Phạm
Đình Trọng
07/07/2020
1. CẢM HỨNG ANH HÙNG CA
Một buổi chiều tôi
đang ngồi với nhà văn Vũ Bão ở 65 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, tòa soạn
báo Điện Ảnh Việt Nam thuộc bộ Văn Hóa Thông Tin mà Vũ Bão là Phó
Tổng biên tập, kiêm trưởng ban Biên tập thì người đàn ông mái tóc
bồng bềnh nghệ sĩ, áo sơ mi trắng, cà vạt xanh, bên sườn đeo chiếc
máy ảnh nhỏ như vừa bước ra từ một cuộc tiếp khách nào đó đến gặp
Vũ Bão. Đó là Trần Khuê, giảng viên ngữ văn trường Cao đẳng Sư phạm
Sài Gòn. Vũ Bão nói tên tôi. Trần Khuê thân mật choàng tay ghì vai tôi
vào người ông và bảo: Ồ, Trọng đây à? Ngay lập tức ông đưa máy ảnh
cho Vũ Bão nhờ bấm cho ông và tôi bức hình chung.
Năm đó khoảng 1983 –
1984, Hà Nội còn đi xe đạp và tôi còn làm biên kịch Xưởng Phim Quân
Đội nhưng Vũ Bão vẫn thường dành đề tài viết cho tôi, coi tôi như
người trong ban biên tập của ông. Chưa có điện thoại cá nhân. Cần viết
về phim nào, nhân vật nào, ông lại lóc cóc đạp xe từ 65 Trần Hưng
Đạo, hoặc từ nhà ông, 90 ngõ Quỳnh, Bạch Mai đến nơi tôi ở trong khu
nhà mênh mông Xưởng Phim Quân Đội, số 17, phố nhà binh Lý Nam Đế rồi
mỗi người một xe đạp, đạp đến hãng phim truyện Việt Nam, số 4 Thụy
Khuê, xem bộ phim mới sắp công chiếu. Đến Hàng Ngang gặp nhà quay phim
lão làng Nguyễn Đăng Bảy. Đến Nhà Hát Kịch Việt Nam sau Nhà Hát Lớn
gặp Lâm Tới vừa từ Sài Gòn ra …
Hôm gặp Trần Khuê, vẫn
hai chiếc xe đạp cà tàng nhưng xe tôi chắc chắn, khỏe khoắn hơn nên tôi
chở Trần Khuê đi thong dong bên Vũ Bão đến bãi bia hơi vỉa hè Cổ Tân
cạnh Nhà Hát Lớn, nơi chiều chiều họp mặt khá nhiều gương mặt văn
nghệ sĩ Hà Nội.
Năm 1993, tôi đã vào ở
hẳn trong Sài Gòn và Vũ Bão đã nghỉ hưu. Một hôm đột ngột Vũ Bão
đến tìm tôi ở Sài Gòn rủ tôi tham gia viết tập sách về truyền thống
cách mạng huyện Hóc Môn. Trong đoàn do Vũ Bão tập hợp về Hóc Môn
làm sách có cụ Lê Phải là dân gốc Thủy Nguyên, Hải Phòng nhưng là
người lính cầm súng đánh Pháp ở Sài Gòn từ năm 1945. Nay cụ Phải
là trung tá quân đội về hưu. Đương nhiên đến mảnh đất nơi Trần Khuê
đang sinh sống, Vũ Bão không thể quên Trần Khuê. Lúc đó Trần Khuê làm
việc ở trung tâm nghiên cứu Hán Nôm thuộc viện Khoa học Xã hội Sài
Gòn và tên Trần Khuê luôn xuất hiện cùng với tên Nguyễn Thị Thanh
Xuân. Vì vậy tham gia viết sách về Hóc Môn cùng với anh Trần Khuê còn
có chị Nguyễn Thị Thanh Xuân cũng là người ở viện Khoa học Xã hội
Sài Gòn.
Phó Chủ tịch Ủy ban
Nhân dân huyện Hóc Môn Lê Minh Phong dẫn chúng tôi đến khách san bên
quốc lộ Một, xã Đông Hưng Thuận. Ba bữa ăn sáng, trưa, chiều chúng tôi
từ khách sạn lững thững thả bộ ra nhà hàng Cần Phong ở đường Quang
Trung. Nay nhà hàng Cần Phong vẫn còn. Đây là khoảng thời gian tôi
được gần gũi 24/24 giờ trong ngày hai bậc đàn anh chữ nghĩa đầy
mình, nhà văn Vũ Bão sinh năm 1931 và nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Khuê
vốn là thầy giáo dạy văn, sinh năm 1936.
Hóc Môn là chiếc nôi
của phong trào cộng sản ở Nam Kỳ, nơi có làng Đỏ mười tám thôn vườn
trầu Bà Điểm như là bản doanh của Xứ ủy Nam Kỳ. Làng Đỏ vườn trầu
Bà Điểm có những cơ sở trung kiên là những bà mẹ cả đời không ra
khỏi làng nhưng mở lòng che chở, nuôi giấu những người cộng sản đến
từ mọi miền đất nước: Phan Đăng Lưu, đại diện trung ương đảng cộng
sản ở Nam Kỳ, Võ Văn Tần rồi Tạ Uyên lần lượt là bí thư xứ ủy Nam
Kỳ, Năm Bắc Nguyễn Thị Minh Khai, bí thư Sài Gòn – Chợ Lớn. Những
cuộc họp của xứ ủy Nam Kỳ bàn thảo mưu đồ tiến hành cuộc khởi
nghĩa Nam Kỳ tháng 11 năm 1940 cũng diễn ra trong sự che chở bao bọc
của người dân làng Đỏ vườn trầu Bà Điểm. Cụ Lê Phải viết về địa
chỉ đỏ này và tên bài viết của cụ trở thành tên chung của cả tập
sách Hóc Môn Hương Trầu Quê Mẹ. Lúc đó cả Vũ Bão, Trần Khuê và tôi
viết tập sách Hóc Môn Hương Trầu Quê Mẹ đều với cảm hứng anh hùng
ca. Ca ngợi con người cộng sản. Ca ngợi phong trào cộng sản. Ca ngợi
cuộc chiến tranh không xót máu dân do những người cộng sản quyết liệt
tiến hành.
2. KHOẢNG SÁNG. KHOẢNG TỐI
Năm 2001, tôi được anh
Trần Khuê tặng hai tập sách khổ giấy A4: Đối Thoại 2000 và Đối Thoại
2001 với tên tác giả là Trần Khuê – Nguyễn Thị Thanh Xuân. Giọng văn
hào sảng, Đối Thoại đòi hỏi dân chủ hóa đời sống xã hội. Đòi xoá bỏ
điều 4 Hiến pháp để trả quyền làm chủ đất nước cho người dân. Với lí
lẽ đầy thuyết phục, Đối Thoại mạnh mẽ đòi thực hiện đúng di chúc
Hồ Chí Minh, đốt xác để Hồ Chí Minh được thỏa nguyện mong ước, để
thuận với qui luật tự nhiên và để chấm dứt một lỗ thủng lớn của
túi tiền ngân sách nhà nước khi mỗi năm phải chi hàng trăm tỉ tiền
thuế dân, nuôi cả một bộ tư lệnh đồ sộ với một đống tướng, tá đông
đúc chỉ huy một đội lính kiểng chỉ để trông coi một ngôi mộ. Ngôi mộ
đó lại lù lù yểm âm khí giữa thủ đô đất nước thì đất nước đó làm
sao có sinh khí mà phát triển, mở mang. Những luận cứ sắc sảo và
dũng cảm của Trần Khuê chỉ ra những sai trái, tội lỗi với dân của
nhà nước cộng sản chính là khoảng sáng vằng vặc của ngôi sao Khuê
họ Trần.
Sống trong tuyên truyền
cộng sản nhưng càng từng trải cuộc đời càng phải thoát ra khỏi tuyên
truyền lừa dối để càng ngày càng thức tỉnh về những đau đớn mất
mát của giống nòi Việt Nam trong tai ương cộng sản. Nhưng vẫn như gần
mười năm trước khi Trần Khuê tham gia viết Hóc Môn Hương Trầu Quê Mẹ,
vẫn với cảm hứng anh hùng ca Đối Thoại nhắc đến những công lao,
những dấu ấn tốt đẹp của đảng Lao động rồi nằng nặc đòi đảng cộng
sản trở về với tên đảng Lao động Việt Nam và tên nước phải trở về
với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Đảng cộng sản dù mang
tên đảng Lao Động hay tên gì đi nữa vẫn là đảng độc tài thâm căn cố
đế thì xã hội không thể có tự do, dân chủ. Đòi dân chủ hóa xã hội,
đòi bỏ điều 4 Hiến pháp nhưng lại coi đảng Lao động là tốt đẹp, đòi
đảng cộng sản đương quyền trở lại tên đảng Lao Động Việt Nam là trái
tim Trần Khuê, tâm hồn Trần Khuê vẫn gửi gắm, tin tưởng, trông đợi ở
đảng của Hồ Chí Minh. Trong các bài viết, trong lời nói, trong sâu
thẳm tình cảm, Trần Khuê vẫn coi đảng Lao động của Hồ Chí Minh là
đúng đắn, tốt đẹp, cần thiết cho đất nước. Sự đúng đắn, tốt đẹp
đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng 30.4.1975 rạng danh
dân tộc Việt Nam. Chỉ có đảng cộng sản là sai trái, hư hỏng. Với
triệu chứng lâm sàng ở Trần Khuê, có thể thấy Trần Khuê cũng vẫn
trong số khá đông người dân Việt Nam chưa thoát khỏi cơn hôn mê, ngộ
độc tuyên truyền cộng sản.
Xin hãy nhìn những
đảng cộng sản trên thế giới dù mang tên đảng Lao Động như Bắc Triều
Tiên, hay mang tên đảng Công Nhân Thống Nhất như Ba Lan, có đảng nào
không độc tài? Có xã hội nào có tự do dân chủ? Đảng Lao động Việt
Nam tốt đẹp mà sắt máu làm cải cách ruộng đất giết hại hàng trăm
ngàn người dân biết tổ chức sản xuất giỏi tạo ra hạt gạo nuôi no đủ
cả nước, tạo ra sự ổn định, bền vững của làng quê Việt Nam. Đảng
Lao động tốt đẹp mà giam cầm trong ngục tù, giam cầm tại nhà đến
thân tàn ma dại hàng trăm trí thức, những tài năng lớn nhất của tinh
hoa, khí phách Việt Nam trong những vụ án ngụy tạo xét lại, Nhân Văn
Giai Phẩm . . . Vẫn tin vào đảng của những người cộng sản là vẫn tin
vào học thuyết cộng sản đầy tội ác. Một khoảng mờ của ngôi sao Khuê
họ Trần.
Trần Khuê thấy được
giữ lại thi thể Hồ Chí Minh trong hòm kính dù đặt trong nhà hầm vẫn
là tênh hênh trên mặt đất, là không thuận ý nguyện cuối cùng, ý
nguyện thiêng liêng nhất của người chết, không thuận qui luật tự nhiên,
là đày đọa thân xác người quá cố và tạo ra cái thùng không đáy
ngốn tiền mồ hôi nước mắt dân. Nhận ra những cái có hại sờ sờ như
vậy, Trần Khuê đòi đốt xác Hồ Chí Minh nhưng hồn vía Trần Khuê vẫn
thuộc về Hồ Chí Minh.
Trần Khuê đề xuất nhân
100 năm sinh Hồ Chí Minh, năm 1990 phải được vinh danh là Năm Hồ Chí
Minh. Trần Khuê phê phán, đay nghiến năm 1990 lại là năm Du lịch chứ
không phải năm Hồ Chí Munh. Trong hơn chục đề mục được treo ngay trang
bìa website trankhue.net,
có tới bốn đề mục về Hồ Chí Minh: Nghị quyết UNESCO về Chủ tịch
Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh: Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc. Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã nói thẳng về quyền bình đẳng của phụ nữ. Từ thiền
Đại Việt đến thiền Hồ Chí Minh. Trang nhất trankhue.net luôn
được cập nhật những bài viết mới nhưng bốn câu tụng Hồ Chí Minh thì
được đóng đinh cố định trên cao nhất trang chủ từ khi có trang web đến
nay:
Bác Hồ quở mắng anh Ba
Sau vụ Giá – Lương – Tiền
Dân quá khổ kêu trời không thấu
May sao vọng tới Bác Hồ
Sau vụ Giá – Lương – Tiền
Dân quá khổ kêu trời không thấu
May sao vọng tới Bác Hồ
Việc làm, đường lối,
chủ trương của anh Ba Duẩn, người đổi tên đảng Lao động của Hồ Chí
Munh thành đảng Cộng sản chỉ mang lại đau khổ cho dân. May quá, dân
Việt Nam còn có bác Hồ! Dù bác đã chết nhưng hồn thiêng của bác
còn về quở mấng, nhắc nhở anh Ba.
Trong Đối Thoại, trong
các bài viết khác, trong chuyện trò, Trần Khuê luôn bộc lộ lòng
ngưỡng mộ cuộc đời hoạt động Hồ Chí Minh đã vượt qua mọi thác
ghềnh lịch sử, đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi nô lệ thực dân Pháp.
Người đọc nhiều, biết
rộng, uyên bác kim cổ như Trần Khuê sao lại chưa thấy được rằng con
đường tất yếu của văn minh công nghiệp phải đi từ tư bản hoang dã đến
tư bản nhân văn. Thời hoang dã, tích lũy tư bản bằng bóc lột sức lao
động người dân trong nước và xâm chiếm thuộc địa, nô dịch dân và vơ
vét tài nguyên thuộc địa. Việt Nam tăm tối trong nền sản xuất nông
nghiệp cổ lỗ trở thành thuộc địa của nước Pháp công nghiệp văn minh
là qui luật xã hội tất yếu, là định mệnh của số phận dân tộc tạo
ra nền văn minh lúa nước.
Quá trình tích lũy tư
bản cũng là quá trình phát triển khoa học kĩ thuật. Khoa học kĩ
thuật phát triển đã mang lại lợi nhuận vô cùng mau lẹ và to lớn cho
nhà tư bản. Lợi nhuận tư bản có được không phải từ bóc lột sức lao động nữa
mà từ khoa học kĩ thuật, từ tài năng nhà tư bản. Sự bóc lột, ngược đãi với
con người, với thiên nhiên trở thành tội ác trong luật pháp xã hội tư bản
văn minh và bị hiến chương Liên Hợp Quốc lên án, loại bỏ. Quyền con người của mỗi
cá thể và quyền tự quyết của mỗi dân tộc được coi trọng hàng đầu trong xã
hội tư bản văn minh. Thời tư bản nhân văn đã thực sự đến với loài
người. Đánh dấu thời tư bản nhân văn, ngày 1.4.1960, Đại Hội đồng Liên Hợp
Quốc ra Nghị quyết 1514 đòi các nước có thuộc địa phải trao trả độc lập cho các
nước thuộc địa. Đi trước nghị quyết của Liên Hợp Quốc từ 1947, nước Anh
đã trả độc lập cho thuộc địa Ấn Độ. Dù có nấn ná, trì hoãn thì
đến giữa thế kỉ 20, Pháp cũng phải trả độc lập thực sự cho thuộc
địa Việt Nam. Đó là tất yếu lịch sử.
Đau đớn, oan nghiệp cho
dân Việt Nam là đảng cộng sản đưa dân tộc Việt Nam đi con đường ngập
trong máu để giành độc lập, tưởng như nền độc lập đã có từ năm 1945
nhưng đến nay sang năm thứ hai mươi thế kỉ 21 rồi, Việt Nam vẫn chưa có
độc lập thực sự. Mỗi lần đảng cộng sản chia chác nhau chiếc ghế
quyền lực trong đảng, chia chác nhau chiếc ghế lãnh đạo nhà nước đều
phải thỉnh ý đảng Tàu Cộng thì độc lập nỗi gì! Đảng cộng sản Việt
Nam phải theo lệnh Tàu Cộng, gạt bỏ một trí tuệ, một khí phách
Việt Nam là Nguyễn Cơ Thạch ra khỏi vị trí lãnh đạo đất nước thì
độc lập nỗi gì!
Dù Hồ Chí Minh có đưa
Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ thực dân Pháp nhưng lại tròng vào cổ
dân Việt Nam ách nô lệ cộng sản còn tối tăm, man rợ gấp nhiều lên nô
lệ thực dân để rồi đến đầu thế kỉ 21 trí tuệ Trần Khuê còn phải
viết Đối Thoại 2000 và Đối Thoại 2001 đòi tự do, dân chủ. Đất nước Việt
Nam do máu người Việt Nam tạo dựng lên. Tổ tiên người Việt Nam là Bà
Trưng, Bà Triệu, là Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi,
Nguyễn Trãi, Quang Trung. Vậy mà khi giã từ cuộc sống trần thế trở
về với tổ tiên, trở về với đất Mẹ Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ tâm
nguyện trở về với Karl Marx, với Lénine.
Sắt son với con người
rước họa cộng sản về đày đọa người dân Việt Nam, thờ phụng con
người mất gốc không còn hồn Việt Nam là khoảng mờ rất đáng tiếc
của ngôi sao Khuê họ Trần.
3. HỘI NHÂN DÂN CHỐNG THAM
NHŨNG
Cuối tháng bảy, 2001,
anh Trần Khuê cùng chị Nguyễn Thị Thanh Xuân ra Hà Nội xúc tiến việc
thành lập hội Nhân Dân Chống Tham Nhũng. Anh Khuê, chị Xuân đến gặp gỡ
những tên tuổi Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang . .
. và bàn định cương lĩnh, bước đi của một hội chính danh, hợp pháp,
từ đăng kí, xin chính quyền công nhận đến nội dung hoạt động. An ninh
nhà nước cộng sản tuy không nhận thức được rằng nhà nước cộng sản
và tham nhũng là hai quái thai dính liền nhau nhưng họ hiểu rõ chỉ
có quyền lực nhà nước mới có thể tham nhũng. Giương ngọn cờ chống
tham nhũng là ngang nhiên tập hợp lực lượng chống nhà nước cộng sản.
Từng bước đi của hai công dân gấp gáp, đôn đáo cho ra đời hội Nhân Dân
Chống Tham Nhũng không thể thoát ra ngoài tầm kiểm soát của mạng
lưới an ninh cộng sản dày đặc.
Đần tháng chín, 2001,
đại tá về hưu Phạm Quế Dương, nguyên Tổng biên tập tạp chí Lịch Sử
Quân Sự dẫn chị Cư, vợ anh đi chơi Sài Gòn vì chị Cư chưa một lần
được đến thành phố một thời là Hòn Ngọc Viễn Đông. Chuyến đi của
anh Phạm Quế Dương, người có tên trong hội Nhân Dân Chống Tham Nhũng
của anh Trần Khuê, đương nhiên bị an ninh cộng sản theo sát từng bước.
Hội Nhân Dân Chống Tham Nhũng quá chính đáng và cần thiết. Hội đã
làm đơn xin phép để được chính quyền công nhận. Đàng hoàng, chính
danh như vậy, anh Phạm Quế Dương cứ hồn nhiên dẫn chị Cư đến nhà thăm
vợ chồng anh Trần Khuê. Cuộc thăm viếng vui vẻ nhưng khi vợ chồng anh
Phạm Quế Dương ra ga xe lửa trở về Hà Nội liền bị công an Sài Gòn
bắt đưa về số 4 Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận khám xét. Một bà già ngoài
60 tuổi, vợ một đại tá bộ đội cụ Hồ phải lột cả quần lót cho công
an thành Hồ khám xét! Thô bạo, quyết liệt, an ninh nhà nước cộng sản
quyết bóp chết từ trong trứng nước hội Nhân Dân Chống Tham Nhũng của
nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Khuê. Cuối năm 2001, ra Hà Nội, đến thăm
anh Phạm Quế Dương, tôi mới được chị Cư kể cho nghe chuyện chuyến đi
chơi Sài Gòn của chị bị an ninh cộng sản xúc phạm ê chề.
Một chiều cuối tháng
chín, 2001 tôi tình cờ ghé 296 Nguyễn Trãi, quận 5 thăm anh Trần Khuê
vì đã lâu tôi không gặp anh. Chủ khách vừa yên chỗ thì một thiếu tá
công an cùng một đám người mặc đồ dân sự xộc vào phòng anh Khuê và
tôi ngồi. Không giới thiệu chức danh, nhiệm vụ, không hỏi một lời về
con người công dân của tôi, câu đầu tiên viên thiếu tá công an đã yêu
cầu tôi về đồn công an làm việc. Tôi thẳng thừng từ chối. Tôi không
có vướng mắc gì cần làm việc với công an. Công dân đến thăm công dân là
bình thường, hợp pháp, là quyền con người. Các anh đột nhập bất hợp
pháp vào nhà công dân, các anh phải ra khỏi nhà. Nói rằng ông Khuê
đang phải quản chế hành chính hai năm, viên thiếu tá đọc làu làu số
quyết định quản chế hành chính 6494/QĐUB ngày 10 tháng chín năm 2001
của Ủy ban Nhân dân thành phố rồi một mực yêu cầu tôi về cơ quan công
an để làm rõ hành vi tiếp xúc với người bị quản chế.
Tôi chợt hiểu ra vì
ráo riết vận động thành lập hội Nhân Dân Chống Tham Nhũng, anh Khuê
đã bị nhà nước cộng sản quản chế hành chính hai năm. Tôi bảo viên
thiếu tá rằng quyết định quản chế hành chinh với ông Trần Khuê, đâu
phải quản chế hành chinh với tôi. Là công dân tự do, tôi có quyền đến
bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Cuộc viếng thăm của tôi bị phá,
tôi đành ra về nhưng viên thiếu tá công an cũng không cho tôi về.
Buổi chiều bị giữ ở
nhà anh Trần Khuê, tôi cứ cay đắng nghĩ đến cái bánh vẽ Hiến pháp. Là
người dành cho mình quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tôi luôn ghi
nhớ điều Hiến pháp bảo đảm quyền đó cho người dân. Hiến pháp nhà
nước cộng sản Việt Nam đã nhiều lần viết lại nhưng lần viết lại
nào cũng có điều ghi nhận quyền con người, quyền công dân cốt lõi về
tự do ngôn luận, tự do lập hội. Tôi nhớ rõ điều 69 Hiến pháp 1992
đương có hiệu lực là: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có
quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của
pháp luật.” Hiến pháp cho người dân quyền tự do lập hội nhưng thày
giáo dạy văn, nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Khuê vừa thảo văn bản, rục
rịch xin phép lập hội Nhân Dân Chống Tham Nhũng liền bị quản chế, tù
tại nhà hai năm!
4. VẦNG SÁNG ĐỂ LẠI
Câu lạc bộ Lê Hiếu
Đằng ra đời đầu năm 2014. Mãi đầu năm 2020, nhà nghiên cứu Trần Khuê
mới đến với câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng như một vị khách mời, như một
thành viên danh dự. Sáng 25.6.2020, lần thứ ba đến với những người
cùng ý chí với Lê Hiếu Đằng, Trần Khuê mang theo bịch sách Đối Thoại
để tặng những ai chưa có sách của ông. Tặng gần hết bịch sách rồi
Trần Khuê xin có lời.
Mái tóc bồng bềnh tôi
gặp ở Hà Nội hơn ba mươi năm trước nay càng bồng bềnh hơn vì tóc để
dài hơn, cuồn cuộn như sóng bạc đầu và trắng lênh đênh như mây trời.
Giọng Trần Khuê vốn sang sảng hủng hồn của một thầy giáo giảng dạy
văn chương. Vẫn mạch lạc và khúc triết nhưng sáng 25.6.2020 giọng không
còn âm vang mạnh mẽ mà mỏng mảnh, chìm nổi như tiếng gió thoảng,
Trần Khuê nói về vụ Đồng Tâm:
– Huân chương chiến công
là để ghi nhận công lao của những chiến sĩ lập công xuất sắc trong
chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, chống kẻ thù của nhân dân. Ông
Nguyễn Phú Trọng vốn nho nhã, thận trọng sao lại hấp tấp kí quyết
định tặng huân chương chiến công cho ba công an chết trong trận công an
giữa đêm tấn công vào dân làng Hoành. Đánh vào dân mà là chiến công
thì ông Nguyễn Phú Trọng coi nhân dân là kẻ thù sao?
Tuy chưa nói thẳng ra
nhưng phát biểu của nhà nghiên cứu Trần Khuê là lời phủ nhận mạnh
mẽ nhà nước cộng sản đương quyền. Coi nhân dân là kẻ thù thì đảng
của ông Nguyễn Phú Trọng, nhà nước của ông Nguyễn Phú Trọng đã thực
sự không còn một chút chính danh nào nữa.
Vừa dừng lời giây lát
bỗng bàn tay phải Trần Khuê đưa lên giẫy giật nhẹ và đầu lả ra thành
ghế phía sau. Mọi người xúm lại làm động tác cấp cứu cho người đột
quỵ. Nhưng Trần Khuê đã nhẹ nhàng đi vào cõi vô tận trong vòng tay
những người mang tinh thần Lê Hiếu Đằng. Chuyến đi vào vô tận của
người cả đời làm việc với chữ nghĩa càng nhẹ nhàng hơn khi ông đã
đăng kí hiến xác cho khoa học, hiến xác cho trường đại học Y Sài
Gòn.
Buổi sáng đưa tiễn
nhà nghiên cứu Trần Khuê đi vào khoa học, đi về phòng thí nghiệm
trường đại học Y Dược Sài Gòn. Buổi tối ngồi vào bàn làm việc
thật bất ngờ tôi lại gặp Trần Khuê.
Bắt đầu buổi làm
việc tối bằng việc mở hộp thư điện tử, tôi nhận được email của ông
bạn cùng học trường cấp ba Thái Phiên Hải Phòng hơn nửa thế kỉ
trước, ông bạn Hà Văn Thùy. Nay bằng những phát hiện khảo cổ, bằng
gien di truyền Hà Văn Thùy đã cặm cụi, miệt mài lần tìm cội nguồn
loài người, cội nguồn nòi giống người Việt Nam. Sau hai tập sách dày
đã xuất bản, xuất bản tập sách thứ ba, Tiền Sử Người Việt, ông bạn
Hà Văn Thùy xoa tay nói rằng ông đã giải quyết xong việc truy tìm cội
nguồn gốc gác con người và văn hóa Việt Nam. Giải thoát người Việt khỏi
cái bóng Trung Hoa. Từ châu thổ sông Hồng, người Việt thiên di lên phía
Bắc, sinh sản đông đúc và tiếp tục thiên di, làm nên phần lớn loài người,
làm nên nền văn hóa rực rỡ phương Đông. Tiếng Việt là chủ thể làm nên ngôn
ngữ Trung Hoa. Chữ Việt là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa.
Email của ông bạn từ
thời học phổ thông Hà Văn Thùy hớn hở cho biết rằng giải quyết xong
cái chung cội nguồn văn hóa Việt Nam, đi vào những điều cụ thể của
gia tài văn hóa đó, Hà Văn Thùy đang chưa xác định được Thái Tổ,
Thái Tông trong câu ca dao dân gian Đời vua Thái Tổ, Thái Tông / Lúa mọc đầy đồng,
trâu chẳng buồn ăn. Hai vua đầu, Thái Tổ, Thái Tông nhà Lê rối ren từ
trong hoàng cung ra xã hội thì không thể có cảnh thái bình yên vui
lúa mọc đầy đồng trâu chẳng buồn ăn.
Ông tiền sử Hà Văn
Thùy bộc lộ nỗi băn khoăn với ông Hán Nôm Trần Khuê liền được ông Hán
Nôm Trần Khuê lí giải rằng khi nhà Lê suy đồi, Mạc Đăng Dung với vai trò
là đại thần đã đem tài trí ra làm cột trụ chống giữ giang sơn nhà Lê. Ông
thực thi pháp luật nghiêm minh, phát triển nông nghiệp, khuyến khích thương mại,
mở khoa thi chọn hiền tài, hòa hiếu với nhà Minh… Nhờ vậy đất nước thanh bình, ổn
định. Khi định mệnh lịch sử đưa Mạc Đăng Dung lên làm vua, ông càng có điều
kiện hơn để thực thi chính sách của mình. Đây cũng là thời kỳ lực lượng phục Lê
chưa đủ sức hoạt động. Vì vậy hai triều đầu, Thái Tổ, Thái Tông nhà Mạc
đất nước thanh bình, thịnh trị được sử gia ghi nhận là thời tốt đẹp nhất
trong lịch sử phong kiến Việt Nam và được lòng dân ghi nhận bằng câu ca
dao Đời vua Thái Tổ, Thái Tông / Lúa mọc đầy đồng trâu chẳng buồn ăn .
Được lời như cởi tấm
lòng, Hà Văn Thùy liền email khoe niềm vui tìm được giá trị đích
thực của một báu vật trong gia tài văn hóa ông cha để lại. Kết thúc
email, Hà Văn Thùy viết: Ngẫm ra mới biết lòng dân thật sâu sắc và công bằng.
Chỉ có hiểu biết nông cạn và hẹp hòi thì không thể thấy được sự thăm
thẳm và mênh mang của lòng dân. Xin cảm ơn sự sâu sắc của nhà Hán Nôm
học Trần Khuê.
Một số hình ảnh:
Trần Khuê (phải) và Phạm Đình Trọng tại Hà Nội
năm 1983
Từ trái qua: Trần Khuê, Lê Phú Khải vàPhạm Đình
Trọng chụp tại Sài Gòn năm 2018
No comments:
Post a Comment