Sài
Gòn ngày phong tỏa thứ ba mươi ba
10/08/2021
https://baotiengdan.com/2021/08/10/sai-gon-ngay-phong-toa-thu-ba-muoi-ba/
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18 — phần 19 — phần 20 — phần 21 — phần 22 — phần 23 — phần 24 — phần 25 — phần 26 — phần 27 — phần 28 — phần 29 — phần 30 — phần 31 — phần 32
.
Hôm qua, thành phố đã gióng lên tiếng kêu là
đang bắt đầu tình trạng thiếu vaccine trong những ngày tới. Thành phố báo chỉ
còn 600.000 liều, Ông Bộ thì bảo còn đến 1.700.000 liều. Nói qua nói lại chưa
đi đến đâu thì hôm nay thành phố nhận được một thông báo của Bộ Y tế về việc
mua, nhập khẩu vaccine phòng dịch của TP.HCM. Đại khái nội dung của thông báo
là Bộ đã làm việc với Công ty Zuellig Pharma, đơn vị được Moderna chỉ định nhập
khẩu, phân phối vắc xin phòng virus Vũ Hán cho khu vực châu Á, Thái Bình Dương,
trong đó có Việt Nam.
Công ty Zuellig Pharma dự kiến có thể cung cấp
được 5 triệu liều vắc xin của Moderna cho Việt Nam. Bộ đề nghị thành phố nếu cần
mua, Bộ sẽ tạo điều kiện thực hiện các thủ tục cấp phép nhập khẩu, kiểm định
vaccine nhanh nhất. Bộ đề nghị thành phố nếu không cần mua thì gởi văn bản trước
ngày 15.8.2021 để Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho đơn vị, địa
phương khác mua. Ép dữ quá rồi nha.
Ô hô! Thành phố đang khó khăn vì thiếu
vaccine, dịch cũng đang tiếp tục với con số chưa chịu xuống như mong đợi. Thành
phố cũng cố gắng vượt bực để chủng ngừa cho dân. Tốc độ 300.000 liều trong một
ngày là một tốc độ tiêm chủng rất cao kể cả so với một số nước tiên tiến của
Châu Âu. Thành phố muốn đạt chỉ tiêu tiêm chủng 70% dân. Bộ không đồng tình với
con số báo cáo đã đành, còn đưa thông báo này như thế triệt buộc. Tức là không
cung cấp thêm, nhưng thành phố nếu thấy cần thì bỏ tiền ra mua, Bộ giúp thủ tục
cho. Còn nếu không mua thì Bộ dành ưu tiên cho nơi khác. Không lẽ chửi thề một
phát cho đã tức.
Trong khi thành phố là nơi bùng phát dịch lớn
nhất nước, số người nhiễm và tử vong hàng ngày cao nhất nước, là thành phố đóng
góp cho ngân sách nhiều nhất, cũng là nơi có nhiều nhà máy, nhiều doanh nghiệp
sản xuất hàng hoá cung ứng cho cả nước. Chưa kể trong đợt đóng góp vào Quỹ
Vaccine của chính phủ, thành phố cũng là nơi đóng số tiền nhiều nhất, trên cả
ngàn tỷ đồng.
Đóng góp nhiều, đang gặp hoạn nạn, đang cần
thuốc để chữa lành bệnh, mở lời lại bị bảo rằng muốn thêm vaccine à, bỏ tiền
mua đi, ta giúp phép cho. Oái ăm không hả trời. Có điên được không? Chắc là
lãnh đạo thành phố cũng sẽ cắn răng xuỳ tiền để mua vaccine về cứu thành phố chứ
biết làm sao bây giờ. Hay là cuối cùng phải đành đem Sinopharm của bà Trương Mỹ
Lan ra xài để chữa lửa. Chơi hơi kỳ à nha! Chơi thế thì chơi với ai?
Trong kho còn gần 7 triệu liều, để dành cho hết
date hay sao? Hay dành riêng cho ai, cho địa phương nào? Chỗ nào lửa cháy thì
đem nước mà dập chứ! Ông Vũ Đức Đam đã từng tha thiết kêu gọi các địa phương
nên nhường bớt vaccine cho thành phố kia mà? Sao bây giờ lại quăng cục lơ tàn
nhẫn thế? Nghe đồn trong nội bộ cũng đang có nhiều mâu thuẫn ý kiến với nhau về
công tác chống dịch. Không biết tin có thật không? Ruồi muỗi cũng dễ chết vì mấy
chuyện này lắm nghe!
***
Chuyện anh chàng bác sĩ rút ống thở của mẹ cứu
sản phụ giờ đã rõ ràng là một tin nhảm. An ninh đã vào cuộc, Bộ Thông tin đã ký
giấy phạt hai nhà báo lanh chanh câu view, cũng có mấy người có tiếng tăm nhỏ lệ,
nghiêng mình trước tin này, giờ chắc cũng quê độ. Nghe nói đây là kịch bản của
một nhóm từ thiện hoạt động lâu nay lấy tên là Bác sĩ 82 gì đấy. Nhóm này thường
kêu gọi mọi người đóng góp để giúp các lực lượng đang chiến đấu trên tuyến đầu
chống dịch. Tiền kêu gọi được không biết sử dụng như thế nào?
Nhân vật bác sĩ Trần Khoa cho đến nay là nhân
vật ảo với một câu chuyện lâm ly ảo. Avatar của Trần Khoa là hình của Phó Giáo
sư Toh Wei Seong, hiện đang sinh sống và làm việc tại Singapore. Hình ảnh về
Phó Giáo sư được Facebook của Đại học Quốc gia Singapore đăng tải trong một bài
viết giới thiệu từ ngày 5.3.2017.
Về bằng cấp, Phó Giáo sư này học Cử nhân tại Đại
học Melbourne, Úc; học Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore. Anh
cũng nắm giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng tại NUS như Phó Giáo sư có nhiệm kỳ Khoa
Nha; Phó giáo sư Khoa phẫu thuật chỉnh hình, Trường Y Yong Loo Lin; Phó giáo sư
Khoa Kỹ thuật Y sinh, Khoa Kỹ thuật; làm việc tại Viện Khoa học Đời sống (thuộc
NUS)…
Như vậy, tác giả của vụ lừa này cũng đã lên một
kịch bản khá hoàn chỉnh, mục đích chắc là sau khi tạo hiệu ứng của dư luận sẽ
tiến hành chuyện quyên góp mua máy thở hoặc thiết bị y tế và rung đùi bỏ túi.
Nhưng dân mạng bây giờ nhạy lắm, khó mà qua mặt được.
Trong cơn đại dịch hiện nay, rất nhiều cá
nhân, tổ chức đã cố gắng để có thể giúp dân nghèo đang khó khăn trong cuộc sống
từng hộp cơm cho đến bó rau. Đã có nhiều tổ chức thiện nguyện quyên góp mua thiết
bị y tế để trang bị cho các bệnh viện, cho đội ngũ y tế đang thiếu thốn trong
việc điều trị cho các bệnh nhân. Cũng đã có nhiều người không ngại nguy hiểm,
lây nhiễm xung phong giúp cho các gia đình có người mất vì dịch trong việc lo
quan tài, tẩm liệm, đem thiêu.
Tuy vậy, cũng có nhiều người, nhiều nhóm lợi dụng
thời cơ để lừa đảo kiếm tiền trên những đau khổ của người khác, lợi dụng lòng tốt
của mọi người để kiếm tiền bỏ túi riêng. Bọn chúng tìm đủ mọi cách để gợi lòng
thương của mọi người bằng cách tạo nhiều hoàn cảnh éo le, nghiệt ngã, đau
thương rồi mở tài khoản gom tiền. Dán ta thì dễ mủi lòng, dân Sài Gòn lại có
lòng thương người hoạn nạn nên rất dễ sa vào bẫy của chúng.
Trong những ngày giãn cách, làm ăn không được,
kiếm tiền không ra, lại xuất hiện những trò lừa đảo mới. Bọn chúng tạo thành
nhiều nhóm gắn mác “kiếm tiền online mùa dịch” tung hoành trên mạng xã hội,
khôn khéo dụ dỗ, lôi kéo con mồi vào bẫy. Đối tượng của các nhóm lừa đảo này là
những người đang bị thất nghiệp, nhân viên, công nhân bị giảm lương đang gặp
khó cần kiếm thêm thu nhập, những bà nội trợ có chút tiền để dành, những học
sinh, sinh viên đang không kiếm được việc làm vì mùa dịch, những người lao động
không còn kế sinh nhai và kể cả những người có chút tiền nhàn rỗi muốn sinh lợi…
Chúng quảng cáo ngồi chơi vẫn kiếm tiền dễ
dàng, như mở ra nhóm “Kiếm tiền online” với hơn 210.000 thành viên trên
Facebook kêu gọi, mời chào tham gia để kiếm lợi. Một tài khoản ảo khác với tên
Ngoc Tu, chắc cũng là tên ảo, gọi mời vào nhóm Zalo “Hỗ trợ kiếm tiền mùa dịch”,
kèm hứa hẹn chỉ cần bỏ vốn từ 500.000 đồng sẽ có lãi đến 500.000 đồng/ngày, “đặc
biệt bảo hiểm vốn 100%”.
Nghe ngon ăn quá nhỉ! Bỏ 500.000 một ngày hoàn
vốn, nghe đã quá mà! Chỉ cần gởi tiền vào mấy hôm là mất bóng con mẹ hàng lươn,
tìm không thấy nữa. Một địa chỉ Zalo khác chuyên đi săn mồi, một người xưng tên
Hồng Trần, mời chào “đầu tư sinh lợi nhuận thụ động kiếm thêm mùa dịch”, chỉ cần
bỏ vốn 1 triệu, dành từ 10 – 15 phút để làm việc cùng nhóm là có thể lãi tới
500.000 đồng, rút tiền ra dễ dàng. Sau khi tìm hiểu, thực chất người này đang mời
vào chơi game xóc đĩa. He… he bỏ tiền vô chơi cờ bạc, đương nhiên có ăn, có
thua. Mà đánh trên máy thì thua là cái chắc, kêu ai được.
Một sàn giao dịch có tên Forex đưa ra lợi nhuận
từ 2-8%/ngày, người chơi chỉ cần copy trade (sao chép lệnh) do các “chuyên gia”
của sàn “bắn” qua tin nhắn Zalo mỗi ngày, không cần có kiến thức tài chính cũng
có thể thắng, do đó nhiều công nhân, thợ xây, người nội trợ, giáo viên, chẳng
có chút kiến thức nào về chuyện copy trade, chuyện tài chính, chuyện tài khoản
cũng lao đầu vào, cuối cùng là trắng tay.
Một người xưng là Nguyễn Thị Bé Hiền chia sẻ,
chỉ cần cài ứng dụng Starting Point vào điện thoại, sau đó thực hiện các nhiệm
vụ tương tự như chơi game, chẳng hạn vào sảnh có tên Lazada, Shopee, eBay,
Alibaba… để ghép đơn hàng, làm cầu nối giữa người bán và người mua, sau đó nhận
hoa hồng đến 6%/ngày/tổng tiền trong tài khoản. Nếu vốn càng cao thì tiền hoa hồng
càng lớn.
Lúc đầu thì tiền vào đúng hẹn và đúng với giao
ước, nhưng chỉ được đôi lần thì tiền mất tật mang, đột ngột không thể truy cập
vào ứng dụng, người giới thiệu, hướng dẫn mình qua Zalo cũng mất hút. Đã có rất
nhiều người bị lừa hàng tỷ đồng, nhất là những người tham gia sàn giao dịch ảo.
Lý giải tâm lý của những người bị sập bẫy khi
đầu tư vào các sàn ảo, ông Huỳnh Lưu Đức Toàn (giảng viên khoa ngân hàng Trường
ĐH Kinh tế TP.HCM, nghiên cứu sinh ngành kinh tế học hành vi Trường Quản lý
Otto Beisheim – Đức) chia sẻ: “Nếu không hiểu biết mà tham gia đầu tư thì đó
là cờ bạc, rất rủi ro. Dù xác suất thắng rất nhỏ nhưng khi đánh bạc người ta
thường phóng đại khả năng thắng, trong tâm tưởng họ muốn lời, muốn bỏ 10 triệu
nhưng được 1 tỉ“.
Không chỉ bị lừa số tiền lớn như trên, nhiều
người cũng còn bị lừa với những giao dịch với những giá trị không lớn như mua
hàng online chẳng hạn. Mua bán trên online vốn là chuyện “Mua trâu vẽ bóng”.
Bình thường giao dịch trả tiền theo hình thức COD thì dễ dàng hơn, nhận hàng trả
tiền. Nếu không bằng lòng thì không nhận, không mất tiền.
Trong mùa dịch, ai cũng ngại tiếp xúc trực tiếp
với tiền nên mua bán thường giao dịch qua ngân hàng hay Momo, Zalopay… Bởi thế
tiền nhiều khi đã trao mà cháo không múc. Hoặc lắm khi hàng giao chẳng đúng ý
mình, hay là hàng bị ươn, héo, thối cũng đành chịu, chẳng biết kêu ai. Giỏi lắm
là lên mạng rủa xả cho đỡ tức thôi.
Trên mạng xã hội những ngày gần đây xuất hiện
vài bài thuộc khuynh hướng Antivaccine. Trong khi mọi người nô nức mong chờ để
được tiêm vaccine thì mấy người này đưa ra đủ thứ lý lẽ để kêu gọi đừng tiêm chủng.
Họ bảo virus Vũ Hán là một âm mưu chính trị. Là hù doạ dân chứ không có thực.
Chích vaccine sẽ gây hậu quả lâu dài vì các tế bào, ADN, Gen bị thay đổi không
có lợi cho sức khoẻ.
Không hiểu trí não những người này có vấn đề
gì không? Không biết họ có lưu tâm đến cơn đại dịch đang diễn ra không? Họ lập
luận bằng cách copy những bài vở của đám chống vaccine trên thế giới. Và điều đặc
biệt nữa là những người này đều là những người cuồng Trump. Không phải nghĩ ác
cho người ta chứ tôi nhủ với mình là nếu như bản thân họ, người nhà của họ dính
con virus này và lỡ tử vong thì họ sẽ suy nghĩ như thế nào nhỉ? Họ có mạnh miệng
như bây giờ không?
Hôm nay đọc báo thấy tin về Dick Farrel
vốn là người dẫn chương trình của đài Newsmax, đồng thời là một phát
thanh viên nổi tiếng. Ông từng phản đối mạnh mẽ việc tiêm chủng, cũng như chỉ
trích gay gắt các kế hoạch phòng chống dịch virus Vũ Hán của bác sĩ Anthony
Fauci.
Trước khi nhiễm bệnh, ông Farrel đã viết trên
Facebook rằng ông Fauci là một “kẻ dối trá”, và gọi các kế hoạch phòng chống dịch
là “trò lừa đảo”. Nhưng sau khi bị xét nghiệm dương tính cách đây khoảng 3 tuần,
quan điểm của ông đã lập tức thay đổi. Khi dính bệnh, ông đã nhắn tin cho vạn
bè rằng: Hãy đi tiêm phòng ngay, đồng thời nói rằng virus Vũ Hán không phải trò
đùa, và ước gì ông ấy được tiêm vaccine sớm hơn. Ông đã trút hơi thở cuối cùng
vào ngày 4.8 tại thành phố West Palm Beach, bang Florida (Mỹ), hưởng thọ 65 tuổi
trong nỗi ân hận.
Một gia đình ở Bồ Đào Nha cũng đã mất 3 người
vì không chịu chích vaccine. Francis Goncalves trải qua nỗi đau mất đi
cha mẹ và em trai vì virus Vũ Hán chỉ trong một tuần, sau khi gia đình họ từ chối
tiêm vaccine.
Francis Goncalves, 43 tuổi, sống ở Cardiff, xứ
Wales, gần đây chia sẻ lại nỗi đau mất đi người cha là Basil, 73 tuổi và mẹ
Charmagne, 65 tuổi, cùng em trai Shaul, 40 tuổi, vào tháng trước vì nhiễm nCoV.
Francis cho biết cả ba người trong gia đình họ,
sống ở Bồ Đào Nha, đều từ chối tiêm vaccine, sau khi trở thành nạn nhân của
“tuyên truyền chống tiêm chủng” và “những thông tin sai lệch” về vaccine.
Thế giới đều công nhận trong thời điểm này, chỉ
có vaccine mới có thể giải quyết phần nào dịch bệnh. Cách khôn ngoan nhất là
không nên nghe theo những kẻ cực đoan, cuồng tín, thiếu cơ sở khoa học có thể
đưa đến mất mạng một cách vô ích.
***
Cuối cùng, trở lại chuyện shipper. Nhiều
shipper vẫn bị phạt khi giao thực phẩm, phản ánh, những ngày qua bị phạt dù
tuân thủ đủ bộ nhận diện shipper và chỉ giao thực phẩm liên quận đến khu phong
toả.
Trên các nhóm cộng đồng tài xế công nghệ,
không ít thành viên chia sẻ chuyện bị phạt trong những ngày qua. Các tài xế đều
khẳng định, bản thân đã tuân thủ đúng bộ nhận diện shipper và chỉ giao hàng
liên quận với các sản phẩm thiết yếu, nằm trong khu phong toả. Rất nhiều
shipper bị phạt vô cớ vì “cách hiểu không đồng bộ của cán bộ trực chốt”.
Nhiều shipper đã tuân thủ đúng quy định, nhưng
vẫn sẽ có những bất cập diễn ra trên thực tế. Những người thi hành phận sự giải
quyết vấn đề rất cảm tính, nhiều khi chẳng căn cứ vào điều luật nào, hứng thì
phạt, không hứng thì tha. Shipper ra đường lúc nào cũng nơm nớp lo âu dù ở
trong tình trạng hợp pháp.
Sài Gòn bây giờ các trang online nở rộ khiến
nhiều người cho rằng, giờ nằm nhà nhưng muốn gì cũng có. Không những thịt thà,
rau cỏ mà bún bò, cơm tấm, phở bò, phở gà, cháo lòng, bún riêu, bánh canh, bánh
chưng, bánh hỏi heo quay, xôi mặn, xôi ngọt … cái gì cũng sẵn. Chỉ cần cái
click chuột. Nhưng ngại nhất vẫn là vấn nạn shipper. Người kỹ tính thì sợ lây
nhiễm, nhưng nổi bật vẫn là chuyện khó khăn khi đi qua các chốt.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, CEO Loship xác nhận, mặc
dù shipper đã tuân thủ đúng quy định, nhưng vẫn sẽ có những bất cập diễn ra
trên thực tế. Đó có thể là bất cập về giao liên quận hoặc những quy định về
hàng thiết yếu khi mà sự áp dụng tại các chốt kiểm dịch chưa thật sự đồng nhất.
Điều này dẫn đến tâm lý sợ sệt của shipper trong quá trình giao hàng.
Nhân viên chốt chặn thì mỗi người, mỗi nơi có
mỗi cách giải quyết riêng, nhưng theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng
cho biết, những vướng mắc tại các chốt kiểm soát là do lực lượng trực làm việc
chủ yếu là nhân viên tăng cường, tùy theo nhận thức mà cách hiểu, cách làm có
giới hạn và UBND thành phố sẽ tiếp tục chấn chỉnh. Cũng mong các ông các bà sớm
chấn chỉnh chứ giãn cách kéo dài, khó khăn kéo dài kiểu này, dân ai cũng dễ nổi
khùng lắm đấy!
Trên face mấy hôm nay xuất hiện nhiều báo tin
buồn quá. Người chết vì dịch, kẻ chết vì bệnh. Khó mà tìm được niềm vui. Kiểu
này sau dịch chắc lắm kẻ tâm thần hoặc tự kỷ.
______
Một số hình ảnh:
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/0-48.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/1-33.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/2-22.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/4-24-768x888.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/5-18.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/7-9.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/5-19.jpg
.
No comments:
Post a Comment