Tuổi
Trẻ Online
06/07/2020 19:40 GMT+7
TTO - Họa sĩ Dương Ngân Hải - người đang ‘nổi tiếng’
trên mạng bởi ‘đạo nhái’ tranh cổ động của các tác giả nước ngoài đem dự thi -
tâm sự rằng đã nhận ra lỗi lầm của mình và rất nhục nhã, bế tắc, chỉ muốn chui
xuống lỗ.
Họa sĩ Dương Ngân Hải
thừa nhận bức tranh của anh (bên phải) là đạo nhái tác phẩm anh tìm thấy trên mạng
(bên trái) - Ảnh tư liệu
Chiều 6-7, anh Dương Ngân
Hải đã có những chia sẻ chân thành với Tuổi Trẻ Online về
thông tin cho rằng anh đã "đạo nhái" hai tác phẩm của hai họa sĩ Liên
Xô và Ukraine, đem dự thi và được trao giải hai cuộc thi sáng tác tranh cổ động
do Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức năm 2017 và
2020, cũng như "cơn bão táp dư luận" mà anh và gia đình đang phải
gánh chịu.
Giống hệt tác phẩm của họa sĩ
nước ngoài
Thời gian gần đây, một số
họa sĩ đã thông tin trên Facebook về việc bức tranh cổ động Hòa bình, ổn
định, phát triển và thịnh vượng của họa sĩ Dương Ngân Hải được Cục Văn
hóa cơ sở trao giải khuyến khích cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền
năm APEC Việt Nam 2017 là tác phẩm "đạo nhái" lại một bức tranh cổ động
về kỳ Thế vận hội 1980 tổ chức tại Liên Xô của một họa sĩ Liên Xô.
Tiếp đó, bức tranh cổ động Một
ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng của họa sĩ này tham dự cuộc thi
sáng tác tranh cổ động Tuyên truyền văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020 do Cục Văn
hóa cơ sở tổ chức cũng là một tác phẩm đạo nhái lại bức tranh cổ động của một họa
sĩ Ukraine đã từng công bố năm 2015.
Tác phẩm Một ASEAN
gắn kết và chủ động thích ứng của Dương Ngân Hải tham gia cuộc thi sáng tác
tranh cổ động Tuyên truyền văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020 - Ảnh tư liệu
Chia sẻ với Tuổi
Trẻ Online, nhà báo Phan Việt Hùng - một người có nhiều năm du học ở Liên
Xô cũ - cho biết tác phẩm mà họa sĩ Dương Ngân Hải đã "mượn" cho sáng
tác Hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng là một trong
những bức tranh cổ động tiêu biểu nhất về kỳ Thế vận hội 1980 do họa sĩ A.
Arkhipenko sáng tác.
Nguyên bản của tác phẩm
này được in tuyên truyền ở Liên Xô từ năm 1978, phía dưới hình chú chim bồ câu
có dòng chữ tiếng Nga màu đỏ có nghĩa "Thể thao phục vụ hòa bình và tình hữu
nghị các dân tộc".
Tác phẩm còn có một phiên
bản bằng tiếng Anh phục vụ công tác đối ngoại, chỉ có dòng chữ MOSCOW 1980.
Không chỉ in ápphich dán
nơi công cộng, để phục vụ tuyên truyền, từ 1978 Liên Xô đã cho in bưu thiếp, in
lịch bỏ túi có hình bức tranh cổ động này của họa sĩ A. Arkhipenko.
"Trong bức tranh cổ
động Olympic 1980, không phải vô cớ mà họa sĩ Arkhipenko vẽ dải lụa 5 màu đâu.
Đó chính là màu của 5 vòng tròn Olympic. Vậy mà bức tranh cổ động của tác giả
Dương Ngân Hải sáng tác về chủ đề APEC lại cũng sao nguyên cả 5 màu
Olympic", ông Hùng phân tích.
Tác phẩm được cho
là của họa sĩ Ukraine mà họa sĩ Dương Ngân Hải đã "mượn" cho sáng tác
Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng - Ảnh tư liệu
Tôi sai, mong không ai mắc sai
lầm như tôi
Trao đổi với Tuổi
Trẻ Online, họa sĩ Hải thừa nhận những thông tin về việc đạo tranh của anh
là "cũng có phần đúng", anh "có đạo nhái" và anh
"không biết nói thế nào".
Họa sĩ Hải giải thích rằng
trong quá trình sáng tác hai tác phẩm trên, đã tìm hiểu trên mạng xã hội và tìm
thấy hai tác phẩm rất phù hợp với ý tưởng mà mình đang muốn thể hiện nên đã
"mượn" từ đó để thể hiện những ý đồ của mình.
Ông Hải giải thích rằng
mình làm việc này một cách "hồn nhiên" chứ không hề ý thức sâu sắc
chuyện bản quyền trong tranh cổ động, "bởi lẽ tranh cổ động lâu nay vốn ít
sáng tạo, chỉ có một số hình ảnh, biểu tượng được sử dụng lặp đi lặp lại, quen
thuộc để đạt được hiệu quả tuyên truyền rộng rãi".
"Tôi thật sự đã
không nghĩ sâu xa, nên vô tình mà phạm lỗi. Nếu biết hậu quả ghê gớm như vậy
thì tôi không dám làm. Dù sao tôi cũng thấy mình đã sai, tôi không biết phải
nói thế nào. Đây là một bài học lớn đối với tôi và tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc",
họa sĩ Dương Ngân Hải giãi bày.
Họa sĩ cho biết chỉ nhận
được những thông tin phản hồi về 2 tác phẩm "đạo nhái" của mình vào
sáng nay (6-7) và ông cùng gia đình đang phải chịu áp lực ghê gớm.
"Tôi rất buồn, cảm
giác bế tắc tới mức không muốn sống, nhục nhã quá, chỉ còn muốn chui xuống lỗ",
họa sĩ thành thật chia sẻ.
Ông nói "cú
ngã" này có thể khiến ông không thể đứng dậy mà tiếp tục làm nghề được nữa.
Vì vậy mà ông mong bài học của mình sẽ có ích cho những nghệ sĩ khác, nhắc nhở
mọi người không bước vào sai lầm của mình, ý thức về tôn trọng bản quyền tốt
hơn.
Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với người phát ngôn của Bộ Văn hóa
- thể thao và du lịch - ông Nguyễn Thái Bình chiều 6-7 về việc này. Ông Bình
cho biết đã nhận được thông tin và đang yêu cầu báo cáo vụ việc.
Ông cũng nói thông tin
trao giải khuyến khích cuộc thi sáng tác tranh cổ động Tuyên truyền văn hóa năm
Chủ tịch ASEAN 2020 cho tác phẩm Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng của
họa sĩ Dương Ngân Hải là chưa chính xác. Ban tổ chức chưa chính thức công bố giải
thưởng của cuộc thi này.
***
Họa sĩ Dương Ngân Hải hiện là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh
Hà Tĩnh, làm việc tại Hà Tĩnh với công việc của một họa sĩ đồ họa. Ông từng có
một số tác phẩm tranh cổ động được đánh giá cao như:
- Tác phẩm Âm
vang Điện Biên được Cục Văn hóa cơ sở trao tặng giải khuyến khích năm
2009;
- Tác phẩm Tiếp
bước cha ông tô thắm màu cờ Tổ quốc tham gia Triển lãm mỹ thuật khu vực
IV - Bắc miền Trung năm 2013;
- Tác phẩm Hòa
bình và công lý cho Biển Đông được Hội Mỹ thuật Việt Nam đề nghị Liên
hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tặng giấy khen năm 2014.
---------------------------------------------------------
TTO - Sau khi nhận được
công văn yêu cầu của nhóm 8 họa sĩ bị xâm phạm bản quyền tranh lên mẫu áo dài,
một số công ty áo dài đã bày tỏ 'sự ăn năn', 'đánh tiếng' xin lỗi.
No comments:
Post a Comment