Hình :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=364700322001427&set=pcb.364700608668065

https://www.facebook.com/photo/?fbid=364706148667511&set=pcb.364700608668065

 

.

119 BÌNH LUẬN  




No comments:

Post a Comment

View My Stats