Saturday, 18 July 2020

CSVN 'ĐANG ĐÀM PHÁN VỚI PHÁP' ĐỂ DẪN ĐỘ BÀ HỒ THỊ KIM THOA (Người Việt)




Người Việt 
July 16, 2020

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong lúc bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Bộ Công Thương CSVN đang trốn ở Pháp, ông Nguyễn Mai Bộ, ủy viên thường trực Ủy Ban Quốc Phòng và An Ninh Quốc Hội CSVN nói với tờ Tiền Phong rằng, Việt Nam “dẫn độ bà Thoa bằng đường ngoại giao.”

“Nghĩa là, bây giờ người ta chấp nhận cho mình dẫn độ, sau này nếu có trường hợp tương tự, mình cũng phải đáp ứng cho họ như thế,” ông Bộ được dẫn lời.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Bộ Công Thương CSVN hiện đang ở Pháp cùng một người con, theo báo Dân Trí. (Hình: Tiền Phong)

Bà Thoa đang bị Bộ Công An CSVN ra lệnh truy nã do thời điểm công bố lệnh khởi tố, bà này đã không còn ở Việt Nam từ lâu.

Các báo đảng dẫn kết luận điều tra của Bộ Công An CSVN cáo buộc bà Thoa “vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí,” liên quan vụ chuyển đổi quyền sử dụng khu “đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng ở quận 1, Sài Gòn.

Theo báo Zing, sau khi rời ghế thứ trưởng Công Thương CSVN năm 2017, bà Thoa đã sang Pháp và ở đó cho đến nay. Chưa rõ hiện bà đã nhập quốc tịch Pháp hay chưa. Còn theo báo Dân Trí, đến nay không có tên Hồ Thị Kim Thoa trong danh sách những người xin thôi quốc tịch Việt Nam.

Dư luận cho rằng khả năng CSVN dẫn độ được bà Thoa là khó khả thi.

Liên quan vụ này, tờ Tuổi Trẻ dẫn phân tích của Luật Sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật Sư Hà Nội: “Luật Tương Trợ Tư Pháp 2007 dành riêng một chương để quy định về dẫn độ với nhiều quy định chi tiết. Tuy nhiên, trong luật này, nội dung dẫn độ lại quá mờ nhạt và trên thực tế, nhiều quy định của luật chưa phù hợp với các điều ước quốc tế đa phương và song phương có quy định về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên; Chưa phù hợp với thông lệ pháp lý quốc tế cũng như thực tiễn xử lý các vụ việc dẫn độ của Việt Nam.”

Luật Sư Cường cũng nói thêm rằng một số tội danh trong Bộ Luật Hình Sự CSVN “không có trong quy định pháp luật hình sự một số nước trên thế giới,” do vậy việc yêu cầu dẫn độ đối với tội phạm “là rất khó khăn đối với những nước được yêu cầu mà không có thiện chí.”

Bà Hồ Thị Kim Thoa và ông Trịnh Xuân Thanh, người đang bị tù với án chung thân ở Việt Nam. (Hình: CafeF.vn)

Đáng lưu ý, một văn bản do Bộ Ngoại Giao CSVN ban hành và được chụp màn hình trên trang web Thư Viện Pháp Luật cho hay, một hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và Cộng Hòa Pháp, ký kết tại Hà Nội vào ngày 6 Tháng Chín, 2016, và có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Năm, 2020.

“Các bên cam kết chuyển giao cho nhau, theo quy định của hiệp định này, bất cứ người nào đang có mặt trên lãnh thổ của một trong các bên, bị các cơ quan tư pháp của bên kia truy tố vì đã thực hiện một tội phạm hoặc truy nã để thi hành hình phạt tù đối với một hành vi có thể bị dẫn độ,” văn bản ghi.

Tuy vậy, công văn này cũng nêu ghi chú rằng việc dẫn độ “sẽ không được thực hiện”, đối với các tội phạm được bên được yêu cầu xác định là “tội phạm chính trị hoặc hành vi liên quan đến tội phạm chính trị.” (N.H.K) [kn]






No comments:

Post a Comment

View My Stats