Tuesday 12 October 2021

NGƯỜI TRUNG QUỐC HÀNH SỬ VỚI ĐỘNG VẬT RA SAO? Hứa Y Định - Luật Khoa)

 


 

Người Trung Quốc hành xử với động vật ra sao?

HỨA Y ĐỊNH  -  LUẬT KHOA

12/10/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/10/nguoi-trung-quoc-hanh-xu-voi-dong-vat-ra-sao/

 

- Không khác biệt bao nhiêu so với người Việt Nam.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/10/image-9-1024x536.jpeg

Ảnh: Springer Nature, Asia Meat Dog Rescue

 

Tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện được một người bạn ở Trung Quốc kể lại cách đây vài năm.

Một đồng nghiệp phương Tây vừa chuyển đến làm việc ở Bắc Kinh, nhờ cô tìm giúp một con mèo để bầu bạn. Cô vui vẻ nhận lời, dẫn cô đồng nghiệp mới đến khu chợ động vật ở trong thành phố.

 

Sau một lúc đi tìm, cô gái người nước ngoài bắt gặp một chú mèo con xinh xắn, đang bị nhốt trong lồng trước một cửa hàng. Cô quyết định chọn nuôi chú mèo này. Chủ tiệm ra giá. Hai bên nhanh chóng đạt thỏa thuận.

 

Người chủ cửa hàng liền mở lồng, đưa tay vào lôi chú mèo con ra, bẻ cổ một cách thuần thục, rồi quay sang hỏi khách có muốn chặt ra hay để vậy.

 

Cô bạn phương Tây ngất xỉu ngay tại chỗ.

 

                                                       ***

 

Trải nghiệm này không hề cá biệt với những người nước ngoài sống ở Trung Quốc.

 

Những ai yêu động vật lần đầu đặt chân đến đất nước này sẽ khám phá ra rằng nhiều người Trung Quốc cũng yêu động vật, nhưng theo một cách rất khác. Họ yêu tất cả các loài động vật, và yêu muốn chết, theo đúng nghĩa đen của từ đó.

 

Họ thích ăn, thích giết, thích biến chúng thành thuốc bỏ vào người, thích biến chúng thành quần áo mặc trên mình, thích xem chúng để giải trí, và thích treo xác chúng trong nhà để trang trí.

 

Đó là cách Deborah Cao mô tả về “tình yêu” của người Trung Quốc dành cho động vật trong quyển sách “Animals in China: Law and Society” (Động vật ở Trung Quốc: Luật pháp và Bối cảnh xã hội). [1]

 

Tác giả Deborah Cao là giáo sư tại Đại học Griffith, Úc, chuyên về lĩnh vực quyền và luật về động vật tại Trung Quốc. Quyển sách của bà là một phần trong dự án sách “đạo đức học về động vật” (animal ethics) của nhà xuất bản Palgrave Macmillan. [2] Dự án đến nay đã có 45 đầu sách từ các tác giả khác nhau trên khắp thế giới bàn về nhiều khía cạnh của quyền động vật.

 

Đóng góp trong dự án, cuốn sách của Deborah Cao vẽ ra một bức tranh tương đối hoàn chỉnh về xã hội và luật pháp của Trung Quốc trong tương quan giữa con người và các loài động vật.

 

Câu chuyện tương tự như tôi được nghe ở trên cũng được tác giả nhắc đến ngay trong phần đầu của sách.

 

Đó là trải nghiệm của những người phương Tây nhiều năm trước đây, đến khu chợ động vật ở Hong Kong tìm mua cún con, để rồi kinh hoàng nhận được một bịch thịt chó được chặt sẵn từ chú cún vừa bị giết. Hong Kong sau đó đã có luật cấm ăn thịt chó mèo, nhưng những cảnh mua bán, công khai giết chó mèo theo các cách thức tàn nhẫn nhất vẫn là chuyện thường ngày, ngay cả ở các thành phố lớn nhất của Trung Quốc.

 

Điều đáng nói, hay chính xác hơn là đáng buồn, là những người hành xử dã man với động vật hoàn toàn không nghĩ rằng họ đang làm chuyện gì xấu.

 

Trong suy nghĩ của họ, tất cả các loài động vật nói riêng và toàn bộ thế giới tự nhiên nói chung đều tồn tại để phục vụ cho con người.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/10/dogmeat-yulin_gettyimages-540540988.jpg

Một cửa hàng bán thịt chó ở Trung Quốc. Ảnh: AFP.

 

Suy nghĩ tận dụng động vật nói riêng và tự nhiên nói chung là rất phổ biến ở Trung Quốc.

 

Tác giả Deborah Cao khi tìm hiểu một cửa hàng chuyên bán các sản phẩm ngà voi đã nghe chủ cửa hàng giải thích rằng ông không quan tâm việc các con voi bị giết như thế nào để lấy ngà, hay chuyện chúng có nguy cơ tuyệt chủng ra sao. “Voi tồn tại để phục vụ con người, còn ngà voi là thứ để con người tận hưởng”, ông nói với bà.

 

Không chỉ có dân thường mới nghĩ vậy. Deborah thuật lại câu chuyện theo lời kể của giáo sư Jerome Cohen về cuộc họp giữa các quan chức hai thành phố New York và Bắc Kinh cách đây vài năm. Trong cuộc họp, khi được hỏi vì sao chính quyền Bắc Kinh thực hiện chiến dịch giết chó, thị trưởng của Bắc Kinh đã trả lời “ở Anh và Mỹ, chó có thể là bạn của người, nhưng ở Trung Quốc, chó chỉ có chức năng canh nhà chống trộm, và vì bây giờ chúng tôi đã loại bỏ trộm cướp, chúng tôi không còn cần mấy thứ bẩn thỉu đó nữa”.

 

Không có gì ngạc nhiên khi nhiều năm qua, lực lượng công quyền ở Bắc Kinh nói riêng và nhiều nơi tại Trung Quốc nói chung thường xuyên mở những chiến dịch bắt giết chó mèo rầm rộ, thẳng tay đánh chết chúng ngay tại chỗ một cách dã man. Khi bị người dân phản ứng, họ chỉ cần biện hộ đang làm công việc “bảo vệ người dân”, “bảo vệ sức khỏe cộng đồng” mà không cần phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì.

 

Tư duy coi động vật là công cụ/ tài sản chỉ nhằm mục đích phục vụ cho con người cũng thể hiện trong nhiều đạo luật của Trung Quốc, từ thời phong kiến cho tới nay.

 

Ngay cả luật Bảo vệ Động vật hoang dã (Wildlife Protection Law) của Trung Quốc cũng cho phép việc mua bán, trao đổi và sử dụng động vật với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích nghiên cứu khoa học, triển lãm, biểu diễn, bảo tồn di sản hoặc các mục đích đặc biệt khác. Đạo luật này từ lâu đã bị chỉ trích là có nhiều lỗ hổng, thậm chí bị đặt tên là “Đạo luật Tận dụng Động vật hoang dã” (Wildlife Utilization Law).

 

                                                       ***

Tác giả Deborah Cao chỉ ra rằng tư duy tận dụng động vật này ngược hoàn toàn so với các thuyết giảng triết học kinh điển của Trung Quốc từ vài ngàn năm trước.

 

Theo bà, so với triết học phương Tây cùng thời, triết học cổ của Trung Quốc đặt nhiều nền móng hơn cho sự tôn trọng tự nhiên, trong đó có động vật.

 

Trong khi các triết gia Hy Lạp thời đó đặt con người ra thành một phân loại riêng, đứng trên mọi thứ, nhấn mạnh vào khả năng sử dụng lý trí độc nhất của nhân loại và cho con người có nghĩa vụ chinh phục thiên nhiên, thì các triết gia như Khổng Tử và Lão Tử lại nhấn mạnh vào một thế giới quan của sự hòa hợp, nơi “vạn vật” – trong đó có người, động vật, cây cối, đất đá, nước và không khí – cùng tồn tại và phụ thuộc lẫn nhau.

 

Nói cách khác, triết lý kinh điển của Trung Quốc luôn đề cao “thiên nhân hợp nhất” (天人合一), con người và thế giới tự nhiên hòa làm một.

 

Tuy nhiên, như tác giả nhận định, các ý tưởng trừu tượng tốt đẹp này không được chuyển hóa thành hành động trên thực tế. Thay vào đó, rất nhiều người Trung Quốc từ lâu đã thực hành “thiên nhân hợp nhất” theo cách thức trần trụi nhất có thể: đưa mọi thứ vào trong cơ thể của mình.

 

Nhiều người thường nói đùa rằng động vật duy nhất mà người Trung Quốc không ăn thịt là các con gấu trúc.

 

Tuy vậy, cách chính quyền xem gấu trúc như “quốc bảo” không phải là bằng chứng cho thấy động vật ở nước này được tôn trọng và bảo vệ. Ngược lại, nó phản ánh đúng tư duy đã nhắc đến ở trên: chỉ bảo vệ những động vật có giá trị sử dụng với mình.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/10/image-10-1024x679.jpeg

Một lứa gấu trúc mới sinh tại Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn loài Gấu trúc Khổng lồ tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, năm 2017. Ảnh: Getty Images.

 

Gấu trúc được chăm sóc tận răng vì chúng có giá trị sử dụng lớn. Những con gấu khổng lồ này chỉ có ở Trung Quốc, và nhiều thập niên qua được chính quyền nước này sử dụng như một “quân bài ngoại giao”, làm quà tặng có giá trị cho các quốc gia khác.

 

Trong khi đó, những con gấu đen, không “quý hiếm” bằng, lại bị săn bắt hoặc nuôi nhốt trong những điều kiện tồi tệ để lấy mật.

 

Một lý do khác khiến người Trung Quốc “không nỡ” xử thịt các con vật đáng yêu này còn là vì chúng được chính quyền bảo vệ bằng các đạo luật nghiêm ngặt. Trước năm 2011, giết một con gấu trúc có thể khiến người phạm tội bị xử tử hình.

 

                                                       ***

Tác giả cho rằng, xét về mặt tư duy bảo vệ động vật khỏi các hành động đối xử tàn nhẫn của con người, Trung Quốc đang tụt hậu 200 năm so với các nước phương Tây.

 

Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh xám xịt về quyền động vật ở nước này là một bộ phận dân chúng, dù còn rất ít, đã bắt đầu có ý thức đấu tranh cho những con vật vô tội.

 

Khi nói về phong trào đấu tranh cho động vật ở Trung Quốc, Deborah Cao nhận định rằng những cuộc vận động này phi chính trị (apolitical) nên dễ được sự ủng hộ của nhiều người dân, và đặc biệt là không bị chính quyền ngăn trở.

 

Tác giả cũng cho rằng trong tương lai, các phong trào vận động cho quyền động vật của nước này nên “tránh xa các vấn đề chính trị nhạy cảm”, chỉ tập trung vào việc đấu tranh chống lại các hành vi tàn ác với động vật.

 

Đây là quan điểm khá lạc quan và có phần phi thực tế.

 

Một trong những vấn đề “chính trị nhạy cảm” nổi bật trong các thể chế độc tài là việc chính quyền đối xử tàn bạo với những đồng loại không theo ý mình. Lảng tránh nói về chuyện đó, trong khi hy vọng chính những con người ấy có thể nhân từ và yêu thương các động vật xa lạ, có vẻ là một kỳ vọng không tưởng đối với những cỗ máy tồn tại trong một thể chế được thiết kế để tận dụng mọi thứ cho riêng mình.

 


Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

 

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.


 

Chú thích

 

1.  Animals in China – Law and Society | Deborah Cao | Palgrave Macmillan. (2015). Palgrave Macmillan. 

https://www.palgrave.com/gp/book/9781137408013

 

2.  The Palgrave Macmillan Animal Ethics Series | Andrew Linzey | Springer. (2021). Palgrave Macmillan. 

https://www.palgrave.com/gp/series/14421




No comments:

Post a Comment

View My Stats