Monday, 20 July 2020

NHỮNG VẾT HOEN TƯ PHÁP CẦN GỘT RỬA (Ls Lê Đình Việt)





VỤ ÁN GÂY RỐI TTCC TẠI TRẠM BOT BTL – NỘI BÀI: NHỮNG VẾT HOEN TƯ PHÁP CẦN GỘT RỬA

Anh Bùi Mạnh Tiếnchị Đặng Thị Huệ bị các cơ quan THTT huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội khởi tố, truy tố và xét xử về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự. Bản án sơ thẩm của TAND huyện Sóc Sơn tuyên phạt anh Tiến và chị Huệ lần lượt là 15 và 18 tháng tù.

Có nhiều câu hỏi về những điểm bất thường trong vụ án này mà dư luận đang đặt ra và cần được các cơ quan tiến hành tố tụng trả lời thỏa đáng.

1. Chưa đủ điều kiện khởi tố theo khoản 1 Điều 318 vẫn cho “nợ đầu vào”?

Cơ sở để CQĐT khởi tố bị can là do họ xác định cả anh Tiến và chị Huệ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng trước đó, tức là có tiền sự (anh Tiến bị xử phạt theo Quyết định số 113/QĐ-XPVPHC ngày 16/3/2019, chị Huệ bị xử phạt theo Quyết định số 188/QĐ-XPHC ngày 20/5/2019, các quyết định này cùng của Trưởng Công an huyện Sóc Sơn).

Cho rằng các quyết định xử phạt nêu trên là trái pháp luật nên anh Tiến và chị Huệ đều đang khởi kiện Trưởng Công an huyện Sóc Sơn tại TAND huyện Sóc Sơn. Như vậy, theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính thì các quyết định của Trưởng Công an huyện Sóc Sơn đang trong thời gian xem xét lại giá trị pháp lý (hợp pháp hay bất hợp pháp).

Về nguyên tắc, CQĐT huyện Sóc Sơn phải đợi kết quả giải quyết các vụ án hành chính cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật của TAND có thẩm quyền, dựa vào quyết định của bản án để ra một trong các quyết định: 1) Khởi tố vụ án hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự khi các quyết định xử phạt vi phạm hành chính là hợp pháp; 2) Không khởi tố vụ án khi Tòa án xác định các quyết định này bất hợp pháp.

Mặc dù Tòa án chưa đưa các vụ kiện hành chính nêu trên ra xét xử nhưng ngày 11/10/2019, Cơ quan CSĐT vẫn ra các quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với anh Tiến, chị Huệ. Do còn “nợ đầu vào” (chưa có cơ sở để xác định anh Tiến và chị Huệ có tiền sự về gây rối trật tự công cộng) nên các quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can trái ngay với chính quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự (điều khoản pháp luật mà anh Tiến, chị Huệ bị khởi tố).

Tại phiên tòa sơ thẩm, mặc dù các luật sư đã đề nghị Tòa án tạm đình chỉ vụ án (do đã trót khởi tố, truy tố) để đợi kết quả giải quyết 02 vụ kiện hành chính rồi tiếp tục xét xử nhưng đã không được HĐXX chấp nhận.

Như vậy, việc “nợ điều kiện” nhưng vẫn khởi tố, truy tố và kết tội anh Bùi Mạnh Tiến và chị Đặng Thị Huệ là vi phạm nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự. Kể cả trong trường hợp sau này các quyết định xử phạt vi phạm hành chính được Tòa án xác định là hợp pháp thì quy trình tố tụng đã bị đảo lộn – pháp luật Nhà nước lại bị chính những người tiến hành tố tụng xâm phạm.

2. Cả 03 cơ quan tham gia việc “kết tội” bị cáo?

Bút lục 269 (ảnh số 1) là văn bản số 54/Cv-LNNC ngày 14/10/2019 (ban hành sau khi khởi tố vụ án 03 ngày) của “Liên ngành nội chính huyện Sóc Sơn” (03 cơ quan THTT huyện Sóc Sơn gồm: CQĐT, VKS và TA). Văn bản này là kiến nghị chung gửi đến Công an TP. Hà Nội, VKSND TP. Hà Nội và TAND TP. Hà Nội. Trang 2 của văn bản có nội dung: “Để tuyên truyền phòng ngừa loại tội phạm này. Ngày 14/10/2019 lãnh đạo liên ngành nội chính huyện Sóc Sơn đã họp Quyết định đưa vụ án trên ra xử điểm tại địa phương”.

Như vậy, mặc dù mới khởi tố vụ án được 03 ngày và đang còn ở giai đoạn điều tra nhưng cả 03 cơ quan tiến hành tố tụng vì mục đích tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm mà đã tính đến cái đính còn đang rất xa là “đưa ra xử điểm tại địa phương”. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật TTHS thì vụ án có thể bị đình chỉ ở giai đoạn điều tra, truy tố.

Với sự “thống nhất” này thì các nguyên tắc pháp luật cơ bản của Hiến Pháp và Bộ luật TTHS (thẩm pháp xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nguyên tắc tranh tụng,…) khó có thể được vận dụng. Và đương nhiên chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng dường như được hòa chung với nhau: Tòa án tham gia giải quyết vụ án khi đang còn trong giai đoạn điều tra (trong khi đáng ra cơ quan này chỉ tham gia tố tụng sau khi có Cáo trạng của VKS), còn CQĐT và VKS lại tham gia khâu xét xử khi cùng tham gia quyết định “đưa ra xử điểm tại địa phương” và định tội “xác định án điểm”.

Sự thống nhất này đã tạo ra một hệ quả vô cùng bất lợi cho bị cáo, một loạt các nguyên tắc cơ bản trong TTHS bị vô hiệu hóa (suy đoán vô tội; xác định sự thật của vụ án; đảm bảo quyền bào chữa; đảm bảo sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng…), đẩy các bị can vào tình trạng “không lối thoát”.

3. Bản án Hình sự sơ thẩm đã hợp thức hóa đặc quyền, đặc lợi của Công ty CP BOT Vietrracimex8?

Bản án sơ thẩm cho rằng: các bị cáo biết rõ quy định về việc khi đi qua trạm thu phí phải trả tiền mua vé để qua trạm và không được dừng đỗ xe quá thời gian quy định nhưng Huệ và Tiến vẫn cố ý dừng xe tại Trạm thu phí, làm ùn tắc giao thông tại làn thu phí số 2.

Đây là những suy luận mang tính chủ quan, trái với quy định của pháp luật và trái với thực tế, vì:

Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, anh Tiến và chị Huệ có thuộc trường hợp phải mua vé qua trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài không? Xin thưa là hoàn toàn không, vì khi đi qua trạm BOT, anh Tiến và chị Huệ bị nhân viên của trạm này bắt mua “vé dịch vụ sử dụng đường bộ” (Ảnh 2). Bản chất của việc mua vé chính là thanh toán cho dịch vụ mà mình đã sử dụng (quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ được quy định từ Điều 513 đến Điều 521 BLDS). Dịch vụ do Vietracimex8 cung cấp là lưu thông trên Quốc lộ 2 đoạn tránh TP. Vĩnh Yên. Trong khi anh Tiến và chị Huệ chỉ lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt (còn gọi là đường BTL – NB) theo hướng từ Sóc Sơn về trung tâm TP. Hà Nội, cách nơi Vietracimex8 cung cấp dịch vụ đến hơn 40km và không sử dụng dịch vụ của công ty này. Như vậy, giữa anh Tiến, chị Huệ và Vietracimex8 không có giao dịch dân sự vào ngày 11/6/2019. Họ không có nghĩa vụ trả phí dịch vụ cho Vietracimex8.

Thứ hai, theo mục 6 Phần III của Phụ lục Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT) Dự án xây dựng Quốc lộ 2, đoạn tránh TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 15/01/2009, giữa Cục Đường bộ và Công ty CP BOT Vietracimex8 (ảnh 3) thì Vietracimex8 chỉ được phép thu phí của các phương tiện tham gia giao thông tại dự án do mình làm chủ đầu tư là đường chánh TP. Vĩnh Yên. Việc Vietracimex8 thu phí dịch vụ của anh Tiến, chị Huệ không chỉ trái với quy định của pháp luật mà còn trái với nội dung của hợp đồng ký với Cục Đường bộ.

Thứ ba, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã giải thích sai nội dung của Quyết định số 2465/QĐ-BGTVT ngày 25/8/2009 của Bộ Giao thông Vận tải theo hướng quyết định này cho phép Vietracimex8 được phép thu phí của tất cả các phương tiện là ô tô tham gia giao thông đi qua trạm thu phí (không sử dụng dịch vụ của Vietracimex8). Thực tế Quyết định số 2465/QĐ-BGTVT thể hiện nội dung: việc chuyển giao Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài cho Công ty CP BOT Vietracimex8 để thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng Quốc lộ 2, đoạn tránh TP. Vĩnh Yên. Quyết định này không quy định Vietracimex8 được thu phí của cả những phương tiện không sử dụng dịch vụ đường bộ.

Mặt khác, giả sử Quyết định số 2465/QĐ-BGTVT cho phép Vietracimex8 thu tiền của cả các phương tiện không sử dụng dịch vụ thì khoản tiền mà Vietracimex8 yêu cầu các bị cáo trả chắc chắn không phải là nghĩa vụ của các bị cáo phát sinh từ việc sử dụng dịch vụ. Khoản thu này nằm ngoài các căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự và chưa được pháp luật định danh. Nếu Vietracimex8 thu loại tiền này thì phải phát hành một loại chứng từ riêng, không thể là “vé dịch vụ sử dụng đường bộ”. Do Vietracimex8 chỉ bán “vé dịch vụ sử dụng đường bộ” nên anh Tiến và chị Huệ hoàn toàn có quyền từ chối mua.

Như vậy, bản án sơ thẩm của TAND huyện Sóc Sơn đã giải thích sai các quy định của pháp luật và quyết định của Bộ Giao thông Vận tải khi xác định anh Tiến và chị Huệ không sử dụng dịch vụ nhưng vẫn phải mua vé để qua trạm BOT. Việc này chẳng khác nào thừa nhận Công ty CP BOT Vietracimex8 có quyền lợi đặc biệt, nằm ngoài và vượt qua mọi quy định pháp luật.

4. Các bị cáo có dừng đỗ xe quá thời gian theo quy định của pháp luật không?

Vào ngày 11/6/2019, khi đang lưu thông qua trạm BOT, anh Tiến đã phải miễn cưỡng dừng xe do trạm này hạ barie chắn không cho đi. Khi chị Huệ yêu cầu nhân viên của trạm cung cấp tài liệu chứng minh quyền thu phí thì chỉ nhận được sự lảng chánh. Trạm BOT đã yêu cầu anh chị thực hiện những điều trái pháp luật và bất công là mua “vé dịch vụ sử dụng đường bộ”.

Trong trường hợp này quyền tự do đi lại của anh Tiến và chị Huệ đã bị xâm hại. Họ bị khống chế và không có cách nào để ra khỏi trạm thu phí, mặc dù thậm chí sau đó họ đã đưa tiền cho nhân viên của trạm nhưng bị trả lại và từ chối bán vé (ảnh 4). Với cách làm như vậy thì thời gian “dừng đỗ” sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào trạm BOT và thời điểm cẩu xe của lực lượng chức năng.

5. Lời kết

Đứng ở vai trò người bào chữa, đương nhiên tôi phải tìm những căn cứ để gỡ tội cho bị cáo vì đó là bổn phận của mình. Thấy việc bào chữa (ý là tìm ra căn cứ gỡ tội) là khá dễ nên tôi đã thử đặt mình vào vị trí của KSV để tìm căn cứ buộc tội nhằm phán đoán xem họ sẽ lấy gì để “đấu” lại các luật sư, nhưng tôi đã thất bại khi thử làm một công tố viên. Tôi đã chẳng tìm được gì (do tình tình tiết của vụ án quyết định) để cáo buộc các bị cáo phạm tội.

Với anh Bùi Mạnh Tiến và chị Đặng Thị Huệ, chắc chắn số tiền là 10.000 đồng cho một lượt đi qua trạm BOT không phải là số tiền lớn, nó lại chẳng đáng gì nếu họ phải đổi nó để chuốc lấy sự phiền phức hay vướng vào lao lý. Nhưng, nếu phải trả dù chỉ một đồng cho sự phi pháp thì dường như họ thấy đã đánh mất những thứ vô cùng lớn lao, đó là niềm tin vào pháp luật, lòng tự trọng, lẽ phải và sự công bằng.

Mong rằng khi xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ khách quan trong vụ án này để gột rửa những “vết hoen” vốn có, góp phần lấy lại niềm tin của nhân dân vào pháp luật.

Hà Nội, ngày 20/7/2020.
LS Lê Đình Việt






No comments:

Post a Comment

View My Stats