Friday, 24 July 2020

ĐÓNG TÒA LÃNH SỰ Ở HOUSTON : TRUMP ĐÁNH MẠNH TRUNG QUỐC ĐỂ PHỤC VỤ TRANH CỬ? (Thu Hằng - RFI)




Thu Hằng  -  RFI
Đăng ngày: 24/07/2020 - 09:53

Chính quyền Mỹ quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston và nhân viên Trung Quốc có 72 tiếng để rời khỏi Hoa Kỳ với hạn chót là vào 16 giờ (giờ địa phương) ngày 24/07/2020. Đây là biện pháp trừng phạt mới nhất trong loạt biện pháp nhắm vào Bắc Kinh được Washington dồn dập đưa ra từ ngày 14/07.

Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Hoa Kỳ. Reuters

Lãnh sự Trung Quốc ở Houston có thể chỉ là bước đầu và tổng thống Donald Trump cho rằng « có thể » đóng cửa nhiều cơ quan ngoại giao khác của Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ. Quyết định chưa từng có này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở mức xấu nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979.

Thông tín viên RFI Thomas Harms tường trình từ Houston :

« Từ tối thứ Ba 21/07, nhân viên của lãnh sự Trung Quốc ở Houston biết là phải ra đi. Rất nhiều tài liệu đã bị đốt ở sân sau của trụ sở mà không hề bị che giấu trước ánh mắt theo dõi của người dân sống trong những tòa tháp cao hơn cả tòa lãnh sự. Thế là thông tin nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội và phương tiện truyền thông trên khắp thế giới.

Theo ông Marco Rubio, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện, việc đóng cửa tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston đã được chờ đợi từ rất lâu. Ông nói : « Tòa lãnh sự này là trung tâm của cả một mạng lưới tình báo rộng lớn : Tình báo thương mại, tình báo quốc phòng và đã đến lúc phải đóng cửa cơ quan ngoại giao này ».

Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Mỹ nêu rõ « Hoa Kỳ không dung thứ những vụ vi phạm của Trung Quốc, những biện pháp giao thương bất hợp pháp, đánh cắp việc làm của người Mỹ » và việc đóng cửa lãnh sự Trung Quốc ở Houston là nhằm « bảo vệ sở hữu trí tuệ Mỹ ».

Đang thăm Đan Mạch, ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh : « Tổng thống Trump đã nói là « Đủ rồi ! ». Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc này tiếp diễn. Chúng tôi sẽ có những biện pháp để bảo vệ người dân Mỹ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ nền kinh tế và công ăn việc làm của Hoa Kỳ ».

Nhân viên của lãnh sự Trung Quốc ở thành phố lớn thứ tư của Mỹ phải dọn sạch tòa nhà và rời khỏi Hoa Kỳ trước chiều thứ Sáu 24/07, nếu không họ sẽ bị bắt vì tội làm gián điệp ».

Ổ gián điệp dưới vỏ bọc ngoại giao ?

Một quyết định bất ngờ và nghiêm trọng như vậy hẳn phải được cân nhắc rất kỹ vì, theo bà Molly Montgomery, nguyên là một nhà ngoại giao và hiện là nhà nghiên cứu của Brookings Institution, « bộ Ngoại Giao Mỹ không thể xem nhẹ một quyết định như vậy vì điều đó gần như chắc chắn kéo theo việc đóng cửa một trong những lãnh sự của Mỹ » ở Trung Quốc. Và đúng như thế, ngày 24/07, Trung Quốc thông báo đóng cửa toà lãnh Mỹ ở Thành Đô (Chengdu). 

Bộ Ngoại Giao Mỹ cáo buộc Trung Quốc « tiến hành hàng loạt chiến dịch bất hợp pháp mở rộng ảnh hưởng và gián điệp trên lãnh thổ Mỹ ». Cụ thể, theo David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách  Đông Á-Thái Bình Dương, được South China Morning Post trích dẫn, quân đội Trung Quốc « cử sinh viên, chính thức hoặc không chính thức, theo học tại các trường đại học Mỹ để giúp Bắc Kinh đẩy mạnh ưu thế quân sự trên thế giới. Và lãnh sự quán ở Houston là đầu não của mọi hoạt động này ».

Vẫn vị quan chức của bộ ngoại Giao Hoa Kỳ, khi trả lời New York Times cho biết tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston, ông Cai Wei, từng bị kiểm tra ở sân bay Houston sử dụng giấy tờ tùy thân giả vào cuối tháng 05/2020 khi đang tiễn nhiều công dân Trung Quốc lên các chuyến bay riêng về nước.

Cục điều tra liên bang (FBI) cũng để mắt đến lãnh sự quán này trong khuôn khổ nhiều cuộc điều tra. Các nhà ngoại giao Trung Quốc bị tình nghi lén lút gửi về nước nhiều tài liệu nghiên cứu thu thập được từ các phòng nghiên cứu trong vùng và gây áp lực với nhiều công dân Trung Quốc đang sống ở Mỹ mà Bắc Kinh muốn ép họ về nước.

Vào đầu tháng Bẩy, giám đốc FBI Christopher Wray thống kê « mức tăng 1.300% hồ sơ gián điệp kinh tế liên quan đến Trung Quốc » trong vòng 10 năm gần đây và hiện tại, « cứ 10 tiếng, Cục điều tra liên bang lại phải tiến hành điều tra phản gián liên quan đến Trung Quốc ». Đối với ông Christopher Wray « đảng Cộng Sản Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất trong dài hạn » cho an ninh của Hoa Kỳ.

Đánh lãnh sự Trung Quốc ở Houston để phục vụ tranh cử ?

Houston được cho là có vị trí chiến lược, nơi có một chi nhánh của Cơ quan Không gian Mỹ NASA và nằm giữa vùng dầu mỏ của Mỹ. Trả lời thư điện tử của France 24, Bill Hayton, chuyên gia về lĩnh vực năng lượng tại châu Á của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh Chatham House ở Luân Đôn, cho rằng một trong những nhiệm vụ của phái bộ Trung Quốc ở bang Texas là « theo dõi những dự án của các doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực năng lượng có thể khiến Bắc Kinh quan tâm ». Chính lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston « từ năm 2006 đế 2009, đã gây sức ép đối với các công ty khai thác dầu khí Mỹ hoạt động trong vùng Biển Đông, trong đó có công ty Hunt Oil và Pogo ».

Chừng đó hành động có thể bị xem là thù nghịch, nhưng không đủ chứng cứ rõ ràng để kết luận rằng lãnh sự Trung Quốc ở Houston là một trung tâm tình báo « Made in China », theo Danny Russel, người từng phụ trách vấn đề Đông Bắc Á-Thái Bình Dương tại bộ Ngoại Giao Mỹ cho đến năm 2017, khi trả lời đài CNN. Nếu thực sự chỉ hạn chế ở quy mô đánh cắp công nghệ, thì « có lẽ Hoa Kỳ nên đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco, chuyên phụ trách tất cả những gì liên quan đến Silicon Valley », theo Jeff Moon, một cựu đại diện Mỹ về thương mại với Trung Quốc. 

Trả lời đài CNN, Jeff Moon cho rằng quyết định của tổng thống Donald Trump liên quan đến chính sách đối nội nhiều hơn là tình báo. Lãnh sự ở Houston bị nhắm đến vì nằm trong bang Texas, một bang do đảng Cộng Hòa lãnh đạo và là nơi mà chủ nhân Nhà Trắng có lợi thế hơn đối thủ Dân Chủ Joe Biden trong các cuộc thăm dò. Trang Vox cho rằng đây là cách để tổng thống Mỹ làm thỏa mãn và vận động lực lượng cử tri của ông « luôn yêu cầu trừng phạt Trung Quốc nhiều hơn nữa ».

Hệ thống quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung quy định mỗi phái bộ ở nước này có phái bộ tương đương ở nước kia. Sau khi ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, ban đầu có người cho rằng phía Mỹ có thể sẽ phải đóng cơ quan đại diện ngoại giao ở… Vũ Hán, nơi xuất phát dịch Covid-19. Thế nhưng, Bắc Kinh đã cao tay hơn khi quyết định đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Đây có thể là một đòn ngoại giao nặng nề cho Washington, vì tòa lãnh sự này xử lý tất cả những vấn đề liên quan đến Tây Tạng.
(Theo RFI, France 24, AFP)

----------------------------------------
Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày: 24/07/2020 - 11:18

Ba ngày sau vụ Mỹ đóng cửa tòa lãnh sự Trung Quốc tại Houston, đến lượt Bắc Kinh ngày 24/07/2020 ra lệnh đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Lý do : "Nhân viên ngoại giao tại đây can thiệp vào công việc của Trung Quốc và đã có những hoạt động không thích hợp với công tác ngoại giao".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) trong buổi họp báo ngày 24/07/2020 cho biết Bắc Kinh yêu cầu Washington đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. AP - Mark Schiefelbein

Tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành Đô hoạt động từ năm 1985 với 200 nhân viên. Năm 2013, cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden đã tiết lộ một bản đồ về những địa bàn hoạt hoạt động của tình báo Mỹ, trong đó có Thành Đô. Năm 2012, một trong những cộng tác viên trung thành với cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, Bạc Hy Lai đã chạy vào tòa lãnh sự Thành Đô xin tị nạn.

Hơn nữa, Thành Đô có một vị trí chiến lược,  như giải thích của thông tín viên Stéphane Lagarde trong khu vực Đông Bắc Á :

"Ăn miếng, trả miếng. Với các tòa lãnh sự cũng vậy. Trong một thông cáo gửi qua mạng WeChat của các phóng viên, bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định là không có sự lựa chọn nào khác. Trung Quốc không mong muốn xảy ra tình cảnh này. Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Hoa Kỳ.

Trong những ngày qua, Bắc Kinh đã cân nhắc nhiều địa điểm. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận không chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc, thậm chí còn thực hiện một cuộc thăm dò trên mạng Twitter để tham khảo ý kiến là nên đóng cửa lãnh sự Mỹ tại Hồng Kông, Quảng Đông hay Thành Đô. Cuối cùng, nơi được chọn là Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, phía tây Trung Quốc. Đây là một địa điểm chiến lược đối với Hoa Kỳ, do Tứ Xuyên nằm sát cạnh Tây Tạng và Tân Cương.

Một dấu hiệu báo trước về quyết định của Trung Quốc là ngay từ tối hôm qua (23/07), đã có một chuyến máy bay từ Mỹ đến Thượng Hải. Hành khách là các nhân viên ngoại giao. Rất có thể số này sẽ được điều đến lãnh sự quán ở Vũ Hán, vốn đã rất vắng người từ khi dịch Covid-19 bùng phát". 

Gián điệp Trung Quốc trốn trong tòa lãnh sự San Francisco
Trong lúc Hoa Kỳ và Trung Quốc tố cáo lẫn nhau về các hoạt động tình báo, ngày 23/07/2020, bộ Tư Pháp Mỹ cho biết Cục Điều Tra Liên Bang FBI đã bắt giữ ba nghi can Trung Quốc dùng hộ chiếu giả. Một người thứ tư đã tạm thoát do trú ẩn trong lãnh sự Trung Quốc tại thành phố San Francisco, bang California. Cả bốn người nói trên, theo phía Mỹ, phục vụ trong quân đội Trung Quốc, đội lốt nghiên cứu sinh để hoạt động tại Hoa Kỳ. 








No comments:

Post a Comment

View My Stats