Thursday, 23 July 2020

BÁO CHÍ NHIỄM ĐỘC TỪ ĐIỂN (Chu Mộng Long)





Một số nhà giáo, chuyên gia ngôn ngữ trao đổi với tôi, rằng những từ điển như của Hà Quang Năng, Nguyễn Văn Khang mấy ai tra cứu mà ông lo dữ vậy? Hãy dành tâm sức lo việc khác đi!

Tôi hỏi lại: "Các ông có thấy sai sơ đẳng như em bé học lớp ba không? Mà xin lỗi, bé học lớp ba càng không sai những lỗi như vậy. Sai do viết theo kẻ nói ngọng, sai vì không hiểu nghĩa của từ, lại định hướng bỏ đúng viết sai thì chỉ có thể là kẻ bị rối loạn ngôn ngữ. Một loại từ điển như thế không độc hại hay sao?" Các nhà giáo, các chuyên gia ngôn ngữ bảo thấy cả, nhưng cái sai ấy cũng vô hại thôi mà!

Trời đất quỷ thần ạ! Một lần tôi duyệt đề thi, giảng viên viết sai chính tả nhưng vẫn cãi vống lên, rằng đã tra từ điển. Tôi ngơ ngác và đến giờ thì mới hiểu là anh ta tra loại từ điển này! Tôi hình dung đến lượt học sinh viết sai chính tả sẽ cãi thầy, rằng đã... tra từ điển, và hậu quả, thầy viết đúng thì bị học sinh coi thường, thậm chí chúng sẽ khinh bỉ thầy viết sai chính tả! Vô hại đấy ư?

Rồi xem quảng cáo ở vỉa hè, kể cả khẩu hiệu của nhà nước, rồi các bản tin, bài viết trên báo chí, sai chính tả tràn lan. Những cái sai không khác hai quyển từ điển nổi tiếng trên. Chữ viết tiếng Việt ngay cả cái thời mới ra đời với những biến động nhất cũng không loạn xạ như lúc này. Không thấy có hại thì là tự hào về cái thứ chữ viết kỳ lạ rối tùng phèo giữa "trứng" với "chứng", "trét" với "chét", "luộc" với "nuộc", "lợn lòi" với "lợn nòi"....?

Tôi nói thẳng với các nhà giáo, các chuyên gia ngôn ngữ, rằng các ông im lặng hay ậm ờ cho qua cũng là có hại cho dân cho nước. Do cái thói ậm ờ đó mới ấp ra cả loạt giáo sư, tiến sĩ không biết chữ đi làm chữ, hại cả tiếng nói dân tộc, hại cả một nền văn hóa, giáo dục cha ông ta đã gây dựng nên.

Ông Cục trưởng Cục xuất bản, in và phát hành Nguyễn Nguyên cho rằng, xuất bản phẩm sai hàng loạt như vậy là "không nghiêm trọng", "chỉ nên dừng ở rút kinh nghiệm, chưa thể xử lý vì cuốn từ điển mang tính học thuật, cần phải có một hội đồng thẩm định để đánh giá có sai sót hay không". (Xem báo Kinh tế & đô thị - Từ điển chính tả sai chính tả: Cơ quan quản lý lên tiếng). "Không nghiêm trọng" đến mức biến hàng triệu người rơi vào triệu chứng rối loạn ngôn ngữ như tôi nói trên kia sao? "Học thuật" gì ở cấp độ chính tả, khi đó chi là một phân môn tiếng Việt ở tiểu học? Xin lỗi ông, lẽ nào ông cũng không biết đúng sai khi đọc những điều Hoàng Tuấn Công đã dẫn ra mới đòi phải có "hội đồng thẩm định". Cả cái Viện ngôn ngữ học không phát hiện ra bệnh rối loạn chức năng ngôn ngữ ngay trong cơ quan của mình thì ai còn tư cách ngồi làm "hội đồng thẩm định"? Tôi hiến kế cho ông: hãy nhờ một nhóm học sinh lớp ba nó thẩm định cho! Yên tâm là các cháu sẽ chỉ ra cho ông biết rõ đâu đúng đâu sai!

Hỏi ông một câu: Tại sao vụ công ty quảng cáo bia viết câu:"Lon Việt Nam" thì cái Cục của ông nhanh như điện, tưởng tượng thêm mũ thêm dấu và hô hoán lên như gặp gái chửa hoang, rằng "rất là rất khủng khiếp" rồi phát lệnh phạt ngay? Lon là từ chuẩn: "lon gạo", "lon bia", "lon sữa", có "khủng khiếp" bằng cái tội cho xuất bản và phát hành ấn phẩm làm rối loạn cả hệ thống ngôn ngữ dân tộc không?

Nhân Đại hội Đảng nói về công tác nhân sự, tôi đề nghị loại bỏ ngay từ đầu những cán bộ đảng viên không phân biệt đúng sai lỗi chính tả trước. Loại này mà làm văn hóa, quản lý văn hóa có hại hơn bất cứ loại lươn chạch nào!

Chu Mộng Long
-----------

Xem quảng cáo và báo chí "viết chuẩn tiếng Việt cùng GS.TS. Nguyễn Văn Khang". Các lỗi giống y chang trong từ điển:








No comments:

Post a Comment

View My Stats