Friday 13 August 2021

ĐÔI ĐIỀU VỀ CHUYỆN CHỐNG DỊCH Ở VIỆT NAM (Trịnh Dương)

 


Đôi điều về chuyện chống dịch ở Việt Nam

Trịnh Dương

13/08/2021

https://baotiengdan.com/2021/08/13/doi-dieu-ve-chuyen-chong-dich-o-viet-nam/

 

Cho đến nay, khi chủng Delta đang hoành hành trên toàn cầu, có thể nói chưa một quốc gia nào chiến thắng được đại dịch Covid. Chỉ có những nước như Mỹ, liên minh châu Âu, Do Thái là những nước có thể khống chế phần nào, khi tỉ lệ chích ngừa trong dân khá cao, trên dưới 70% hoặc hơn.

 

Khi Việt Nam mới bước vào thời kỳ đầu của đợt lây nhiễm thứ tư với biến thể Delta nguy hiểm này, điều làm tôi lo lắng nhất là đỉnh dịch đang còn ở phía trước. Và một câu hỏi lớn đặt ra là: Bao giờ đến đỉnh dịch? Tôi nghĩ rằng, có thể các chuyên gia giỏi nhất về dịch tễ học khó có thể trả lời được câu hỏi này.

 

Biến thể Delta tràn vào Việt Nam, những “ngạo nghễ”, những hô hào “Covid -19 mày phải chết”, hay “bịt mọi kẽ hở không cho virus vượt qua”, “Covid đến Việt Nam, mày phải thất bại” … đã trở lên khôi hài. Một việc nhỏ là những cái tủ lạnh âm sâu để chứa vaccine, chúng ta vẫn chưa có được.

 

Khi biến thể Delta tràn vào, chúng ta thấy rõ những sợ hãi, những hoảng hốt từ cấp lãnh đạo khi họ ra những chỉ thị, những chỉ đạo điều hành phòng chống dịch. Đúng là, con covid quá tài, mày thử thách tài lãnh đạo, mày cũng mang cái tai đến cho lãnh đạo chăng?

 

Đỉnh dịch đang còn ở phía trước, Việt Nam, trong điều kiện eo hẹp về kinh tế, hạn chế về nguồn lực y tế, sẽ ứng phó như thế nào?

 

Trước hết, cần phải sớm ban hành một hành lang pháp lý, chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, phải bảo đảm rằng các địa phương không thể ra những thủ tục mang tính chất “giấy phép con”, tính “cát cứ” cục bộ địa phương. Đây là đòi hỏi quan trọng nhất, vì công cuộc chống dịch còn kéo dài. Việc mời các chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm của những nước đã chống chọi với dịch bệnh dài ngày là cần thiết.

 

Thứ hai, bằng mọi giá phải bảo vệ hệ thống y tế, không được phép sụp đổ. Vậy phải bảo vệ bằng cách nào?

 

Thành lập ngay một trung tâm điều phối các trang thiết bị y tế phòng dịch, thuốc thang, rà soát lại các thiết bị hiện có, kế hoạch mua sắm, đào tạo gấp nhiều bác sĩ có chuyên môn về Hồi sức cấp cứu, các kỹ thuật viên vận hành các trang thiết bị phòng ICU.

 

Triển khai chích ngừa theo thứ tự ưu tiên, gồm lực lượng tham gia phòng dịch, những người già có bệnh nền. Ngoài ra, những nhóm cần ưu tiên chích ngừa trong giai đoạn này là những người tham gia vận tải hàng hóa, kho vận, logistics, bởi chính họ là những người duy trì mạch máu nền kinh tế. Kế đến là những người làm trong lĩnh vực dịch vụ tang lễ, bất kể họ thuộc tư nhân hay nhà nước. Và những tiểu thương buôn bán nhỏ, những nhóm người yếu thế dễ tổn thương, cũng cần được bảo vệ.

 

Một nhóm nữa cũng cần phải được ưu tiên là những người ngư dân, họ phải được chích ngừa đủ hai mũi để họ yên tâm ra khơi. Tôi nghĩ rằng ngoài tự lo cho cuộc sống của họ, duy trì nguồn lợi hải sản cho đồng bào, họ chính là những chiến sĩ bảo vệ cương vực giá trị hơn những chiếc tầu ngầm im ắng trong một vịnh nào đó. Cũng không thể để những con thuyền nằm phơi bờ nắng mưa. Đó là tài sản quý giá cấp Quốc gia.

 

Phải sớm có chiến lược khôi phục sản xuất, có kế hoạch an sinh rõ ràng cho người dân, của tùng địa phương.

 

Một cuộc di cư vô tiền khoáng hậu vừa diễn ra khi Sài Gòn đóng cửa, một bài học đau lòng khi những “chạy dịch nhân” di chuyển hàng ngàn km trên những xe máy cà tàng, với những người lăn lóc bộn bề trên hành trình này, với những mệt nhoài khi lăn ra ngủ trên đèo Hải Vân, với “chạy nhân” còn đỏ hon hỏn trên tay người mẹ, với những tấm áo mưa tơi tả vượt hàng ngàn km, với những cuộc chạy bộ, đạp xe đạp về quê. Một bài học đau nhói tâm can.

 

Thứ ba: An sinh, an dân, giảm thiểu số người chết. Nên chăng, thành lập một Ủy ban Tình trạng khẩn cấp, hay Bộ tình trạng khẩn cấp? Cơ quan này phải đặt trực tiếp dưới sự chỉ đạo của thủ tướng. Nếu có, tôi nghĩ không ai phù hợp vị trí này hơn bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu. Ông là người hội tụ đủ Đức, Trí bản lĩnh. Một lời hiệu triệu của ông bằng cả ngàn lần những giáo sư, tiến sỹ với một đống lý luận cao cấp.

 

Một điều nữa, phải bình tĩnh ứng phó với dịch bệnh, giúp người dân nhận thức rõ, không được phép ru họ ngủ khi chiếu được rải trên đống củi đang cháy. Chúng ta đang loay hoay ứng phó với biến thể Delta, nếu xuất hiện một biến thể mới, sẽ ứng phó ra sao?

 

Hôm nay Sài Gòn, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… rồi sắp tới sẽ là địa phương nào nữa? Chúng ta đã chuẩn bị gì cho một Hà Nội, nếu xảy ra số ca nhiễm tăng vọt?

 

Đâu đó là những tiếng kêu cứu xé lòng ở con hẻm A, đường B, phường C, quận Z. Nhìn vô Sài Gòn từ trên cao, có những khu phố, với cấu trúc như một cảng nội địa với những container rối rắm chồng chất. Những làng xóm cần cứu đói ở địa phương XYZ nào đó sẽ nhiều lên, và đừng để lịm dần trong vô vọng.

 

Hôm nay, miền bắc đã Lập thu, mùa đông lạnh giá sắp về. Tôi không muốn nghe ca sĩ Chế Linh hát về mùa thu buồn.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats