Xử
lý khủng hoảng kiểu… Thủ tướng?
09/08/2021
https://www.voatiengviet.com/a/xu-ly-thong-tin-kieu-thu-tuong/5995902.html
https://gdb.voanews.com/4571DBA3-2FA0-4224-BE34-6CB32169AC1E_w650_r1_s.png
Ông Phạm Minh
Chính: Dứt khoát không để xảy ra khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế - xã hội,
khủng hoảng truyền thông.
Cuối tuần vừa qua, Phòng An ninh Chính trị nội
bộ của Công an thành phố Đà Nẵng loan báo đang điều tra về một video clip, ghi
lại cuộc thảo luận giữa một nữ giảng viên môn Văn hóa Anh của Khoa Ngoại ngữ Đại
học Duy Tân với một nam sinh viên (1)…
Trước đó vài ngày, nam sinh viên vừa kể đã đưa
lên mạng xã hội đoạn video clip dài khoảng bốn phút ghi lại cuộc trò chuyện giữa
cậu và cô giáo của mình. Nội dung cuộc trò chuyện giữa hai người khiến cho người
xem có cảm tưởng cậu sinh viên cố tình bẫy người dạy mình.
Cậu gợi ý để cô giáo của mình chia sẻ suy tư về
thế sự giữa mùa dịch, đại ý: …Từ đầu mùa dịch tới giờ, chính phủ đã hỗ trợ
gì cho em chưa? Đã tiếp cận được vaccine chưa? Có nước nào dân chạy 1.500km về
quê? Hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém, đúng không? Cô cảm thấy rất
nhục nhã vì điều đó. Khi dịch đến, dân những quốc gia khác trên thế giới được hỗ
trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vaccine, còn chúng ta thì thế nào? Em lên thử
đèo Hải Vân coi, đó mới là sự nhục nhã (2)… để ghi âm rồi… tố cáo!
Đáng ngạc nhiên là không chỉ có một số cá
nhân, một số nhóm trên mạng xã hội… hoan hô cậu sinh viên
và… chỉ trích nữ giảng viên, hệ thống truyền thông chính thức
cũng rùng rùng kéo nhau nhập cuộc. An ninh chỉ mới khởi động điều tra, chưa xác
định ai là bị can, việc nêu những nhận xét vốn rất phổ biến và chính xác về thực
trạng phòng, chống dịch của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt
Nam chưa được xác định là có dấu hiệu phạm tội gì để khởi tố vụ án nhưng nữ giảng
viên đã bị hệ thống truyền thông chính thức khẳng định là đối tượng có
những… phát ngôn phiến diện!
Sự kiện vừa kể chỉ là một trong vô số sự kiện
cho thấy, thay vì suy tính, điều chỉnh, đặt định những giải pháp hợp lý và hữu
hiệu hơn nhằm giảm thiểu tổn thất nhân mạng, giảm thiểu thiệt hại mọi mặt do đại
dịch và những biện pháp bất cập gây ra, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền
của Việt Nam chỉ chuyên chú thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng: Dứt khoát
không để xảy ra khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế - xã hội, khủng hoảng
truyền thông (3)!
Khen ngợi một sinh viên tố thầy cô, điều động
an ninh, điều tra một nữ giảng viên chỉ vì cô chia sẻ suy nghĩ của cô về cách
thức quản trị, điều hành hoạt động phòng, chống dịch chính là ví dụ minh họa
cách thức ngăn chặn… khủng hoảng truyền thông!
***
Cũng vào cuối tuần vừa qua, mạng xã hội rúng động
trước tin… có bác sĩ tên Khoa đã rút ống thở vốn đang là phương tiện trợ sinh
cho cha mẹ của mình để cứu một sản phụ mang song thai và nhờ vậy, cứu được cả
ba mẹ con…
Ngay sau đó, một số người nêu ra hàng loạt
nghi vấn về những tình tiết vô lý trong câu chuyện mang tính… nêu gương vừa
kể, chẳng hạn: Việt Nam cho phép nhân viên y tế thực hiện các hành vi
trợ tử từ khi nào? Trong xã hội Việt Nam, hiếu đễ không còn giá trị nên con cái
tước đoạt sinh mạng của cha mẹ sẽ được tung hô như một anh hùng? Việt Nam không
thừa nhận có… khủng hoảng y tế, tại sao bác sĩ lại bị đẩy đến chỗ hoặc được
dành cho quyền định đoạt ai sống, ai chết?..
Nhìn một cách tổng quát, tuy tạo được sự thán
phục, đồng cảm cao nơi nhiều người nhưng câu chuyện về… “bác sĩ Khoa” hại
nhiều hơn lợi. Cũng vì vậy, giới hữu trách phải lên tiếng, tuyên bố… câu chuyện “bác
sĩ Khoa” là… hư cấu và… sẽ điều tra (4).
Nếu thử tìm kiếm, đối chiếu cả về thời gian lẫn
nội dung những diễn biến liên quan đến câu chuyện về… “bác sĩ Khoa” trên
mạng xã hội, có thể tạm phác họa lại nguồn gốc scandal này như sau: Một nữ
Facebooker vốn rất nhiệt tình trong quyên góp, hỗ trợ những người đang gặp khó
khăn vì đại dịch COVID-19, đặc biệt là quyên góp, hỗ trợ các nhân viên y tế, bệnh
viện đã ngỏ lời chia buồn với một bác sĩ mất cả cha lẫn mẹ, đồng thời chia sẻ
những cảm xúc của cô về trường hợp này…
Những thông tin ấy trên trang Facebook của cô
đã được một nhà báo thêm đầu, thêm đuôi để trở thành câu chuyện hoàn chỉnh,
liên quan đến việc có bác sĩ quyết định hy sinh song thân nhằm cứu ba mạng người
khác giữa đại dịch (5).
Nhà báo ấy là ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng
biên tập báo Pháp Luật TP.HCM. Ngoài chuyện làm báo, ông Hiển còn là một
Facebooker thuộc loại nổi tiếng, có rất đông người đọc, người theo dõi. Từ khi
COVID-19 lan rộng tại TP.HCM, ngày nào ông Hiển cũng viết vài ba status, chia sẻ
cả thông tin lẫn suy nghĩ, nhận định liên quan tới đại dịch COVID-19. Câu chuyện
“bác sĩ Khoa” gây rúng động cả mạng xã hội lẫn dư luận vì nó được ông Hiển
giới thiệu trên trang facebook của ông.
Ông Hiển lên tiếng xin lỗi vì đã để cảm
xúc đi trước, cùng lúc với việc giới hữu trách lên tiêng, tuyên bố… câu
chuyện “bác sĩ Khoa” là… hư cấu và… sẽ
điều tra. Tuy nhiên khác với nhiều người đưa… thông tin sai sự
thật lên mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung, bên cạnh việc
xin lỗi, ông Hiển còn tuyên bố: Tôi tin vào điều tốt (6)! Trên
thực tế, từ lúc đợt dịch thứ tư bùng phát đến giờ, ông Hiển là một trong những
người thường xuyên cổ xúy cho… điều tốt trên trang Facebook của
ông.
Ông Hiển không chỉ giới thiệu thông tin, hình ảnh
về việc người này, nhóm kia góp công, góp của, giúp đỡ đồng bào đang khốn khó,
kích thích mọi người góp thêm công, của, mà còn chia sẻ nhiều suy nghĩ, nhận định
của ông về những bẳng chứng của khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế -
xã hội trên diện rộng: Dân đói. Tháo chạy nhưng giới hữu trách không
có kế hoạch nào cứu giúp. Cần được cứu nhưng không có nơi nào đáp ứng. Thậm chí
thân nhân trực tiếp mang nạn dân đến bệnh viện, bệnh viện cũng không tiếp nhận!..
Giống như nhiều cơ quan truyền thông chính thức
khác, ngay cả tờ Pháp Luật TP.HCM cũng không dám chia sẻ những thông tin, suy
nghĩ như ông Phó Tổng biên tập của họ đã đưa trên Facebook kèm khẳng định hết sức
tự tin: …Giữa những ngày đau thương này (tôi có thể bị phê bình khi dùng từ
này, tôi biết chứ) (7)… Cứ đọc kỹ những status của ông Hiển
sẽ thấy, không những không thể… phê bình ông Hiển, có thể hệ
thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đang ráng tìm thêm những người
như… ông Hiển để ngăn chặn… khủng hoảng truyền thông dù khủng
hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế - xã hội đã hiện diện!
Khi số người nhiễm, số người chết vì COVID-19
tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung tăng không ngừng, quả là không dễ
tìm được những người kể chuyện… có duyên, khiến đám đông vừa… đồng
cảm, vừa… đồng điệu với những nhắc nhở kiểu như thế này của ông Hiển: …Cảm
giác bất lực của chúng ta khi mất người thân chỉ là cái móng tay so với cảm
giác bất lực của bác sĩ và áp lực đối với những người có trách nhiệm trong
chính quyền...
Với cách lồng ghép thông tin và nhận định kiểu
đó, bao nhiêu người sẽ nhận ra… bất bình, tuyệt vọng vì cách thức quản trị, điều
hành vô lý, bất cập để đòi điều chỉnh cho hiệu quả hơn… KHÔNG PHẢI LÀ…
ĐIỀU TỐT? Thậm chí CÒN không phải là… NGƯỜI TỐT vì… cực
đoan, không chịu tin vào… ĐIỀU TỐT! Con số đó đã tăng rất nhanh và
hiệu quả rất rõ. Chẳng phải câu chuyện về “bác sĩ Khoa” khiến rất nhiều
người mê mẩn trước những “NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT” và một số người
còn tự nhận là họ cảm thấy nợ… “bác sĩ Khoa”… hai mạng đó sao?
Còn cách nào tốt hơn, khéo hơn trong việc ngăn
chặn khủng hoảng truyền thông khi khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế - xã hội
đã trở thành hiển nhiên, khiến công chúng… quên trách nhiệm của hệ thống chính
trị, hệ thống công quyền trong hoạch định chiến lược phòng, chống dịch, không hề
nghĩ gì, không hề chuẩn bị gì để tiếp sức, giữ mạng, giảm đau thương cho nạn
dân nên mức độ của thảm họa càng ngày càng tồi tệ, vì đề cao những tâm tình kiểu
như… Chiến đấu cùng dịch bệnh trong bệnh viện có các chiến sĩ áo trắng,
những người lính sẽ nâng giấc linh hồn đồng bào (8)… Còn bao nhiêu người
nhận ra, tình trạng “shipper” chuyển, trao tro cốt như phát hàng là… chuyện nhỏ?
Tương tự, sẽ có bao nhiêu người thấy cần phải
truy cứu trách nhiệm của lãnh đạo công an, đối tượng lẽ ra phải chịu trách nhiệm
chính khi tình trạng lạm dụng hoàn cảnh, nghịch cảnh, chèn ép, trấn lột những
gia đình có thân nhân tử nạn bởi COVID-19 trở thành phổ biến do nghe thủ thỉ… Một
cán bộ Phòng PA03 kể: Anh Nam, Giám đốc Công an thành phố rất phẫn nộ. Chỉ đạo
lực lượng phải làm rõ chiêu trò này, không để cho tồn tại… Chắc là
không nhiều vì sau khi nghe ông Hiển kể chuyện, thiên hạ còn thấy thêm rất nhiều
người hưởng ứng, thổn thức: Bộ đội Cụ Hồ, coi dân như cha mẹ… Cảm động
quá. Chính quyền và quân đội hết lòng vì dân!..
***
Một số người bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ
tin và muốn được thấy ông Hiển bị hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt
Nam xử lý vì scandal “bác sĩ Khoa”. Niềm tin và mong muốn đó đặt
trên những trường hợp như trường hợp mới nhất - an ninh của Công an thành phố
Đà Nẵng bắt đầu điều tra nữ giảng viên Đại học Duy Tân… đã có những
phát biểu phiến diện! Tin và muốn như thế dẫu hữu lý song dường như… không
có cơ sở.
Loan báo rộng rãi việc điều tra nữ giảng viên
Đại học Duy Tân là một cách ngăn chặn… khủng hoảng truyền thông.
Quan sát hoạt động của ông Hiển và một số ông, bà khác trên mạng xã hội dễ có cảm
giác dường như đó cũng là một cách ngăn chặn… khủng hoảng truyền thông để
giảm thiểu tác động của khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế - xã hội! Không
phải tự nhiên, sau scandal “bác sĩ Khoa”, ông Hiển vẫn rất tự
tin tuyên bố… TIN VÀO ĐIỀU TỐT và tiếp tục giới thiệu… NGƯỜI
TỐT, VIỆC TỐT!
Dường như nhiều sai lầm trong phòng, chống dịch
ở TP.HCM đang lập lại tại một số địa phương khác, trong đó có Hà Nội. Ví dụ,
ngoài việc phải có Giấy đi đường do nơi làm việc cấp theo mẫu
đã được qui định, giấy này còn phải được chính quyền phường nơi đương sự làm việc
xem xét, phê duyệt (9)! Bao nhiêu người tin rằng những yêu cầu này sẽ hạn chế
lây nhiễm COVID-19? Tuy nhiên cứ yên tâm, bất kể thế nào, đa số công chúng vẫn
tiếp tục được dẫn dắt, tự nguyện để được dẫn dắt, đinh ninh vào… ĐIỀU TỐT mà
quên cả thực tại lẫn tương lai! Ngăn chặn… khủng hoảng truyền thông bằng
cả bạo lực và… ĐIỀU TỐT quả là… sáng suốt, tài tình!
---------------------
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/NhatKyYeuNuocVN/posts/4222631971106613
(3) https://tienphong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-khong-de-xay-ra-khung-hoang-y-te-post1360980.tpo
(5) https://www.facebook.com/nganha.tran.35/posts/10158792168402144
(6) https://www.facebook.com/bocuhung/posts/10159768340824090
(7) https://www.facebook.com/bocuhung/posts/10159766683209090
(8) https://www.facebook.com/bocuhung/posts/10159767343534090
(9) https://www.youtube.com/watch?v=5auAEIOS8No&ab_channel=VTCNOW
================================================
.
.
Đà
Nẵng: Sự thật cuộc tranh luận giữa Giảng viên và Sinh viên ĐH Duy Tân
Cali
Today
August 7, 2021
Hành trình người
dân từ miền Nam về quê tránh dịch COVID-19, dừng tại đèo Hải Vân- ảnh Facebook
Thinh Nguyen
Mới đây cộng đồng mạng xã hội ở Việt Nam nói chung
và ở Đà Nẵng nói riêng đã chia sẻ khá nhiều về một video clip dài khoảng 4 phút
ghi lại đoạn tranh luận giữa một Giảng viên với một Sinh viên trường Đại học
Duy Tân Đà Nẵng. Phía Công an TP.Đà Nẵng vào cuộc làm rõ nội dung video clip
này cho rằng nội dung có cái nhìn phiến diện, không chính xác trong “cuộc
chiến” phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam…
Vào ngày 4/8/2021 vừa qua, Cali Today có theo
dõi một đoạn video clip dài khoảng 4 phút được đăng tải trên mạng xã hội
Facebook và Youtube, ghi lại nội dung cuộc tranh luận khá căng thẳng giữa giảng
viên Trần Thị T. giảng dạy môn văn hóa Anh –Khoa Ngoại ngữ-Đại học Duy Tân Đà Nẵng
với Sinh viên H (giọng nữ-tạm gọi là nữ sinh viên H) học ở trường này. Bối cảnh
của cuộc tranh luận là tại một buổi học online.
Nội dung của cuộc tranh luận được Cali Today
hiểu là mở đầu cô T nói về văn hóa Châu Âu, hầu hết các quốc gia ở Châu Âu đều
có một nền an sinh xã hội tốt đẹp, điều này khó có quốc gia nào ở Châu Á có được.
Cuộc tranh luận nhanh chóng được cô T chuyển sang lấy ví dụ ở Việt Nam cụ thể
là công tác phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện tại. Cô T nói với nữ Sinh
viên H rằng: Cô cảm thấy nhục nhã về điều những người mà để cho đồng bào mình
phải đi xe máy 1500km về quê.
Nữ giảng viên và
sinh viên tranh luận về cuộc chiến chống dịch trong clip lan truyền trên mạng
xã hội- ảnh_ GTO (1)
“Cô hỏi em nề. Chuyện dịch là chuyện trên toàn
thế giới, có dân nước nào mà chạy xe máy 1500km về quê ? Như vậy hệ thống an
sinh xã hội chúng ta quá kém đúng không? Em nên biết xấu hổ những gì đáng xấu hổ”
-Trích lời của cô T:
“Cô cảm thấy nhục nhã khi đồng bào của cô chạy
xe máy 1500km về. Cô cảm thấy rất nhục nhã về điều đó. Tại sao cũng là con người
mà khi dịch đến những quốc gia khác trên thế giới người ta được hỗ trợ rất nhiều
kể cả việc tiếp cận Vắc-xin. Còn chúng ta thì như thế nào? Đồng bào của chúng
ta, em lên chổ đèo Hải Vân coi kìa, đó mới là sự nhục nhã. Khi em lên đèo Hải
Vân và em sẽ thấy những người họ chạy những chiếc xe máy tả tơi đi về. Tại sao
họ phải chịu cảnh đó? Cô cảm thấy điều đó cực kỳ nhục nhã đối với chúng ta,
chúng ta cảm thấy cực kỳ nhục nhã về điều đó…em phải biết nhục nhã đúng chổ.”
Chiếc xe máy tơi tả
được cho là của bà con chạy từ miền Nam về quê ở miền Trung- ảnh facebook Vương
Trần
Cô T nói bản thân cô không thích cái gì mà nó
hành hạ lẫn nhau và có hỏi nữ Sinh viên H.
“Cô hỏi em nề, từ đầu mùa dịch đến giờ Chính
phủ đã hỗ trợ cho em được cái gì chưa?”- Trích dẫn lời cô T “Có nhận được Vắc-xin
chưa?”
Sau đó cô T khuyên nữ Sinh viên H: “Em về xem
lại tất cả mọi thứ. Còn hôm nay cô không tranh luận với em về điều này nữa.
Chúng ta không đồng quan điểm, sự nhục nhã của em và sự nhục nhã của cô hoàn
toàn khác nhau.”- Trích dẫn lời cô T:
“Cô không nói gì hết, đó là cái cô thấy. Em
xem lại thái độ của em đi.”
Về nội dung tranh luận của nữ Sinh viên H. Nữ
sinh viên H nói với cô T rằng: “Những gì cô thấy chỉ là bề nổi cô có biết không
cô? Em không có tự nhận thế này thế kia nhưng với sự quan hệ của em, em cũng đã
được đi học xa, em cũng từng kết bạn với nhiều nước trên thế giới và em cũng đã
gặp rất nhiều trường hợp và trường hợp của cô là trường hợp đầu tiên em cảm thấy
bị xúc phạm nặng nề…cô nói người Châu Á da vàng các thứ, xong rồi cô kêu là Tây
thì nó sang hơn, mỗi nước có cái sang riêng .”- Trích lời của nữ Sinh viên H:
“Cô đang nói về mùa dịch nhưng mà bây giờ cô
đang nói chuyện liên quan từ lúc khai sinh cho đến bây giờ là việc Châu Á và
Châu Âu, cô đang phân biệt chủng tộc. Cô đang phân biệt chủng tộc.”
Hành trình người
dân từ miền Nam về quê tránh dịch COVID-19, dừng tại đèo Hải Vân- ảnh Facebook
Thinh Nguyen
Liên quan đến nội dung tranh luận công tác
phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam thì nữ Sinh viên H cho biết bản thân không
thuộc diện hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Việt Nam hiện đang tập
trung Vắc-xin cho Sài Gòn.
Nữ sinh viên H hỏi cô T là “Cô không thích người
Việt Nam luôn đúng không ?” Và nặng lời khuyên cô T cảm thấy không sống được ở
đây thì cô T nên dừng việc dạy ở trường Đại học Duy Tân.
“Nếu mà cô nói như vậy, cô cảm thấy không sống
được ở đây thì cô nên dừng việc dạy ở trường Duy Tân. Cô nên dừng việc dạy ở
trường Duy Tân tại vì việc đó em cảm thấy là rất nhiều người, kể cả người Châu
Á nói chung, học sinh Việt Nam nói chung, con người Việt Nam nói chung…” Trích
lời nữ Sinh viên H:
“Em không có nhục nhã về điều gì, chỉ có cô
nói là cô nhục nhã. Chỉ có cô nói là cô nhục nhã thôi chứ còn không có ai nói
nhục nhã ở đây hết”
Cộng đồng mạng theo dõi cuộc tranh luận cho biết
đoạn Video Clip ghi lại cuộc tranh luận này sau đó được nữ Sinh viên này đăng tải
lên mạng xã hội và cho rằng vì tranh luận không lại cô T nên nữ Sinh viên H
đăng lên mạng xã hội để tố cô T.
Liên quan đến nội dung tranh luận của cô T thì
vào những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8/2021, truyền thông và mạng xã hội Việt
Nam tràn ngập hình ảnh những đoàn người khoảng hàng trăm, hàng ngàn người cưỡi
xe máy từ miền Nam chạy ra miền Trung và miền Bắc. Họ là những người dân ở các
tỉnh miền Trung và miền Bắc Việt Nam, trước khi dịch COVID-19 bùng phát họ vào
các tỉnh miền Nam Việt Nam như Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu…
để tìm kế sinh nhai. Khi dịch COVID-19 bùng phát kéo dài và hiện tại đang hoành
hành nghiêm trọng ở hầu hết các tỉnh miền Nam, bà con gặp muôn vàn khó khăn, thất
nghiệp, kiếm miếng ăn và chổ ở hết sức khổ sở.
Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng
Tàu…giờ không thể cưu mang bà còn được nữa nên bà con đành phải khăn gói về lại
quê hương miền Trung hay miền Bắc để tìm kiếm sự cưu mang. Hành trình của đoàn
người nếu điểm đến từ Thừa Thiên Huế trở ra Bắc thì bà con phải dừng tại chốt
kiểm dịch ở đèo Hải Vân để làm thủ tục và nhờ lực lượng chức năng giúp đỡ qua
chốt đặng tiếp tục cụôc hành trình tìm về quê hương. Đáng nói ở đây, không phải
ai về lại quê hương cũng được tiếp nhận suôn sẻ bởi lãnh đạo ở một số địa
phương ra thông báo không tiếp nhận vì cho rằng bà còn về sẽ làm tăng thêm gánh
nặng trong công tác phòng-chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương.
Trở lại cuộc tranh luận giữa cô T và nữ Sinh
viên H. Mạng truyền thông CSVN cho biết, vào ngày 6/8/2021 vừa qua, Phòng An
ninh Chính trị nội bộ-Công an TP Đà Nẵng đã vào cuộc xác minh, làm rõ các nội
dung liên quan đến đạon video clip tranh luận trên vì cho rằng nội dung có cái
nhìn phiến diện, không chính xác trong “cuộc chiến” phòng chống dịch COVID-19 của
Việt Nam, đủ căn cứ sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đại diện trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng cho biết
đã yêu cầu cô T và nữ Sinh viên H làm bản tường trình, sau đó tiếp tục xem xét
lại toàn bộ video và sẽ có hướng xử lý nghiêm việc này. Nhà trường thông báo hợp
tác với cơ quan Công an để xác minh, làm rõ./.
THIÊN HÀ
No comments:
Post a Comment