Sunday, 12 July 2020

TRƯỜNG HỢP BỆNH NHÂN NGƯỜI ANH BN91, MỘT BÀI HỌC NHỚ ĐỜI (Lê Nguyễn)





Sau khi ngành y tế và truyền thông Việt Nam tỏ ra hả hê về việc đã chữa khỏi căn bệnh Covid 19 cho viên phi công người Anh Stephen Cameron từng thập tử nhất sinh, thì nhiều biểu hiện dồn dập đã khiến dư luận … ngỡ ngàng. Cơ quan truyền thông chính thống của nhà nước là VOV2.VOV.VN đăng tin với một hàng tít không bình thường “Bệnh nhân người Anh rối loạn tâm lý hay một kiểu “chảnh”?

Trang tin của VOV ghi “Trong quá trình điều trị, bệnh nhân người Anh nhiều khi thiếu hợp tác với các bác sĩ. Anh cũng không muốn xuất hiện tại lễ xuất viện, nơi các bệnh nhân thường chính thức nói lời cảm ơn các bác sĩ đã cứu sống họ. Có thể anh chỉ nhận hoa chúc mừng của bệnh viện rồi ra thẳng sân bay để về nước”.

Nay thì không chỉ “có thể” nữa, anh ta đã lặng lẽ trở về nước thật rồi!

Chuyện gì đã xảy ra vậy?

Thì đây, báo nhà nước cũng tường thuật rõ ràng: “Ngoài VOV, nhiều cơ quan truyền thông khác đã đề nghị phỏng vấn Stephen Cameron, bằng hình thức trực tiếp hoặc email hay hình thức nào đó phù hợp, nhưng thông qua bệnh viện, anh cho biết không đồng ý chia sẻ bất cứ điều gì với báo chí Việt Nam …”,

và đây nữa:

“Không chỉ từ chối sự quan tâm của xã hội và các cơ quan báo chí Việt Nam, BN91 cũng thiếu hợp tác với ngay cả chính Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi anh đang được điều trị. Bệnh viện cho biết, để cập nhật tình hình bệnh nhân này với công chúng, bệnh viện đã chụp và cung cấp một bức hình (có che mặt) bệnh nhân cùng thông tin về quá trình điều trị cho báo chí, nhưng BN91 đã bày tỏ sự không hài lòng về điều này. Thậm chí sau khi biết ekip bác sĩ có trao đổi với các phóng viên về tình hình điều trị Stephen Cameron đã phản ứng bằng cách nhịn ăn và không phối hợp luyện tập”.

Và đây nữa:

“đến sát ngày được trở về Anh, bệnh nhân 91 đã từ chối cả việc xuất hiện trong lễ xuất viện (dự kiến diễn ra ngày 11/7) để chính thức nói lời cảm ơn, hành động mà các bệnh nhân khác thường làm khi được công bố ra viện …. có ý kiến cho rằng, anh đang sử dụng quyền riêng tư đối với các thông tin cá nhân của mình, anh có quyền cung cấp hay bán câu chuyện rất đặc biệt của mình cho cơ quan truyền thông nào đó theo cách anh muốn, hoặc giữ cho riêng mình, và điều đó là bình thường từ góc nhìn của người Anh..” (hết trích)

Xem tới đây, các bạn nghĩ sao? Có ngạc nhiên về thái độ cư xử của bệnh nhân người Anh và cho đó là thái độ vô ơn không? Trong trường hợp này, ai cũng có quyền suy diễn theo nhận thức, cảm nghĩ của riêng mình.

Về phần cá nhân mình, tôi không ngạc nhiên về hành động của Cameron và cũng không nghĩ rằng anh ta cố ý thể hiện thái độ hoàn toàn vô ơn đối với những người đã cứu sống mình.

Những gì diễn ra trong thời gian qua cho người cả nước nhìn thấy cả một chiến dịch truyền thông nhằm mượn hình ảnh chữa trị bệnh nhân BN91 để khoe khoang thành tích của chính quyền và ngành y tế Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Muốn quảng bá thành tích thì phải thường xuyên tiếp cận với đối tượng và những toan tính này đã nhanh chóng khiến cho đối tượng có cảm giác mình là một loại “con tin”, một phương tiện truyền thông để người khác lợi dụng.

Quá trình điều trị một bệnh nhân là một quá trình cần được giữ kín, về mặt y học, cũng như về quyền được tôn trọng bí mật cá nhân của người bệnh. Bệnh viện chữa trị cho anh bằng cách “chụp và cung cấp một bức hình (có che mặt) bệnh nhân cùng thông tin về quá trình điều trị cho báo chí” thì việc bệnh nhân đã phản ứng lại là điều không có gì quá đáng.

Điều đó cho thấy bất cứ hành động tốt đẹp nào cũng có thể mang đến những tác dụng ngược lại. Đó là chưa kể sự chữa trị đầy quyết tâm của chính quyền và ngành y tế VN dành cho một cá nhân người nước ngoài đã làm chạnh lòng hàng triệu bệnh nhân người Việt đang sống dở chết dở trong những phòng bệnh chật ních con người, những thân nhân của họ có khi phải dùng cả gầm giường để làm chỗ ngủ qua đêm. Ngoài ra, còn hàng chục ngàn công nhân VN bị mất việc, sống đói khát, cù bơ cù bất ở nước ngoài, chưa biết đến bao giờ được trở về quê hương, mà vẫn chưa thấy chính phủ có một quyết sách nào rõ ràng.

Dù gì thì bệnh nhân số 91 cũng sắp –hay đã - gặp lại người thân ở quê nhà. Thái độ của anh có thể bị xem là vô ơn, song suy nghĩ xa hơn, đó là thái độ sòng phẳng, nếu như anh ta lập luận thế này về các cơ quan chức nặng đã cứu sống anh “các ông đã chữa trị cho tôi, và đã dùng hình ảnh của tôi để quảng bá cho các ông nhiều rồi, thế là huề nhé! Từ nay hình ảnh của tôi là của tôi, tôi độc quyền sử dụng nó, chứ không phải ai khác!”.

Đó là bài học về truyền thông cho những ai thích khoe mình một cách quá đáng, bằng cách sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của người khác, dù với một chiêu bài, một mục tiêu cao đẹp nào. Bài học này không hề nhỏ, đối với những ai mang bệnh thành tích trầm kha!

Lê Nguyễn
12.7.2020






No comments:

Post a Comment

View My Stats