Thursday, 19 August 2021

THỂ THAO và ĐỊA CHÍNH TRỊ : MỘT CUỘC HÔN NHÂN CƯỠNG CHẾ? (Minh Anh - RFI)

 


Thể thao và địa chính trị : Một cuộc hôn nhân cưỡng chế ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 19/08/2021 - 08:12

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20210819-the-thao-dia-chinh-tri-hon-phoi-cuong-che

 

Thể thao và chính trị như một cặp đôi khó thể tách rời. Giới quan sát cho rằng, những cuộc tranh tài thể thao quốc tế lớn thu hút sự chú ý của giới truyền thông nắm giữ ít nhất ba vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế : Một chiếc gương dị dạng, một bộ máy tuyên truyền và một đấu trường giữa các cường quốc.

 

https://s.rfi.fr/media/display/11eb6388-fc19-11eb-b1d4-005056a90284/w:900/p:16x9/000_9KU343.webp

Ngọn lửa Olympic trong lễ bế mạc kỳ Thế Vận hội Tokyo 2020, Nhật Bản, ngày 08/08/2021. AFP - BEHROUZ MEHRI

 

Một điều chắc chắn : Thể thao có một chức năng địa chính trị. Từ thế vận hội Berlin năm 1936 – đấu trường tuyên truyền cho Đức Quốc Xã – cho đến nắm tay giơ cao của hai vận động viên người Mỹ Tommie Smith và John Carlos tại Olympic Mêhicô 1968, rồi từ cuộc đua xe địa hình Dakar ở Ả Rập Xê Út 2020? cho đến ngoại giao sân vận động của Trung Quốc, hay sắp tới là Cúp bóng đá thế giới ở Qatar 2022… chưa có lúc nào thể thao lại trở thành một thách thức địa chính trị lớn như lúc này. Hơn thế nữa, đó còn là một công cụ thực thi « quyền lực mềm », một công cụ gây ảnh hưởng cực kỳ hiệu quả.

 

 

Tokyo 2020 và hơi hướm Chiến tranh lạnh

 

Thế Vận Hội Tokyo vừa kết thúc cũng không là một ngoại lệ. Đây sẽ là một kỳ thế vận đáng nhớ trong lịch sử. Bất chấp dịch bệnh Covid-19 hoành hành dữ dội, sự phản đối mạnh mẽ của công luận, chính phủ Tokyo vẫn quyết tâm tổ chức sự kiện trọng đại này trong khuôn khổ thu hẹp, nghĩa là không có khán giả. Tất cả tựu trung cũng chỉ vì hai chữ « chính trị ».

 

Carole Gomez, giám đốc nghiên cứu về Địa chính trị thể thao, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trên đài RFI giải thích :

« Đây là một thách thức thật sự cho Nhật Bản trong việc duy trì thế vận hội, bởi vì ngay từ chiến dịch vận động giành quyền đăng cai, Nhật Bản đã xem kỳ thế vận hội này như là một sự hồi sinh. Năm 2013, cuộc vận động đã diễn ra rất là gay gắt giữa Tokyo, Istanbul và Madrid. Nhật Bản nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kỳ thế vận này trong bối cảnh hậu Fukushima.

Nhưng ý tưởng ở đây còn muốn xem kỳ tranh tài này như là một sự sang trang đại dịch virus corona. Ủy ban Tổ chức thế vận nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng, không chỉ cho Nhật Bản, mà còn cho thế giới nữa : Sự chấm hết của dịch bệnh Covid và sự trở về của nhân loại.

Ở đây còn có một yếu tố không thể bỏ qua : Thế vận hội cho người khuyết tật sẽ phải diễn ra và Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh sắp tới. Do vậy, lẽ đương nhiên, Nhật Bản không thể để Trung Quốc chiếm đoạt lấy hình ảnh này ».

 

Olympic 2020 còn gây sự chú ý bởi vụ một vận động viên điền kinh người Belarus, Krystsina Tsimanouskaya phải « cầu cứu » Ủy Ban Olympic Quốc Tế (CIO) để có thể đi tị nạn chính trị ở Ba Lan. Cô tố cáo hai huấn luyện viên của Belarus đã đe dọa và cưỡng ép cô về nước chỉ vì những lời chỉ trích các định chế thể thao của nước này.

 

Đối với ông Pascal Boniface, giám đốc Viện IRIS, sự việc gợi nhắc lại thời quá khứ chiến tranh lạnh :

« Có một sự trở về với thời kỳ chiến tranh lạnh. Chúng ta biết rõ là trong suốt giai đoạn này, các vận động viên điền kinh, thể thao của nhiều nước cộng sản bị giám sát chặt chẽ, để họ không thể trốn thoát ra nước ngoài, họ không thể chọn lấy sự tự do.

Còn nhớ là trong kỳ thế vận hội mà Liên Xô lần đầu tham gia năm 1952, có một làng thể thao đặc biệt dành riêng cho các vận động viên Liên Xô, để họ không thể hòa lẫn với những đoàn thể thao các nước khác. Thế nên, chúng ta thấy rõ cốt lõi của hệ thống chính trị Belarus hiện nay vẫn còn gắn chặt với thời Stalin. »

 

https://s.rfi.fr/media/display/48744f9a-eadb-11eb-a5df-005056bf30b7/GettyImages-514865956_JO-Mexico-1968_Smith-Carlos_1920px_web.webp

Tommie Smith (G) và John Carlos (T), giơ cao nắm tay trên bục danh dự tại Thế Vận hội Mêhicô 1986, nhằm phản đối tình trạng kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ. © Bettman / GettyImages

 

 

Chính trị và thể thao không thể hòa lẫn ?

 

Cũng theo nhà nghiên cứu Boniface, các định chế thể thao luôn nói rằng không nên trộn lẫn thể thao và chính trị. Điều đó vừa là thành thật, nhưng cũng là giả dối. Ngay từ phiên bản đầu tiên của thế vận hội hiện đại, nam tước Coubertin, khi muốn tái dựng lại Thế vận hội, đã vạch hẳn hai mục tiêu, trong đó khía cạnh chính trị, chiến lược là không thể phớt lờ:

« Đây thật sự là ví dụ về một mệnh lệnh đầy mâu thuẫn. Nam tước Coubertin đã không thoát được những định kiến thời bấy giờ, nhưng cùng lúc tạo ra được điều gì đó hoàn toàn mang tính phổ quát, có tầm quan trọng rất lớn.

Trong phiên bản thế vận hội đầu tiên này, chỉ có 13 nước tham gia, gồm hai nước châu Mỹ và 11 quốc gia châu Âu. Nhưng đó là kỳ thế vận của nam giới và người da trắng. Rồi sau này Thế vận hội gần như hoàn toàn mang tính đại diện cho tất cả các quốc gia, những kỳ thế vận phổ quát.

Tuy nhiên, ở ông Coubertin còn có một điều gì đó hơi giả dối, cũng có thể là vô thức : Ông ấy không muốn người ta bày tỏ chính kiến, không pha lẫn thể thao với chính trị, nhưng lại muốn làm dịu các mối quan hệ quốc tế. Đây rõ ràng mang tính chính trị.

Nhưng cũng nên nhớ rằng còn có một ý đồ khác mà nam tước Coubertin muốn che giấu : Mang lại nguồn năng lượng, tác phong nỗ lực cho giới trẻ Pháp để phục thù cuộc bại trận trước quân Phổ năm 1870, hơn là mục tiêu thế vận hội. Bởi vì người ta cho rằng thất bại của nước Pháp một phần là do thể lực không bằng quân Phổ. »

 

 

Thể thao : Sàn đấu cho hai khối Đông - Tây

 

Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, Chiến Tranh Lạnh ùa đến, và thể thao còn là một sàn đấu khác cho cuộc so tài Đông – Tây. Sau mỗi một kỳ Thế vận, người ta lại đếm số huy chương vàng giữa Liên Xô và Mỹ nhằm chứng tỏ hệ thống nào, xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, là hiệu quả nhất, phù hợp cho giới trẻ nhất và đặc biệt là có nhiều hiệu năng nhất.

 

Bà Carole Gomez nhớ lại :

« Kể từ năm 1952, người ta thật sự thấy rõ trong lối suy nghĩ một số chiến lược nào đó chỉ để chứng tỏ trên địa bàn rằng hệ thống của họ là tốt nhất. Điều này được thể hiện rõ cả trên bình diện thành tích thể thao, kỷ lục được phá, lẫn trong khả năng tổ chức các cuộc tranh tài.

Người ta còn nhớ là Thế vận hội mùa hè 1980 được tổ chức ở Matxcơva, nhưng Thế vận hội cho người khuyết tật năm đó lại diễn ra ở Hà Lan, bởi vì Liên Xô cho rằng đất nước của họ không có người tàn tật, do vậy chẳng có lợi ích gì khi tổ chức các cuộc tranh tài cho người khuyết tật trên lãnh thổ của mình.

Kỳ thế vận hội năm đó đã bị tác động mạnh bởi làn sóng tẩy chay quan trọng. Vấn đề ở đây là người ta đang ở giữa lòng những căng thẳng mang tính thời sự quốc tế và ý muốn thật sự nâng cao giá trị hệ thống của mình, bất kể đó là chủ nghĩa tư bản, hay chủ nghĩa cộng sản, nhằm chứng tỏ đến mức nào hệ thống này vượt trội hơn hệ thống khác. »

 

Hình thức cạnh tranh này vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay, và in sâu trong tâm thức người xem đến mức phản ứng đầu tiên vào cuối một kỳ thế vận hay một cuộc tranh tài là nhìn xem hoặc tổng số huy chương, hoặc ai đứng trên bục danh dự.

 

Nhà nghiên cứu địa chính trị thể thao Carole Gomez nói tiếp :

« Điều thú vị là ngày nay người ta còn thấy vài di chứng của sự căng thẳng mạnh mẽ đó giữa Hoa Kỳ và Nga, và rộng hơn nữa giữa Mỹ với nhiều cường quốc khác, ở đây là với Trung Quốc. Cụ thể là có một sự cạnh tranh gay gắt trong việc sắp hạng số huy chương.

Kỳ thế vận hội 2008 tại Bắc Kinh đặc biệt thú vị bởi vì, lần đầu tiên Trung Quốc về đầu trong bảng tổng sắp số huy chương, vụ việc này đã dẫn đến một chút căng thẳng ngoại giao nhỏ giữa hai tòa đại sứ Mỹ và Trung Quốc, bởi vì bên nào cũng cho là mình về đầu trong bảng xếp hạng. Một bên thì viện dẫn tổng số huy chương, còn bên kia thì đòi tính số huy chương vàng. »

 

https://s.rfi.fr/media/display/f921cc1a-fc19-11eb-947f-005056bfb2b6/000_Par6684870.webp

Sân vận động hữu nghị Trung Quốc - Gabon tại Libreville, ngày 27/11/2011. AFP - WILFRIED MBINAH

 

 

Trung Quốc và chiến lược « ngoại giao sân vận động »

 

Với nước Nga của ông Vladimir Putin, thể thao còn là một cách thức để lấy lại vị thế đất nước. Khi lên cầm quyền, chủ nhân điện Kremlin muốn khôi phục lại danh dự cho thể thao Nga sau một chuỗi sự kiện thảm hại trong những năm 1990, làm lộ rõ những suy sụp về chiến lược và kinh tế của thể thao Nga và đất nước nói chung.

 

Ông Pascal Boniface, giám đốc viện IRIS, nhắc lại, cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác, tổng thống Nga trông cậy nhiều vào thể thao vì mục tiêu sức khỏe cộng đồng, nhưng cũng nhằm làm tỏa sáng đất nước :

« Tổng thống Nga can dự nhiều đến mức tay bị nhúng chàm vì vấn đề doping. Đó không phải là một nước Nga tham dự vào Thế vận hội, mà là đoàn vận động viên Nga. Dù vậy, họ cũng đã có được thứ hạng cao. Đúng là ông Putin có một quyết tâm như vậy và ông ấy đã có được Thế vận hội mùa đông Sotchi, Cúp bóng đá thế giới 2018. Dù cho có những căng thẳng, Sotchi và World Cup vẫn không bị tẩy chay. Và cho dù các cuộc tranh cãi về Qatar 2022 có ra sao, chúng ta có thể đánh cược rằng không một đội tuyển nào đã qua vòng loại sẽ tẩy chay. Tôi cho rằng thời kỳ của "sự tẩy chay" cả cho JO lẫn World Cup là đã lỗi thời. »

 

Thể thao chưa hẳn là một chiếc đũa thần kỳ, nhưng là một công cụ  hữu hiệu, nếu người ta biết sử dụng một cách thông minh. Đây cũng chính là những gì Trung Quốc đang làm đối với các nước châu Phi. Xưa kia với Mỹ để nối lại quan hệ, người ta nói đến « ngoại giao bóng bàn », thì nay với các nước châu lục đen, Bắc Kinh dùng chiến lược « ngoại giao sân vận động » để mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi, theo như giải thích của bà Carole Gomez :

« Chính sách này giờ mang một diện mạo mới với sự ra đời của dự án Những Con đường Tơ lụa mới, hoặc thông qua các chương trình trao đổi, hoặc các công trình xây dựng, hoặc hợp tác chặt chẽ giữa các định chế thể thao, đương nhiên cả với các định chế chính trị nữa.

Ở đây, Trung Quốc có một quyết tâm thật sự đến cắm rễ trên lãnh thổ các nước châu Phi. Người ta nói nhiều đến những con đường tơ lụa mới đi qua vùng Trung Á, châu Âu, mà quên rằng những con đường này còn băng qua cả châu Phi, với những cảng biển, thành phố, thủ đô, những mạng lưới giao thông, năng lượng, và đương nhiên có cả các công trình xây dựng.

Ví dụ như tại Gabon, ba trong số các sân vận động là hoàn toàn được xây dựng nhờ vào nguồn tài chính của Trung Quốc nhân kỳ tranh tài của châu lục. Điều đó cho thấy rõ là sự hiện diện của Trung Quốc ở châu lục này là rất quan trọng. »

 

Kể từ giờ, thể thao chiếm một vị trí vượt quá mọi giới hạn chung nào trong một không gian công cộng quốc tế mà nó chưa từng có trong quá khứ. Câu hỏi muôn thuở luôn được đặt ra : Liệu rằng thể thao có làm cho các mối quan hệ quốc tế bớt căng thẳng ? Lời giải đáp cho câu hỏi này cũng thật là khó. Nhưng có một điều chắc chắn là : Trên cả những cảm xúc, thú vui, niềm vui và hy vọng, đây còn là một vấn đề địa chính trị ! 

 

                                                        ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

EURO 2020 - CHÍNH TRỊ

Cúp Bóng đá Châu Âu : Một cuộc tranh tài tràn ngập chiến thuật địa chính trị

 

.

OLYMPIC - ĐỌ SỨC MỸ-TRUNG

Trung Quốc cay cú vì không soán được ngôi Cường Quốc Thế Vận số 1 của Mỹ

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats