Tuesday, 14 July 2020

CHÍNH SÁCH VỀ TRUNG QUỐC của BÀ MERKEL : 'TRAO ĐỔI' MÀ KHÔNG 'THAY ĐỔI' (Christoph Schult - Der Spiegel)




Christoph Schult  -  Der Spiegel
Dịch giả: Hiếu Bá Linh
14/07/2020

Ảnh chụp bài báo trên Der Spiegel ra ngày 9-7-2020

Lời người dịch: Hôm 9/7/2020 báo Der Spiegel, tuần báo có uy tín nhất nước Đức và có tiếng trên thế giới, đăng một bài viết về chính sách của bà Merkel đối với Trung Quốc. Ngày nay đường lối thơ ngây “Trao đổi về thương mại sẽ dẫn đến thay đổi về chính trị” đã được thực tế chứng minh là ảo tưởng. Thế nhưng bà Thủ tướng nước Đức vẫn tiếp tục chính sách này, cho nên tác giả bài báo đã giật hàng tít mỉa mai “Trao đổi mà không thay đổi”. Sau đây là bản dịch.

                                                      ***

Mặc dù cách thức hành xử hung hăng của Trung Quốc ở Hồng Kông, nhưng bà Thủ tướng không tính đến việc rời bỏ đường lối êm dịu đối với Trung Quốc.

Một trong những thách thức lớn nhất thời nay về chính sách đối ngoại, bà Angela Merkel (CDU) chỉ nói vài câu trong lần xuất hiện chính của bà tại Nghị viện châu Âu hồi tuần này, ngày 8-7-2020.

Quan hệ với Trung Quốc “được định hình bởi các mối quan hệ thương mại chặt chẽ, nhưng cũng có những hình dung rất khác nhau về chính trị – xã hội, trước hết là về việc tôn trọng nhân quyền và nhà nước pháp quyền“, Thủ tướng phát biểu khi Đức bắt đầu đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng EU.

Ngay cả khi hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc không thể diễn ra vào tháng 9 tới, bà Merkel nói, “chúng tôi muốn tiếp tục đối thoại cởi mở với Trung Quốc“.

Và còn gì nữa? Chỉ có thế sao? Không một chữ nào về các sự kiện ở Hồng Kông hiện đang là chủ đề lớn trên toàn thế giới.

Cuối tháng 6 vừa qua, chính quyền Đặc Khu đã thông qua một “luật an ninh” sâu rộng, làm suy yếu quy tắc “một quốc gia, hai chế độ” đã có hiệu lực kể từ khi Anh rút khỏi nơi này.

E ngại đối với nhà cầm quyền Trung Quốc

Luật an ninh trao quyền cho cảnh sát Hồng Kông hành động nghiêm ngặt chống lại phe đối lập. Hôm thứ ba, bà Carrie Lam, người đứng đầu chính quyền Hồng Kông, đã cảnh báo “những người cấp tiến” về “hậu quả rất nghiêm trọng” nếu họ vi phạm các luật lệ mới. Những người biểu tình đầu tiên đã bị bắt giữ.

Đối với các đảng đối lập: đảng Xanh và FDP, bài phát biểu tại Brussels là thêm một bằng chứng nữa cho thấy, bà Angela Merkel đặt vấn đề nhân quyền thấp hơn các lợi ích khác.
Từ nhiều năm nay, bà Thủ tướng đã dè dặt về việc chỉ trích nhà cầm quyền Trung Quốc. Chính sách của bà giống như hồi xưa Thủ tướng Willy Brandt đối với Liên Xô, được định hình bởi phương châm “thay đổi (về chính trị) thông qua trao đổi (về thương mại)”.

Nhưng cách tiếp cận này có thực tế với cách hành xử ngày càng hung hăng của Trung Quốc? Bây giờ, các đảng cầm quyền cũng hoài nghi về cách tiếp cận này.

Rất tiếc, kỳ vọng của bà Merkel rằng Trung Quốc cũng sẽ tiếp cận phương Tây về mặt chính trị (thay đổi về chính trị) thông qua sự gắn kết (kinh tế) ngày càng tăng, đã không thành hiện thực. Về mặt này, bà Thủ tướng nên từ giã hình dung lỗi thời của mình về Trung Quốc và hãy đối mặt với thực tế“, ông Nils Schmid viết trên twitter. Ông hiện là phát ngôn viên chính sách đối ngoại của khối nghị sĩ đảng SPD trong Quốc hội Liên bang Đức.

Nghị sĩ đảng SPD Nils Schmid viết trên twitter

Phản ứng của chính phủ Đức đối với HongKong không đạt mức tối thiểu“, ông Norbert Röttgen nói. Ông hiện là chuyên gia về đối ngoại của đảng CDU (đảng của bà Merkel). “Cách Đức phản ứng là một phép thử về độ tin cậy của chúng ta trong việc xây dựng chiến lược EU đối với Trung Quốc.”

Ông Röttgen từ lâu được coi là một nhà phê bình chỉ trích bà Merkel, không chỉ về chính sách đối ngoại. Tại đại hội đảng hồi cuối năm ngoái, ông ra ứng cử chức chủ tịch đảng CDU. Ông viết tiếp: “Đó là một phép thử về cách chúng ta chống lại lập trường ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên thế giới. Chúng ta cần nhấn mạnh: chính sách Hồng Kông của Trung Quốc sẽ làm tổn thương hình ảnh quốc tế của mình“.

Nghị sĩ đảng CDU Norbert Röttgen viết trên twitter

Tuy nhiên, các nhà phê bình trong nội bộ các đảng liên minh cầm quyền (đảng CDU và SPD) không đòi hỏi gì nhiều hơn là phải phản đối Trung Quốc với những lời lẽ rõ ràng hơn.

Cho đến nay, chỉ có các chính trị gia đối lập như chuyên gia nhân quyền của đảng FDP, bà Gyde Jensen, đòi hỏi trừng phạt Trung Quốc.

Cả ông Schmid (SPD) và ông Röttgen (CDU) cho đến nay đều e ngại, dè dặt về các biện pháp trừng phạt, giống như Văn phòng Thủ tướng và Bộ Ngoại giao Liên bang Đức.

Dĩ nhiên tùy theo mức độ đậm nhạt. Trong khi bà Merkel thật sự muốn tránh xung đột với Trung Quốc hầu như bằng mọi giá, thì Ngoại trưởng Heiko Maas (đảng SPD) nhìn chính sách Trung Quốc với ánh mắt nghiêm khắc hơn.

Lưu ý về du lịch Trung Quốc được thắt chặt

Ngay cả trong cuộc thảo luận về vấn đề giấy phép 5G, ông Maas đã có thái độ hoài nghi hơn nhiều đối với nhà cung cấp Trung Quốc Huawei so với bà Merkel.

Ngoại trưởng Maas cũng đã gặp nhà hoạt động Hồng Kông Joshua Wong tại Berlin hồi tháng 9 năm ngoái và sau đó Bắc Kinh đã triệu tập đại sứ Đức.

Ngay sau khi luật an ninh có hiệu lực, Bộ Ngoại giao Liên bang đã siết chặt về du lịch Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Đức cảnh báo công dân Đức về các vụ bắt giữ có thể xảy ra nếu họ chỉ trích Trung Quốc hoặc tỏ ra có thiện cảm với phong trào tự do Hồng Kông. Ông Röttgen, chính trị gia về đối ngoại của đảng CDU, cảnh báo đó chẳng khác gì đề xuất người dân Đức “tự kiểm duyệt“. Bộ Ngoại giao Đức có phần ngạc nhiên, vì đây là nhiệm vụ của Bộ nhằm cảnh báo người Đức khi ở nước ngoài.

Ông Maas và bà Merkel đồng ý với nhau rằng, họ không muốn theo đuổi chính sách “tủ kính bày hàng” trong thời gian Đức giữ chức Chủ tịch Hội đồng EU. Sự chỉ trích sẽ khó tác động tới chính phủ Trung Quốc, nhưng nó chứa đựng nguy cơ chia rẽ EU. Đó là lý lẽ được đưa ra.

Nhất là các nước Đông Âu, một số chính phủ coi Trung Quốc chủ yếu là đối tác kinh tế chứ không phải là đối thủ mang tính hệ thống.

Tuy nhiên, trong trường hợp nếu tình hình ở Hồng Kông xấu đi, không thể loại trừ hậu quả là sẽ có các biện pháp trừng phạt. Các quan chức chính phủ tiết lộ “không phải tất cả, nhưng một vài lựa chọn” đang ở trên bàn.

Các biện pháp từ việc triệu tập đại sứ Trung Quốc đến việc đình chỉ Hiệp định dẫn độ và các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân.

Cũng có thể hình dung rằng hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc sẽ bị hoãn lại vô thời hạn, không được diễn ra như kế hoạch cho đến cuối năm nay, nếu Trung Quốc không nhượng bộ đáng kể, chẳng hạn như về bảo vệ đầu tư.







No comments:

Post a Comment

View My Stats