Wednesday, 13 October 2021

BIẾN THỂ DELTA PHÁ TAN CHIẾN LƯỢC ZERO COVID TẠI CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG (Trọng Nghĩa - RFI)

 


Biến thể Delta phá tan chiến lược Zero Covid tại Châu Á-Thái Bình Dương

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 13/10/2021 - 14:57

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20211013-bi%E1%BA%BFn-th%E1%BB%83-delta-ph%C3%A1-tan-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-zero-covid-t%E1%BA%A1i-ch%C3%A2u-%C3%A1-th%C3%A1i-b%C3%ACnh-d%C6%B0%C6%A1ng

 

Đối với nhiều nước đã áp dụng một chính sách phong tỏa nghiêm ngặt để triệt hạ dịch Covid-19 trong thời gian qua, chiến lược gọi là “Zero Covid” - tức là “sạch bóng Covid” - thành công vào lúc đầu, đã không chống chọi được với làn sóng biến thể Delta và đã lần lượt bị nhiều nước khai tử trong những ngày gần đây, với những tuyên bố thừa nhận là giờ đây cần phải tập “sống chung với Covid”.

 

https://s.rfi.fr/media/display/62b41840-2c12-11ec-a13d-005056a90284/w:980/p:16x9/2021-10-01T133550Z_299139549_RC2V0Q9SZW5T_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-VIETNAM%281%29.webp

Ảnh minh họa: Lưu thông tại Hà Nội ngày 01/10/2021, ngày đầu tiên "mở cửa" sau ba tháng bị phong tỏa nghiêm ngặt theo chiến lược "Zero Covid". REUTERS - STRINGER

 

Biểu tượng rõ nhất của sự thay đổi chiến lược này là trường hợp của New Zealand, quốc gia được tôn lên làm điển hình của việc chống dịch thành công trong giai đoạn đầu. Đầu tháng 10/2021 vừa qua, thủ tướng Jacinda Adern của nước này đã thú nhận rằng không thể tiêu diệt hoàn toàn dịch Covid mà phải chấp nhận sống chung với virus corona, đẩy mạnh tiêm chủng để hạn chế các ca nguy kịch.

 

Zero Covid: Thành công năm 2020 nhưng vô hiệu năm 2021

Láng giềng của New Zealand là nước Úc cũng đi theo chiều hướng tương tự, sau khi phải công nhận thực tế là dù đóng cửa chặt chẽ đến đâu cũng không ngăn chặn được đà lây lan của dịch Covid. Ngày 11/10/2021 vừa qua, Sydney, thành phố lớn nhất nước Úc đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ban hành 4 tháng trước đó, đánh dấu quyết định từ bỏ chiến lược “sạch bóng Covid” trên toàn liên bang.

 

Tại vùng Đông Nam Á cũng vậy, Việt Nam, nước từng được nêu lên thành điển hình của việc chống dịch thành công, đã bị làn sóng Delta tràn ngập từ cuối tháng Tư 2021, và cũng đã nhận ra rằng mục tiêu Zero Covid là không tưởng. Lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt, đặc biệt tại Thành Phố Hồ Chí Minh, thủ phủ kinh tế của Việt Nam đã bắt đầu được dỡ bỏ ngày 01/10 vừa qua, các hoạt động sản xuất được tái lập. Trên bình diện toàn quốc, nhiều điểm du lịch có thể sẽ mở lại vào tháng 12 cho du khách đã được tiêm chủng từ một số quốc gia “có nguy cơ thấp”, trước khi tiến đến việc bình thường hóa vào tháng 6 năm 2022.

 

Láng giềng của Việt Nam là Thái Lan, ngày 11/10/2021 cũng loan báo quyết định mở cửa cho những du khách đã được tiêm chủng từ một số quốc gia “có nguy cơ trung bình” kể từ đầu tháng 11, sau gần 20 tháng đóng cửa du lịch.

 

Giải thích về sự chuyển đổi chiến lược từ “sạch bóng Covid” sang “sống chung với Covid”, giới chuyên gia đều thống nhất trên một điểm: Với biến thể Delta quá hung dữ và lây lan quá mạnh, việc tiêu diệt hoàn toàn con virus gây dịch là điều bât khả thi, nhất là khi việc đóng cửa lâu dài sẽ có hậu quả kinh tế thảm khốc.

 

The Economist: Từ bỏ Zero Covid là hướng đi đúng

Trong bài phân tích “Các nước châu Á rốt cuộc đã phải từ bỏ chiến lược Zero Covid”, tuần báo Anh The Economist ngày 09/10/2021 đã nêu bật ví dụ thành công chống dịch của New Zealand, Đài Loan, Singapore trong năm 2020 và những khó khăn mà những nơi này đang gặp phải với biến thể Delta để giải thích nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi chiến lược.

 

Tuần báo Anh đã trích nhận định của ông Tikki Pangestu, một chuyên gia từng đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO, hiện làm việc tại Đại Học Quốc Gia Singapore, theo đó: “Biến thể Delta đã xuất hiện. Đã quá muộn để ngăn chặn”.

 

Đối với The Economist, trước thực tế vừa kể, việc các quốc gia từ bỏ chiến lược Zero Covid là một hướng đi thích hợp, và Singapore là quyết định như vây. Ngay từ tháng 6/2021, chính quyền của thủ tướng Lý Hiển Long cho biết đã đến lúc phải sống chung với virus. Chương trình tiêm chủng của Singapore là chương trình thành công nhất ở châu Á, với 82% dân số được chích ngừa đầy đủ.

 

Nối gót Singapore là Úc, với thủ tướng Scott Morrison ngay từ cuối tháng 8, đã tuyên bố kết thúc phương pháp tiếp cận Zero Covid, cho rằng “Đã đến lúc để trả lại cho người Úc cuộc sống bình thường”. Trong thực tế, việc các ca bệnh tăng lên sẽ không còn là vấn đề, miễn là các bệnh viện có thể đối phó. Một khi tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao nhất 80%, có lẽ vào cuối năm, hầu hết các hạn chế sẽ được nới lỏng.

 

Việt Nam: Mục tiêu sạch bóng Covid là điều "viễn vông"

Riêng về trường hợp của Việt Nam, The Economist cũng nhắc lại rằng chính quyền đã quyết định từ bỏ chiến lược này vào thượng tuần tháng 10.

 

Trong một phân tích công bố ngày 01/10/2021, giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam tại Học Viện Quốc Phòng Úc, Đại Học New South Wales, đã ghi nhận nhiều nguyên nhân khiến chiến lược Zero Covid bị  bãi bỏ, trong đó có vấn đề tính chất dữ dội của biến thể Delta.

 

Theo giáo sư Thayer, chính Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về Phòng Chống và Kiểm Soát Covid-19 của Việt Nam đã khuyến nghị rằng mục tiêu tận diệt Covid là điều “viễn vông nếu không muốn nói là không thể đạt được trong khi biến thể Delta đang hoạt động”. Ngoài ra, tác hại tài chánh của tình trạng phong tỏa kéo dài đối với nền kinh tế và các vấn đề sức khỏe tâm thần có liên quan cũng là những nhân tố thúc đẩy việc từ bỏ chiến lược Zero Covid.

 

Quyết định thay đổi chiến lược cũng được đưa ra vào lúc dịch Covid như đã vượt đỉnh và số ca nhiễm mới và tử vong trên toàn quốc đã bắt đầu giảm. Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm chủng đã bắt đầu tăng tốc.

 

Theo ghi nhận của giáo sư Thayer, vào tháng 8, Việt Nam đã khởi động một chiến dịch ngoại giao Covid quốc tế rất thành công, thu được 55 triệu liều vắc xin. Tính đến cuối tháng 9, Việt Nam mới chỉ tiêm được dưới 10% dân số, nhưng tại Thành Phố Hồ Chí Minh, một điểm nóng chủ yếu của biến thể Delta, bộ Y Tế Việt Nam cho biết là 98,5% của số dân gần mười triệu người đã được tiêm một mũi, và nay 48% đã nhận được chích liều thứ hai.

 

Zero Covid không khả thi trong một thế giới mở cửa

Nhìn chung, theo giới phân tích, việc các nước như Việt Nam, New Zealand, Singapore… thay đổi trong chiến lược, hoàn toàn không có gì là đáng ngạc nhiên trong bối cảnh biến thể Delta đã khiến cho các phương pháp tiêu diệt hoàn toàn trở nên vô ích.

 

Trả lời kênh truyền hình Mỹ CNBC ngày 06/10, nhà virus học Lawrence Young, giáo sư ung thư phân tử tại Đại Học Warwick cho rằng: “Không có gì ngạc nhiên khi New Zealand đã từ bỏ chiến lược Zero Covid. Biến thể Delta có khả năng truyền nhiễm cao đã thay đổi cuộc chơi và có nghĩa là chiến lược loại bỏ không còn khả thi nữa”.

 

Đối với chuyên gia này thì điều đó không có nghĩa là cách tiếp cận Zero Covid (như đóng cửa biên giới, cách ly, phong tỏa, truy vết…) không có hiệu quả, nhưng việc tiếp tục các hạn chế nặng nề sẽ gây tổn hại cho cá nhân và xã hội”.

 

Theo giáo sư Young, các chính sách hạn chế không khoan nhượng sẽ trở nên khó khăn hơn khi phần còn lại của thế giới mở cửa trở lại. Vấn đề là mọi nước cần phải duy trì cảnh giác: “Chúng ta cần ngăn chặn vi rút lây lan và đột biến bằng cách làm mọi thứ có thể để hỗ trợ việc triển khai vac-xin trên toàn cầu”.

 

                                                      ***

Các nội dung liên quan

.

Yếu tố thúc đẩy Việt Nam chuyển từ "Zero Covid" sang sống chung với virus

.

Covid-19 : Đóng cửa quá lâu, Việt Nam mất nhiều « khách sộp »

.

Covid-19 : Sài Gòn nới lỏng giãn cách xã hội kể từ tối 30/09





No comments:

Post a Comment

View My Stats