Friday, 1 October 2021

NGÀY ĐẦU “MỞ CỬA”, NHỚ NHỮNG NGÀY BUỒN, NGƯỜI GIÀ Ồ ẠT RA ĐI (Vũ Kim Hạnh)

 


 

NGÀY ĐẦU “MỞ CỬA”, NHỚ NHỮNG NGÀY BUỒN, NGƯỜI GIÀ Ồ ẠT RA ĐI   

Vũ Kim Hạnh

01/10/2021  13:22   

https://www.facebook.com/vu.k.hanh.52/posts/10159999274621122

 

Hôm nay là ngày quốc tế người cao tuổi (ngày 1/10), nói về người già cũng là hợp nhưng tôi lại phân vân. Nếu nói về người già thì chuyện đáng nói nhất lại là về một món nợ không nhỏ với họ. Nhưng hôm nay là ngày vui mà, nên không? Nghĩ đi nghĩ lại, cho tới 11 giờ đêm, tôi mới bắt đầu viết. Vì dù hôm nay là...mùng 1 Tết (Tết No Zero Covid), có những tia nắng le lói vui, xen trong màn mưa nhưng buổi chiều chừng như chẳng khác mấy những ngày qua. Vì nỗi nhớ chưa xa. Nhớ những chiều tháng 8, tháng 9 thảm khốc của Sài Gon. Và mới đây, hai cô bạn nhà báo của tôi, Hương Quỳnh và Đona Đỗ Ngọc, tình cờ cùng viết về những người đàn ông khóc mẹ ra đi vì Covid, mà khi đọc và xem cả ảnh của câu chuyện, tôi bị nỗi buồn găm chặt vào đầu không “bóc tách” ra được.

 

 

LẠY MẸ GIỮA ĐƯỜNG

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10159999279921122&set=pcb.10159999274621122

Người con trai quì chắp tay khấn vái. Di ảnh của bà mẹ quá cố được đặt trên vỉa hè trước cửa Bệnh viện 115 Sài Gòn. Cạnh đó là bó hoa, vài trái táo, bát hương...

 

Người quá cố là một trong hàng chục ngàn người đã mắc covid trong những ngày đỉnh dịch ở Sài Gòn. Những ngày ấy, tại bệnh viện 115, bệnh nhân ôm bình oxy nằm tràn hành lang, lối đi, trên sân. Và bà là một trong rất nhiều người đã mất trong hoàn cảnh đau đớn đó, chỉ sau vài giờ rời nhà nhập viện.

 

Hôm nay là thất tuần của bà (49 ngày). Theo tục lệ, con trai sửa lễ cúng thất tuần cho mẹ và trước khi biện lễ cúng tại nhà, anh đến thắp hương, nhờ nhà sư tụng niệm cho mẹ trên vỉa hè bệnh viện.

 

 

ĐƯA MẸ VỀ THĂM NHÀ

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10159999279971122&set=pcb.10159999274621122

Bà nằm viện mấy tháng, tuổi già sức yếu, như cây nến lụi dần ở tuổi 90. Nến chưa tắt thì bà dương tính với covid, được chuyển từ bệnh viện đến bệnh viện dã chiến. Cầm cự được 10 ngày thì bà yếu hẳn.

 

Cô bs “truyền hình” trực tiếp video call giây phút cuối của bà cho vợ chồng con trai bà. Anh khóc oà như đứa trẻ, xót thương mẹ không người thân kề cận phút sinh ly tử biệt. ...

 

Chiều nhận hủ tro cốt mẹ, hai vợ chồng (người vợ là bạn chị Đỗ Ngọc) dắt nhau ra công viên gần nhà. Anh ngồi rũ xuống như nhánh cây gãy mùa mưa bão. Chị nói vài lời an ủi chồng. Anh khóc, nước mắt chảy dài, gia đình còn lại mình anh, ba má mất hết rồi. Ở tuổi 60, mất mẹ anh vẫn thấy mình mồ côi, hụt hẫng bơ vơ.

 

Rồi anh chị đưa mẹ đi qua những con đường thân quen, để bà về thăm nhà lần cuối. Cụm nhà bà đang có vài ca F0 nên họ không vào được nhà, chỉ dừng lại bên kia đường, thắp nén nhang giữa trời, rồi đi, đưa bà về một ngôi chùa tĩnh lặng.

 

 

AI CHỦ TRƯƠNG KHÔNG TIÊM VAC XIN CHO NGƯỜI GIÀ?

 

Biết bao người già đã tử vong ồ ạt trong tháng 7, 8 và sau đó.

 

Cuối tháng 7, nhiều người lên FB cầu cứu khi cả nhà đi cách ly mỗi người một nơi rồi bố mất, mẹ mất, chỉ được bệnh viện báo tin, họ muốn xin một tấm hình giây phút cuối để lưu lại, muốn biết thủ tục để lo cho cha, mẹ...

 

Con số 80% các ca tử vong là những người trên 50 tuổi, còn trên 65 tuổi là một nửa tổng số tử vong. Bà bạn tôi nhà giáo Triệu thị Chơi cũng ra đi thật nhanh khi nhiễm bệnh. Không chỉ ở TP Hồ Chí Minh. Giai đoạn đầu, mấy tháng đầu, Hà Nội cũng không chủ trương tiêm cho người trên 65 tuổi. Các cơ sở tiêm vac xin (lúc đó toàn là bệnh viện) đều nhấn mạnh là không tiêm cho người trên 65 tuổi. Mãi đến tháng 8 mới có chủ trương tiêm cho người lớn tuổi. Trước đó, Bộ Y Tế có hướng dẫn rằng “không cần tiêm cho người cao tuổi” ở bệnh viện. Người cao tuổi được tiêm cuối cùng. Và nghe nói, khi Hà Nội có văn bản tiêm cho người hơn 65 tuổi và tù nhân thì các phường mới chấp hành tiêm.

 

Vì sao có chủ trương sàng lọc và loại người trên 65 tuổi ra? Phải hỏi Bộ Y Tế. Ngành Y mà không hiểu chuyện không tiêm cho người già thì không thể ngăn đà tử vong ồ ạt khi dịch bùng phát thì ta cũng đến bó tay. Và việc “bỏ họ ra” chẳng có gì bí mật, ai cũng biết. Đến đổi có nhà báo nhảy lên FB hỏi: Ủa, vậy chúng tôi là gì, đồ bỏ chăng?

 

Mình từng nghe một bạn chuyên gia nước ngoài kể rằng, chính Covax họ cũng thắc mắc tại sao viện trợ cho Việt Nam để phải ưu tiên cao nhất, trước tiên,

 

Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore khi tập trung phủ vac xin chuẩn bị Quốc Khánh của họ tháng 8, đã đi tiêm vac xin và công bố hình ảnh trên truyền hình, để khuyến khích người già đi tiêm. Khi dịch bùng phát mới đây, chuyện đầu tiên họ làm là lập lịch tiêm bổ sung đợt 3 cho 900.000 người dân cao tuổi. Và ngay trên trang web Bộ Y Tế VN, còn đăng bài về mô hình điều trị F0 tại nhà của Singapore, thì điều kiện tiên quyết để được chấp nhận là trong nhà, không được có người cao tuổi (nếu có thì đưa người già đi ở chỗ khác).

 

Huống chi Việt Nam có một tình cảnh khác người ta. Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hay đồng bằng Bắc Bộ, nhiều gia đình vắng người trẻ vì đi làm ăn xa, chỉ còn ông, bà ở nhà với cháu nhỏ. Tôi đã đi qua nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ, có những xóm làng không còn thấy bóng người trẻ, chỉ người già lủi thủi chăm cháu. Thì vai trò cột trụ, chống chịu của người già càng nhọc nhằn, quan trọng đến “thiết yếu” biết bao.

 

Tôi tin con số tỷ lệ tử vong đến 80% tổng số người ra đi vì Covid ở thành phố HCM vào một khoảng thời gian của tháng 8/2021 là người trên 50 tuổi, có nguyên nhân chính là họ không được tiêm vac xin. Thảm cảnh đau thương không bao giờ phai mờ trong lòng người dân thành phố này, không phải xảy ra ngẫu nhiên, cũng không phải do các nhà quản lý thành phố này chậm chạp hay lừng khừng. Họ không thể làm những gì họ không có thẩm quyền.

 

Cũng như họ không có quyền trao quyền tự xét nghiệm công nhân mà tốn kém khiến doanh nghiệp phải rên siết cho doanh nghiệp, cho đến hôm nay, sau cảnh báo và chỉ đạo của Thủ tướng thì Bộ Y Tế vừa có văn bản khẩn giải quyết.

.

31 BÌNH LUẬN





No comments:

Post a Comment

View My Stats