Monday, 13 July 2020

DẤU ẤN CANADA TRONG CÁC DỰ ÁN CHINH PHỤC KHÔNG GIAN CỦA HOA KỲ (Mark Piesing - BBC)




Mark Piesing
BBC Future
12/07/2020

Vào ngày 4/10/1957, 14.000 người tới nhà chứa máy bay lớn ở ngoại ô Toronto để chiêm ngưỡng cảnh chiếc máy bay to đẹp, cánh rộng, màu trắng trình làng.

Chiến đấu cơ Arrow tân tiến ngang cơ với bất kỳ máy bay đánh chặn nào được chế tạo bởi quốc gia khác vào thời điểm đó.  AVRO CANADA / BẢO TÀNG HÀNG KHÔNG VŨ TRỤ CANADA

Đó là chiếc máy bay đánh chặn Avro Arrow. Dài rộng hơn một phần ba so với chiếc Eurofighter Typhoon ngày nay, Arrow có thể bay với vận tốc gần bằng tốc độ Mach 2.0 (1.500 dặm/giờ, tức là bằng vận tốc tối đa của phi cơ siêu thanh Concorde), và có khả năng còn bay nhanh hơn nữa.


Nó trị giá tới 250 triệu đô la Canada (tương đương 1,58 tỷ đô la Mỹ vào thời điểm hiện tại), đưa quốc gia này trở thành một siêu cường về không quân.

Dự án thực sự mang tính đột phá. Các kỹ sư của Avro Aircraft đã được trao quyền tạo ra một phi cơ siêu đẳng kỷ lục mà không phải bận tâm về chuyện tiết kiệm chi phí.

Nhưng người Canada đã sớm nhận ra rằng kỷ nguyên siêu thanh đã khiến các dự án hàng không trở nên đắt đỏ đến nỗi số các nước có thể thực hiện chúng chỉ đếm được trên đầu ngón tay - và thật không may, Canada không phải là một trong số các nước đó.

Vào "Thứ Sáu Đen tối", 20/2/1959, loa phóng thanh của nhà máy Avro Aircraft tại ngoại ô Toronto vang lên hết công suất.

Hàng ngàn nhân viên Avro đã nghe Chủ tịch Công ty thông báo rằng "gã khốn ở Ottawa" (vị tân thủ tướng vừa được bầu của Canada, John Diefenbaker) đã hủy bỏ toàn bộ chương trình Arrow.

Sau đó, ngay trong ngày, 14.500 nhân viên nam nữ có tay nghề bị sa thải. Ba năm sau, công ty Avro Aircraft đóng cửa, với tổng cộng khoảng 50.000 người mất việc.

Nhiều người trong số họ sau đó đã tham gia chương trình thu hút chất xám của Hoa Kỳ.

Chính "nhóm Avro" gồm 32 kỹ sư đã đóng vai trò tối quan trọng trong chương trình Apollo của Nasa, mà - trớ trêu thay - đã đánh bại Liên Xô trong cuộc đua người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.

Vào thời điểm thông báo tin xấu ngày "Thứ Sáu Đen tối" 20/2/1959, lúc quyết định huỷ bỏ dự án Arrow được loan báo, có năm nguyên mẫu máy bay đã hoàn thành. Còn một chiếc nữa đã được gắn động cơ Iroquois đã gần xong để sẵn sàng cất cánh, và bốn chiếc khác đang trong các công đoạn lắp ráp khác nhau.

Chiến đấu cơ Arrow tân tiến đến mức Canada không có đủ phương tiện để thử nghiệm. Thay vào đó, các kỹ sư đã phải sử dụng các cơ sở tại Hoa Kỳ như Uỷ ban Tư vấn Quốc gia về Siêu thanh (NACA) tại Langley Park, Virginia.

Người Canada và máy bay của họ đã gây ấn tượng với các đồng nghiệp Mỹ - một bước tiến vượt bậc, ảnh hưởng nhiều đến tương lai của nhân loại. Năm 1958, NACA trở thành NASA.

Chiếc CF-100 đã mang đến cho kỹ sư thiết kế của Avro kinh nghiệm quý báu trong việc chế tạo máy bay phản lực siêu việt. AVRO CANADA/CANADA AVIATION AND SPACE MUSEUM

Với Jetliner, mẫu phi cơ dân dụng của dự án Arrow, chính phủ ông Diefenbaker đã ra lệnh phá bỏ tất cả các máy bay nguyên mẫu, bất chấp lời đề nghị từ Hoa Kỳ theo đó mua lại toàn bộ các máy bay đã hoàn thành, cũng như yêu cầu từ Anh, muốn sử dụng một số chiếc để nghiên cứu chế tạo phi cơ siêu thanh.


Phần còn lại của dự án Arrow cũng không may mắn gì hơn. Chính phủ khi đó đã hủy bỏ hệ thống Astra. Một động cơ Iroquois đã được trao cho Anh để giúp dự án máy bay siêu thanh, nhưng chính phủ Ottawa không tiếp tục theo đuổi dự án, bất chấp những lợi ích thương mại.

Chất xám Canada trong các dự án chinh phục không gian của Mỹ

Tuy nhiên, NASA đã không bỏ phí thời gian. Họ ngay lập tức tiếp cận các kỹ sư của Avro, chỉ trong vòng vài giờ sau khi dự án bị hủy.

Có 32 người được chọn đã làm việc cho các dự án của Hoa Kỳ như Mercury, Gemini và Apollo.

Jim Chamberlain, cựu giám đốc thiết kế kỹ thuật, đã lãnh đạo dự án Gemini và là một trong những người nhiệt thành ủng hộ cho dự án Lunar Orbit Rendezvous (LOR).
Owen Maynard, cựu kỹ sư kết cấu cao cấp, là người chịu trách nhiệm cao nhất cho việc thiết kế Lunar Module.

Ken Barnes, kỹ sư thiết kế dày dặn kinh nghiệm trong dự án chế tạo chiếc máy bay đột phá Arrow, đã tham gia với nhóm Canada thiết kế cánh tay robot cho Tàu Con thoi.

Vào thời điểm dự án bị hủy bỏ, năm máy bay nguyên mẫu có thể bay được đã chế tạo xong. AVRO CANADA/BẢO TÀNG HÀNG KHÔNG VŨ TRỤ CANAD

Một đội ngũ lớn bao gồm các kỹ sư tinh nhuệ tạo nên Nhóm Đặc nhiệm Không gian của NASA là đến từ Avro, và chính họ đã đặt nền móng cho Trung tâm Hàng không Không gian của NASA, Amy Shira Teitel, sử gia người Canada chuyên về phi thuyền không gian, nói.

"Người Canada quá khiêm tốn, chả mấy khi họ nói tôi đã làm điều này điều nọ, song rất nhiều người đưa ra các quyết định quan trọng trong Dự án Phi thuyền Apollo là các kỹ sư Canada."

"Tôi nghĩ rằng việc đưa người lên Mặt Trăng mà thiếu những bộ não đó thì kết quả sẽ không được như vậy."

Dự án Apollo cũng không phải là điểm kết thúc nhiệm vụ của họ. Nhóm Avro đã gây ảnh hưởng đến cả chương trình Tàu Con thoi và Trạm Không gian Quốc tế.

Có một câu nói đùa của người Canada rằng việc hủy bỏ chiến đấu cơ Arrow chính là điều tuyệt diệu nhất cho nước Mỹ.

--------------

Đọc thêm:

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.








No comments:

Post a Comment

View My Stats