Saturday, 18 July 2020

CÁC BIỆN PHÁP ƯU TIÊN CHO NỀN KINH TẾ BỊ COVID-19 (Joseph E. Stiglitz - Project- Syndicate)




Joseph E. Stiglitz  -  Project- Syndicate
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm
17/07/2020

Với hy vọng về sự phục hồi mạnh mẽ từ cuộc suy thoái do đại dịch gây ra nhanh chóng mờ dần, các nhà hoạch định chính sách nên tạm dừng lại và đúc kết những gì cần thiết để đạt được sự phục hồi bền vững. Các biện pháp ưu tiên trong chính sách cấp bách nhất đã rõ ràng ngay từ đầu, nhưng chúng sẽ đòi hỏi những lựa chọn khó khăn và thể hiện ý chí chính trị.

Mặc dù có vẻ giống như lịch sử thời xưa, nhưng chuyện xảy ra không lâu khi các nền kinh tế trên thế giới đã bắt đầu đóng cửa để đối phó với đại dịch COVID-19. Thoạt đầu của cuộc khủng hoảng, hầu hết mọi người dự đoán sự phục hồi nhanh chóng theo hình chữ V, họ giả định rằng nền kinh tế chỉ cần một khoảng thời gian ngắn. Sau hai tháng chăm sóc tận tình và bơm khối tiền hỗ trợ, nền kinh tế sẽ vực dậy tại các nơi đã bị khủng hoảng.

Đó là một ý tưởng đầy thu hút. Nhưng hiện nay là tháng Bảy, và sự phục hồi theo hình chữ V có lẽ là một tưởng tượng. Nền kinh tế hậu đại dịch hầu như không có sinh lực, không chỉ ở các quốc gia thất bại trong việc xử lý đại dịch (cụ thể là Hoa Kỳ), mà ngay cả ở những nước đã không bị thiệt hại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã tiên đoán, đến cuối năm 2021, nền kinh tế toàn cầu sẽ hầu như không lớn hơn so với cuối năm 2019, các nền kinh tế Mỹ và châu Âu vẫn sẽ nhỏ hơn khoảng 4%.

Triển vọng kinh tế hiện nay có thể được xét trên hai cấp độ. Kinh tế vĩ mô cho chúng ta biết chi tiêu sẽ giảm, lý do là việc cân đối thu chi trong các gia đình và các doanh nghiệp bị suy yếu, các vụ phá sản sẽ làm tiêu tan vốn liên hệ đến tổ chức doanh nghiệp và thông tin, tình trạng bất trắc về diễn biến của trận đại dịch và các đối sách gây ra thái độ phòng ngừa quá mức.

Đồng thời, kinh tế vi mô cho chúng ta biết, virus hoạt động như một loại thuế trong các sinh hoạt liên quan đến sự tiếp xúc gần gũi của con người. Như vậy, nó sẽ tiếp tục thúc đẩy những thay đổi lớn lao trong các khuôn mẫu về tiêu thụ và sản xuất, từ đó sẽ mang lại sự thay đổi rộng lớn hơn trong cơ cấu.

Cả lý thuyết và lịch sử kinh tế dạy cho chúng ta biết, một mình các thị trường không có khả năng để xử lý các chuyển tiếp như vậy, đặc biệt là khi xét về mức độ đột ngột của nó. Không có cách nào dễ dàng để chuyển đổi nghiệp vụ một nhân viên phi hành thành kỹ thuật viên cho phòng Zoom. Ngay cả khi chúng ta có thể làm được việc này, các lĩnh vực hiện đang mở rộng ít đòi hỏi phải sử dụng nhiều nhân công, mà là kỹ năng nhiều hơn trong các lĩnh vực đang thay thế.

Chúng ta cũng biết, các biến đổi rộng lớn trong cấu trúc có xu hướng tạo ra một vấn đề truyền thống theo thuyết của Keynes, do những gì các nhà kinh tế gọi là các hiệu ứng trong thu nhập và thay thế. Ngay cả trong các lĩnh vực mà con người không tiếp xúc với nhau đang mở rộng, nó phản ánh sự cải thiện về sức hấp dẫn tương đối, mức tăng chi liên quan sẽ trội hơn so với mức giảm chi do giảm thu nhập trong các lĩnh vực bị thu hẹp.

Hơn nữa, trong trường hợp đại dịch sẽ có một tác động thứ ba: Bất bình đẳng gia tăng. Bởi vì các máy móc không thể bị nhiễm virus, đối với giới chủ nhân, chúng sẽ trông tương đối hấp dẫn hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực hợp đồng sử dụng tương đối nhiều lao động không có kỹ năng. Vì những người có thu nhập thấp phải dành phần lớn mức chi cho hàng hóa cơ bản hơn so với những người giàu có, bất kỳ sự gia tăng bất bình đẳng nào do việc tự động hóa sẽ phản tác dụng.

Đứng đầu trong các vấn đề này, có hai lý do bổ sung cho sự bi quan. Đầu tiên, trong khi chính sách tiền tệ có thể giúp một số doanh nghiệp giải quyết các khó khăn tạm thời về tiền mặt, như đã xảy ra trong cuộc Đại suy thoái 2008-09, nó không thể khắc phục các vấn đề về khả năng thanh toán cũng như kích hoạt nền kinh tế khi lãi suất đã gần bằng không.

Hơn nữa, tại Hoa Kỳ và một số quốc gia khác, sự phản đối của phe bảo thủ đối với các khoản thâm hụt và mức nợ đang gia tăng, sẽ cản trở các biện pháp kích hoạt tài chính cần thiết. Chắc chắn, những người này đã rất hạnh phúc khi giảm thuế cho các tỷ phú và tập đoàn vào năm 2017, giải cứu cho thị trường chứng khoán ở Phố Wall vào năm 2008 và giúp đỡ những doanh nghiệp khổng lồ trong năm nay. Nhưng đó là một điều hoàn toàn khác để mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, chăm lo sức khỏe và hỗ trợ thêm cho những người dễ bị tổn thương nhất.

Khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, các biện pháp ưu tiên trong ngắn hạn đã thể hiện rõ. Rõ ràng nhất là trường hợp khẩn cấp y tế phải được giải quyết, chẳng hạn như bằng cách bảo đảm cung cấp đầy đủ thiết bị bảo vệ cho cá nhân và khả năng của bệnh viện, bởi vì kinh tế không thể phục hồi cho đến khi virus được kiểm soát. Đồng thời, các chính sách bảo vệ cho những người cần thiết nhất, cung cấp tiền mặt (thanh khoản) để ngăn chặn các vụ phá sản không cần thiết và duy trì mối liên hệ giữa công nhân và doanh nghiệp là cần thiết để bảo đảm nhanh chóng tái khởi động khi thời gian cho phép.

Nhưng ngay cả với những điểm trọng yếu rõ ràng này trong chương trình nghị sự, có những lựa chọn khó thực hiện. Chúng ta không nên cứu vớt cho các doanh nghiệp, như các nhà bán lẻ theo kiểu cũ, họ vốn dĩ đã suy sụp trước cuộc khủng hoảng; làm như vậy chỉ đơn thuần là tạo ra những thây ma, mà cuối cùng, làm hạn chế sự năng động và tăng trưởng.

Chúng ta cũng không nên bảo lãnh cho các doanh nghiệp đã mắc nợ quá mức để họ có thể kham chịu được bất kỳ một cú sốc nào. Quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ hỗ trợ thị trường trái phiếu đầy rác với chương trình mua tài sản chắc chắn là một sai lầm. Thật vậy, đây là một ví dụ trong đó rủi ro đạo đức thật sự là một mối quan tâm có liên quan; các chính phủ không nên bảo vệ các doanh nghiệp do sự điên rồ của chính họ.

Vì Covid-19 có vẻ sẽ tồn tại lâu dài, chúng ta có thời gian để bảo đảm rằng, việc chi tiêu phản ánh các ưu tiên của chúng ta. Khi đại dịch xảy ra, xã hội Mỹ đã bị đe dọa bởi sự bất bình đẳng về chủng tộc và kinh tế, tiêu chuẩn sức khỏe giảm sút và sự phụ thuộc mang tính hủy diệt vào nhiên liệu hóa thạch. Giờ đây, chi tiêu của chính phủ đang được mở rộng trên quy mô lớn, công chúng có quyền yêu cầu các doanh nghiệp nhận được sự giúp đỡ đóng góp cho công bằng xã hội và chủng tộc, cải thiện sức khỏe và chuyển sang nền kinh tế lo cho môi trường và dựa trên tri thức hơn. Những giá trị này phải được phản ánh không chỉ trong cách chúng ta phân bổ công quỹ mà còn trong các điều kiện đặt ra cho người nhận.

Như các đồng tác giả của tôi và tôi chỉ ra trong một nghiên cứu gần đây, chi tiêu công khi được định hướng tốt, đặc biệt là trong đầu tư vào chuyển đổi để bảo vệ môi trường, có thể kịp thời sử dụng nhiều lao động (giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp tăng vọt) và mang tính kích hoạt cao hơn, thí dụ dùng nhiều tiền chu cấp hơn giảm thuế. Không có lý do kinh tế tại sao các quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, không thể áp dụng các chương trình phục hồi quy mô, bền vững, mà nó sẽ khẳng định đưa kinh tế đến các xã hội mà họ tuyên bố theo đuổi, hay ít nhất dẫn đến chiều hướng này.

                                                            ***
Joseph E. Stiglitz, đoạt giải Nobel về Kinh tế học, Giáo sư Đại học Columbia, Kinh tế trưởng tại Học viện Roosevelt, Cựu Phó chủ tịch, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới.

Cuốn sách mới nhất của ông là “People, Power, and Profits: Progressive Capitalism for an Age of Discontent“.







No comments:

Post a Comment

View My Stats