Công
nghệ Trung Quốc : Công cụ hữu hiệu để chế độ Cuba dập tắt các cuộc biểu tình
Minh
Anh -
RFI
Đăng ngày: 09/08/2021 - 11:48
Ngày 11/07/2021, hàng nghìn người dân Cuba xuống đường
biểu tình phản đối tình trạng thiếu lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men và
vac-xin ngừa Covid-19. Cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Cuba kể từ khi
Fidel Castro lên cầm quyền năm 1959, đã nhanh chóng bị dập tắt. Theo trang mạng
The Diplomat, các công ty công nghệ Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng việc
xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông, giúp chế độ La Habana kiểm soát người
dân.
Thanh niên Cuba
truy cập internet qua điện thoại di động trên đường phố thủ đô La Habana, ngày
14/07/2021. YAMIL LAGE AFP/File
Khi cuộc biểu tình nổ ra, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ,
Marco Rubio trên mạng xã hội Twitter ngay tức thì dự báo chế độ cộng sản Cuba sẽ
nhanh chóng sử dụng hệ thống mạng viễn thông do Trung Quốc thiết kế và xây dựng
để ngăn chặn việc truy cập Internet và phát tán hình ảnh cuộc biểu tình ra bên
ngoài.
Bởi vì theo tiết lộ của trang mạng Newsweek,
các hãng cung cấp trang thiết bị cho công ty cung cấp mạng Internet Etecsa của
Cuba, tất cả đều là Trung Quốc : Hoa Vi, TP-Link, và ZTE. Báo cáo năm 2017
của Đài Quan sát mở về can thiệp mạng (Open Observatory of Network
Interference) cho biết tìm thấy dấu vết mã Trung Quốc trong các giao diện các cổng
truy cập Wi-Fi ở Cuba.
Tổ chức Qurium của Thụy Điển cũng phát hiện ra
rằng chính quyền La Habana sử dụng phần mềm quản lý mạng eSight của Hoa Vi để lọc
các tìm kiếm trên các trang mạng. Vai trò của Trung Quốc trong việc giúp chế độ
cắt đứt liên lạc trong các cuộc biểu tình cho thấy rõ một trong số các cách thức
Bắc Kinh đã hỗ trợ chế độ cộng sản Cuba tồn tại như thế nào.
Hỗ trợ kinh tế,
Trung Quốc giúp chế độ Cuba trường tồn
The Diplomat nhắc lại, sau nhiều thập niên
gián đoạn, quan hệ Trung Quốc – Cuba trở nên nồng ấm trở lại sau khi Liên Xô sụp
đổ. Tính từ năm 1993, Trung Quốc đã có 22 chuyến công du cấp cao tới Cuba. Ngược
lại, các quan chức cao cấp Cuba cũng đã có 25 chuyến thăm Trung Quốc từ năm
1995. Đỉnh điểm của mối quan hệ này là chuyến công du La Habana của chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2014.
Có thể nói, Trung Quốc là nguồn hậu thuẫn kinh
tế và kỹ thuật lớn nhất cho Cuba. Đầu tư của Trung Quốc tại đảo quốc vùng
Caribe này chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực khai thác dầu hỏa, cảng biển,
dược phẩm sinh học, nông nghiệp. Đặc biệt, Trung Quốc còn thiết lập cả một
trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Cuba.
Bắc Kinh và La Habana còn hợp tác chặt chẽ
trong lĩnh vực giáo dục. Cuba là cơ sở đào tạo tiếng Tây Ban Nha chính thức đầu
tiên cho nhân viên Trung Quốc, và đại học La Habana là một trong những Viện Khổng
Tử đầu tiên của Trung Quốc được thành lập trong khu vực.
Ngoài ra, cả hai nước cũng duy trì một mối
quan hệ quốc phòng chặt chẽ, các quan chức quốc phòng cao cấp thường xuyên thăm
viếng lẫn nhau. Nhưng the Diplomat lưu ý rằng Trung Quốc không bán cho Cuba bất
kỳ hệ thống vũ khí quan trọng nào như đã từng làm với các quốc gia khác trong
khu vực như Venezuela, Ecuador và Bolivia.
Dấu vết Trung Quốc
trong các mạng viễn thông
Trong toàn cảnh này, lĩnh vực viễn thông đương
nhiên không « nằm ngoài vùng phủ sóng ». Chính phủ Cuba từ năm
2000 ký nhiều hợp đồng với các tập đoàn Trung Quốc như Hoa Vi, ZTE và TP-Link để
xây dựng các đường cáp quang, lập các điểm phát sóng điện thoại và nhiều cơ sở
hạ tầng viễn thông khác của đảo.
Cuba chỉ là một trong số các ví dụ về chương
trình « xuất khẩu chủ nghĩa chuyên chế kỹ thuật số » của Trung
Quốc. Những hệ thống kiểm soát thông tin – liên lạc này của Trung Quốc còn được
thấy ở Venezuela, Nicaragua, Bolivia, Achentina hay Mexicô…, những quốc gia
theo chế độ chuyên chế cánh tả hay chủ nghĩa dân túy cánh tả.
Sự hậu thuẫn này của Bắc Kinh đối với La
Habana lại là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Hòn đảo cộng sản này
được cho là kết nối với Mỹ nhờ vào sự gần gũi về địa lý, mối quan hệ lịch sử và
những liên hệ thân thuộc. Do vậy, Cuba còn được cho là có một vị trí chiến lược
quan trọng, giúp Trung Quốc thu thập thông tin tình báo và tiến hành các cuộc tấn
công mạng chống lại Hoa Kỳ.
Cuối cùng, The Diplomat nhận định, Cuba cũng
thể được ví như là một sàn đấu ý thức hệ giữa hai ông khổng lồ nhất hành
tinh : Hoa Kỳ và Trung Quốc. Giữa một bên đại diện cho tự do và nhân quyền
và bên kia chủ nghĩa độc tài chuyên chế.
Nếu như Washington từ lâu tập trung vào các vấn
đề nhân quyền và các quyền tự do để cải thiện cuộc sống người dân Cuba, thì Bắc
Kinh khi tìm cách duy trì chế độ Cuba, gián tiếp đóng vai trò ươm mầm chủ nghĩa
độc tài trong khu vực, cung cấp các công cụ để những chế độ này củng cố quyền lực,
sửa đổi Hiến Pháp, chống sở hữu tư nhân và các thể chế dân chủ, đồng thời bịt
miệng các tiếng nói bất đồng trong nước.
****
Các nội dung liên
quan
Tương
lai nào cho Cuba sau 62 năm dưới chế độ Castro ?
Khủng
hoảng Cuba : Tất cả bắt nguồn từ tình trạng đói kém
No comments:
Post a Comment