Monday, 20 July 2020

KHÓ HAY KHÔNG CHUYỆN TÁCH RỜI CHUỖI CUNG ỨNG KHỎI TRUNG QUỐC? (Hoài An - The LEADER)




Hoài An  -  TheLEADER
18:24, 19/07/2020

Mặc dù Trung Quốc là điểm liên kết quan trọng của nhiều chuỗi cung ứng hàng đầu thế giới, xu hướng dịch chuyển một phần hoặc hoàn toàn khỏi quốc gia này đã không còn xa lạ, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi chiến tranh thương mại và mới nhất là đại dịch Covid-19.

Với các doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc từng được xem là vùng đất hứa, một thị trường sinh lời không thể thiếu của tương lai. Thế nhưng, sự leo thang của căng thẳng Mỹ - Trung đẩy những người đứng đầu doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ vào một thực tế mà chỉ vài năm trước đây dường như chẳng thể nào tưởng tượng đến: Trung Quốc có thể sẽ không còn là nguồn lợi nhuận và sản xuất đáng tin cậy nữa.

Rõ ràng, việc thay thế một thị trường sở hữu 1,4 tỷ người tiêu dùng đang ngày càng giàu có cũng như một chuỗi cung ứng vững chắc tồn tại hàng chục năm là điều không hề dễ dàng. Các công ty rời đi sẽ phải vất vả tìm kiếm công nhân lành nghề cũng như mạng lưới cung cấp rộng khắp như đã từng thiết lập tại Trung Quốc.

Tác giả Michael Schuman trên Bloomberg nhận định, sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhiều CEO lựa chọn ở lại Trung Quốc để sản xuất cho thị trường nội địa, bất chấp căng thẳng thương mại.

Không phải đơn giản mà suốt 30 năm qua, Trung Quốc có thể giữ và duy trì tốt vị trí công xưởng sản xuất, vua sản xuất của thế giới. Lực lượng lao động gần 900 triệu người, ít các điều khoản ràng buộc với các nhà máy, miễn thuế cũng như sự phá giá đồng Nhân dân tệ so với USD trong quá khứ đã giúp Trung Quốc trở thành thiên đường với các nhà sản xuất.

Ngay từ đầu những năm 1900, Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp này thay đổi cơ sở sản xuất vào Trung Quốc, tạo ra một hệ thống sản xuất xuất khẩu rộng lớn như ngày nay.

Kể từ năm 2009, sự tăng trưởng liên tục đã cho phép Trung Quốc giữ vững vị thế nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và tới năm 2013, Bắc Kinh đã vượt Washington để trở thành quốc gia thương mại lớn nhất thế giới.

Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc trở thành trung tâm xuất nhập khẩu công nghệ thông tin và truyền thông của toàn cầu trong 10 năm đầu của thế kỷ này, Michael Greenwald, Giám đốc Tiedemann Advisors, thành viên Trung tâm tin học và các vấn đề quốc tế thuộc trường Harvard Kennedy, chia sẻ trên Atlantic Council.

Thế nhưng, Michael Schuman cho rằng việc rời khỏi Trung Quốc là hoàn toàn khả thi và thậm chí, là điều không thể tránh khỏi dù sẽ mất thời gian và công sức.

Điều này càng được thúc đẩy hơn nữa khi cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có hồi kết. Trong khi nước Mỹ hạn chế xuất khẩu một số sản phẩm công nghệ sang Trung Quốc cũng như hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc vào thị trường vốn thì Bắc Kinh cũng cho thấy không hề kém cạnh khi nỗ lực giảm ảnh hưởng của phương Tây vào nền kinh tế này thông qua các sáng kiến kinh tế, các chương trình công nghiệp do nhà nước lãnh đạo.

Bloomberg dẫn nhận định của Homi Khara, chuyên viên cao cấp tại Brookings Institution (Viện Brookings), cho rằng, không một thị trường đơn lẻ nào có thể thay thế được Trung Quốc. Dự kiến đến năm 2030, Trung Quốc sẽ chiếm 22% lượng tiêu thụ trung bình của thế giới trên cơ sở ngang giá sức mua, theo dự báo của viện này trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể bù đắp phần thiếu hụt nhu cầu của thị trường Trung Quốc bằng các thị trường khác, ví dụ như Ấn Độ và Indonesia được dự báo sẽ tạo ra 21% lượng tiêu thụ của tầng lớp trung lưu trong 10 năm tới, chưa tính tới các thị trường mới nổi khác.

Mặc dù các thị trường thay thế có thể nhỏ hơn Trung Quốc tại thời điểm hiện nay nhưng tiềm năng là điều không thể phủ nhận. Sản lượng điện thoại thông minh xuất xưởng tại Trung Quốc cao gấp đôi Ấn Độ vào năm 2019 nhưng thị trường tiêu dùng lại giảm 7% trong khi Ấn Độ tăng 8%.

Một nghiên cứu của công ty tư vấn Bain & Company và Diễn đàn kinh tế thế giới từng dự báo thị trường tiêu dùng của 10 nước ASEAN sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới, đạt 4.000 tỷ USD. Khu vực Đông Nam Á với sự trẻ trung trong tương lai có thể sẽ thay thế những người tiêu dùng già nua tại Trung Quốc khi đến năm 2030, ASEAN dự báo có thêm 40 triệu người trong độ tuổi lao động, trong khi Trung Quốc sẽ mất 30 triệu.

Câu chuyện thị trường tiêu dùng cũng diễn ra tương tự với chuỗi cung ứng khi không ít doanh nghiệp đa quốc gia đã tìm thấy các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Mặc dù Apple vẫn phụ thuộc nhiều vào các nhà máy Trung Quốc để sản xuất iPhone, Samsung Electronics hiện đã sản xuất hơn một nửa số điện thoại thông minh tại Việt Nam.

Công ty đồ thể thao Adidas AG đã giảm đáng kể tỷ lệ giày dép được sản xuất tại Trung Quốc xuống 16% vào năm 2019 so với con số 39% hồi năm 2010. Trong khi đó, tỷ lệ sản xuất tại Việt Nam và Indonesia đã tăng vọt lên 71% vào năm ngoái.

Các nhà sản xuất công nghệ lớn như Microsoft hay Google đã lên kế hoạch chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất sang Việt Nam và Thái Lan vào cuối năm nay. Một số doanh nghiệp lớn khác tham gia vào quá trình chuyển sản xuất sang Việt Nam là Samsung, Intel, Nike.

Hàng loạt doanh nghiệp đã chú ý hơn tới Việt Nam trong nhiều năm qua khi thị trường này có mức chi phí lao động thấp hơn Trung Quốc và môi trường chính trị thuận lợi. Một trong những nhà sản xuất linh kiện của Apple, Luxshare Precision Industry, đã chuyển sang Việt Nam và đang tiên phong trong việc cải tiến chuỗi cung ứng ở Đông Á.

Mới nhất, 50% doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc sang Đông Nam Á đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến thay thế.

Mặc dù những thách thức dịch chuyển không thể tránh khỏi như lao động thiếu kinh nghiệm, cần được đào tạo thêm hay mạng lưới hậu cần cần được cải thiện, nâng cấp, bối cảnh địa chính trị, thương mại mới đang đẩy các chủ doanh nghiệp vào xu hướng không thể thay thế và đảo ngược.

Những thách thức hiện nay cũng là những khó khăn mà các doanh nghiệp từng gặp khi bước vào Trung Quốc, để từ đó dần dần “nhào nặn” Trung Quốc thành công xưởng lớn nhất như hiện nay.

“Giống như ở Trung Quốc, phần thưởng cho việc mạo hiểm vào Bangladesh, Việt Nam hay Ethiopia có thể đi cùng những rủi ro, nhưng các CEO hãy cho bản thân một thử thách”, Michael Schuman chia sẻ.

-------------------------

XEM THÊM
.
 .
.






No comments:

Post a Comment

View My Stats