Friday 17 July 2020

CHÂU ÂU HỌP THƯỢNG ĐỈNH THƯƠNG LƯỢNG KẾ HOẠCH KÍCH CẦU 759 TỶ EURO (RFI)




NỘI DUNG :
Thanh Hà  -  RFI
.
Thụy My  -  RFI

============================================
.
Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày: 17/07/2020 - 14:17

Lãnh đạo 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh trong hai ngày 17 và 18/07/2020 với mục đích đạt được đồng thuận về kế hoạch kích cầu 750 tỷ euro khắc phục hậu quả Covid-19 và ngân sách chung cho giai đoạn 2021-2027.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (T), tổng thống Pháp Emmanuel Macron (G) trao đổi với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, trước cuộc họp thượng đỉnh, Bruxelles, Bỉ, ngày 17/07/2020. REUTERS - POOL

Trong cương vị chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, thủ tướng Đức Angela Merkel dự báo "đàm phán sẽ gất gay go". Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte xem khả năng thành công của thượng đỉnh lần này là "dưới ngưỡng 50 %".

Trong thời gian qua, do dịch Covid-19, nhiều cuộc họp của châu Âu được thực hiện qua truyền hình.

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Liên Âu trực tiếp họp lại tại Bruxelles, với chương trình nghị sự bao gồm 3 hồ sơ chính : Ngân sách chung của châu Âu khoảng 1074 tỷ euro trong giai đoạn 2021-2027, điều chỉnh ngân sách hiện nay để huy động tài chính nhanh hơn và hồ sơ cuối cùng, nhưng cực kỳ quan trọng, đó là tìm ra đồng thuận về kế hoạch chấn hưng kinh tế 750 tỷ euro, trong đó bao gồm 250 tỷ tín dụng được Liên Âu bảo lãnh và 500 tỷ được dưới dạng trợ cấp được dự trù giải ngân cho các thành viên bị dịch Covid-19 tác động mạnh nhất.

Tại thượng đỉnh lần cuối các bên họp trực tiếp với nhau hồi cuối tháng 2, Liên Âu đã không san bằng được những bất đồng. Tiếp theo đó là các cuộc họp qua cầu truyền hình, nhưng đối thoại đã vô cùng khó khăn và không mang lại kết quả.

Theo thông tín viên Pierre Benazet, thượng đỉnh trực tiếp lần này vô cùng quan trọng có thể cho phép đảo ngược thế cờ :

"Sự hiện diện trực tiếp của 27 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ sẽ làm thay đổi tình huống. Tại thượng đỉnh trực tuyến hôm 19 tháng 6 vừa rồi, một trong những lý do dẫn đến thất bại là do các bên không thể có những cuộc đàm phán song phương, hay tranh thủ giờ giải lao để trao đổi thêm với nhau, thương lượng trực tiếp về những chủ đề gây tranh cãi, hay để thành lập một liên minh. Chắc chắn sẽ có nhiều cuộc trao đổi dồn dập và gay go với 4 tác nhân quan trọng và vai trò trung gian hòa giải của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel sẽ chiếm một vị trí then chốt.

Một bên là tổng thống Pháp và thủ tướng Đức. Berlin đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu trong một nhiệm kỳ 6 tháng. Paris và Berlin cùng chủ trương cho ra đời một kế hoạch kích cầu đầy tham vọng với hơn nửa tỷ euro được cấp dưới dạng trợ cấp trực tiếp. Ở góc đài bên kia là thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, đi đầu nhóm những quốc gia chủ trương thắt lưng buộc bụng, gồm Thụy Điển, Áo, Đan Mạch thậm chí là Phần Lan.

Các quốc gia này không mấy mặn mà với giải pháp trợ cấp trực tiếp mà thiên về khả năng cấp tín dụng cho các quốc gia đang cần. Đồng thời số này cũng muốn rằng đ nhận được tín dụng với sự bảo đảm của Liên Âu thì kế hoạch thúc đẩy kinh tế của quốc gia liên quan phải được tất cả các thành viên cùng đồng ý. Nói cách khác nhóm chủ trương chi tiêu chặt chẽ muốn được quyền kiểm soát. Các hoạt động ngoại giao sẽ rất ráo riết giữa phe muốn được hưởng trợ cấp và phe đòi đặt điều kiện để trợ giúp."

******

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.


--------------------------------
.
Thụy My  -  RFI
Đăng ngày: 17/07/2020 - 18:30

Hội nghị thượng đỉnh châu Âu đầu tiên không « ảo » như trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành là chủ đề chính của các báo Pháp hôm nay 17/07/2020.

Các nhà lãnh đạo 27 nước Liên Hiệp Châu Âu lần đầu tiên gặp gỡ sau đại dịch, tại hội nghị thượng đỉnh ở Bruxelles ngày 17/07/2020. © REUTERS/Francois Lenoir/Pool

Figaro chạy tựa trang nhất « Một hội nghị thượng đỉnh thiết yếu châu Âu để tái thúc đẩy kinh tế ». Nhật báo La Croix đặt câu hỏi « Nợ : Liên hiệp châu Âu, một bước nhảy lớn ? » Việc chia sẻ nợ nần giữa các nước châu Âu được bàn bạc tại hội nghị thượng đỉnh khai mạc hôm nay ở Bruxelles, liệu sẽ là bước đột phá tiến tới một liên bang hay không ?
Về thời sự nước Pháp, Le Monde quan tâm đến « Thủ tướng Jean Castex : Các chương trình cho 600 ngày » còn lại của nhiệm kỳ tổng thống MacronTựa chính của nhật báo kinh tế Les Echos nói về « Hiện tượng Tesla thúc đẩy ngành sản xuất xe hơi » : tập đoàn California sản xuất xe điện có trị giá trên thị trường chứng khoán tương đương với Toyota và Volkswagen cộng lại. Libération chạy tựa lớn trang nhất và dành nhiều trang trong cho thành phố nước Ý nổi tiếng bất đắc dĩ trong đại nạn virus corona : « Bergamo, thành phố tử đạo hồi phục ».

Virus từ Vũ Hán đưa tử thần đến Bergamo

Trong bài phóng sự dài « Covid-19 : Tại Bergamo, một thế hệ đã biến mất », Libération gặp gỡ các cư dân địa phương vẫn còn sững sờ trước những gì đã phải chịu đựng, và nhìn nhận những sai sót trong việc xử lý khủng hoảng.

Trong nhiều tuần lễ, các nhân viên nhà đòn sáng nào cũng xếp hàng dài trước tòa thị chính Bergamo. Giacomo Angeloni, trợ lý trẻ của thị trưởng cho biết mỗi ngày nhìn độ dài của hàng người chờ nộp giấy chứng tử mà anh ước lượng được có bao nhiêu người chết hôm trước đó vì con virus từ Vũ Hán. Từng hợp tác với hiệp hội nhân đạo Caritas trước khi làm việc cho thành phố giàu có của vùng Lombardia 122.000 dân, Angeloni nhiều lần chứng kiến cái chết ở Kosovo, rồi đến Indonesia sau trận sóng thần, nhưng chưa bao giờ tưởng tượng sẽ phải đối mặt với tình hình tương tự ngay tại quê hương. Một vụ thảm sát mà người Bergamo chưa hề chuẩn bị.

Con virus đã cướp đi mạng sống của 35.000 người Ý (trong đó phân nửa ở Lombardia), nhưng Bergamo và thành phố Val Seriana lân cận phải chịu đựng thiệt hại nặng nề nhất. Trên 6.000 người đã chết, các nghĩa trang và cơ sở hỏa táng quá tải. Hình ảnh những đoàn xe vận tải quân sự chở các quan tài chạy trong đêm để hỏa táng tại các thành phố khác hồi giữa tháng Ba, đã trở thành biểu tượng cho đại dịch ở châu Âu. Angeloni cho biết phải nhờ đến quân đội vì trong suốt 50 ngày, cứ mỗi 30 phút lại có một đám tang.

Tử thần để lại dấu ấn ở khắp nơi, không có gia đình nào mà không liên quan. Nhà báo Daniela Talocchi cho biết ở Bergamo, ai cũng có một người thân, người bạn hoặc người quen đã chết vì dịch Covid-19. Nhật báo Eco di Bergamo nơi cô làm việc hàng năm trong dịp lễ Các Thánh vẫn cho ra phụ trang đăng tên những người dân địa phương đã qua đời trong năm, khoảng 4.500, nhưng chỉ hai tháng con virus corona đã giết hại đến 6.000 người. Với 140 người chết mỗi ngày, có thể coi như một sát thủ xả súng vào đám đông, có khi cáo phó chiếm đến 1/3 tờ báo.

Một thế hệ đã ra đi không lời từ biệt

Tại bệnh viện hiện đại mang tên Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, vị giáo hoàng xuất thân từ Bergamo, tình hình đã khả quan hơn rất nhiều, trong khi vào cao điểm dịch phải nhận đến 550 bệnh nhân một ngày. Một bác sĩ đã mất đi mẹ vợ cho biết ảnh hưởng tinh thần vẫn còn đối với các nhân viên y tế chứng kiến cảnh bệnh nhân chết như rạ mà không có người thân bên cạnh. Một nữ y tá thổ lộ không bao giờ quên được ánh mắt hãi hùng của người bệnh. Ở Nembro, thành phố nhỏ cách Bergamo vài trạm tàu điện, có đến 188 nạn nhân trên 11.000 cư dân, nếu so với dân số nước Ý thì tương tự như 1 triệu người chết.

Tại Codogno, sau hai ca dương tính đầu tiên ngày 23/02, ai cũng ngỡ rằng nguy cơ vẫn còn xa, nhưng chỉ vài ngày sau đợt sóng thần dịch bệnh đã tràn đến, cả thị trưởng lẫn cảnh sát trưởng đều bị nhiễm. Thiếu khí oxy cho bệnh nhân, thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ, chỉ còn tiếng còi xe cấp cứu vang rền trong thành phố …Cáo phó dán đầy những bức tường thay cho áp-phích quảng cáo. « Cứ như một vụ thảm sát. Một thế hệ đã biến đi » - Savino Moretti, một người về hưu cho biết chỉ trong 12 ngày, ông đã mất đến ba người anh em trai vì con virus. Cho đến nay, nghĩa trang thành phố Bergamo vẫn còn những ngôi mộ với các tấm bảng carton bọc nhựa ghi tên người quá cố vì không có thì giờ làm bia mộ.

Vì sao Bergamo phải chịu thiệt hại nặng nề đến thế, do phong tỏa trễ hay vận động hậu trường của ngành kỹ nghệ để không ngưng hoạt động của hàng ngàn công ty làm hàng xuất khẩu ? Dưới áp lực của gia đình các nạn nhân, trong đó có tập thể mang tên « Noi denunceremo » (Chúng tôi tố cáo), tư pháp Bergamo đã mở điều tra. Tuy nhiên khó thể tìm được « bệnh nhân số 0 » tại vùng đất đông dân nhất nước Ý, mở cửa rộng nhất với bên ngoài, chủ yếu là với Trung Quốc.

San sẻ nợ công, viên gạch cho một liên bang châu Âu tương lai ?

Về hội nghị quan trọng đang diễn ra của châu Âu, Libération có bài « Tái thúc đẩy châu Âu : Những ‘kẻ keo kiệt’ đang phục kích tại hội nghị thượng đỉnh hậu Covid ». Le Monde nhận định « Bà Merkel trên tuyến đầu », Les Echos cho là « 27 nước bước vào đấu trường ». Le Figaro dành hai trang báo cho « Châu Âu trước thách thức khó khăn về tái thúc đẩy kinh tế », còn La Croix mạnh dạn đặt vấn đề « Châu Âu liệu có nhảy vọt thành liên bang hay không ? ».

Với 1.800 tỉ euro được đặt ra trên bàn đàm phán, rõ ràng phải có sự hiện diện bằng xương bằng thịt. Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ phải thỏa thuận về ngân sách châu Âu 2021-2027 (từ 1.000 đến 1.100 tỉ euro) và dự án tái thúc đẩy đại quy mô. Kế hoạch do Ủy Ban Châu Âu đề nghị là vô tiền khoáng hậu vì lên đến 750 tỉ euro (gồm 500 tỉ euro tài trợ, 250 tỉ euro cho vay) và mục tiêu tương trợ : EU sẽ đứng ra vay chung rồi phân bổ lại theo nhu cầu từng nước.

Bộ trưởng Tài Chính Đức Olaf Scholz trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Die Zeit hôm 20/05 đã tuyên bố đây không phải là điều cấm kỵ. Ông nhắc đến Alexander Hamilton, bộ trưởng Tài Chính Mỹ đầu tiên vào năm 1790 đã đạt được việc chuyển nợ công của 13 bang do cuộc chiến tranh độc lập để lại, thành nợ chung. Đây là giai đoạn quan trọng trong việc xây dựng nên Nhà nước liên bang Hoa Kỳ. Người ta dễ dàng so sánh với tình hình EU hiện nay. Việc san sẻ nợ công có thể là lực đẩy cho một liên minh ngân sách châu Âu thực sự.

Tuy vậy trái phiếu chung EU chỉ giới hạn khoảng 1% GDP của khối, chứ không phải toàn bộ nợ công như ông Hamilton đã tiến hành ở Mỹ. Việc so sánh với Hoa Kỳ còn có thể phản tác dụng vì nếu nhấn mạnh dến việc xây dựng một liên bang châu Âu có thể gây tâm lý lo sợ, như trường hợp Hiến pháp châu Âu năm 2005, nhất là trong thời kỳ chủ quyền quốc gia đang được đề cao

Nhà chính trị học Christakis Georgiou nhấn mạnh, điểm mới và là dấu hiệu quan trọng, là chính bộ trưởng Tài Chính Đức đã đưa ra so sánh này. Sự thay đổi rõ ràng là ngoạn mục, vì trong hội nghị của Hội đồng châu Âu hôm 23/04, thủ tướng Đức vẫn còn phản đối. Nhưng Đức vốn thực dụng sau đó đã nhận ra rằng quyền lợi nước mình gắn chặt với EU. Đầu tháng Sáu, xuất khẩu của Đức vào các nước EU đã giảm 35%, đặc biệt với Pháp giảm 48%, Ý 40%...Từ nay các nước Bắc Âu không muốn san sẻ nợ với các nước khác, không còn có thể « núp sau lưng Đức », tuy nhiên vẫn có thể gây trở ngại lớn với nguyên tắc đồng thuận của 27 nước.

Vị thủ tướng chuyên đi xe đạp

Les Echos phác họa chân dung thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, người lãnh đạo không chính thức của nhóm bốn nước đòi thắt lưng buộc bụng, có thể ngáng chân cuộc thương lượng.

Mất đi đồng minh Anh sau Brexit, ông Rutte được coi như phát ngôn viên của bốn nước Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển, cương quyết phản đối kế hoạch tái thúc đẩy châu Âu. Mark Rutte nổi tiếng là cứng rắn trong các cuộc họp ở Bruxelles, phát ngôn thẳng thừng ngay cả trước Donald Trump, nhưng trong nước thì ngược lại. Với chủ trương thỏa hiệp, ông lập được chính phủ liên minh trong bối cảnh chính trường chia năm xẻ bảy. Triết lý này khiến Rutte được mệnh danh là « Mister Silicone », vừa mềm dẻo lại vừa bền bỉ.

Nắm quyền từ một thập niên qua, chính khách phái tự do đôi khi bị tố cáo kiếm phiếu của cực hữu với chính sách nhập cư khắt khe, và không ngần ngại giảm lương của giới giáo viên, y tá. Tuy nhiên việc quản lý tốt dịch virus corona giúp ông vẫn dẫn đầu về tỉ lệ tín nhiệm. Vị thủ tướng 53 tuổi độc thân áp dụng cho chính mình nguyên tắc khắc khổ mà ông hy vọng áp đặt được lên châu Âu : ông vẫn sống trong căn hộ mua được sau khi tốt nghiệp, dùng điện thoại Nokia đời cũ, tự lái một chiếc xe hơi rẻ tiền những lúc không chạy xe đạp được. Thủ tướng Hà Lan không có công xa lẫn tài xế, ông luôn đi xe đạp đến gặp các lãnh đạo nước ngoài.

Tài khoản Twitter của nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới bị tấn công

Một chủ đề khác rất được các báo chú ý là việc tài khoản của nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới trên mạng xã hội Twitter bị tin tặc đột nhập.

Thông tin hiện lên cuối giờ chiều thứ Tư 15/07 trong tài khoản cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng cử viên Dân Chủ : « Tất cả bitcoin gởi đến địa chỉ sau đây sẽ nhận lại được gấp đôi. Nếu bạn gởi 1.000 đô la, tôi sẽ gởi lại 2.000 đô la. Chỉ trong vòng 30 phút thôi ! ». Tin Twitter tương tự cũng xuất hiện trên tài khoản cựu tổng thống Barack Obama, cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg, tỉ phú Bill Gates, ông chủ Amazon Jeff Bezos và những ngôi sao như Kim Kardashian…có tài khoản cả trăm triệu người theo dõi. Tuy nhiên tổng thống Mỹ Donald Trump, người sử dụng Twitter nhiều nhất lại không bị ảnh hưởng.

Không phải do các chủ tài khoản sai sót trong bảo mật, mà từ một lỗ hổng an ninh của Twitter. Mạng xã hội này đành phải chận một số chức năng (như đổi mật khẩu, đăng tin) trong vài giờ. Tuy nhiên một số người đã bị mắc bẫy, số tiền ảo tương đương 115.000 đô la đã được chuyển cho tin tặc. Cách đây vài tháng, tài khoản của chính…ông chủ Twitter là Jack Dorsey cũng đã bị tấn công, tin tặc cho đăng các nội dung phân biệt chủng tộc, lăng mạ.

Cũng may vụ tấn công mới đây chỉ nhằm lừa đảo để kiếm bitcoin, người ta lo ngại nếu dùng cho mục đích chính trị sẽ gây tác hại rất lớn. Chẳng hạn tin tặc có thể giả danh những tên tuổi hàng đầu thế giới để thủ lợi ở thị trường chứng khoán, xúi giục biểu tình, gây hỗn loạn…Đặc biệt trong lúc chỉ còn bốn tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, việc chiếm lấy tài khoản chính thức của hai ứng cử viên ngay trong ngày bầu cử cùng với một số cơ quan truyền thông Mỹ, sẽ dẫn đến sự lũng đoạn chưa từng có trong cuộc bỏ phiếu quan trọng này.





No comments:

Post a Comment

View My Stats