Saturday, 21 August 2021

AI ĐÃ LÀM MẤT AFGHANISTAN? (Phạm Phú Khải)

 


Ai đã làm mất Afghanistan? 

Phạm Phú Khải

20/08/2021

https://www.voatiengviet.com/a/ai-da-lam-mat-afghanistan/6010003.html

 

https://gdb.voanews.com/CE8CCEF0-1B62-43AF-8502-8DB422CE771F_cx0_cy2_cw0_w650_r1_s.jpg

Người dân Kabul tìm đường ra nước ngoài khi Taliban chiếm trọn Afghanistan.

 

Sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Afghanistan vào tuần qua, ngoài sự dự trù hay tiên đoán của mọi bên, kể cả Mỹ và Taliban, nói lên điều gì?

 

Ba điều, và cũng là những bài học quan trọng, cho Mỹ và mọi quốc gia trên thế giới.

 

Một, xây dựng đất nước, đặc biệt là nhà nước, không phải là mục tiêu có thể đạt được trong một thế hệ, cho dầu được cường quốc như Mỹ huy động nguồn lực dồi dào nhất, chỉ đứng sau Thế Chiến II. Đánh để chiếm đóng, đối với Mỹ, dường như là giai đoạn dễ dàng nhất, từ Iraq đến Afghanistan. Nhưng giữ thì không hề dễ. Giữ được, và thay đổi được, văn hóa, nhất là văn hóa chính trị của một quốc gia, từ một nhà nước Hồi giáo cực đoan, sang một chính quyền dân chủ, lại là một thử thách cực lớn. Nó cần nhiều thời gian và thế hệ để xây dựng nền móng. Không có nền móng, tức văn hóa chính trị, và thiếu dân trí để làm điểm tựa, thì những hiến pháp, pháp luật hay cơ chế/cấu không thể đứng vững. 20 năm tại Afghanistan cũng không đủ.

 

Vì thế mà biến cố Afghanistan tuần qua sẽ thay đổi sâu sắc lên chính sách ngoại giao và quân sự của Mỹ trong thời gian tới. Bài học tuy cay đắng, nhưng không có bài học sâu sắc nào mà không phải trả giá quá đắt.

 

Hai, mọi quốc gia phải tự lực tự cường, không thể trông chờ vào Mỹ hay bất cứ thế lực nào giải quyết cho vấn đề của nước mình. Qua sự kiện này, giáo sư Peter Jennings, giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách Chiến Lược của Úc, biện luận vào ngày 17 tháng 8 rằng:

 

“Bài học quan trọng từ Afghanistan cho các đồng minh của Mỹ là tất cả chúng ta cần tăng cường khả năng quốc phòng của chính mình. Chúng ta không thể cho rằng Mỹ sẽ luôn sẵn sàng bảo vệ các lợi ích chiến lược của chúng ta. Mỹ có thể đưa ra những rào cản rất cao đối với sự can dự của mình vào các vấn đề an ninh khu vực.”

 

Nói cách khác, tiến sĩ Jennings cho rằng muốn Mỹ can dự vào các vấn đề an ninh khu vực ngày nay thì phải có điều kiện, và rất cao.

 

Nhưng bài học này đâu có gì mới. Tinh thần vọng ngoại hay bài ngoại cực đoan nào thì cũng đau thương. Ngay cả Taliban, qua một vài điều từ lãnh đạo của họ trong mấy ngày qua, cũng cho thấy rằng họ đã hiểu muốn tồn tại thì họ cũng không thể bài Mỹ cực đoan như trước đây. Với tính cách cá nhân thôi, khi một người dựa vào ngoại cảnh nhiều quá, thì không thể chủ động cuộc sống của mình. Ngược lại, khi một người chưa có nội lực, nhưng khước từ mọi nguồn sống từ bên ngoài, thì làm sao có thể phát triển và tồn tại. Quốc gia nào cũng là tập hợp của hàng triệu đến hàng tỷ những cá nhân như thế thôi. Sức mạnh của một đất nước phải đến từ sự tổng hợp của toàn thể người dân trong nước đó, phải xây dựng nội lực. Còn sức mạnh bên ngoài chủ yếu là phương tiện, đòn bẫy, hỗ trợ.

 

Tuy nhiên, quyết định rút quân của Mỹ tại Afghanistan như trên sẽ làm cho các đồng minh của Mỹ hiện nay, và các quốc gia tại châu Á đang đối diện với một nước Trung Quốc hung hăng, sẽ lo lắng là liệu Mỹ có can thiệp khi họ bị Trung Quốc hiếp đáp hoặc xâm lược hay không. Đài Loan chắc hẳn là nước đang lo lắng nhất. Nhưng chính sách của Mỹ tại châu Á hoàn toàn khác với chính sách của Mỹ tại Trung Đông hiện nay. Ít nhất là mức độ ưu tiên, bởi Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn mối đe dọa khủng bố của Mỹ vào 20 năm trước.

 

Ba, trước khi đánh giá hay đổ lỗi cho ai, cũng nên tìm hiểu thật kỹ vấn đề. Trong câu chuyện về Afghanistan, đổ lỗi cho Mỹ, cho Tổng thống Biden, thì dễ. Nhưng với mọi vấn đề, nếu đặt mình vào địa vị của người khác, mình sẽ giải quyết ra sao?

 

Bài “Tất cả chúng ta đều làm mất Afghanistan” (We All Lost Afghanistan) của P. Michael McKinley, cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan từ năm 2014 đến 2016, viết trên Foreign Affairs vào ngày 16 tháng 8, là đáng tham khảo. McKinley biện luận rằng những người đang phê bình về diễn biến tại Afghanistan trong những ngày qua thì cũng từng là kiến trúc sư của các chính sách về Afghanistan trước đây.

 

McKinley trình bày những lập luận quan trọng trong bài này một cách tóm tắt như sau.

 

Một, cho dầu đình trễ quyết định rút quân khỏi Afghanistan một hay hai năm nữa thì ông vẫn nghĩ nó không thay đổi được gì trên mặt trận thực tiễn tại Afghanistan. Hai, Mỹ đã đánh giá quá cao về khả năng thực sự của Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan (ANDSF), và của Taliban. Trên giấy tờ, ngay cả khi không có Mỹ yểm trợ thì ANDSF lẽ ra phải có khả năng để bảo vệ các thành phố lớn và các cơ sở quân sự quan trọng, vì Mỹ đã bỏ công huấn luyện và trang bị tất cả những gì cần thiết trong 20 năm qua cho việc này. Tổng thống Biden được giới tình báo Mỹ cho biết vào cuối tháng 3 năm nay rằng, Taliban có thể chiếm phần lớn nước này trong hai đến ba năm tới, chứ không phải trong vài tuần. Ngoài ra, phần lớn các báo cáo từ Bộ Quốc phòng đến quốc hội Mỹ mỗi 6 tháng, từ năm 2009 đến 2016, đều kết luận rằng trong tổng số 352,000 quân nhân Afghanistan thì phần lớn đã được tuyển mộ. Chỉ có báo cáo năm 2017 và 2019 thì hơi quan ngại, vì hàng chục ngàn lính ma đã không còn nằm trong danh sách quân nhân. Báo cáo năm 2020 cho biết chỉ còn 298,000 quân nhân ANDSF lãnh lương, nghĩa là vấn đề lính ma vẫn diễn ra. Ba, trong cuộc phỏng vấn cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mike Mullen tuần qua, Mullen cho biết ông phản đối lại ý kiến kéo dài sự gia tăng quân đội Hoa Kỳ trong năm 2011 bởi vì “nếu chúng ta không có tiến bộ đáng kể hoặc cho thấy tiến bộ đáng kể trong suốt 18 tháng hoặc lâu hơn, thì chúng ta đã có chiến lược sai lầm và chúng ta thực sự cần phải điều chỉnh lại.” Tuy nhiên, cho đến khi quyết định rút quân thì đáng tiếc là việc hiệu chuẩn lại như vậy đã không bao giờ xảy ra. Bốn, Mckinley cũng cho biết: quân nhân Afghanistan có nhiều tháng trời không lãnh lương và không được trang bị đầy đủ để tự vệ; lãnh đạo và tướng lãnh Afghanistan đã thất bại hoàn toàn trong việc chiếm được lòng trung thành của họ cho quốc gia; các lãnh chúa Afghanistan không đóng vai trò gì đáng kể trong việc điều binh, như đã thấy trong vài tuần qua, mà lại là ổ chứa của tham nhũng. Mỹ cũng trông cậy nhiều vào Pakistan nhưng họ cũng đi nước cờ đôi: dung chứa nhóm khủng bố Al-Qaeda. Năm, những khi người Mỹ nào can thiệp vào nền chính trị của Afghanistan với mục tiêu giữ vững con đường dân chủ hóa của Afghanistan thì lại bị phản tác dụng, bị giới chính trị Afghanistan xem người đó như kẻ thù. Sáu, sự thống nhất chính trị tại Afghanistan thật là mỏng manh: căng thẳng quyền lực giữa vùng và thủ đô Kabul; giữa người Pashtuns và các sắc tộc thiểu số Tajiks, Hazaras, and Uzbeks. Các tổng thống Afghanistan từ Karzai đến Ghani giải quyết xung đột bằng một hệ thống chiến lợi phẩm hơn là thúc đẩy một tầm nhìn quốc gia chung. Khi Mỹ can thiệp để xác định, thậm chí lựa chọn, các nhà lãnh đạo trong các bộ chính phủ, họ thành công nhưng đồng thời cái giá phải trả là làm suy yếu tính độc lập và hợp pháp của chính phủ Afghanistan. Bảy, Mỹ đánh giá thấp, và hiểu lầm, khả năng của Taliban, nhất là khả năng thay đổi của họ. Theo Benjamin Jensen trên Altanlic Council thì lực lượng của Taliban gồm khoảng 80,000 quân, nhưng họ có nhiều khả năng dùng mạng xã hội hơn súng AK-47. Taliban hiểu rõ rằng cuộc hòa đàm tại Doha vào tháng 2 năm 2020 là để Mỹ rút quân khỏi Afghanistan trong trật tự. Họ hiểu rõ và lợi dụng tình huống đó. Điều này thật giống mục tiêu của Mỹ trong Hiệp định Paris năm 1973 đối với cuộc chiến Việt Nam.

 

Cái giá phải trả cho cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan là quá đắt. Theo Mckiney thì 1 ngàn tỷ đô la, 2400 mạng sống, 20,000 thương tích. Nếu bỏ đi thì mất hết, như đã thấy. Nếu ở lại thì đến bao lâu, tốn kém bao nhiêu nữa, để đạt mục đích gì?

 

Với những gì cựu đại sứ McKinley trình bày về những diễn biến tại Afghanistan trong 20 năm qua, thì dù là Dân chủ hay Cộng hòa, Trump hay Biden, hay bất cứ ai trong vai trò lãnh đạo, thì cũng phải đi đến quyết định là phải chấm dứt vai trò của Mỹ tại Afghanistan thôi, ngay cả khi biết rằng rất có thể Taliban sẽ trở lại.

 

Rõ ràng Mỹ và đồng minh dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không giúp được cho chính quyền và người dân Afghanistan vững mạnh, tức Empower họ, trong 20 năm qua. Quyết định rút quân hoàn toàn, vào ngày ấn định 11 tháng 9 năm 2021 của Tổng thống Joe Biden, cũng chỉ là tiếp tục quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Nhưng cung cách rút quân này đã đưa đến hỗn loạn không ai lường được. Tuy chính quyền Biden phải chịu trách nhiệm phần nào về điều này nhưng nó cũng chỉ là “nhân quả” của chính sách toàn diện về Afghanistan suốt 20 năm qua: từ “Khi đồng minh nhảy vào” năm 2001 đến “Khi đồng minh tháo chạy” năm 2021. Bốn nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, với 2442 lính Mỹ và 992 tỷ đô la, theo tờ Fortune, chưa kể bao tổn thương và tổn thất khác. Để so sánh, chiến tranh Việt Nam tốn Mỹ 851 tỷ đô la, Iraq 817 tỷ, Thế Chiến I 314 tỷ, và Thế Chiến II 5100 tỷ. Tức phí tổn cho chiến tranh và bảo vệ Afghanistan đứng nhì, chỉ sau Thế Chiến II.

 

Tóm lại, đổ lỗi thì thật dễ. Học được bài học từ thất bại mới là điều khó. Những người học được thì tiến mãi thôi. Đối với Mckinley, ông hy vọng người Mỹ không bị cuốn vào một cuộc tranh luận gay gắt về “Ai đã làm mất Afghanistan”, nhưng nếu làm vậy, thì hãy thừa nhận rằng đó là tất cả chúng ta.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats