Phan Nguyên biên dịch
15/07/2020
Vào tháng 11 năm 2010,
khi nói chuyện với các sinh viên tại Đại học Bắc Kinh, David Cameron đã
được hỏi ông sẽ đưa ra lời khuyên gì cho Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời đại
chủ nghĩa đa nguyên đang nở rộ. “Một tiếng ồ đáng kinh ngạc vang lên khắp khán
phòng, một nửa ngưỡng mộ, một nửa sốc”, sau đó ông nhớ lại. “Khi tôi nhìn
quanh các khuôn mặt, tôi nghĩ: hệ thống này có thực sự tồn tại lâu được không?
Kết luận của tôi là, nếu trong hình thức hiện tại thì không thể”.
Cameron hy vọng nhiệm kỳ
thủ tướng của mình sẽ là buổi bình minh của một kỷ nguyên vàng trong quan hệ Anh-Trung.
Đằng sau khái niệm này là niềm tin rằng Anh có thể định hình cách tiếp cận của
Trung Quốc đối với thương mại và nhân quyền bằng cách làm ăn với Trung Quốc. Hy
vọng đó đã không sống sót được hết thập niên. Thương mại và đầu tư đã tăng lên,
nhưng Trung Quốc đã trở nên đàn áp hơn ở trong nước và quyết đoán hơn ở nước
ngoài.
Các chính trị gia Anh đã
thấy rằng các căng thẳng này ngày càng khó thoả hiệp. Vào ngày 14 tháng 7,
chính phủ của ông Boris Johnson đã tuyên bố sẽ cấm mua các bộ thiết bị mới của Huawei,
một công ty viễn thông Trung Quốc, để sử dụng trong các mạng di động thế hệ thứ
năm (5G) của Anh từ năm tới. Các
nhà mạng sẽ có nghĩa vụ phải loại bỏ hoàn toàn thiết bị Huawei vào năm 2027.
Điều đó đã đảo ngược một quyết định đưa ra hồi tháng 1 cho phép Huawei chiếm thị
phần tối đa 35% và loại trừ công ty này khỏi các phần nhạy cảm nhất của mạng.
Quyết định này dựa trên lời khuyên mới đây từ GCHQ, cơ quan tình báo tín hiệu của
Anh, cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ làm Huawei không được tiếp cận
các bộ phận thiết bị đáng tin cậy và khiến cho “không thể xác minh được” mức độ
bảo mật của các thiết bị Huawei.
Anh cũng sẽ thay đổi các
quy tắc nhập cư để cho phép tối đa 2,9 triệu người Hồng Kông có được quyền công
dân Anh sau khi chính quyền Trung Quốc quyết định áp đặt luật an ninh quốc gia
hà khắc lên thuộc địa cũ này của Anh. Hai nghị sĩ đã kêu gọi Ngoại trưởng Anh
Dominic Raab đưa Carrie Lam, trưởng đặc khu Hong Kong, vào danh sách trừng phạt
mới mà Anh đã công bố. Ông Johnson dự định sẽ thúc đẩy các kế hoạch bị trì hoãn
lâu nay để thực hiện một chế độ sàng lọc đầu tư kỹ lưỡng hơn, khiến một loạt
các công ty nước ngoài không thể mua lại các công ty Anh dựa trên lý do an ninh
quốc gia.
Johnson từng tuyên bố
mình là một “người yêu mến Trung Quốc”, và khi còn là thị trưởng London, ông thậm
chí còn nhiệt tình hơn cả ông Cameron trong việc theo đuổi thương mại và du lịch
với nước này. Văn phòng của ông nói rằng họ muốn Trung Quốc vẫn là một đối tác
về biến đổi khí hậu và y tế toàn cầu, nhưng “mối quan hệ này không đi kèm cái
giá nào cả”. Các lãnh đạo doanh nghiệp Anh đang đau đầu vì mối quan hệ nóng lạnh
thất thường này, và mong muốn chính phủ sẽ có một đường lối kiên định hơn.
Một số yếu tố lý giải cho
lập trường cứng rắn này. Một là chính sách của Trung Quốc. Anh nói rằng Trung
Quốc vi phạm hiệp định bàn giao Hồng Kông, trong đó bảo đảm lãnh thổ này
được hưởng các quyền và tự do, cũng như việc Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo ở
Tân Cương đã khiến nhiều nghị sĩ Anh kinh hoàng. Một điều nữa là áp lực phải loại
bỏ Huawei từ Mỹ và Úc, những đồng minh của Anh trong nhóm tình báo Five Eyes và
là những nước Anh hy vọng sẽ sớm đạt được các thỏa thuận thương mại.
Tại Nghị viện, một nhóm vận
động mới hình thành bao gồm các nhà lập pháp Bảo thủ cho rằng Trung Quốc gây ra
mối đe dọa đối với các chuẩn mực toàn cầu và các xã hội tự do. Sức hấp dẫn của
Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc này còn lớn hơn so với Nhóm Nghiên cứu Châu Âu của
những người ủng hộ Brexit. Tom Tugendhat, thủ lĩnh của nhóm, là một cựu sĩ quan
quân đội thuộc phe tự do trong đảng. Ông nói rằng “Anh đã hy vọng và đầy tham vọng,
và thật đáng buồn khi hy vọng và kỳ vọng đó đã gặp phải những thực tế lạnh lùng
của một quốc gia chuyên chế”. Công Đảng dưới thời Keir Starmer cũng trở nên diều
hâu hơn. Lisa Nandy, ngoại trưởng trong chính phủ đối lập, nói rằng Anh phải
tìm ra “những lựa chọn thay thế trong nước” cho sức mạnh viễn thông và năng lượng
hạt nhân của Trung Quốc.
Các quan chức Trung Quốc
đã nói với các vị khách nước ngoài rằng họ hi vọng nước Anh thời hậu Brexit sẽ
là một nơi có thể dễ làm ăn vì Anh cần phải tăng cường thương mại ngoài EU và
duy trì vị thế trung tâm tài chính của London. Sự thay đổi nhanh chóng này tất
nhiên là một bất ngờ khó chịu đối với họ. Người Trung Quốc đã thể hiện rõ thái
độ không hài lòng khi tại một cuộc họp báo vào ngày 6 tháng 7, Liu Xiaoming,
đại sứ Trung Quốc tại Anh, đã cáo buộc các chính trị gia Anh có “tư duy thực
dân” và nói rằng việc loại bỏ Huawei sẽ gửi đi một thông điệp rất xấu cho các
nhà đầu tư Trung Quốc về nền kinh tế của Anh. “Chúng tôi muốn trở thành bạn và
đối tác của nước Anh, nhưng nếu các bạn muốn biến Trung Quốc thành một quốc gia
thù địch, các bạn phải gánh chịu hậu quả”.
Trung Quốc thường xuyên
trừng phạt các quốc gia nói hoặc làm những điều gây khó chịu cho họ. Bước đầu
tiên là hủy bỏ các cuộc gặp giữa các chính trị gia, như từng xảy ra khi quan hệ
với chính phủ của ông Cameron bị đóng băng trong một năm sau khi ông gặp Đức
Dalai Lama, vị lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Sau đó là các đe dọa kinh tế.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Anh, sau Mỹ và Liên minh
châu Âu, chiếm 5% tổng thương mại nước này, và chính phủ Trung Quốc rất giỏi nhắm
mục tiêu vào các nhà xuất khẩu nhạy cảm chính trị và có tính biểu tượng. Ngành
xuất khẩu cá hồi Na Uy đã bị tấn công sau khi một giải Nobel hòa bình được trao
cho một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc. Xuất khẩu thịt
bò và lúa mạch của Úc đã bị chặn sau khi Úc kêu gọi tiến hành một cuộc điều.
tra quốc tế về sự bùng phát của coronavirus. Oliver Dowden, bộ trưởng văn hóa
Anh, cho biết rằng các quyết định hạn chế và sau đó là cấm sự tham gia của
Huawei vào mạng 5G của Anh sẽ khiến việc triển khai 5G của Anh bị chậm tiến độ
hai đến ba năm và gây thiệt hại 2 tỷ bảng Anh (2,5 tỷ đô la).
Nếu Trung Quốc có ý muốn
làm tổn thương nước Anh thì họ có thể lựa chọn một loạt các thương hiệu và lĩnh
vực để nhắm vào. Danh sách các mục tiêu khả dĩ có thể bao gồm whisky Scotland
hoặc Jaguar Land Rover, nhà sản xuất ô tô có khoảng 1/5 doanh số bán hàng được
tạo ra tại Trung Quốc. Nhìn chung, London không quá bị ảnh hưởng, nhưng hai
ngân hàng có nguồn gốc từ quá khứ thuộc địa của Anh, HSBC và Standard
Chartered, lần lượt kiếm được hai phần ba và một nửa lợi nhuận của họ ở Trung
Quốc và Hồng Kông. Một công ty bảo hiểm, Prudential, cũng hoạt động rất nhiều
vào đó. “Nếu Trung Quốc thực sự muốn chèn ép chúng tôi … bằng cách trừng phạt
các công ty Anh, họ có thể làm được điều đó”, theo lời George Magnus thuộc
Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford. HSBC và Standard Chartered đã tuyên bố
ủng hộ luật an ninh mới của Hồng Kông, nhưng Magnus không nghĩ hành động đó đủ
bảo vệ họ.
Charles Parton, một nhà ngoại giao kỳ cựu người Anh và là nghiên cứu viên cao cấp tại
Viện Dịch vụ Hoàng gia, cho rằng các biện pháp đó có thể khiến các nhà lãnh đạo
sợ hãi nhưng thường không tồn tại được lâu dài, không chặn được xuất khẩu tổng
thể tăng lên, và không thể ngăn cản các chính trị gia thách thức chính sách của
Trung Quốc khi lợi ích của Anh bị đe dọa. Đầu tư của Trung Quốc vào Anh là nhằm
tìm kiếm lợi nhuận, không phải chính trị hay từ thiện. “Tác động chủ yếu là lên
các chính trị gia”, Parton nói. “Thế giới ngoài kia vẫn tiếp tục. Học sinh đi
du học. Du khách thì tham quan. Các doanh nghiệp vẫn kinh doanh bình thường”.
Tuy nhiên, thiệt hại
chính có thể không phải là những tổn thất hiện tại mà là tổn thất lợi ích trong
tương lai. Một sự xích mích với Trung Quốc sẽ làm hỏng các sáng kiến mới được thiết kế để mang lại cho Anh lợi thế cạnh tranh so với các nước
châu Âu. Tranh cãi này có thể giết chết mối liên kết giữa các sàn giao dịch chứng
khoán London và Thượng Hải và cản trở các lĩnh vực mới nổi, chẳng hạn như việc
phát hành trái phiếu xanh ở London bởi các công ty Trung Quốc. Rất ít nghị sĩ sẽ
nhận ra điều đó. Nhưng nhiều người lo sợ rằng những lợi thế bị đánh mất đang
ngày càng chồng chất. “Chúng ta đã có Brexit, rồi Covid, chúng ta có cần phải đối
đầu với Trung Quốc nữa hay không?” một cựu bộ trưởng nội các thời hoàng kim của
quan hệ song phương nêu câu hỏi. Vấn đề đó sẽ sớm có câu trả lời rõ ràng. ■
No comments:
Post a Comment