Mỹ
thua Covid vì yếu về Y tế Công cộng
04/10/2021
https://www.voatiengviet.com/a/y-te-cong-cong-my-thua-covid/6256288.html
Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp hạng
các quốc gia về khả năng ngăn ngừa bệnh dịch; nước Mỹ đứng hạng nhất. Ai cũng
tin tưởng vào những tiến bộ y học của Mỹ. Nhưng hiện nay số người bệnh và chết
vì Covid-19 tại Mỹ cao nhất thế giới. Từ tháng Tư vaccine đã dư xài, người Mỹ
nào cũng có thể chủng ngừa miễn phí. Lúc đó số người Mỹ chết vì Covid trong
100,000 dân đã cao hơn 130 quốc gia khác, như Đức, Canada, và kể cả Rwanda, Việt
Nam!
Người Mỹ không rút được những bài học kinh
nghiệm trước mắt. Bài học đầu tiên là khoa học không biết nhiều về loài vi khuẩn
đang gây bệnh. Nếu thế thì đáng lẽ nên dè dặt, càng phòng ngừa cẩn thận càng tốt.
Người Mỹ đều chấp nhận phải đeo dây lưng an toàn khi lái xe đề phòng tai nạn chết
người; mặc dù không biết bao giờ mới xảy ra. Đối với các loại vi trùng và vi
khuẩn họ lại không giữ đức tính cẩn trọng đó.
Năm ngoái, lúc đầu cả thế giới tưởng rằng loài
vi khuẩn corona chỉ truyền qua các bụi nước bọt; Cơ quan Ngừa bệnh CDC bảo chỉ
cần lo rửa tay, sát trùng, nhưng nếu không ở gần người bệnh thì không cần đeo mạng.
Khi biết vi khuẩn có thể sống trong không khí, CDC mới ra lệnh ai cũng phải đeo
mạng. Loài vi khuẩn được tự do tung hoành trong mấy tháng. Hơn một năm sau, khi
bệnh dịch tạm ngừng không tăng thêm, thì CDC đã vội vàng cho phép những ai đã
chích ngừa rồi khỏi cần đeo mạng nữa. Một lời khuyên như thế thực ra không cần
thiết! Lo đề phòng bằng cả hai phương pháp thì có sao đâu? Các nhà khoa học chịu áp lực dư
luận chống cả hai phương pháp đã chịu thua, bỏ bớt một.
Không ngờ, loài vi khuẩn biến thái thành dạng
Delta nguy hiểm gấp bội, người chích rồi vẫn có thể mắc bệnh. CDC lại đổi ý.
Nhưng Delta không chờ lệnh của nhà nước, bệnh dịch lan tràn nặng nề hơn. Không
thể nói họ không được báo trước. Biến thái Delta đã tấn công dữ dội dân Ấn Độ
trước khi đánh dân Mỹ.
Chính phủ không lo, người dân cũng lơ là. Công
ty dược phẩm Abbott sản xuất một dụng cụ thử nghiệm bệnh rất nhanh, thấy bệnh
thuyên giảm đã cho công nhân nghỉ bớt, ngưng nhiều hợp đồng chế tạo, và giảm số
thuốc tồn kho! Mặc dù dân
Mỹ có tới 62 phần trăm đồng ý cần đeo mạng và nên chích ngừa, phong trào chống
đối vẫn to tiếng khiến chính quyền 26 tiểu bang phải ngả theo. Họ sợ
sẽ thất cử! Có tiểu bang ra lệnh cấm các công sở và trường học không được bắt mọi
người phải theo các biện pháp đề phòng này, dù các bác sĩ đều thấy là cần thiết.
Đến nay dù dư thừa vaccine, tỷ lệ người đã được chích ngừa ở Mỹ vẫn thấp, đứng
hàng thứ 38 trên thế giới.
Nền y học ở Mỹ tiến bộ nhất thế giới, sáng chế
các thứ thuốc chủng và thuốc trị bệnh nhanh chóng và hữu hiệu nhất, các bệnh viện
và bác sĩ giỏi nhất, nhưng lần này đã thất bại trước bệnh dịch Covid. Theo Ed
Yong, trên báo The Atlantic ngày 29 tháng Chín, 2021, nếu
mai mốt phải đối đầu với một biến thái nguy hiểm hơn hay một trận dịch mới,
không biết nước Mỹ có sẵn sàng hay không! Ông nêu ra nhược điểm lớn nhất,
là nước Mỹ không chú trọng đến Y tế Công cộng.
Những sinh viên muốn học y khoa thường không chọn
ngành này, lý do dễ hiểu. Một bác sĩ giúp bệnh nhân thuyên giảm thì ai cũng thấy,
họ được cảm ơn và trả công xứng đáng. Nhưng một chuyên gia bệnh truyền nhiễm
đưa ra các biện pháp phòng bệnh cứu sống hàng ngàn, hàng triệu người thì không
ai biết đến! Trong số những bác sĩ tôi quen biết, một chuyên gia về Y tế Công cộng
lãnh lợi tức thấp nhất so với những người khác.
Mỗi lần nước Mỹ bị bệnh dịch, như bệnh tả trong thế
kỷ 19, Ebola hay HIV trong thế kỷ trước, mọi người cùng lo ngăn chặn. Nhưng khi
bệnh giảm đi, người ta quên. Các công ty dược phẩm không nghiên cứu vaccine trị
những căn bệnh không biết bao giờ mới phát hiện, vì tốn tiền mà không thấy lợi
ngay. Cũng vậy, không ai muốn đầu tư tìm những phương pháp chẩn đoán, các dụng
cụ thử nghiệm và thuốc trị cho các bệnh dịch không biết bao giờ mới xảy ra.
Không công ty nào sản xuất các thuốc chủng, những mạng che miệng, ngay cả những
kim chích để trong kho chờ khi nào có bệnh dịch thì đem bán.
Nền y học đặt trên căn bản lợi nhuận không thể ngăn
ngừa bệnh dịch, cho nên chính quyền phải nhúng tay vào. Nhà nước có bổn phận
theo dõi tất cả những thứ bệnh dịch có thể xuất hiện trên thế giới và ngăn ngừa
trước. Phải tích trữ sẵn các dụng cụ phòng ngừa, đồ thử nghiệm, bảo đảm một đường
dây tiếp liệu thông suốt khi cần đến. Công việc đó là trách nhiệm của chính phủ
liên bang; vì các con vi trùng không biết đến biên giới các tiểu bang.
Theo Ed Yong, từ thời 1920 chính phủ Mỹ đã
giảm bớt hoạt động trong lãnh vực Y tế Công cộng. Nhà trường bớt ngân sách dành
cho sức khỏe học sinh, các trạm y tế lo cho sản phụ trước và hài nhi sau khi
sanh cũng giải tán. Người ta nhìn vấn đề y tế chỉ là trị bệnh chứ không phải
phòng bệnh. Bác sĩ, nhà thương đóng vai chính; nghiên cứu sinh học là việc ích
lợi đáng khuyến khích nhất.
Thời 1930, ngân sách cho y tế công cộng chiếm 3.3 phần
trăm trong trong tổng số tiền chi tiêu về y tế toàn quốc. Gần đây, chỉ bằng
2.5%. Một chương trình đề phòng bệnh dịch lập ra từ năm 2002 vì mối lo anthrax, được tăng cường năm 2013, đến năm 2020 ngân sách đã giảm
còn một nửa. Ký giả Ed Yong kể chuyện bà Lisa Macon Harrison, người cầm
đầu y tế công cộng ở hai quận thuộc tiểu bang North Carolina, nói rằng mỗi năm
chỉ được cấp $4,147 đô la, để đề phòng các bệnh sởi, bệnh HIV, bệnh phong tình,
vân vân, cho 100,000 dân.
Từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, các cơ quan y
tế công cộng đã mất 55,000 nhân viên. Theo hãng tin AP và Kaiser Health News, từ tháng Tư năm 2020 đến nay đã
có 303 người chỉ huy trong hệ thống y tế công cộng đã từ nhiệm. Họ làm những
công việc âm thầm không được ai tán thưởng mà còn bị “mắng oan.” Một bác sĩ và
một giám sát viên người Việt ở quận Cam đã bị người biểu tỉnh chỉ mặt gọi là “cộng
sản.”
Từ thế kỷ 19, giới y khoa đã biết rằng nạn
nhân của các bệnh dịch phần lớn là người ít học và người nghèo. Covid-19 ngay từ
đầu đã tấn công mạnh nhất vào các người nghèo. Họ phải sống trong những căn nhà
rất đông, phải đi làm những việc tiếp xúc với công chúng, đa số trình độ giáo dục
thấp và xưa nay ít đi khám bệnh vì thiếu bảo hiểm y tế.
Những nạn nhân nghèo đầu tiên đó nuôi vi khuẩn
rồi truyền qua người khác, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Y tế không còn
là một vấn đề giữa bệnh nhân với nhà thương, với bác sĩ, mà là một vấn đề chung
của xã hội. Chúng ta không thể tránh bệnh tật nếu nhiều người chung quanh không
có bác sĩ, không được khám bệnh hàng năm, nếu mắc bệnh không được chữa trị
ngay. Cơ thể họ trở thành môi trường nuôi các loài vi trùng, vi khuẩn; chúng sẽ
lan truyền cho người khác. Phải giải quyết vấn đề y tế trong phạm vi xã hội, mặc
dù sẽ bị gán cho nhãn hiệu “y tế xã hội hóa,” hoặc tệ hơn, bị chửi là “cộng sản!”
Chính phủ Joe Biden đã dành $6.5 tỷ đô la để
tăng cường hệ thống y tế công cộng ở Mỹ. Ít quá và trễ quá! Nhiều người tính rằng
nước Mỹ cần $4 tỷ đến 5 tỷ đô la mỗi năm!
No comments:
Post a Comment