Saturday, 21 August 2021

KABUL KHÁC SÀI GÒN (Ngô Nhân Dụng)

 


Kabul khác Sài Gòn

Ngô Nhân Dụng

20/08/2021

https://www.voatiengviet.com/a/kabul-sai-gon-viet-cong-taliban/6009898.html

 

https://gdb.voanews.com/0CB75A51-1AA7-40D4-B0B9-65C232FCBCD4_w650_r1_s.png

Hình ảnh trực thăng của quân đội Mỹ ngày Sài Gòn thất thủ (trái) và tại Kabul khi bị Taliban chiếm lại, được Bộ trưởng Nhân quyền Pakistan, Shireen Mazari, chia sẻ trên Twitter.

 

Có người coi vụ triệt thoái hỗn loạn ở Kabul năm 2021 là “Sài Gòn của Biden.” Người Việt nào đã sống qua thời chiến, hoặc đã học lịch sử, thì biết dù số phận tương đồng, Sài Gòn rất khác Kabul.

 

Trước hết, cuộc chiến chỉ xảy ra tại Afghanistan sau khi Mỹ tấn công tìm bắt Osama bin Laden, trả thù vụ khủng bố 11 tháng 9 tại New York. Al Qaeda tan vỡ và 10 năm sau, bin Laden chết, quân Mỹ vẫn ở lại cho nên dính líu mãi.

 

Cuộc nội chiến hai miền Nam - Bắc Việt Nam đã xảy ra trước khi quân Mỹ tới. Có thể đã bắt đầu từ những cuộc “quốc cộng phân tranh” thời 1940. Năm 1954 Bắc Việt đã để lại binh sĩ, cán bộ và vũ khí để chuẩn bị chiến tranh. Năm 1959 Cộng sản bắt đầu đưa quân vào miền Nam phát động cuộc chiến. Năm 1965 quân Mỹ đổ bộ vào cứu vì miền Nam có thể mất vào tay Bắc Việt.

 

Tuy hai cuộc chiến khác về nhiều mặt, nhưng khi khởi đầu và khi chấm dứt cũng có phần tương tự.

 

Thứ nhất, Mỹ bước vào hai cuộc chiến đều vì tình hình thế giới. Ở Afghanistan cũng như Iraq, muốn ngăn chặn phong trào khủng bố của tín đồ Hồi Giáo cực đoan. Tại Việt Nam, Mỹ ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa là để ngăn làn sóng bành trướng chế độ cộng sản của Liên Xô và Trung Cộng. Mỹ thay đổi mục tiêu khi biết có thể hợp tác với Trung Cộng để chống Liên Xô.

 

Thứ nhì, hai cuộc chiến tranh đều kết thúc khi nước Mỹ tuyên bố rút lui, khiến cho các đối thủ quyết chiến hơn; các đồng minh của Mỹ thì yếu thế. Mỹ đã ký hiệp định Paris năm 1973 và sau đó rút về hết. Ở Afghanistan Mỹ ký kết riêng với quân Taliban tại Doha vào tháng Hai, 2020, hứa rút quân vào ngày 1 tháng Năm 2021.

 

Nhưng Việt Nam và Afghanistan khác biệt trên rất nhiều điểm.

 

Tương quan lực lượng các phe tham chiến rất khác. Khi cuộc chiến chấm dứt, quân Taliban còn yếu; vũ khí thua kém, chỉ có 200,000 so với 300,000 quân chính phủ. Ở Việt Nam thì ngược lại, quân Bắc Việt được tiếp viện nhiều hơn, với vũ khí mạnh hơn, vẫn được Nga, Trung Quốc tiếp viện; trong khi miền Nam bị Mỹ cắt viện trợ. Cũng vì quân Taliban không mạnh cho nên dân Afghanistan ở nhiều thành phố đã biểu tình phản đối, trương cờ chính phủ, xé cờ Taliban. Ngược lại, người dân miền Nam không thể biểu tình chống đối đám quân chiếm đóng.

 

Các trận chiến sau cùng cũng dài ngắn khác nhau. Quân Taliban bắt đầu tấn công quân chính phủ, trong một tuần lễ chiếm được Kabul. Cộng sản Việt Nam mất gần một năm kể từ lúc đánh chiếm Phước Long, năm 1974. Ban Mê Thuột bị tấn công ngày 10 tháng Ba năm 1975; đến ngày 30 tháng Tư Sài Gòn mới mất. Quân đội và cảnh sát của chính phủ Ashraf Ghani tan rã, đầu hàng. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu tới cùng, cho tới khi nghe lệnh buông súng; nhiều người tự sát, từ người lính tới các vị tướng, tá trong quân đội và cảnh sát.

 

Quân đội và cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu mạnh hơn vì miền Nam là một quốc gia có các định chế khá lâu dài, có nền nếp chắc chắn hơn chính quyền Kabul. Các guồng máy hành chánh, tư pháp, tiền tệ, được thiết lập từ trước, một quân đội có thể thống, đã thống nhất chỉ huy hơn 20 năm. Guồng máy nhà nước Afghanistan chưa thành hình. Các thủ lãnh các sắc tộc địa phương với quân sĩ của họ liên kết, thỏa hiệp, để nhận viện trợ Mỹ, chỉ vì họ đều chống Taliban.

 

Tuy cả hai cuộc chiến tranh đều mang tính chất quốc tế nhưng Taliban chiến đấu lẻ loi trong khi Việt Cộng được cả thế giới cộng sản ủng hộ. Trong suốt cuộc chiến, miền Bắc đưa người vào tiếp viện liên tục cho quân cộng sản trong Nam, còn quân Taliban không có một “hậu phương lớn” nào nuôi dưỡng. Quân Taliban cũng có quân tình nguyện Hồi Giáo từ các nước Turmenistan, Uzbekistan và Kajikistan, cả người Yughur từ Tân Cương đến, nhưng không quá mấy ngàn người. Chỉ có một điểm tương đồng là quân Taliban cũng có nơi trú ẩn an toàn ở Pakistan, giống như Việt Cộng có thể sử dụng hai xứ Campuchia và Lào.

 

Việc kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan khác hẳn, vì trong nước Mỹ không nổi lên một phong trào phản chiến như thời 1965, 70 chống chiến tranh Việt Nam. Hầu như người Mỹ đã quên cuộc chiến Afghanistan. Trước đây nửa thế kỷ, nước Mỹ vẫn còn chế độ quân dịch, các thanh niên đều có thể phải đi lính. Bây giờ quân đội hoàn toàn tình nguyện. Hơn nữa, số người Mỹ tham dự cuộc chiến rất nhỏ, không phải gia đình người Mỹ nào cũng quen biết gia đình một người lính chết ở Afghanistan.

 

Số người Mỹ thiệt mạng tổng cộng khoảng 4,100 người. Dưới 2,400 binh sĩ tử vong, trong đó hơn 1,850 chết trận, 1,720 người làm việc cho các “nhà thầu” phục vụ cuộc chiến. Năm ngoái, có ngày người Mỹ chết vì Covid-19 nhiều hơn. Khi Tổng thống Biden nhậm chức nước Mỹ chỉ còn 6,000 quân đóng ở ba nước Iraq, Afghanistan và Syria, để lại hơn 2,000 binh sĩ bảo vệ chính quyền Kabul, không bằng số quân bảo vệ trụ sở quốc hội Mỹ bây giờ.

 

Cho nên, không có lý do cấp thiết nào để Mỹ phải rút quân, nhất là lại tháo lui nhanh chóng, vội vàng. Tổng thống Biden nói rằng ông muốn tập trung vào việc đối phó với Trung Cộng cho nên rút quân từ Afghanistan về nước. Nhưng bây giờ Trung Cộng đang vui mừng vì nước Mỹ mất uy tín khắp thế giới.

 

Ông Biden chọn ngày 11 tháng Chín là hạn chót rút quân, để nhắc nhở vụ khủng bố 11 tháng 9, lý do nước Mỹ đánh Afghanistan. Nhưng đến ngày đó, những người Hồi Giáo cực đoan có thể thấy, sau khi chết 10 năm, Osama bin Laden đã đạt được mục đích của vụ cướp máy bay đánh Mỹ năm 2001.

 

Mục đích của Osama bin Laden là muốn người Hồi Giáo đừng sợ Mỹ! Cho thế giới Hồi Giáo thấy nước Mỹ không bất khả xâm phạm! Bây giờ, nhiều người Hồi Giáo tin bin Laden hơn. Ngược lại, các mục tiêu của nước Mỹ, như thành lập một chế độ tự do dân chủ ở Kabul, hay lập một vòng đai chống Hồi Giáo quá khích ở Trung Đông, đều không đạt được.

 

Một điểm khác biệt giữa Sài Gòn và Afghanistan là khi chiến tranh chấm dứt, Cộng sản Việt Nam yếu đi, rồi càng ngày càng lệ thuộc Trung Cộng, sau cùng phải tìm đường thân thiện với Mỹ. Nhưng chế độ Taliban thì sẽ mạnh hơn trước.

 

Trước khi Mỹ tấn công, Taliban bị cô lập với cả thế giới, chỉ được hai nước công nhận là Pakistan và Á Rập Saudi, quê hương của bin Laden. Dù Taliban nắm quyền tại Kabul từ năm 1996 nhưng các sắc tộc vẫn chống đối, như dân Hồi Giáo Shia ở vùng Herat, dân gốc Uzbeck trong Liên Minh Miền Bắc, các sắc tộc ở miền Đông tự lập.

 

Sau cuộc chiến 20 năm, chế độ Taliban mạnh hơn nhiều. Các phe chống đối đã đầu hàng hoặc bỏ chạy, nếu muốn cũng phải nhiều năm mới hy vọng phục hưng. Các nước Nga, Trung Quốc, Iran đều tỏ ý thân thiện với chính quyền Taliban mới trước khi Kabul thất thủ.

 

Cuối cùng, bốn đời tổng thống Mỹ chỉ làm được một việc: Trả thù cho 3,000 người Mỹ nạn nhân của Osama bin Laden. Ai đánh nước Mỹ sẽ bị giết; đó cũng là một truyền thống. Trong Đại chiến Thứ Hai, quân đội Mỹ được lệnh lùng bằng được Đô đốc Isoroku Yamamoto, người chỉ huy cuộc tấn công Pearl Harbor. Tháng Tư năm 1943, tình báo quân đội Mỹ bắt được một mật thư của Nhật Bản, giải mã được lộ trình một chuyến bay của Yamamoto trong Thái Bình Dương. Ngày 18, một phi đội 16 máy bay P-38s Mỹ chặn đón, bắn hạ chiếc máy bay T1-323 của Đô đốc Yamamoto trên không phận đảo Bougainville.

 

Giết kẻ chủ mưu vụ 11 tháng 9 cũng là một cách đe dọa những người còn toan tính khủng bố nước Mỹ. Liệu thành tích trên có ngăn chặn được các nhóm Hồi Giáo cực đoan chống Mỹ hay không? Những người cuồng tín thường không sợ mà có khi lại đi tìm cái chết để được phong thánh.

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats