Hồi đó, chúng tôi luôn có
những ca bệnh u não mà thế giới này hầu như rất hiếm có. Đó là những khối u to
bằng trái cam, trái bưởi, chiếm hết cả một phần hộp sọ. U tủy cũng vậy, có những
khối u chiếm hết cả ống sống, dài gần cả chục đốt sống.
Chúng tôi tự hào, rằng
chúng tôi có thể mổ được những ca như vậy. Mấy ca đó mà vào tay mấy bác sĩ nước
ngoài chắc là họ chỉ biết khóc. Có khi cả đời họ chẳng được nhìn thấy một ca
như vậy. Còn chúng tôi thì gần như ngày nào cũng gặp, ngày nào cũng mổ mấy ca
đó. Tay dao của chúng tôi không hề run sợ trước bất cứ khối u to đến đâu, những
bệnh lí phức tạp đến thế nào.
Đến một ngày kia, chúng
tôi mới giật mình. Thì ra ở nước họ, người dân được chăm sóc y tế rất tốt, cho
nên, họ phát hiện những khối u từ rất sớm. Và họ đã mổ những khối u đó từ khi
nó còn nhỏ, chỉ mới có vài ba triệu chứng nhẹ. Rõ ràng là việc chăm sóc y tế của
ta còn kém, cho nên mới có nhiều những bệnh nhân với những khối u to đùng.
Nhớ hồi nào có vị bác sĩ
nước ngoài sang Việt nam mổ cho bệnh nhân mang khối u trên 30kg. Nghe nói cũng
lằng nhằng khốn khổ, bay qua bay lại mấy lần mới được mổ. Có người bảo ông ấy tốt,
có người lại bảo ông ấy ham ca lạ. Chẳng biết ai đúng. Nhưng chắc chắn là nếu
bác sĩ nào muốn tiếp xúc với những khối u khổng lồ như vậy trong thời đại hiện
nay, họ chỉ có thể thực hiện điều đó ở những nước có nền y tế lạc hậu mà thôi.
Khi nói ra điều ấy, có
bác sĩ chống chế. Bệnh nhân không quan tâm đến sức khỏe của mình thì bác sĩ nào
lo cho họ được. Nghe rất có lí. Thân mình không lo thì y tế nào mà lo cho được.
Thế tại sao ở các nước tiên tiến, họ lại chịu đi khám, để những khối u được giải
quyết ngay từ khi còn nhỏ xíu?
Đó chính là thước đo cho
sự phát triển của một nền y tế. Đó là truyền thông, là giáo dục kiến thức về sức
khỏe cho người dân. Chúng ta tự hào là chúng ta có tỉ lệ người biết chữ cao
trên thế giới, có tỉ lệ giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ… cao so với nhiều nước. Nhưng
chúng ta lại có những khối u to đùng, chúng ta lại có quá nhiều ca bệnh đến bệnh
viện ở giai đoạn quá trễ, tỉ lệ tử vong do bệnh ung thư của chúng ta cao thuộc
nhóm hàng đầu thế giới… Và
chúng ta lại nổi tiếng với những ca song sinh dính nhau.
Có người viện dẫn tôn
giáo, viện dẫn tư tưởng nọ kia. Tất cả các nước đều gặp những vấn đề tương tự. Hơn
chúng ta, họ còn đề cao dân chủ, đề cao quyền con người. Vấn đề thuyết phục người
dân đối với họ còn khó hơn chúng ta. Nhưng họ vẫn làm được.
Ngoài ra, những người
hành nghề y ở Việt nam còn thường xuyên gặp những ca bệnh mặc dù được chẩn đoán
từ lâu, nhưng vì nhiều lí do, mà hầu hết là lí do tài chính, người bệnh không
đi chữa bệnh ngay, để đến khi bệnh nặng mới đi chữa. Gần đây, có trường hợp cậu
thanh niên đi ăn trộm để kiếm tiền chữa bệnh. Rồi cậu ấy day dứt và ra tự thú.
Và thế là cậu ấy bị bắt giam, xét xử, và bỏ tù, trong khi bệnh tình của cậu ấy
vẫn không rõ ràng, và cậu ấy phải ngồi xe lăn ra tòa, và vào tù.
Ở những nước như Mỹ,
Pháp… y tế là ngành dịch vụ, ngành y tế cung cấp dịch vụ và thu tiền. Họ không
có khẩu hiệu “do dân, vì dân” như chúng ta. Như vậy lẽ ra người dân của họ phải
khó khăn hơn chúng ta nhiều trong việc tiếp cận với chăm sóc y tế chứ.
Bác sĩ Việt nam giỏi.
Đúng. Về kĩ thuật, kĩ năng, bác sĩ Việt nam giỏi, rất giỏi. Về mặt kĩ thuật, kĩ
năng thực hành, tôi tin rằng bác sĩ Việt nam không thua kém bất cứ bác sĩ từ nước
nào trên thế giới. Nhưng không vì thế mà chúng ta bảo, nền y tế của chúng ta là
nền y tế hàng đầu thế giới. Kĩ thuật, kĩ năng thực hành của đội ngũ y bác sĩ,
điều dưỡng, kĩ thuật viên… mới chỉ là một góc nhỏ, rất nhỏ của y tế.
Để có một nền y tế tốt,
chúng ta còn phải có những chính sách về tài chính y tế đúng đắn, hiệu quả, cả ở
tầm vĩ mô và vi mô, chúng ta còn phải có khả năng quản trị, quản trị nền y tế,
quản trị bệnh viện, quản trị hệ thống truyền thông… Về mặt này, chúng ta còn
kém, kém lắm.
Hãy thẳng thắn nhìn vào
những mặt yếu kém để mà phấn đấu. Chứ lúc nào cũng tự sướng vì vài kĩ năng, kĩ
thuật, thủ thuật, vì tiền đầu tư xây nhà to, mua máy mắc tiền, mà vẫn cứ để tồn
tại những khối u to đùng, những đứa bé với dị tật bẩm sinh đáng lẽ phải được
sàng lọc từ bào thai… thì dù có vẽ lên hàng triệu anh hùng cũng không thể nào
khá nổi.
No comments:
Post a Comment