The
Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy,
biên dịch
13/08/2021
http://nghiencuuquocte.org/2021/08/13/the-gioi-hom-nay-13-08-2021/
Herat trở thành thủ phủ tỉnh thứ 11 của Afghanistan
bị Taliban chiếm trong chưa đầy một tuần. Trước đó cùng ngày nhóm chiến
binh đã chiếm Ghazni, một tỉnh lỵ có vị trí chiến lược trên con đường nối thủ
đô Kabul và thành phố lớn thứ hai đất nước Kandahar. Giao tranh ác liệt vẫn tiếp
diễn ở Kandahar và Lashkar Gah, thủ phủ tỉnh Helmand. Sau khi rút quân, Mỹ sẽ
điều khoảng 3.000 người trở lại để sơ tán nhân viên khỏi đại sứ quán ở Kabul. Một
nhóm nhân viên ngoại giao “nòng cốt” tiếp tục ở lại.
Đảng Cộng sản Trung
Quốc công bố kế hoạch kinh tế 5 năm mới, tăng cường kiềm soát các lĩnh vực
quan trọng, bao gồm công nghệ và y tế. Bản kế hoạch theo sau chuỗi cuộc đàn áp
gần đây với những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, vốn chứng kiến Ant Group, Didi Global, và Tencent tuột giá thê thảm. Đảng nói mục tiêu là tạo ra một môi trường
pháp lý phù hợp “đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của mọi người về một cuộc sống
tốt đẹp”.
Còn ở Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp
giảm trong tuần trước, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế phục hồi. Cụ thể đây
là lần đầu tiên số đơn mới theo tuần giảm xuống mức 375.000 (đã điều chỉnh theo
mùa). Con số này cao hơn đáng kể so với trước đại dịch, nhưng cải thiện vượt bậc
từ đỉnh hồi mùa xuân năm ngoái là 6 triệu đơn. Hiện có khoảng 12 triệu người
đang nhận trợ cấp thất nghiệp.
Giá bán sỉ ở Mỹ đã tăng 7,8% trong năm
tính đến tháng 7, nhanh nhất trong lịch sử và cao hơn nhiều so với dự báo. Lạm
phát tiêu dùng năm vẫn ổn định ở mức 5,4%, bằng mức cùng kỳ năm ghi nhận trong
tháng 6. Tuy nhiên nó có thể tăng trong những tuần tới, vì giá tăng đối với
cánh bán sỉ trước rồi mới đến người tiêu dùng.
Kinh tế Anh tăng trưởng 4,8% trong quý
hai so với quý trước, nhờ nhà hàng, quán rượu, tiệm làm tóc và các cơ sở kinh
doanh không thiết yếu khác được mở cửa lại sau phong tỏa. Song nền kinh tế vẫn
nhỏ hơn 4,4% so với trước đại dịch, trong khi người ta lo ngại việc biến thể
Delta lan rộng có thể làm chậm đà phục hồi.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 76 người
sau cuộc bạo động chống người di cư ở thủ đô Ankara. Bạo động bùng lên sau khi
có tin một người tị nạn Syria đâm chết hai người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng trăm
người đổ về Altindag, một quận ở thành phố có nhiều người Syria sinh sống. Đám
đông ném đá vào nhà và xe hơi, đồng thời cướp phá các cửa hàng.
Báo cáo của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ
cho thấy dân số da trắng lần đầu tiên giảm trong thập niên qua. Tăng trưởng dân
số nói chung xuống chỉ còn 7,4%, thấp nhất kể từ những năm 1930. Nguyên nhân là
suy giảm mức sinh và giảm nhập cư. Các vùng miền Nam và miền Tây trở nên đông
dân hơn. Trong khi đó The Villages, một cộng đồng hưu trí ở Florida, trở thành
khu vực đô thị phát triển nhanh nhất.
TIÊU
ĐIỂM
Lãnh đạo Apple
Daily thay nhau ra tòa Hồng Kông
Hai trong số những người điều hành Apple
Daily, tờ báo ủng hộ dân chủ cuối cùng của Hồng Kông, sẽ quay lại tòa án vào
hôm nay vì các cáo buộc liên quan đến an ninh quốc gia. Tổng biên tập Ryan Law
và giám đốc điều hành Cheung Kim-hung bị buộc tội bắt tay với thế lực nước ngoài.
Bằng chứng chính là các bài báo kêu gọi các biện pháp trừng phạt lên chính quyền
Hồng Kông. Ông chủ tờ báo, ông trùm truyền thông Jimmy Lai, cũng đang chờ xét xử
về tội danh đó. Tương tự là sáu nhân viên khác đang ngồi tù hoặc tại ngoại.
Apple Daily đã đình bản từ tháng 6 sau khi bị
đóng băng tài sản và nhân viên bị bắt. Nhiều người Hồng Kông vẫn còn thương tiếc
tờ báo cũng như sự tự do chính trị tương đối mà nó mang lại. Nhưng đảng Cộng sản
Trung Quốc và phe ủng hộ ở Hồng Kông không nghĩ vậy. Đảng tuyên bố tờ báo là một
“công cụ tuyên truyền” cho “các lực lượng bài Trung và gây bất ổn” trong và
ngoài nước. Do đó có thể dự đoán các nhân vật này sẽ phải chịu hình phạt nghiêm
khắc.
Bùng nổ giá nhà
gây lo ngại
Nhiều người Mỹ lo lắng về lạm phát giá tiêu
dùng. Nhưng liệu họ có nên lo lắng hơn về giá bất động sản cũng đang tăng cao?
Nhờ lãi suất cực thấp, giá nhà ở Mỹ đã tăng 11% – kể cả khi đã điều chỉnh theo
lạm phát giá tiêu dùng – trong 12 tháng tính đến tháng 5. Chỉ số giá nhà toàn cầu
của The Economist, với thông tin từ 26 quốc gia, cho thấy giá trị thực
đã tăng trung bình 7,1% so với năm dữ liệu có sẵn gần nhất.
Các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Cục Dự trữ
Liên bang Hoa Kỳ, dĩ nhiên không an tâm với màn tăng giá chóng mặt này, vì nó
có thể gây vỡ bong bóng dẫn đến mất ổn định tài chính. Hồi tháng 6 Ngân hàng
Thanh toán Quốc tế, ngân hàng của các ngân hàng trung ương, cho biết kể từ đầu
đại dịch giá nhà tăng nhiều hơn dự đoán từ các yếu tố cơ bản, chẳng hạn như chi
phí đi vay hay tiền thuê. Giá đang cao hơn 20% so với mức trung bình dài hạn
khi so với giá thuê tại 15 trên 25 thị trường mà The Economist có dữ liệu;
và ở 10 trên 23 thị trường khi so với thu nhập hộ gia đình.
Biden mở rộng
chương trình bảo hiểm y tế của Obama
Mất việc làm do đại dịch gây nhiều khó khăn.
Nhưng mất việc ở Mỹ có nhiều rủi ro hơn hẳn, vì ở nước này bảo hiểm y tế hầu
như do chủ lao động đóng. Tổng thống Joe Biden — rõ ràng không muốn tình trạng
thất nghiệp làm tăng số người không bảo hiểm — đã can thiệp hợp lý. Ông tăng trợ
cấp tạm thời cho những người thu nhập thấp có mua bảo hiểm qua các sàn giao dịch
của Đạo luật Chăm sóc Giá cả Phải chăng (ACA), đứa con tinh thần của Tổng thống
Barack Obama. Ông Biden cũng kéo dài thời hạn đăng ký đến hết tuần này. Vốn
không đủ điều kiện nhận trợ cấp, một số người có thu nhập trung bình cao hơn 4
lần so với mức nghèo liên bang (106.000 đô la cho một gia đình bốn người) giờ
đây đã có thể tham gia chương trình. Và nó sẽ mang lại lợi ích cho khoảng vài
triệu người.
Động thái của ông Biden là lần mở rộng ACA lớn
nhất cho đến nay. Đảng Dân chủ muốn các khoản trợ cấp này là vĩnh viễn. Song
khoảng 30 triệu người Mỹ vẫn chưa có bảo hiểm. Một nửa số đó đủ điều kiện nhận
bảo hiểm miễn phí nhưng có lẽ không biết vì chính phủ không chạy nhiều quảng
cáo. Đó là một vấn đề về thông tin, chứ không phải về chi phí.
Tình trạng Mexico
sau 500 năm thành lập
Nhiều nhà sử học ghi nhận Mexico hiện đại ra đời
cách đây 500 năm trước, khi Tây Ban Nha chinh phục thủ đô Tenochtitlán vĩ đại của
người Aztec (Mexico City ngày nay). Nó sụp đổ đã kéo theo cả đế chế. Dĩ nhiên
Mexico vẫn ghi nhớ sự tàn bạo của chế độ thực dân. Nhưng song song đó cũng tôn
vinh sự đa dạng văn hóa mà chế độ đó tạo ra, đặc biệt là mestizaje, tức những
người ra đời từ sự kết hợp của người bản địa và người châu Âu.
Mexico là độc nhất trong số các nước thuộc địa
Tây Ban Nha với việc xây dựng được một hệ tư tưởng chính thức tôn trọng kết hôn
đa sắc tộc như thế. Tuy nhiên nếu như ngày xưa người Tây Ban Nha – cùng với các
đồng minh địa phương – đàn áp người bản địa (hay giết chết họ bằng cách làm lây
lan đậu mùa), thì ngày nay những người Mexico da trắng thượng lưu vẫn sống tốt
hơn hẳn các đồng bào da màu nghèo hơn.
Tổng thống Andrés Manuel López Obrador đã chỉ
ra sự bất bình đẳng này. Nhưng ngoài vài cử chỉ mang tính biểu tượng như yêu cầu
Tây Ban Nha xin lỗi vào năm 2019 hay thay đổi một vài tên đường, ông không làm
gì nhiều để giải quyết nó.
No comments:
Post a Comment