23/07/2020
Khi dịch coronavirus khiến
rất nhiều cơ sở phải đóng cửa, đạo luật CARES Act ở Mỹ cho tăng số tiền thất
nghiệp lên thêm $600 mỗi tuần. Có nghĩa là nếu tiền thất nghiệp đáng lẽ được
lãnh $200/tuần thì được tăng lên thành $800.
Con số $600 đó từ đâu ra?
(Từ Quốc Hội ra, vì Quốc Hội là người làm luật. Hì hì. Biết rồi. Nhưng Quốc Hội
lấy con số $600 từ đâu ra?)
Tiền thất nghiệp xưa nay
thấp hơn tiền lương lúc còn đi làm. Bình thường, tiền thất nghiệp được tính bằng
mấy mươi phần trăm tiền lương, và thường có con số tối đa. Đụng trần là không
có thêm. Thí dụ, ở California, tùy mức lương, tiền thất nghiệp vào khoảng 60 tới
70 phần trăm lương, nhưng tối đa chỉ được $1300.
Do đó, có mất thu nhập
khi bị thất nghiệp.
Khi dịch Covid tràn tới,
Quốc Hội muốn bù vào phần thu nhập bị mất. Thống kê của Bộ Lao Động cho thấy,
vào năm 2019, tiền thất nghiệp trung bình toàn quốc là $370/tuần, trong khi
lương trung bình của những người này trước khi bị thất nghiệp là $970/tuần.
Vậy suy ra, nếu trả mỗi
người thêm $600 thì vừa đúng.
Sẽ có người dư có người
thiếu, nhưng trung bình thì huề, phải không hè?
Hoá ra là không phải vậy.
Với số tiền $600 trả thêm, đa số rất lớn người nhận tiền thất nghiệp được nhiều
tiền hơn trước lúc thất nghiệp.
Nghiên cứu của ba nhà
kinh tế Peter Ganong, Pascal Noel, và Joseph Vavra thuộc viện kinh tế
Becker Friedman, đại học Chicago cho thấy số người có lời khi thất nghiệp không
phải xấp xỉ 50%, mà là 68%.
Số người lương thất nghiệp
cao hơn lương bình thường là 68%, tức là đông quá gấp đôi số người 32% còn lại.
Tại sao vậy? Vì số chênh
lệch $600 có thể là số trung bình, nhưng không phải số ở giữa, không phải số ở
chỗ chia đều 50-50.
Số trung bình theo mình vẫn
hiểu, cộng số tiền lại rồi chia cho số người, trong toán thống kê tiếng Anh gọi
là mean. Trong khi đó, con số nằm ở giữa, một nửa ở trên và một nửa ở dưới, tiếng
Anh gọi là median và tiếng Việt gọi là trung vị.
Hai con số này, trung
bình và trung vị, hiếm khi nào trùng nhau. Riêng về các khoản tiền bạc, số
trung vị thường thấp hơn số trung bình, có khi thấp hơn rất nhiều.
Lấy thí dụ Bill Gates họp
mặt lớp với bạn cũ. Các bạn cũ có thể có thu nhập 100,000 hay 200,000 hay
500,000 một năm. Nhưng Bill Gates có thu nhập mỗi năm $12 tỷ.
Thử tưởng tượng cộng các
con số này và chia cho số người, sẽ lớn bao nhiêu! Giả sử họp mặt lớp 20 bạn,
riêng khoản $12 tỷ chia 20 đã lên tới $600 triệu.
Con số trung bình $600
triệu không nằm ở giữa. Rất có thể chỉ có mỗi 1 bạn, Bill Gates, có thu nhập
cao hơn thế, còn 49 bạn còn lại đều có thu nhập thấp hơn.
Nếu đặt 20 người bạn học
này vào đồ thị, những người thu nhập khoàng vài trăm ngàn hay thậm chí 1 triệu,
cũng chỉ lúc nhúc gần số 0. Con số trung vị, nơi 10 bạn có thu nhập thấp hơn nó
và 10 bạn có thu nhập cao hơn nó, cũng sẽ nằm trong đám lúc nhúc đó, trong khi
số trung bình thì cao hơn nhiều.
Một người thu nhập
cực kỳ cao có thể làm số trung bình cao hơn hầu hết mọi người khác. (Hình: Vũ
Quí Hạo Nhiên)
Sự chênh lệch giữa số
trung bình và số trung vị là hiện tượng xảy ra thường xuyên khi nói về tiền bạc.
Sẽ có rất nhiều người thu nhập thấp, và sẽ có một vài người thu nhập cực kỳ
cao.
Biểu đồ thu nhập
hàng tuần ở Mỹ. Số người thu nhập thấp đông hơn số người thu nhập cao, một sự
chênh lệch được miêu tả là “skew” bên phải. (Hình: Ganong, Noel, and Vavra)
Giá bất động sản trong một
thành phố cũng vậy. Hầu hết nhà đều có giá bán bình thường, nhưng thế nào cũng
có vài căn lớn hơn và xây sửa nhiều nên giá cao hơn hẳn các nhà khác.
Do đó con số trung bình
không tiêu biểu cho thu nhập hay giá bất động sản, mà phải là con số trung vị.
Khi thống kê về tiền bạc
tại Mỹ, con số người ta hay dùng là trung vị chứ không phải trung bình. Tìm
trên mạng sẽ thấy nhiều thống kê về “median household income” (số trung vị thu
nhập gia đình) hay “median home price” (số trung vị giá nhà) nhưng không thể
tìm ra thống kê “mean income” hay “mean home price.”
(Hình: Vũ Quí Hạo
Nhiên)
Khi hầu hết các con số đều
nằm ở một bên và một vài cá nhân nằm rải rác ở phía xa, những con số đó được
xem là “skew.” Độ skew được tính bằng công thức này, nhưng bình thường thì chỉ
nhìn biểu đồ là ra.
Độ skew được tính bằng
công thức này, nhưng bình thường thì chỉ nhìn biểu đồ là ra.
Nếu hầu hết mọi người có
thu nhập thấp trừ vài người xé lẻ triệu phú tỷ phú, những con số đó được xem là
skew bên phải, “skewed right” hay “skewed positive.”
Cũng có trường hợp ngược
lại, skew bên phải. Tuổi thọ chẳng hạn. Ở các quốc gia phát triển, tuổi thọ thường
cao. Có những trường hợp qua đời lúc trẻ, nhưng ít. Cho nên tuổi thọ “skewed
left” hay “skewed negative.”
Tuổi thọ của phụ nữ
ở Anh và Wales. Màu cam là thời 1982-1986, màu xanh là 2007-2011. (Hình: U.K.
Office for National Statistics)
Con số trung bình (mean)
thường chạy theo skew. Cái đuôi đồ thị kéo dài chỗ nào thì trung bình chạy theo
đó, trong khi trung vị ít bị ảnh hưởng.
Với thu nhập, số trung
bình cao hơn trung vị. Với tuổi thọ, số trung bình thấp hơn trung vị. Trong đồ
thị tuổi thọ của phụ nữ ở Anh và Wales ở trên, tuổi thọ trung bình trong những
năm 2007-2011 là 82.4 năm trong khi tuổi trung vị cao hơn, 85.3 năm.
Thế thì trở lại với con số
$600 tiền thất nghiệp.
Số $600 là chênh lệch
trung bình. Nhưng khi nói về tiền bạc, thì phải nhớ là số người thu nhập thấp rất
đông so với số người giàu, nên con số trung vị sẽ thấp hơn trung bình. Số người
có chênh lệch thấp hơn $600, sẽ lớn hơn số người có chênh lệch cao hơn $600.
Tất nhiên có sự khác biệt
từ tiểu bang này tới tiểu bang khác, nhưng nếu nhìn toàn quốc, số tiền phụ trội
$600 sẽ tăng thu nhập cao hơn lúc còn đi làm, cho hầu hết những ai có thu nhập
dưới $1000/tuần ($52,000/năm).
Mà con số này rất đông.
Các nhà kinh tế đại học Chicago vẽ ra đồ thị sau đây.
(Hình: Ganong,
Noel, and Vavra)
Đường vạch đen nằm ngang
là nếu tiền thấp nghiệp vừa bằng tiền lương lúc còn đi làm. Số người có tiền thất
nghiệp kể cả CARES Act cao hơn tiền lương trước đó rất đông, vì một lý do đơn giản
là vì số người lương thấp đông hơn người lương cao. Hay nói kiểu toán học, đồ
thị “skewed right.”
Phần phụ trội $600/tuần sẽ
hết hạn vào cuối tháng 7. Hết tháng 7, không rõ con số phụ trội này sẽ được giữ
nguyên, hay giảm đi, hay cắt bỏ hoàn toàn. Chờ xem!
No comments:
Post a Comment