Quốc
Phương
BBC News Tiếng Việt
01/07/2020
Trong phần hai cuộc bút đàm với BBC News Tiếng Việt
hôm 29/6/2020, năm nhà hoạt động chia sẻ viễn kiến, kỳ vọng của mình về tương
lai của đất nước, và bình luận về khía cạnh mưu sinh như một điều kiện sống và
hoạt động mà giới này đang phải đối diện.
Hình : https://ichef.bbci.co.uk/news/936/cpsprodpb/E1F7/production/_113174875_gettyimages-136355127.jpg
STR/GETTY IMAGES
Nhà báo tự do Cát Linh (từ Hà Nội): Khó khăn thì vô vàn. Một người
bình thường cũng đã rất khó khăn để có đủ chi tiêu qua ngày. Còn với những người
tham gia các hoạt động xã hội thì họ phải hy sinh rất lớn, bỏ nhiều thời gian,
ít thời gian cho gia đình, công việc có thể nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì đuổi việc,
... rất nhiều yếu tố cấu thành những khó khăn này.
Bản thân là một nhà báo tự
do thì tôi thấy rằng rất khó để có một chỗ ở ổn định vì luôn bị quấy nhiễu, ép
chuyển nhà, công việc tự do thì thu nhập cũng thất thường... và xã hội thì nhiều
người vẫn nghĩ rằng mình là một người nguy hiểm, đây là điều đáng đau lòng nhất.
Nhà hoạt động Sương Quỳnh (nhà báo độc lập từ Sài Gòn): Đúng là vấn đề
mưu sinh là vấn đề khó khăn nhất cho các nhà tranh đấu. Chính vì thế nhà cầm
quyền quyết triệt công việc hay làm ăn của họ. Hầu hết những người tranh đấu ở
Việt Nam đều vướng mắc về vấn đề này, sự tương trợ cũng chỉ mang tính cách chia
sẻ. Không như đấu tranh ở Hong Kong có đủ các tầng lớp tham gia trong đó có cả
tầng lớp trung lưu và doanh nhân, tỷ phú nên họ vững vàng về vật chất. Do đó ở
Việt Nam nhiều người đấu tranh tâm huyết đành lùi một bước để mưu sinh. Đó là
điều khó khăn tôi cho là bậc nhất trong phong trào đấu tranh hiện giờ.
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung (cựu tù nhân chính trị): Cô lập kinh tế, chặt
đứt nguồn mưu sinh của các nhà hoạt động luôn là một trong những biện pháp đầu
tiên mà nhà cầm quyền áp dụng. Bản thân tôi khi đang thử việc trong một công ty
du lịch thì cũng bị an ninh làm khó dễ nên công ty đó đã buộc phải từ chối nhận
tôi vào làm. Một số công ty khác cũng phỏng vấn tôi để tuyển dụng nhưng đã từ
chối khi biết tôi từng là tù nhân chính trị.
Nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình (cựu Biên tập viên Tạp chí Cộng sản): Câu hỏi
nêu đúng vấn đề nan giải của giới bất đồng chính kiến hiện nay. Đối với chế độ
toàn trị, đấu tranh tức là tránh vào đâu? Việc đầu tiên họ làm là phong tỏa vấn
đề công ăn việc làm, thu nhập. Vấn đề mưu sinh thường nhật là vấn đề nan giải với
không ít người đấu tranh. Nhiều bạn trẻ đấu tranh đã phải dừng bước, hạn chế tham
gia vì còn phải lo sự tồn tại, duy trì cuộc sống. Đây là điều rất đáng tiếc. Vì
sự phức tạp của môi trường đấu tranh, và sự hạn chế nhiều mặt, chưa có tổ chức
nào, hội nhóm cộng đồng nào giúp được vấn đề căn bản, thiết thân này một cách
bài bản, hệ thống. Bản thân tôi có lẽ vì đấu tranh lâu năm nên có được công việc
đủ duy trì sự tồn tại, nhưng muốn làm việc gì nhiều hơn cho việc đấu tranh cũng
rất khó khăn về nguồn lực, rất khó.
TSKH Nguyễn Quang A: Cộng sản ở mọi nơi luôn đánh vào cái dạ dày
của các nhà hoạt động và tạo cho họ nhiều khó khăn về mưu sinh, nhưng thời nay
có ngàn vạn cách để né cú đòn đó của nhà cầm quyền. Người Việt Nam chí ít cũng
đã đòi lại được một số quyền kinh tế và về phương diện này các nhà hoạt động thời
nay có thuận lợi hơn các vị tiền bối rất rất nhiều.
Chuyển động trước
Đại hội 13?
BBC: Đã đang có sự chuyển động nào đáng nói, đáng ghi nhận nhất trong lòng
các giới này và tương lai, viễn kiến sẽ ra sao, so với các thế hệ cũ, bối cảnh
cũ, sẽ có xu hướng, tính mới nào, đặc biệt trước thềm Đại hội ĐCSVN lần thứ 13
thì ra sao?
Nhà báo tự do Cát Linh: Việt Nam đã thay đổi . Trong quá trình hội nhập
với thế giới và để được bắt tay với thế giới thì dù muốn hay không, Việt Nam phải
thay đổi. Điều đáng ghi nhận là nhiều người dân cũng đã hiểu được các mặt trái,
phải của xã hội. Còn tinh thần xã hội, tinh thần để lên tiếng lên án những cái
xấu thì cần thêm nhiều sự dũng cảm. Bên cạnh đó một số những chính trị gia
không ngại phản biện trước các diễn đàn.
Đối với Việt Nam, chúng
ta cần thời gian và mọi thứ sẽ thay đổi để Việt Nam có một Việt Nam rất riêng.
Và nhắc lại là chúng ta không thể vội vàng. Đưa một quốc gia trở nên hùng mạnh
thì cần trách nhiệm, nhận thức của tất cả mọi công dân.
Đại hội sắp tới sẽ có những
sự thay đổi, trật tự mới trong hàng ngũ chính trường sẽ được sắp xếp lại. Nhưng
để ảnh hưởng đến những vấn đề của xã hội thì cần phải quan sát thêm vì hiện tại
chúng ta chưa biết ai sẽ lên và ai sẽ xuống.
Bà Sương Quỳnh: Những chuyển động đáng nói là càng ngày càng nhiều người dân đã thức
tỉnh và nhìn nhận ra rõ nét hiện trạng đất nước bây giờ. Đó là nhờ mạng xã hội
đã nỗ lực trong hàng chục năm qua dù những người đóng góp nhiều người phải trả
giá bằng tù tội hay bị quản thúc, theo dõi gắt gao tại nhà.
Th.S Nguyễn Tiến Trung: Theo tôi, trước thềm Đại
hội ĐCSVN lần thứ 13 thì phong trào dân chủ - xã hội dân sự sẽ đi xuống vì cuộc
đàn áp đang khốc liệt. Rất nhiều nhà hoạt động đã bị bắt thời gian gần đây, kể
cả những người thuộc diện sức khỏe yếu, độ tuổi “thất thập cổ lai hy”. Tuy
nhiên, trước sự hung hăng bành trướng của cộng sản Trung Quốc trên biển Đông và
trên toàn thế giới, các quốc gia dân chủ, văn minh và các quốc gia bị dính “bẫy
nợ” đã nhận thức rõ ràng mối nguy hiểm của chế độ cộng sản Trung Quốc, sự tranh
đấu, cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc này sẽ tác động rất lớn đến cục
diện chính trường Việt Nam với thuận lợi thuộc về những người dân chủ. Tác động
của hậu Thế chiến II giữa hai phe Đồng minh và phát xít đã định hình nên Việt
Nam hiện tại và bây giờ lịch sử sẽ lặp lại. Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các
quốc gia dân chủ và Trung Cộng độc tài sẽ định hình chính trị Việt Nam trong hiện
tại và tương lai.
Chuyển động đáng nói,
đáng ghi nhận nhất trong lòng các giới này, đó là họ nhận thức được cuộc đấu
tranh rất khó khăn, gian khổ và nan giải sau một thời gian đàn áp khắc nghiệt của
nhà cầm quyền. Khi họ nhận thức được thực tế, đúng và sát thì sẽ đưa ra những
chương trình, kế hoạch và công việc phù hợp hơn, dẫn tới hiệu quả hơn và giảm bớt
các tổn thất.
TSKH Nguyễn Quang A: Cuộc đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ
không bao giờ chấm dứt, ngay cả ở các nền dân chủ tiên tiến. Lơi là một chút là
thấy hậu quả ngay. Chính vì thế nó là một quá trình liên tục phải được duy trì
nuôi dưỡng, nhắc lại (vì chứng quên là bản chất của con người). Tôi không thích
kiểu so với các thế hệ trước, nó là quá trình liên tục nên phải dựa vào quá khứ
(cả hay để phát huy và tránh cái dở) nhưng phải tỉnh táo vì thế giới luôn thay
đổi, chỉ dựa vào kinh nghiệm cũ không ổn, phải học từ các nơi khác nhưng không
nên sao chép (copy) mà phải làm cho hợp với hôm nay. Đại hội 13 của ĐCSVN chỉ
là một chặng, tìm mọi cách (kể cả gây sức ép cho đến thuyết phục với các giải
pháp đề xuất đa dạng). Cuộc đấu tranh này diễn ra trên nhiều mặt trận, cần nhiều
đội quân khác nhau với các phương pháp và đối sách khác nhau.
Đủ năng lực và sẵn
sàng?
BBC: Nếu ngay ngày mai có sự thay đổi điều kiện chính trị, thể chế ở đất nước,
liệu các giới trên (bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động) đã sẵn sàng và có đủ
khả năng, năng lực để bước ra tham chính, chấp chính, lãnh đạo, quản trị đất nước
hay chưa, vì sao và thế nào?
Nhà báo tự do Cát Linh: Tôi nghĩ rằng việc tham chính, quản trị đất
nước là vị trí của những người được người dân lựa chọn. Những người bất đồng
chính kiến chỉ bày tỏ ý kiến của họ trước một ý kiến khác. Bất đồng chính kiến,
thúc đẩy xã hội minh bạch, phát triển... không có nghĩa là họ muốn tham chính,
muốn làm chính trị.
Bà Sương Quỳnh: Nếu có sự biến đổi và chính quyền thuộc về
nhân dân thì tôi tin có nhiều người thực tài sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm
lãnh đạo đất nước từ nước ngoài lẫn trong nước. Thực ra ngay trong bộ máy nhà
nước hiện giờ tôi cũng tin có những người tài giỏi nhưng họ bị khống chế vì cơ
chế nên họ không thể dùng tổng lực làm việc hữu hiệu. Nhưng nếu cơ chế thay đổi
có thể họ sẽ phát huy được năng lực của mình, những người này nếu chứng tỏ uy
tín sẽ được bầu vào bộ máy lãnh đạo. Tuy nhiên, để chế độ dân chủ thực thi như
các nước văn minh thì Việt Nam còn phải trải qua nhiều năm để chọn được một
lãnh đạo hoàn chỉnh đủ tài đức, khi đã có một bộ hiến pháp và pháp luật hoàn chỉnh
để tuân thủ. Để chọn được lãnh đạo tài đức thì trình độ nhận thức, hiểu biết và
ý thức của người dân phải gần được như người dân Hong Kong hiện giờ.
Th.S Nguyễn Tiến Trung: Nếu ngày mai có sự thay đổi
ngay lập tức thể chế chính trị tại Việt Nam, tôi tin rằng các tổ chức, cá nhân
dân chủ đã sẵn sàng bước ra tranh cử vào các vị trí dân cử. Nên nhớ rằng phong
trào dân chủ đã có quá trình phát triển rất lâu dài tại Việt Nam chứ không phải
mới đây. Có rất nhiều chính đảng, cá nhân trong và ngoài nước đã và đang âm thầm
chuẩn bị cho vấn đề Hiến pháp mới, bầu cử hậu cộng sản. Nhờ vào mạng xã hội,
Internet, cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trình độ dân trí ở Việt Nam đã cao
hơn trước rất nhiều.
Đảng Cộng sản Việt Nam
thành lập năm 1930, chỉ sau 15 năm, nhờ vào thời cơ Nhật đảo chính Pháp vào
tháng 3/1945 đã có thể lên nắm quyền vào tháng 8/1945. Đảng này chỉ có vỏn vẹn
5 tháng được hoạt động công khai nhưng đã lật đổ chính phủ hợp pháp Trần Trọng
Kim để “cướp chính quyền”.
Hiện tại, thời cơ chắc chắn
sẽ đến, nhưng tôi vẫn luôn mong mỏi tiến trình dân chủ hóa này sẽ diễn ra ôn
hòa, trong tình tự dân tộc, vì sự phát triển tốt nhất của đất nước để xây dựng
một nền dân chủ thực sự.
TSKH Nguyễn Quang A: Đừng mong đợi sự thay đổi hay điều kiện, hãy
góp phần tạo ra sự thay đổi và các điều kiện đó! Vì cuộc đấu tranh là lâu dài
gian khổ nên chưa thể mong có thay đổi “lớn lao” trong thời gian ngắn nếu chúng
ta không hành động mà chỉ mong ước hay than phiền, nhưng có thể xây dựng một số
yếu tố của xã hội dân chủ, tự do ngay trong lòng chế độ độc tài (đó là cách
tích cực, không có nó thì cả ngàn năm nữa cũng không có dân chủ và tự do).
Hãy thực thi quyền của
mình được nêu long trọng trong công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị
(tức là luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia từ đầu các năm 1980), trong hiến
pháp chưa được tốt lắm hiện nay (và như thế chính quyền Việt Nam phải có nghĩa
vụ pháp lý để tạo điều kiện pháp lý cho nhân dân Việt Nam thực thi các quyền ấy).
Mọi người dân hãy thực thi các quyền đó mà không đợi ai cho phép và phải đòi
chính quyền tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho nhân dân thực thi các quyền vốn
có đó của mình (đó là nghĩa vụ chính của chính quyền vì nhân dân nuôi họ để họ
làm việc đó mà họ không làm được thì phải đuổi họ xuống) với phương châm “biến
quyền trên giấy thành quyền thực tế”, theo tinh thần “quyền ta ta cứ làm” (chưa
có luật là lỗi của quý vị; luật cản trở là vi hiến và vi phạm luật quốc tế). Từng
bước một chúng ta có thể giành lại các quyền vốn có và được luật quốc tế cũng
như hiến pháp quy định và đến khi giành được các quyền chính trị cơ bản (quyền
lập các đảng chính trị, bầu cử tự do trong sạch và công bằng) thì dân chủ hoá
thành công và quan trọng nhất với một xã hội dân sự sôi động như vậy tạo cơ sở
vững chắc cho sự củng cố nền dân chủ mới một cách bền vững!
Ông Nguyễn Vũ Bình: Câu trả lời là vừa có, vừa không. Có ở khía
cạnh, khi chế độ sụp đổ, việc xây dựng thể chế dân chủ là việc sẽ xảy ra và chắc
chắn xảy ra. Quá trình xây dựng thể chế dân chủ và việc người dân bầu chọn ra đội
ngũ lãnh đạo đất nước chắc chắn sẽ được thực hiện. Như vậy, những người trong
giới bất đồng chính kiến sẽ là những người được lựa chọn và có vị trí lãnh đạo
trong tương lai. Điều đó có nghĩa là giới bất đồng chính kiến lúc nào cũng sẵn
sàng tham gia vào việc điều hành, lãnh đạo đất nước. Nhưng nói là đủ khả năng,
năng lực cũng rất khó nói (nói không đủ khả năng, năng lực cũng không được) vì
để quản trị quốc gia, lãnh đạo đất nước nhất là trong giai đoạn chuyển đổi là
việc không hề dễ dàng. Tuy nhiên, một thể chế dân chủ được xây dựng hữu hiệu sẽ
sàng lọc tốt những người có đủ khả năng để lãnh đạo đất nước. Có thể giai đoạn
đầu gặp khó khăn, song Việt Nam sẽ không bao giờ thiếu những người có đủ năng lực
để quản trị, lãnh đạo đất nước.
Trên đây là quan điểm riêng của những người trả lời
phỏng vấn, mời quý vị bấm vào đây để
theo dõi bài một là phần đầu của cuộc trao đổi giữa BBC News Tiếng Việt và các
nhà hoạt động từ Việt Nam.
--------------------------------------------------------------------
Quốc
Phương
BBC News Tiếng Việt
30 tháng 6 2020
Nhân việc hôm 25/6/2020, học giả nghiên cứu Hán –
Nôm Trần Khuê, nhà bất đồng chính kiến được nhiều người biết đến qua đời ở Sài
Gòn, một số nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền ở VN chia sẻ quan điểm của mình về
thực lực và triển vọng của hoạt động dân chủ, nhân quyền và xã hội dân sự ở nước
này, trước thềm Đại hội XIII của đảng Cộng sản Việt Nam và dài hạn.
Qua bút đàm hôm 29/6, các
nhà hoạt động nói với BBC News Tiếng Việt về việc liệu các thế hệ tiếp nối các
nhà bất đồng nổi tiếng như Trần Khuê hay Hoàng Minh Chính v.v..., nay có thể
làm được gì hay không.
Nhà báo tự do Cát Linh (từ Hà Nội): Những thế hệ tiếp theo sẽ có vai
trò riêng của họ. Thế giới thông tin đã và đang tràn ngập, điều đó không khó để
phát triển khả năng tư duy phản biện và theo những cách riêng, mỗi người dân sẽ
dần hiểu ra được những điều tiệm cận của nên và không nên. Họ sẽ tiếp tục vai
trò của họ trong xã hội.
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung (cựu tù nhân chính trị, từ Sài Gòn): Có
thể nói rằng Giáo sư Hoàng Minh Chính và nhà nghiên cứu Hán - Nôm Trần Khuê là
hai người đầu tiên tạo cảm hứng cho tôi tham gia tích cực vào phong trào dân chủ.
Năm 2006, chính hai cụ đã thành lập Phong trào dân chủ Việt Nam. Ngay sau đó
cũng chính giáo sư Hoàng Minh Chính phục hoạt đảng Dân Chủ Việt Nam và lấy thêm
tên mới là đảng Dân Chủ thế kỷ 21. Giáo sư Hoàng Minh Chính là Tổng thư ký, còn
nhà nghiên cứu Trần Khuê là Phó Tổng thư ký đảng Dân Chủ. Sự kiên trì, can đảm
dấn thân vì công lý, tự do, dân chủ của hai cụ qua hàng thập kỷ đã khiến tôi rất
xúc động. Tôi tin rằng thế hệ sau chắc chắn sẽ thúc đẩy phong trào dân chủ đi
xa hơn nữa vì thời thế thuận lợi hơn, công nghệ hiện đại hơn, dân trí cao hơn.
Và thế hệ sau có thể rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ công cuộc hoạt động
của thế hệ trước.
Nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình (cựu Biên tập viên Tạp chí Cộng sản): Tất
cả các thế hệ bất đồng chính kiến ở Việt Nam đều làm được chung một việc, đó là
khai dân trí và góp phần thúc đẩy quá trình tự sụp đổ của chế độ cộng sản Việt
Nam. Sự khác nhau giữa thế hệ sau với thế hệ đầu của các cụ Hoàng Minh Chính,
Trần Độ và các ông Trần Khuê, Phạm Quế Dương, Lê Hồng Hà, Nguyễn Thanh Giang là
hiệu quả hoạt động khai dân trí do sự mở rộng của hệ thống Internet và xuất hiện
các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook.
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A (cựu Viện trưởng Viện phản biện chính
sách độc lập - IDS): Tôi chưa được gặp cụ Trần Khuê lần nào nhưng đã đọc các
bài viết của Cụ và nhất là do tôi có biết cụ Phạm Quế Dương cùng cụ Khuê định
thành lập Hội giúp Đảng chống tham nhũng và bị bỏ tù cho nên tôi được nghe về cụ
Khuê rất nhiều, cụ đúng một tri thức khả kính một nhà đấu tranh kiên cường theo
nghĩa đen đến hơi thở cuối cùng. Các thế hệ sau phải tiếp bước các cụ, rút kinh
nghiệm hoạt động của các cụ, phát huy cái hay của các cụ và tránh những lỗi nếu
có của các cụ, sáng tạo ra cách mới hợp thời nay để đẩy phong trào tiến thêm một
bước.
Không nên so sánh
làm gì?
BBC: Có ý kiến nói,
nhiều nhân vật trong giới bất đồng chính kiến, nhà hoạt động thuộc lớp trước có
vị thế, vị trí chuyên môn nghề nghiệp, từ đó có ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng
với cộng đồng, người dân, thế hệ sau này thì thế nào? Họ có nét gì mới
và so với lớp trước họ có mạnh, yếu gì?
Nhà báo tự do Cát Linh: Nếu thế hệ sau là những người có địa vị, chức
vụ, chuyên môn và đóng góp những ý kiến phản biện cho xã hội thì điều đó rất
quan trọng. Bởi vì những họ là những người có cơ hội để bày tỏ mong muốn, yêu cầu..
trực tiếp tại các cơ quan chính phủ. Có chuyên môn thì ít nhất lời nói sẽ có sức
thuyết phục cao và được lắng nghe...
Bất lợi thì có thể nói sẽ
được giảm đi, và họ cũng có cơ hội để nâng cấp bản thân. Thế giới đang ngày
càng được kết nối dễ dàng nên họ sẽ học được nhiều thứ và tầm nhìn, góc nhìn sẽ
được thay đổi theo chiều hướng khách quan.
Nhà hoạt động Sương Quỳnh (nhà báo độc lập từ Sài Gòn): Trước
tiên, tôi muốn nói là với những người đấu tranh đòi tự do và dân chủ, các vị
như hai ông Hoàng Minh Chính và Trần Khuê luôn là những tấm gương kiên định quý
giá cho con đường đấu tranh với thế hệ chúng tôi.
Với thế hệ đầu quả tình họ
đã lãnh hội được những kiến thức sâu rộng và có vị thế nên tiếng nói của họ có
uy tín và thức tỉnh cho thế hệ sau. Nhưng lúc đó họ quá ít và bị đàn áp khốc liệt.
Nhưng thế hệ bây giờ có lợi thế là mạng Internet đã gắn kết và có thể lan rộng
một vụ việc. Do đó hiệu quả nhờ lan toả thông tin mà đã có nhiều người dân thức
tỉnh và ngày càng nhiều người tham gia khi nhà cầm quyền không thể bưng bít
thông tin như trước.
Th.S Nguyễn Tiến Trung: Những nhà hoạt động thế hệ sau có thành phần
đa dạng hơn và đó chính là lợi thế. Lớp trước đa số là các lão thành cách mạng,
những người được chế độ đào tạo, còn các thế hệ sau thì ngoài những người đi ra
từ chế độ còn có những người là trí thức độc lập, nông dân, dân oan mất đất,
công nhân,… Nhờ mạng xã hội nên thông tin và tầm ảnh hưởng đến cộng đồng còn
lan tỏa tốt hơn thế hệ trước nhiều.
Ông Nguyễn Vũ Bình: Vị thế, chuyên môn nếu có giúp ảnh hưởng
tới cộng đồng cũng không nhiều. Điều tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ sâu rộng với cộng
đồng và người dân ở thế hệ trước là kiến thức và nhận định của họ. Những người
thế hệ trước tham gia vào phong trào dân chủ đều đã có kết luận, và họ đấu
tranh nhắm vào kết luận, mục tiêu đó. Đó là, cần đấu tranh để thay đổi chế độ
xã hội. Để đưa ra được kết luận đó, họ phải tìm hiểu, nghiên cứu cũng như đấu
tranh nội tâm rất nhiều. Chính vì sự nghiên cứu và kết luận chắc chắn đó, họ được
nhiều người tôn trọng và ngưỡng mộ.
TSKH Nguyễn Quang A: Thời nào cũng có những người như vậy. Không
nên so sánh người này với người kia, thời này với thời kia!
Ngày càng nhiều các
bạn trẻ Việt Nam quan tâm đến các vấn đề xã hội dân sự, nhân quyền. AFP
‘Trọng thị, đừng
chê bai’
BBC:Có người băn khoăn liệu những điểm yếu nào đó so với thế hệ trước,
lớp trước, có thể sẽ tạo thành nhược điểm khó khắc phục, hay có người gọi
đó là ‘điểm dở’ trong một bộ phận của thế hệ bất đồng chính kiến hiện nay, làm
hạn chế sức hút dư luận, có thể làm ảnh hưởng tới sự phát triển của phong
trào dân chủ ở Việt Nam, quý vị có đồng tình với quan điểm này?
Nhà báo tự do Cát Linh: Quan điểm của tôi thì không. Bởi vì để một đất
nước phát triển, một quốc gia độc lập và trưởng thành thì mọi công dân đặc biệt
là lề trái họ phải trưởng thành và độc lập từ chính họ đã. Mọi công dân đều có
vai trò bảo vệ và xây dựng đất nước.
Bà Sương Quỳnh: Theo tôi điểm yếu nào đó của cả thế hệ trước và thế hệ này là chưa bỏ
được cái tôi, tức là chỉ bất đồng quan điểm với nhau là không thể bỏ qua bắt
tay với nhau để bàn bạc đi đến cùng làm chung mục đích. Cách nói khác là không
những bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền mà còn bất đồng với nhau do đó khó
đoàn kết thực lòng. Điểm yếu nữa là do trình độ nhận thức, kiến thức chỉ nhồi
nhét của thời Xã hội Chủ nghĩa hết sức lạc hậu và thiển cận. Những người đấu
tranh phải mày mò học hỏi không được đào tạo chuyên nghiệp do đó cũng là nguyên
nhân trong bất đồng ý kiến.
Th.S Nguyễn Tiến Trung: Từ góc nhìn của cá nhân tôi, thì một trong những
điểm lớn nhất khiến tôi băn khoăn chính là việc chưa đoàn kết đủ trong phong
trào dân chủ, xã hội dân sự để tạo sức mạnh lớn hơn, cả đối với thế hệ trước và
thế hệ sau. Tuy nhiên đã là đa nguyên thì phải chấp nhận hiện tượng này. Theo
thời gian, những tổ chức, cá nhân xuất sắc sẽ thu hút được quần chúng, tập hợp
được lực lượng xã hội rộng lớn hơn để có thể xây dựng được nền dân chủ thực thụ
tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Vũ Bình: Điểm yếu chung của thế hệ bất đồng chính kiến
hiện nay là nền tảng kiến thức chung không bằng thế hệ trước. Do phần lớn được
đào tạo trong môi trường Xã hội Chủ nghĩa, nơi mục tiêu của giáo dục là ngu
dân. Một trong những nhược điểm lớn, nhưng rất khó khắc phục của thế hệ hiện
nay là thiếu sự trau dồi kiến thức, ít chịu học hỏi những người đi trước trong
khi xã hội cộng sản Việt Nam lại vô cùng phức tạp. Sự thiếu kiến thức cùng với
sự hiếu thắng và bản năng bảo thủ dẫn tới các cuộc tranh luận, tranh cãi liên
miên, bất tận làm ảnh hưởng tới tình đoàn kết, không khí chung của phong trào
dân chủ.
TSKH Nguyễn Quang A: Những người có ảnh hưởng lớn mà có tật gì đó
thì cái tật ấy cũng có ảnh hưởng về sau, nhưng thế hệ đi sau luôn phải có cách
nhìn phê phán: dựa vào cái hay của các bậc tiền bối để phát huy cho hợp thời
nay và tránh những cái dở, nhưng luôn trên tinh thần trọng thị và xây dựng chứ
không phải để chê bai.
Thử chụp ảnh ‘chân
dung’
BBC: Qua góc nhìn của quý vị, nếu có một bức ảnh chụp chân dung giới bất đồng
chính kiến, giới hoạt động dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự… ở Việt Nam hiện
nay, thì đặc điểm nổi bật nhất có thể nhận biết là gì?
Bà Sương Quỳnh: Để nhận ra bức chân dung của người tranh đấu thì phần lớn là họ lên
Facebook viết những điều bất đồng với chính sách hay vụ việc của nhà cầm quyền
đối với đất nước và người dân. Hoặc những người xuống đường biểu tình hoặc ký
các kiến nghị.
Th.S Nguyễn Tiến Trung: Tôi tin rằng đó sẽ là một
bức ảnh nhiều màu sắc. Từ trải nghiệm của cá nhân tôi, rất nhiều cá nhân và tổ
chức, âm thầm và công khai, trong đảng cộng sản và ngoài đảng, đều đang tiến
hành rất nhiều cách thức khác nhau để đóng góp vào tiến trình dân chủ hóa đất
nước.
Ông Nguyễn Vũ Bình: Rất khó để có bức ảnh chung cho giới bất đồng
chính kiến Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, nếu phải khái quát, thì đó là sự can đảm,
kiên định trong đấu tranh nhưng khá bốc đồng và nông nổi, bảo thủ. Khá sáng tạo
trong đấu tranh và luôn duy trì tính hài hước trong tranh đấu.
TSKH Nguyễn Quang A: Đông hơn, đa dạng hơn, hiệu quả hơn nhưng vẫn
còn yếu so với yêu cầu của xã hội.
Tương kế, tựu kế?
BBC: Liệu những phương thức, biện pháp, kế sách chống diễn biến hòa bình, chống
chuyển hóa nội bộ được ban lãnh đạo chính quyền, nhà nước và đảng Cộng sản Việt
Nam thúc đẩy nhiều năm gần đây, đã đang gây khó khăn nào đó cho các phong trào
bất đồng chính kiến và giới hoạt động được nhắc tới ở trên? Trong tình hình mới,
bối cảnh mới, các giới này đang có những thích nghi, thích ứng nào?
Nhà báo tự do Cát Linh: Đôi khi tôi cũng chưa hiểu được các khái niệm
như “chống diễn biến hoà bình”... vì theo tôi, bất đồng chính kiến chỉ là đưa
ra những ý kiến mới để xây dựng đất nước, bảo vệ hoà bình dân tộc. Nên việc
thích nghi, thích ứng là không cần thiết.
Bà Sương Quỳnh: Những phương thức của nhà cầm quyền chống lại phong trào đấu tranh
càng ngày càng dữ dội và bắt bớ, ngăn chặn gắt gao cũng làm phong trào đấu
tranh về vẻ ngoài không còn rầm rộ Nhưng tuy vậy để tiếp tục thì những người
tranh đấu viết nhiều hơn để nâng cao dân trí cũng như đưa những tin tức sự thật
cho người dân nhiều hơn. Và cách nâng cao dân trí cũng như ý thức trách nhiệm
người dân cũng là con đường đấu tranh diễn biến hoà bình chậm mà chắc.
Th.S Nguyễn Tiến Trung: Các biện pháp đàn áp,
chia rẽ, cô lập, bắt bớ những nhà hoạt động đã gây khó khăn cho phòng trào dân
chủ. Đó là điều chắc chắn. Tuy nhiên, sẽ ngày càng nhiều có nhiều nhà hoạt động
xuất hiện vì bất công xã hội, ô nhiễm môi trường, tham nhũng v.v… ngày càng lan
tràn rộng khắp. Bản thân tôi đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ số lượng các
nhà hoạt động dân chủ, xã hội dân sự từ năm 2006 cho đến nay (năm 2020). Năm
2006 là năm tôi chính thức trở thành một nhà hoạt động dân chủ công khai.
Từ trước đến nay đã có rất
nhiều đợt đàn áp, bắt bớ các nhà hoạt động nhưng cuối cùng thì phong trào dân
chủ vẫn luôn đông hơn, mạnh hơn. Dân chủ hóa là quy luật tất yếu của xã hội.
Trước các biện pháp đàn
áp của nhà cầm quyền thì giới hoạt động càng phải thận trọng, khôn ngoan hơn để
có thể tồn tại nhằm duy trì và phát triển phong trào. Lằn ranh đỏ mà nhà cầm
quyền đã vạch ra rất rõ dù không hề quy định trong bộ luật hình sự: không được
thành lập tổ chức, không được có quan hệ với nước ngoài, không được chủ trương
bạo động, không được phát trực tiếp (livestream) kêu gọi biểu tình…
Ông Nguyễn Vũ Bình: Việc đàn áp, khởi tố bắt giam những người
thuộc các hội nhóm Xã hội Dân sự ở Việt Nam, việc đàn áp khốc liệt các cuộc biểu
tình, xuống đường của người dân và giới bất đồng chính kiến khiến cho hoạt động
của giới bất đồng chính kiến hiện nay gặp khó khăn rất nhiều. Tuy nhiên, trong
tình hình đó, giới bất đồng chính kiến chuyển sang các hoạt động trên không
gian mạng theo hướng tích cực phê phán các đường lối chính sách, các sự vụ cụ
thể được phân tích bình luận và phản biện rất gắt gao, sắc sảo. Đồng thời đẩy mạnh
các việc khiếu kiện, đấu tranh theo các luật lệ có sẵn. Một số hội nhóm đẩy mạnh
việc đấu tranh thông qua con đường quốc tế vận, vận dụng luật pháp các nước để
chế tài nhà cầm quyền trong việc vi phạm nhân quyền.
TSKH Nguyễn Quang A: Chắc chắn có gây khó khăn nhưng nếu khéo biết
dùng chính cái đó để đấu tranh chống lại chính bản thân các mưu mẹo bẻ cong sự
thật ấy của nhà cầm quyền, thì lại là lợi thế.
------------------
Trên đây là quan điểm riêng của những người trả lời
phỏng vấn, mời quý vị đón theo dõi phần hai cuộc trao đổi giữa BBC News Tiếng
Việt với các nhà hoạt động, bất đồng chính kiến từ Việt Nam, trong đó các ý kiến
chia sẻ các vấn đề khó khăn trong cuộc sống đời thường, mưu sinh cho tới viễn
kiến về tương lai đất nước của họ.
---------------
Tin liên quan
No comments:
Post a Comment