Thursday, 2 July 2020

LỢI ÍCH NHÓM hay BĂNG ĐẢNG CƯỚP CƠM DÂN? (Phạm Trần)




1/07/2020

"Lợi ích nhóm", hay "nhóm lợi ích" là những tổ chức cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong Đảng cộng sản Việt Nam đã chia bè, kết phái để cướp cơm dân và bảo vệ độc quyền cai trị cho đảng.

"Nhóm lợi ích" là những tổ chức cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong Đảng cộng sản Việt Nam đã chia bè, kết phái để bảo vệ độc quyền cai trị cho đảng. Ảnh minh họa buổi họp cấp trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.

Chúng sinh ra và lớn lên từ Thôn, rồi leo lên Xã trước khi ngoai qua Huyện, ngóc đầu lên Tỉnh để ngênh ngang bước vào Trung ương. Lộ trình quan lộ của "lợi ích nhóm" công khai từ dưới lên trên, từ trung ương xuống cơ sở và từ nhà nước vào doanh nhân, xí nghiệp. Khối doanh nghiệp nhà nước là ổ tham nhũng phá hoại đất nước và phản bội sức lao động của dân lớn nhất nhưng không bị trừng phạt mà còn được bảo vệ bởi các "nhóm lợi ích" trong cơ quan đảng và bộ ngành nhà nước.

Thế nhưng, gần 10 năm qua, kể từ Khóa đảng XI (2011-2016) Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng, Thanh tra Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và Ban Chỉ đạo trung ương Phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đứng đầu đã không sao vạch được mặt, chỉ ra tên các "nhóm lợi ích" để trừng phạt và tịch thu tài sản trả lại cho dân.

Con số trên 100 cán bộ, đảng viên, có người ở cấp cao đã bị bắt tù, bị truy tố, bắt đền bù tiền thu bất chính từ đầu Khóa đảng XII (từ 2016…) là một "thành tích" được báo, đài đảng tung hô để biểu dương ông Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng không ai biết các thủ phạm nổi cộm đã bị ngồi tù như Đinh La Thăng (cựu Ủy viên Bộ Chính trị) ; Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông) và Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông) thuộc "nhóm lợi ích" nào trong đảng.

Hiện nay, trước thềm Đại hội Đảng XIII, dự trù diễn ra đầu năm 2021, một làn sóng "đánh gió" tệ "lợi ích nhóm", hay "nhóm lợi ích" , do Ban Tuyên giáo chủ động, đã bung ra với những quân bài chống "chạy chức", "chạy quyền" và "chạy vào Trung ương" của các phe phái trong đảng.

Việc này cho thấy tình trạng "lợi ích nhóm" vẫn sinh sôi nẩy nở như ong vỡ tổ khắp nơi, khắp chốn và trong mọi lĩnh vực, mọi cửa ngõ ra vào của hệ thống đảng, nhà nước và các doanh nghiệp.

Thậm chí, cả trong báo chí đảng cũng đang chửi xéo, nói xiên về chuyện "lợi ích nhóm" như để tung hỏa mù trong dư luận. Những chuyện báo tống tiền doanh nghiệp, liên kết với nhau viết bài đánh thuê, chém mướn cho nhóm này, phe kia để có lợi cho phe, nhóm trong đảng, hoặc cho chính mình cũng đã được ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo công khai răn đe nhiều lần.

Ngoài ra tình trạng báo làm áp phe phổ biến, ai cũng biết như "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" của làng báo gọi là "cách mạng" của đảng, tuy nay không còn phổ biến đại trà như mấy năm trước, nhưng cũng vẫn âm thầm và rân ran giao du dưới gầm bàn, hay tại các quán bia ôm thời hội nhập.

Vậy mà Ban Tuyên giáo chỉ dám viết như anh mù sờ voi rằng :

"Lợi ích nhóm" hay "nhóm lợi ích" là một dạng "tham nhũng đặc biệt" cần phải chủ động phòng, chống và ngăn ngừa".
(Tạp chí Tuyên giáo, 20/05/2020)

Tại sao lại gọi tội phạm tham nhũng của các nhóm băng đảng là "một dạng tham nhũng đặc biệt" khi thủ phạm là cán bộ, đảng viên nắm giữ các chức vụ đã nhận hối lộ và đưa hối lộ ?

Lạy ông tôi đây

Vậy những kẻ đã dùng quyền được trao và chức được ban đã lạm dụng địa vị để tổ chức tham nhũng loại "đặc biệt" này như thế nào ?

Tuyên giáo trả lời :
"Lợi ích nhóm/nhóm lợi ích thường liên quan đến người có chức, có quyền khi có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động và cùng phân chia lợi ích. Hiểu nguyên nghĩa, thì "đó là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau, hỗ trợ, móc ngoặc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó".
"Lợi ích nhóm/nhóm lợi ích kiểu này được hình thành trên cơ sở cùng mục tiêu trục lợi, kiếm chác, tham nhũng ; lợi dụng sơ hở của các quy định để tạo các mối quan hệ nhằm móc nối kiếm lợi bất chính cho cá nhân và nhóm mình, bất chấp nhân phẩm, đạo đức, pháp luật".
(Tuyên Giáo, 20/05/2020)

Chi tiết hơn, theo tài liệu của Tuyên giáo thì các ngõ ngách ăn bẩn và làm giầu của các "Nhóm lợi ích", hay "Lợi ích nhóm" đã diễn ra như sau :

1) "Diễn ra trong quá trình hoạch định, ban hành và thực thi chính sách về kinh tế - xã hội như quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên ; trong đầu tư công, quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng ; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi ; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực".

2) "Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…".

3) "Càng về cuối nhiệm kỳ, những người thuộc "nhóm lợi ích" thường chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình, nhóm mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích...".

("Thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng, chống 'lợi ích nhóm' ở nước ta hiện nay", Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Chương H, 2015, tr.42)

Nội chính nói gì ?

Để biết rõ hơn con mắt đảng tuy đã thấy hết mà vẫn như quáng gà trước một thực trạng tha hóa trong đảng đã hết thuốc chữa, chỉ hai năm sau ngày ông Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm lãnh đạo Khóa đảng XI (từ 2011).

Bài tường trình của Ban Nội chính Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, đề ngày 01/08/2013 viết như sau :

"Hiện nay, ở nước ta, lợi ích nhóm tiêu cực phát triển khá phổ biến, hiện diện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nhưng, phổ biến nhất, tác hại và nguy hiểm nhất là lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và được thể hiện dưới các dạng sau đây :

- Tạo quan hệ với cấp trên, với cơ quan có thẩm quyền, khi cần thiết có thể "hối lộ" dưới mọi hình thức để giành được kinh phí, đề tài, dự án… cho đơn vị, địa phương v.v… (trong khi có thể bố trí kinh phí, đề tài, dự án cho đơn vị, địa phương khác sẽ có lợi và hiệu quả hơn).

- Tạo quan hệ, móc ngoặc với những người có chức, có quyền quyết định để được bố trí vào các chức vụ mong muốn cho bản thân hoặc cho người thân trong gia đình, trong khi năng lực, phẩm chất không đáp ứng được yêu cầu của vị trí công tác đó.

- Nhà đầu tư, doanh nghiệp tạo quan hệ móc nối với cơ quan, người có thẩm quyền quyết định, hình thành nhóm lợi ích để xây dựng các dự án, chủ trương đầu tư hoặc giành được các dự án "phát triển kinh tế - xã hội" nhằm mục đích kiếm lợi, có chi trả % cho chủ đầu tư, không tính đến hiệu quả đầu tư hoặc hiệu quả thấp, miễn là "có việc" là "có ăn". Người có chức quyền, thoái hóa, biến chất, chỉ chăm lo thu vén lợi ích cá nhân, chỉ phê duyệt cho đơn vị, cá nhân nào biết quan hệ, biết điều, chi trả % đậm hơn.

- Các doanh nghiệp là "sân sau", đồ đệ trung thành của những người có chức, có quyền hình thành nhóm lợi ích, cố kết với nhau để cùng nhau có lợi ích, bảo vệ lợi ích cho nhau. Doanh nghiệp và các đồ đệ trung thành phải chăm lo lợi ích của "sếp" tạo dựng uy tín, lo lót để che chắn khuyết điểm của "sếp", để "sếp" được vào những vị trí công tác mong muốn v.v… Đến lượt "sếp" phải trả ơn, chăm lo lợi ích của các doanh nghiệp, đồ đệ của mình, phê duyệt cho họ những dự án "béo bở", cất nhắc họ vào những vị trí làm việc hứa hẹn nhiều bổng, lộc v.v…

- Một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất trong các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát, cơ quan điều tra v.v… cũng bị móc nối và vì lợi ích vị kỷ của mình hình thành nhóm lợi ích với các cơ quan, cán bộ, công chức là đối tượng thanh tra, kiểm tra, điều tra v.v… để che chắn khuyết điểm, thậm chí làm nhẹ tội cho các đối tượng này.

Những biểu hiện trên đây của lợi ích nhóm tiêu cực đã được Đảng tổng kết thành các hành vi "chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương"…"và dư luận xã hội đã tổng kết muốn có chức quyền, lợi ích phải có "tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ và cuối cùng mới là trí tuệ".

Biết rõ chúng cấu kết, thành hình và moi móc để ăn như vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng không tìm ra được những "nhóm con sâu mọt người thật và việc thật" để trừng phạt và lấy lại của ăn cắp mà chỉ biết hô hào:" Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, 'lợi ích nhóm', chạy chức, chạy quyền...".

(Tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 12 ngày 11-14/05/2020)

Hay, như Tuyên giáo cũng tát nước theo mưa khi phóng loa : "Đẩy mạnh đấu tranh, phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, các biểu hiện bè phái, cánh hẩu, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, tham ô, tham nhũng, "lợi ích nhóm" thì những ổ sâu "lợi ích nhóm" hay "nhóm lợi ích" đến bao giờ mới hết tiền nuôi bồ nhí và xây biệt phủ ?

Phạm Trần
(01/07/2020)

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và những cán bộ cấp cao bị kỷ luật  trong những vụ biển thủ, bán khống những công ty quốc doanh cho những nhóm lợi ích để trục lợi làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng trong ngân sách quốc gia (19/07/2019).

 ----------------------------------------------------

XEM THÊM

Chủ động phòng và chống "lợi ích nhóm"
Tạp chí Tổ chức Nhà nước, 20/05/2020

"Lợi ích nhóm" hay "nhóm lợi ích" là một dạng "tham nhũng đặc biệt" cần phải chủ động phòng, chống và ngăn ngừa.

"Lợi ích nhóm" và tác động tiêu cực

"Lợi ích nhóm"/"nhóm lợi ích" thường liên quan đến người có chức, có quyền khi có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động và cùng phân chia lợi ích. Hiểu nguyên nghĩa, thì "đó là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau, hỗ trợ, móc ngoặc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó" (1). "Lợi ích nhóm"/"nhóm lợi ích" kiểu này được hình thành trên cơ sở cùng mục tiêu trục lợi, kiếm chác, tham nhũng; lợi dụng sơ hở của các quy định để tạo các mối quan hệ nhằm móc nối kiếm lợi bất chính cho cá nhân và nhóm mình, bất chấp nhân phẩm, đạo đức, pháp luật.

Sinh thời, trong một số bài viết, bài nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy chưa sử dụng khái niệm "lợi ích nhóm"/"nhóm lợi ích", nhưng nội hàm của nó được hiểu là óc địa phương, óc bè phái, địa phương chủ nghĩa, cánh hẩu… và Người cũng cảnh báo, từ khi trở thành Đảng cầm quyền, những vấn nạn này ngày càng phát triển tại các cơ quan công quyền. Cụ thể, theo Người: óc địa phương "là vì cận thị, không xem xét toàn thể. Không hiểu rằng lợi ích nhỏ phải phục tùng lợi ích to, ích lợi bộ phận phải phục tùng ích lợi toàn thể" (2) ; óc bè phái là "ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống, họ phải mấy cũng không nghe" (3) ; địa phương chủ nghĩa là "chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ" (4) ; cánh hẩu là : "Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn… Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình… Ham dùng những người tính tình hợp với mình" (5), v.v. Những tệ nạn này không chỉ làm "hỏng cả công việc của Đảng" mà còn làm mất đi sự liêm khiết, công bình, chính trực, chí công vô tư của các cơ quan công quyền trong hệ thống chính trị.

Về vấn đề này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, "lợi ích nhóm" ban đầu chỉ đơn giản là lợi ích cục bộ, móc ngoặc với nhau theo kiểu "ông mất chân giò, bà thò chai rượu", chung nhau làm ăn, đôi bên cùng có lợi. Nhưng rồi, cùng với thời gian, lợi ích cục bộ đó bây giờ không chỉ dừng lại ở quan hệ giữa hai bên, hai người mà đã thành "sự ăn cánh", "đường dây" của một nhóm người mưu lợi ích riêng, làm hại lợi ích chung (7).

Cụ thể và chi tiết hơn, theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII), "lợi ích nhóm" :

1) Diễn ra trong quá trình hoạch định, ban hành và thực thi chính sách về kinh tế - xã hội như quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên ; trong đầu tư công, quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng ; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi ; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

2) Thao túng trong công tác cán bộ ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…

3) Càng về cuối nhiệm kỳ, những người thuộc "nhóm lợi ích" thường chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình, nhóm mình ; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích...

Tất cả những những biểu hiện này đều "tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên các phạm vi khác nhau" (8), làm kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, gây suy đồi về văn hóa, đạo đức xã hội và làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đồng thời, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, "lợi ích nhóm" cũng làm cho sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nhanh hơn; trong đó, lối sống trung thực, chính trực bị lối sống thực dụng "nịnh trên nẹt dưới", chạy theo đồng tiền, sử dụng đồng tiền trong các mối quan hệ để mua bán, đổi chác quyền lợi và danh vọng ngày càng lấn át. Tệ hối lộ, lại quả, "tham nhũng vặt" đã trở nên quen thuộc và xa hơn nữa là những phi vụ làm ăn mờ ám, béo bở, những đường dây chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch lan rộng đã thúc đẩy sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Đi liền cùng đó, "lợi ích nhóm" đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sống thiếu lý tưởng, hoài nghi vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, thậm chí thờ ơ, bàng quan trước những thay đổi về đời sống chính trị thế giới và trong nước, vô cảm trước tâm tư, nguyện vọng, đòi hỏi bức xúc của nhân dân; xuyên tạc, phủ nhận, đòi xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; dẫn đến nhiều địa phương, nhiều cấp ủy không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, làm trái với nguyên tắc, Điều lệ, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hình thành bè cánh, phe phái trong Đảng, phá vỡ sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức, làm suy giảm năng lực lãnh đạo và chiến đấu của tổ chức Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên.  
          
Đẩy mạnh phòng, chống "lợi ích nhóm" để đảng trong sạch vững mạnh

Trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng ; trong đó có phòng, chống và ngăn chặn "lợi ích nhóm" đã được đẩy mạnh. Từ Trung ương đến địa phương, việc nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (Chỉ thị số 05) đã tạo ra sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Thông qua đó, việc rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã đạt được những kết quả tích cực.

Để đẩy mạnh thực hiện xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là phòng và chống "lợi ích nhóm"/"nhóm lợi ích" trước thềm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện là :

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu các cơ quan ban, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương về tác động và hệ lụy của "lợi ích nhóm" đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng người, từng cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành và lãnh đạo, tổ chức nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, quy định, quyết định của Đảng, Nhà nước, Quốc hội...

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ tâm - tầm - tài ; trong đó, chú trọng từ khâu tuyển chọn, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, đánh giá, khen thưởng và kỷ luật cán bộ công khai, minh bạch để khắc phục triệt để "lợi ích nhóm" và vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Các cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ cần thực hiện đúng và tốt về thẩm quyền, chức năng tham mưu trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chế độ của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ ; thực hiện nghiêm túc quy chuẩn, quy trình bổ nhiệm cán bộ và kịp thời đấu tranh chống những biểu hiện cơ hội, "lợi ích nhóm" để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Ba là, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng ; tăng cường công tác quản lý, giám sát và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng trong mọi mặt công tác, gương mẫu giữa "nói đi đôi với làm" để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, thông qua việc tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp gắn với thực hiện tốt học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để đẩy mạnh đấu tranh, phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, các biểu hiện bè phái, cánh hẩu, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, tham ô, tham nhũng, "lợi ích nhóm".

Bốn là, phát huy vai trò thông tin, định hướng của các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với và học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và nhân dân trong thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân trong giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên hướng về cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát; đồng thời, mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp, coi đó là cơ sở để nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, thiết thực phòng, chống và ngăn chặn "lợi ích nhóm" trong Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị./.

Theo tuyengiao.vn
Nguồn : Tạp chí Tổ chức Nhà nước, 20/05/2020

------------
Ghi chú :

(1) Nguyễn Văn Mạnh : Một số ý kiến về "lợi ích nhóm" ở Việt Nam hiện nay, Noichinh.vn, ngày 01/8/2013.

(2), (3), (4), (5), (6) Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 5, tr. 296, 88, 87-88, 318, 321.

(7) Nguyễn Phú Trọng : Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2017, tr. 90-91.

(8) Thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng, chống "lợi ích nhóm" ở nước ta hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2015, tr. 42.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr. 202.






No comments:

Post a Comment

View My Stats