Thanh
Hà -
RFI
Đăng
ngày: 20/07/2020 - 13:42
Kế hoạch tái thiết kinh tế 750 tỷ euro hậu Covid-19
là bài toán trắc nghiệm về sự đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu. Khối này đang khẩn
cấp cần một kế hoạch chấn hưng kinh tế, nhưng sau gần nửa năm thương lượng và bốn
ngày đàm phán gay go tại thượng đỉnh Bruxelles lần này, các bên vẫn tiếp tục
cãi vã về một gói kích cầu trị giá chưa đầy 5 % GDP của toàn khối.
Thủ tướng Hà Lan
Mark Rutte, thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der
Leyen, thủ tướng Ý Giuseppe Conte, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và
tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thượng đỉnh Bruxelles ngày
18/07/2020. REUTERS - POOL
Tê liệt về chính trị đó càng làm sứt mẻ thêm uy tín của khối Liên Âu. Nhìn từ bên ngoài liệu rằng Bruxelles có thể chung một tiếng nói khi
đàm phán thương mại với Hoa Kỳ ? Liệu Liên Hiệp Châu Âu có thể cưỡng lại
các đòn chia để trị của Trung Quốc ? Đó là chưa kể Nga cũng như Thổ Nhĩ Kỳ
sẽ không bỏ lỡ cơ hội khai thác những chia rẽ trong nội bộ Liên Âu vì những mục
tiêu chiến lược, hay đơn giản là để mặc cả về chính sách nhập cư.
Ngay từ mùa xuân vừa qua,
Nhật Bản đã ban hành gói kích cầu 1.000, rồi 2.000 tỷ đô la, bơm thêm gần 40 %
GDP vào guồng máy kinh tế để khắc phục hậu quả của dịch Covid-19. Tại Hoa Kỳ,
vài tuần sau khi dịch bệnh bùng phát, tổng thống Trump ngay từ cuối tháng
3/2020 đã ký sắc lệnh về một kế hoạch chấn hưng kinh tế 2.000 tỷ đô la (khoảng
10 % GDP của Mỹ). Ngay cả tâm dịch là Trung Quốc, không ồn ào, nhưng cũng đã
can thiệp dưới nhiều hình thức để cứu vãn tình thế.
Trong khi đó, Liên Hiệp
Châu Âu mãi đến giữa mùa hè năm nay vẫn chưa thoát khỏi những vòng đàm phán triền
miên. Các thống kê báo động là trong trường hợp khả quan nhất, GDP của Liên Âu
sẽ giảm hơn 8 % trong năm nay, hàng chục triệu người có nguy cơ mất việc. Những
thành tích kinh tế đạt được trong bảy năm qua phút chốc đã bị virus corona cuốn
trôi. Thế nhưng, sau gần nửa năm dịch Covid-19 hoành hành, sau nhiều cuộc họp
qua cầu truyền hình, lãnh đạo 27 nước trong khối mới trực tiếp gặp lại nhau tại
Bruxelles trong phiên họp ban đầu dự trù trong hai ngày 17 và 18/07/2020. Nhưng
bốn ngày sau, tương lai gói kích cầu 750 tỷ euro vẫn mịt mờ. Thượng đỉnh được
kéo dài thêm 1 ngày, rồi 2 ngày.
Một nhà ngoại giao châu Âu
xin giấu tên nhận định, cung hội nghị Bruxelles đang trở thành « đấu trường »
giữa một bên là những nước chủ trương thắt lưng buộc bụng gồm Hà Lan, Áo, Thụy
Điển, Đan Mạch và trong một chừng mực nào đó là Phần Lan, và bên kia là các quốc
gia đang nóng lòng đợi được Liên Âu giúp đỡ. Trong số này có Ý, Tây Ban Nha và
Pháp, những thành viên bị Covid-19 tấn công mạnh nhất trong khối. Một điểm đáng
chú ý là khác với những đợt khủng hoảng trước đây, lần này nhóm cần được trợ
giúp đã được sự ủng hộ quý giá của Đức, vốn là thành viên chặt chẽ nhất
trong khối trong việc chi tiêu ngân sách chung, như ta đã thấy qua cuộc khủng
hoảng tài chính Hy Lạp 10 năm trước đây. Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel
nhìn nhận trong 7 năm lui tới Bruxelles, ông chưa bao giờ « trông thấy nhiều
điểm bất đồng như Mặt trăng với Mặt trời » mà mỗi phe đang quyết chí bảo vệ
đến cùng như tại thượng đỉnh lần này.
Điều đáng tiếc thứ hai là Liên Âu lao vào một cuộc đấu huynh đệ
tương tàn về số tiền 750 tỷ euro tái thiết kinh tế về khoản đóng góp vào
ngân sách chung 1.075 tỷ euro cho giai đoạn 2021-2027, trong khi đó là những khoản tiền tương đối nhỏ
so với tiềm lực tài chính của Mỹ, Nhật hay Trung Quốc. Nhưng nguy hiểm hơn nữa
là trong lúc Liên Âu so găng thì các đối thủ và kể cả đối tác của Bruxelles không
lãng phí thời gian để đi tiếp những nước cờ quan trọng. Chỉ riêng về thương mại
và kinh tế, Bruxelles đang cần dồn nỗ lực để đàm phán với Anh về giai đoạn hậu
Brexit; Liên Âu vẫn trong tầm ngắm của Nhà Trắng trên bàn cờ thương mại. Trung
Quốc thì vẫn tiếp tục mở rộng ảnh hưởng trên Lục Địa Già bằng nhiều ngả.
Bài học sau cùng từ các
cuộc đọ sức triền miên về ngân sách của châu Âu lần này có lẽ liên quan nhiều
hơn đến vế chính trị của bản thân Liên Âu. Việc nhóm 4 hay 5 nước chủ trương thắt
lưng buộc bụng đòi được quyền giám sát các số tiền viện trợ cho các thành viên
trong khối khắc phục hậu quả Covid-19 đang khơi dậy kinh nghiệm đau thương của
Hy Lạp, khi Athens phải ngửa tay xin Châu Âu giúp đỡ hồi đầu những năm 2010. Để
đổi lấy hai gói hỗ trợ của châu Âu, Hy Lạp đã gần như mất quyền định đoạt về mọi
biện pháp kinh tế, từ việc tăng lương hưu cho đến điều chỉnh các khoản trợ cấp
xã hội … Hệ quả kèm theo là Hy Lạp đã ngả vào vòng tay của Nga và nhất là của
Trung Quốc. Hy vọng rằng sự ích kỷ của một số thành viên Liên Âu 10 năm trước
đây sẽ không bị lập lại lần này.
-------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
No comments:
Post a Comment