Friday, 3 July 2020

HẨU LỐN (Mạc Văn Trang)




Mạc Văn Trang
03/07/2020

Dân dã thường gọi hẩu lốn, hổ lốn hay tạp pí lù là những món trộn lẫn đủ thứ tạp nham, tuỳ ý, chẳng theo một thể thống nào…

Cũng có thể dùng những từ này để nói tình trạng luật – lệ của Việt Nam: rất tuỳ tiện, cái nọ chồng chéo cái kia, một thứ hỗn độn, chả ra thể thống làm sao!

Chả thế mà thỉnh thoảng mỗi bộ ngành, nhất là Bộ Thương mại, Bộ Nội Vụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư… lại “rà soát” và đạt “thành tích xuất sắc” là xoá bỏ bớt đi vài ngàn văn bản, giấy phép con… tạo thông thoáng cho môi trường kinh doanh. Bộ và và các sở giao thông cũng nổi tiếng có nhiều quy định quái đản!

Mấy hôm nay trên mạng xã hội rôm rả lan truyền tin: “Từ hôm nay 1/7, chê người khác mập, lùn, xấu, ế phải bồi thường đến 16 triệu đồng”. Thoạt nghe mình tưởng nói đùa, nhưng xem báo thì thấy: “Nội dung nêu trên được quy định tại Điều 592 Bộ luật dân sự 2015”.

Phạt những người kỳ thị người khác thì cũng tốt thôi, rất văn minh, nhân bản. Nhưng có điều là nó không đồng bộ với các hành vi khác.

Chê “MẬP, LÙN, XẤU, Ế” phải phạt 16 triệu đồng. Thế thì giáo viên mắng học sinh “NGU”, “MẤT DẠY”, “CON NHÀ VÔ GIÁO DỤC”… có phạt 16 triệu không?

Gọi người sử dụng ma tuý là “THẰNG NGHIỆN”, “CON NGHIỆN”, gọi gái mại dâm là “CON ĐĨ”… có phạt 16 triệu không?

Sao hành vi “SÀM SỠ” phụ nữ lại chỉ phạt 200.000 đồng?

Rồi đám AK47, Dư luận viên lăng mạ người có ý kiến phản biện là “PHẢN ĐỘNG” và CHỬI BỚI, THOÁ MẠ họ vô tội vạ thì có phạt 16 triệu đồng không?

Các quan chức tham nhũng thì cứ theo luật mà xử, sao ông Nguyễn Phú Trọng lại gọi họ là “CHUỘT”, là “CỦI” cho vào lò, gọi họ là “GIẶC NỘI XÂM”, như thế là “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” họ. Vậy có phạt 16 triệu không?

Rồi ông còn nói: những kẻ đòi đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập… đều là bọn “BẤT HẢO”, như vậy có vi phạm quyền “tự do tư tưởng, tự do ngôn luận” và xúc phạm nhân phẩm họ không? Có phải là kỳ thị và bị phạt không?

Đặc biệt là ngành công an, tiền đâu mà nộp phạt cho xuể, khi nhiều công an viên vừa đánh, chửi dân, vừa nhục hình dân bằng đủ các kiểu hành vi và lời nói hạ đẳng. Những trường hợp này phạt ra sao?

Tóm lại, Luật chống kỳ thị người khác với xử phạt nặng cũng tốt, nhưng làm sao thực hiện được? Đặc biệt là làm sao đồng bộ với các hành vi xúc phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự của công dân, nhất là với nhóm yếu thế? Cho nên quy định tại Điều 592 Bộ luật dân sự 2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 thành trò cười cho thiên hạ.






No comments:

Post a Comment

View My Stats