Saturday, 9 October 2021

HẬU QUẢ KHI NGƯỜI DÂN BỎ PHỐ VỀ QUÊ (Việt Hoàng)

 


Hậu quả khi người dân bỏ phố về quê

Việt Hoàng

8/10/2021

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/22856-h-u-qu-khi-ngu-i-dan-b-ph-v-que

 

Làn sóng người dân rời Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai trở về quê đang tăng mạnh khi việc đi lại được nới lỏng sau ngày 1/10/2021. Hàng đoàn người kéo nhau về quê trên đủ các phương tiện mà chủ yếu là xe máy. Gần là các tỉnh miền Tây và xa nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn.

 

Điều gây ra nhiều bức xúc cho tất cả mọi người đó là các chốt chặn trên khắp các nẻo đường, từ Sài Gòn đến tận các địa phương. Nhiều tỉnh đã không cho người dân vào và thậm chí đòi phạt tiền người dân vì tội... tự ý về quê. Mỗi địa phương mỗi kiểu, có tỉnh cho cách ly tại nhà, hoặc cách ly tập trung miễn phí, có tỉnh bắt cách ly rồi còn bắt người dân trả tiền cách ly, tiền xét nghiệm...

 

Có thể thấy đa số người dân bỏ về quê đều là dân lao động nghèo, làm việc bằng chân tay. Họ kiếm tiền ngày nào tiêu ngày ấy chứ không có dự trữ. Họ không muốn về quê mà đã cố bám trụ suốt 4 tháng ở thành phố. Các đợt cứu trợ đã không đến được với họ. Ở lại thì không có gì ăn, về quê ít ra còn có người thân để nương tựa. Bước đường cùng khiến họ chọn giải pháp quay về quê bất chấp quãng đường dài và một tương lai vô định trước mặt. Qua sự kiện này mới thấy dân mình còn nghèo và khổ đến nhường nào. Tài sản của họ chỉ gói gọn trên một chiếc xe máy.

 

Mọi lời hô hào của chính quyền rằng không để ai lại phía sau đều là giả tạo hoặc dối trá. Chiến dịch "chống dịch như chống giặc" đã hoàn toàn thất bại. Nó thất bại ngay từ trong tư duy của lãnh đạo Việt Nam khi xem dịch như giặc. Làm sao có chuyện ‘dịch’ như ‘giặc’. Virus corona là vi khuẩn vô tri vô giác, chúng đâu có biết chính quyền có quyết tâm, khẩu hiệu và ý chí chính trị. Chúng chỉ sợ mỗi vắc xin.

 

VIDEO : Cả nhà lên xe tự chế, theo dòng người về quê: “Nói ra chỉ muốn khóc thôi”

 

Việc các chính quyền địa phương lúng túng trong việc tiếp nhận dòng người đổ về quê cho thấy họ không hề có bất cứ sự chuẩn bị hay phương án gì trong suốt thời gian qua. Tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" đã thể hiện rõ qua cuộc nói chuyện giữa đại tá, giám đốc công an tỉnh An Giang, Đinh Văn Nơi với cựu lãnh đạo tỉnh, đang lan truyền trên mạng. Chính quyền Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai cũng không khá hơn gì. Họ đã không cứu trợ đầy đủ cho người lao động đang gặp khó khăn và cũng không có bất cứ một phối hợp nào với các tỉnh có người lao động để việc di chuyển về quê của người dân được chu đáo và an toàn. Nếu các địa phương lo lắng việc người dân về quê mang theo bệnh thì phải có hướng dẫn cụ thể, ví dụ ai muốn về thì đăng ký để làm xét nghiệm. Ai ốm thì phải ở lại điều trị ai khỏe thì được về. Chính quyền phải bố trí các phương tiện để đón người dân về quê chứ không thể bỏ mặc người dân tự chạy xe máy cả 2.000 cây số trong mưa gió và đêm tối như vậy. Việc chính quyền lập các chốt chặn khắp nơi khiến dòng người ùn tắc là nguyên nhân chính gây ra lây nhiễm Covid-19 do không giữ được khoảng cách cần thiết theo qui định.

 

Đại dịch Covid-19 là một thảm kịch xảy ra trên toàn cầu. Đây cũng là lúc người dân cần chính quyền nhất. Trong lúc này không hề thấy bóng dáng các tổ chức của nhà nước thuộc Mặt trận tổ quốc ở đâu như Công đoàn, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản, Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em... Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam cũng như chính sách hỗ trợ cho người nghèo thì "có cũng như không". Mọi sai lầm, kém cỏi của chính quyền đều đổ vấy hết lên đầu các "thế lực thù địch" mơ hồ mà không ai biết ở đâu.

 

Việc hàng triệu người dân bỏ về quê sẽ gây mất ổn định cho nền kinh tế Việt Nam vì các khu công nghiệp trọng điểm sẽ thiếu công nhân khi quay lại trạng thái làm việc bình thường. Tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ âm rất sâu vì người lao động chỉ quay lại thành phố sớm nhất là sau tết âm lịch. Có thể, một phần trong số họ sẽ ở lại quê chứ không quay lại thành phố. Điều này gây sức ép rất lớn về công ăn việc làm cho các địa phương. Đây cũng là hậu quả của việc đầu tư phát triển không đồng đều giữa các tỉnh thành của chính quyền Việt Nam.

 

Làn sóng đầu tư từ nước ngoài và nhất là việc chuyển các nhà máy khỏi Trung Quốc sang Việt Nam sẽ khựng lại. Các nhà đầu tư nước ngoài đã nhận ra cách xử lý và điều hành quốc gia rất vụng về và kém cỏi của Đảng cộng sản Việt Nam. Nếu có tầm nhìn và trách nhiệm thì gần một năm rưỡi trước khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát, chính quyền hoàn toàn có đủ thời gian để mua vắc xin về tiêm cho người dân và kết quả là thảm họa đã không xảy ra và Việt Nam sẽ trở thành một điểm sáng trong khu vực để các nhà đầu tư tìm đến. Nay thì họ phải suy nghĩ kỹ hơn và đắn đo hơn khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.

 

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ kiệt quệ sau cơn đại dịch này vì đa phần đều có qui mô nhỏ nên chưa có tài sản tích lũy thậm chí mất luôn khả năng trả nợ cho ngân hàng. Theo báo chí trong 7 tháng đầu năm 2021 đã có gần 80.000 công ty giải thể hoặc dừng hoạt động, trung bình mỗi tháng có 11.400 công ty ngưng hoạt động. Tại Cần Thơ thì có đến 9.800/10.000 doanh nghiệp dừng hoạt động (95%).

 

https://live.staticflickr.com/65535/51565552569_d53a1e03be.jpg

Nền kinh tế của Việt Nam sẽ bị suy thoái nặng nề sau đại dịch mà chưa ai có thể hình dung và đánh giá được mức độ nghiêm trọng của nó.

 

Bất động sản, con gà đẻ trứng vàng cho ngân sách sẽ đóng băng trong một thời gian dài vì đại dịch và vì các nhà đầu tư đang chờ xem dự luật "Thuế tài sản" sẽ triển khai ra sao. Nền kinh tế của Việt Nam sẽ bị suy thoái nặng nề sau đại dịch mà chưa ai có thể hình dung và đánh giá được mức độ nghiêm trọng của nó.

 

Lòng tin của người dân vào chính quyền suy giảm mạnh trong và sau đại dịch vì những lời hứa về các gói hỗ trợ lên tới hơn 10 tỉ đôla Mỹ. Người dân hiểu và biết hết chứ không ngờ nghệch như chính quyền nghĩ. Đã xảy ra vài vụ xô xát giữa người dân và lực lượng cảnh sát tại các chốt chặn trên đường về quê. Bần cùng sinh đạo tặc, khi hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn thì nguy cơ bất ổn xã hội càng tăng cao. Đó là qui luật của cuộc sống.

 

Có một số ý kiến cho rằng khủng hoảng kinh tế sẽ dẫn đến bất ổn về chính trị. Điều đó đúng nhưng không lớn lắm như nhiều người đang kỳ vọng. Đảng cộng sản sẽ nhân cơ hội này để "vặt lông" các nghệ sĩ và đại gia bất động sản giàu có kể cả quan chức của đảng. Khủng hoảng kinh tế cũng có thể là lý do để các phe phái trong nội bộ Đảng cộng sản đấu đá lẫn nhau nhưng phe nào thắng thì họ cũng tiếp tục duy trì chế độ như cũ. Sẽ không có bất cứ thay đổi lớn nào từ chính quyền.

 

Cũng có ý kiến cho rằng đây là thời cơ để người dân đứng dậy làm cách mạng. Sẽ không có điều đó. Nên biết 3/4 người dân Vennezuela đang sống trong điều kiện đói nghèo cùng cực, theo một báo cáo mới đây của Đại học Công giáo Andrés Bello (UCAB). Dù thế thì cho đến nay vẫn chưa có cuộc cách mạng nào đủ lớn để thay đổi thể chế chính trị tại quốc gia giàu tài nguyên này dù đối lập dân chủ được Mỹ hậu thuẫn rất lớn.

 

Người dân không kiên nhẫn, không lãng mạn mà rất thực dụng. Dù có cực khổ hay bất mãn đến đâu thì họ cũng không tự đứng dậy đấu tranh đòi quyền lợi cho mình. Phải có một tổ chức nào đó hướng dẫn và lãnh đạo họ. Tổ chức đó phải cho họ niềm tin tất thắng và dự án đổi đời đó phải được đa số quần chúng ủng hộ và chấp nhận. Nhiều người tỏ ra sốt ruột, xót xa và lo lắng cho tương lai đất nước. Điều đó đúng nhưng không thể vội vàng. Phải thuyết phục người dân và trí thức Việt Nam về một giải pháp thay thế khác, một tương lai khác và sau đó là kết hợp lại với nhau trong một vài tổ chức lớn, rồi sau cùng mới đến lúc hành động. Mọi lời kêu gọi người dân đứng dậy hay thành lập các liên minh, tổ chức đối lập trong lúc này (nếu có) thì cũng vô ích và sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng.

 

Cơ hội luôn xuất hiện nhưng nếu không có sự chuẩn bị thì cơ hội đến rồi cơ hội sẽ đi. Cơ hội chỉ thực sự đến với những ai đã có sự chuẩn bị. Nếu bạn học hành chăm chỉ và có phương pháp thì sẽ có kết quả khi đi thi. Nếu không học hành gì thì đề thi có dễ đến mấy bạn cũng trượt.

 

Chính trị là việc chung chứ không phải việc riêng của mỗi người. Chừng nào người Việt Nam hiểu được điều đó thì các tổ chức dân chủ đối lập mới nhận được sự ủng hộ cần thiết để trở nên hùng mạnh và có tầm vóc. Cũng chỉ khi đó mới có thể gây sức ép buộc Đảng cộng sản thay đổi về hướng dân chủ.

 

Việt Hoàng

(8/10/2021)




No comments:

Post a Comment

View My Stats