Thursday, 23 July 2020

CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ, MONG NÓ SỚM THÀNH HIỆN THỰC (Thuận Đạo)




Thuận Đạo
23/07/2020

Đọc tin trên Vietnamnet ngày 22/7/2020 “TPHCM: địa phương đầu tiên công bố chương trình chuyển đổi số”, chắc hẳn nhiều người dân TPHCM vui mừng vì mục tiêu của chương trình như người đứng đầu TPHCM, khẳng định là để hướng tới mục tiêu gia tăng năng suất lao động, giảm chi phí, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó thì không dễ dàng gì, vì nếu chỉ chuyển đổi số thì chỉ thay đổi phương thức tiếp cận từ người dân trực tiếp đến cơ quan, sang ngồi nhà để đề nghị dịch vụ công, tiến độ có thể nhanh hơn nhưng không giải quyết tận gốc rễ vấn đề về dịch vụ công.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Ứng dụng công nghệ để đổi mới sáng tạo sẽ là câu chuyện chính”. Ảnh: Thanh Tùng/ VNN

Gốc rễ vấn đề là, thứ nhất cơ quan công quyền, cán bộ công chức phải xem người dân và doanh nghiệp là đối tượng mình phải phục vụ, không phải là để hạch sách hoặc làm khó dễ.

Thứ hai là phải tin tưởng người dân và doanh nghiệp đa số là tốt, không gian dối, không xem người dân và doanh nghiệp là “thế lực thù địch” và đối tượng để khai thác, kiếm chác.

Thứ ba là chuyển đổi số phải đi đôi với làm cuộc cách mạng về thủ tục hành chính.

Thứ tư là các thủ tục hành chính phải liên thông liên tỉnh/thành, liên ngành, quốc gia và quốc tế.

Và thứ năm là đảm bảo an ninh an toàn mạng, quyền con người.

Có được như vậy thì mới giảm được chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp khi cần đến bất kỳ một thủ tục hành chính nào.

Đối với nhóm vấn đề thứ nhất thì có lẽ là khó nhất, vì đó là công tác tổ chức và cán bộ, việc tuyển chọn cán bộ, công chức hiện nay không nhằm để tuyển người có năng lực và phẩm chất tốt để phục vụ người dân, mà chủ yếu để bảo vệ chế độ; việc tuyển chọn vẫn dựa trên tiêu chí CCCCC, quen biết và trung thành với chế độ, không dựa trên việc lấy phục vụ người dân và doanh nghiệp là mục tiêu hàng đầu.

Hơn nữa với thu nhập công chức hiện tại thì người ta khó sống bằng lương, nếu trung thực và phục vụ tốt thì làm sao có đủ thu nhập trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở đô thị lớn nhất nước này. Cơ quan nào có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan và công chức, thì chưa rõ ràng.

Ở các nước phát triển và có nền hành chính tốt, thì hệ thống hành chính được tạo ra để làm sao phục vụ người dân tốt nhất, vì nếu không tốt thì bị các đảng đối lập chỉ trích và đảng cầm quyền sẽ không được bầu cho nhiệm kỳ tới, như vậy là đảng cầm quyền hiện tại có nguy cơ trở thành đảng đối lập trong tương lai.

Đây là động lực lớn nhất mà đảng cầm quyền phải làm sao để luôn phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất.

Ở Việt Nam thì điều này là không thể vì Việt Nam không cho phép bất cứ ai có ý kiến khác với ý kiến của chính quyền, nếu khác là phản động.

Đối với nhóm vấn đề thứ hai, thì ở các nước phương Tây, có một việc quan trọng hàng đầu đó là Chính phủ dựa trên một tiền đề là hầu hết người dân, doanh nghiệp là tốt, không gian dối (nếu chỉ gian dối mà bị phát hiện thì hậu quả là khủng khiếp). Vì vậy, khi muốn nhận bất cứ dịch vụ hành chính nào thì hầu như người dân và doanh nghiệp chỉ ngồi nhà, hoặc văn phòng, tự điền các mẫu, thanh toán trực tuyến phí dịch vụ và cam kết là đúng và trung thực với các thông tin cung cấp rồi nhấn nút gửi đi, nếu sai thì gánh chịu hoàn toàn hậu quả không hề tốt đẹp chút nào cho hiện tại và tương lai.

Việc này có hai cái lợi, thứ nhất là việc lập cơ sở dữ liệu, chính là dựa vào thao tác của từng cá nhân hoặc đơn vị khi có yêu cầu để nhập dữ liệu, không tốn chi phí thuê người nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu; thứ hai là vì đó là trách nhiệm của chính người đó, đơn vị đó nên họ phải cẩn trọng và hầu như không có sai sót (nếu có sai sót thì phải trả thêm phí điều chỉnh dữ liệu).

Ở Việt Nam, tôi không thấy điều đó, tôi thấy chính quyền không tin tưởng người dân và doanh nghiệp, luôn nhìn họ với cặp mắt nghi ngờ, thậm chí là “thế lực thù địch”, thậm chí giữa các cơ quan cũng không tin tưởng nhau, lúc nào cũng yêu cầu xác nhận chữ ký, xác nhận thường trú, v.v… chủ yếu là để các cơ quan, cán bộ công chức trốn tránh trách nhiệm.

Đối với nhóm vấn đề thứ ba là làm cuộc cách mạng về thủ tục hành chính, không phải từ một địa phương, mà phải là cho cả nước, thống nhất từ trung ương, các bộ ngành. Có như vậy thì công cuộc chuyển đổi số, các phần mềm mới hiệu quả và không phải chỉnh sửa, cập nhật liên miên các quy trình, thủ tục cho phù hợp với các quy định mới. Cơ quan công quyền có dám thuê hoặc ủy quyền cho các công ty dịch vụ công ích làm thay cho mình những dịch vụ này không.

Ở các nước tiên tiến thì thậm chí nhà tù cũng có công ty tư nhân làm dịch vụ, việc quản lý cấp, bằng lái, cấp xác nhận hồ sơ tư pháp, v.v… đều do các công ty đảm nhận với thủ tục nhanh chóng và hiệu quả.

Đối với nhóm vấn đề thứ tư là các thủ tục hành chính phải liên thông liên tỉnh/ thành, liên ngành, quốc gia và quốc tế thì mới mang lại hiệu quả cao, nhất trong khi đất nước đang hội nhập với thế giới.

Vậy vấn đề đặt ra là chia sẻ cơ sở dữ liệu thế nào, tích hợp với khu vực và thế giới ra sao, Việt Nam có cùng chuẩn với các quốc gia tiên tiến không, hay là tự mình đặt ra các chuẩn không giống ai. Điều này khó nhất vì Việt Nam với hệ thống nhà nước mô hình XHCN, không có mô hình nào để theo, không chọn chuẩn mực của các nước tiên tiến để làm mà tự mình đặt ra luật của mình, không liên thông với khu vực và thế giới, chắc cũng chẳng liên thông được với người bạn 4 tốt và 16 chữ vàng.

Ví dụ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Mỹ, Châu Âu, v.v… có cùng hệ thống và liên thông, nhờ vậy các chi phí và dịch vụ được chấp nhận trong toàn hệ thống đó và chắc chắn là chi phí hợp lý, thậm chí là rẻ. Ví dụ như bằng lái xe trong các nước đó được công nhận mà không phải thi lại, bằng cấp học thuật, thủ tục hải quan, v.v… Và ngôn ngữ là lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ giao dịch, nên mọi giấy tờ đều dùng tiếng Anh trên đó, không phải tốn phí và thời gian cho dịch thuật và công chứng dịch thuật.

Nhóm vấn đề cuối cùng là bảo đảm an ninh an toàn mạng, quyền con người. Ở các nước phát triển, đây là vấn đề hệ trọng, người ta có cả hệ thống pháp luật và phương tiện công nghệ để bảo đảm. Chắc mọi người còn nhớ khi một người bị buộc tội khủng bố tại Mỹ, cơ quan điều tra liên bang yêu cầu phải mở điện thoại di động iPhone của người đó mà không được, phải nhờ hãng Apple mở nhưng hãng cũng từ chối vì vi phạm quyền riêng tư?

Đồng thời với công nghệ bảo mật thông tin, an toàn mạng rất cao, tránh mất cắp dữ liệu, thông tin. Nhờ vậy mà cơ sở dữ liệu vận hành trơn tru, không bị xâm nhập mạng, lấy thông tin người dùng phục vụ cho các mục đích khác.

Tôi nghĩ điều này là rất khó cho TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung vì có quá nhiều ví dụ không tốt, như một trong các đề án đô thị thông minh của thành phố là các camera an ninh không phải dùng để theo dõi đối tượng trộm cướp là chính, mà chủ yếu dùng để theo dõi những người có ý kiến trái chiều với chính quyền; hoặc là các công ty dịch vụ bán dữ liệu người dùng, các cán bộ công chức dùng dữ liệu để tống tiền, v.v…

Tôi mong là những ý kiến của mình bị sai để người dân TPHCM nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, sớm nhận được sự phục vụ tốt của chính quyền và đạt được mục tiêu như lãnh đạo TPHCM đã tuyên bố trong buổi công bố chương trình Chuyển đổi số của TPHCM diễn ra sáng 22/7 vừa qua.








No comments:

Post a Comment

View My Stats