Hiếu
Chân/Người Việt
Jul 14, 2020
Những ngày cuối tuần qua
có một sự kiện lớn mà người Việt Nam ít nhiều đều quan tâm và suy ngẫm. Đó là kỷ
niệm 25 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ.
Là “diễn viên đu dây” giữa
Mỹ và Trung Quốc, số phận Việt Nam sẽ như thế nào? Tại sao sau 25 năm, qua bốn
đời tổng thống Mỹ, Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn chưa thể xây dựng mối quan hệ “đối
tác chiến lược” như mong muốn của người dân hai nước? Việt Nam sẽ chọn lựa thế
nào trong cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng hiện
nay?
Tổng Thống Mỹ Bill
Clinton ký hiệp ước bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 11
Tháng Bảy, 1995, chỉ năm tháng sau khi bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế do Việt Nam
đưa quân vào Cambodia vào Tháng Giêng, 1979. Từ đó đến nay, quan hệ giữa Việt
Nam và Mỹ có nhiều bước tiến triển tốt, hai bên đã hợp tác giải quyết ổn thỏa một
số vướng mắc do chiến tranh để lại như tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích, tẩy rửa
chất độc khai quang, tổ chức cho hàng vạn quân dân cán chính VNCH định cư tại
Hoa Kỳ và mở rộng ngoại giao nhân dân.
Có những việc trước đây
không thể hình dung nổi thì gần đây đã diễn ra bình thường như việc các lãnh đạo
CSVN được đón tiếp trọng thị trong Tòa Bạch ốc, tàu chiến Mỹ liên tục ghé thăm
các hải cảng Việt Nam. Giao lưu kinh tế văn hóa giữa hai nước diễn ra sôi nổi,
người Mỹ tự do đi du lịch, làm ăn tại cả ba miền Việt Nam mà không phải e ngại
gì, người Việt Nam cũng gửi hàng chục ngàn sinh viên sang Mỹ du học, hàng trăm
ngàn chuyến du lịch thăm thân nhân, hàng chục tỷ đô la kiều hối từ Mỹ gửi về mỗi
năm giúp kinh tế Việt Nam ổn định và phát triển. Thương mại hai chiều Việt-Mỹ
lên tới $77 tỷ/năm, trong đó Việt Nam giành được phần thặng dư đủ để bù đắp khoản
thâm hụt trong thương mại với Trung Quốc! Theo ông Daniel Kritenbrink, đại sứ
Hoa Kỳ tại Việt Nam, mối quan hệ Mỹ-Việt mạnh hơn bao giờ hết.
Quan hệ Việt-Mỹ lên cao năm 2013 dưới thời Tổng Thống Barack Obama khi
hai nước ký kết hiệp định đối tác toàn diện. Ông Obama cũng phê chuẩn cho Việt Nam được mua các loại vũ khí hiện đại
của Mỹ ngay trước khi ông rời Tòa Bạch Ốc. Tổng Thống Donald Trump lên nhậm chức
và một trong những nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên được ông tiếp trong Phòng Bầu
Dục là Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đến
thăm Việt Nam hai lần, Tháng Mười Một, 2017 và Tháng Hai, 2019.
Tuy vậy, quan hệ Việt-Mỹ
vẫn chưa thể nâng lên tầm “đối tác chiến lược” mà chỉ dừng ở mức “đối tác toàn
diện.”
Nhìn lại lịch sử bang
giao Việt-Mỹ trong 1/4 thế kỷ qua, rõ ràng người Mỹ đã cố gắng rất nhiều để vượt
qua “hội chứng Việt Nam,” người dân Việt Nam cũng nỗ lực rất nhiều để gác lại
quá khứ, hướng tới tương lai. Nhưng đằng sau những cái bắt tay, những ngôn từ
ngoại giao bóng bẩy, vẫn có một vướng mắc gì đó khiến nhà cầm quyền đôi bên
không thật tin nhau, không thể xây dựng một mối quan hệ tin cẩn và bình đẳng
như quan hệ của Mỹ với nhiều nước Đông Á và Đông Nam Á khác.
Vướng mắc đó chính là
Trung Quốc.
Trong dịp kỷ niệm 25 năm
bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, trang Facebook của đại sứ quán Trung Quốc tại
Hà Nội đăng bài viết “Nói vài lời thật lòng với người Việt Nam” của ông Hồ Tích
Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo theo chủ nghĩa dân tộc
cực đoan của đảng Cộng Sản Trung Quốc – bằng cả tiếng Việt và tiếng Trung, bình
luận về mối quan hệ này. Một số nhân vật trí thức trong nước vội nhảy dựng lên,
chửi bới họ Hồ là tên “diều hâu mất dạy” – như lời Tiến Sĩ Hà Hoàng Hợp – nhưng
nếu bình tĩnh và đọc kỹ sẽ thấy bình luận của Hồ có những điểm “nói thẳng nói
thật.”
Vậy ông này nói gì? Có những
luận điểm không mới, ví dụ ông nói “mục đích lớn nhất của Mỹ khi phát triển
quan hệ với Việt Nam là lợi dụng Việt Nam” – điều mà người Việt đã biết từ lâu
và có người đã đúc kết thành sách “Khi Đồng Minh Tháo Chạy.” Nhưng ông Hồ Tích
Tiến nêu ra những luận điểm, dù người Việt nào quan tâm tới thời cuộc cũng đều
biết nhưng lần đầu tiên có người Trung Quốc nói ra trên giấy trắng mực đen: Thể chế chính trị của Việt Nam tồn
tại được là nhờ “sự nâng đỡ” từ Trung Quốc.
Ông viết: “Trung Quốc và
Việt Nam đều là nước xã hội chủ nghĩa, đa số nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới
đều đã sụp đổ, là nước láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam có thể duy trì cục
diện chính trị ổn định, sự nâng đỡ chiến lược tiềm tàng lớn nhất là đến từ ổn định
chính trị của Trung Quốc. Thể chế chính trị của Việt Nam rất khó trường tồn lâu
dài một mình.”
Ha ha! Người Việt Nam cả
trong và ngoài nước không ai muốn thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay “trường
tồn” cả, trừ một số Việt gian đã bán mình cho Bắc Kinh. Để duy trì cái thể chế
chính trị hiện nay nhằm phục vụ cho mưu đồ bành trướng của đảng CSTQ, từ hội nghị bí mật tại Thành Đô
năm 1990, Bắc Kinh đã biến Việt Nam thành chư hầu, biến quan hệ Việt-Trung từ
quan hệ giữa hai quốc gia độc lập thành quan hệ giữa hai đảng cộng sản, mọi vấn
đề quốc gia đại sự đều được bàn bạc quyết định giữa hai đảng, trong đó đảng
Trung Quốc là đàn anh, đảng Việt Cộng là đàn em – một lối quan hệ quốc tế quái
đản không thấy ở bất cứ nơi nào khác. Những vấn đề đối ngoại của đất nước
không thuộc thẩm quyền của chính phủ, của nhân dân mà nằm trong tay Ban Đối Ngoại
Trung Ương Đảng, dưới sự “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối” của Bộ Chính Trị.
Từ mối quan hệ này, Trung
Quốc có thể bí mật thò tay sắp xếp bộ máy lãnh đạo Việt Nam, hoạch định đường lối,
chính sách mọi mặt của Hà Nội, từ phân định biên giới, đầu tư xây dựng đường
sá, lưu thông đồng tiền đến đường lối phòng thủ quốc gia. Thậm chí, thanh niên
Việt Nam ra phố mang khẩu trang có in hình đường lưỡi bò gạch chéo, mặc áo thun
có khẩu hiệu “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam” đều có thể bị công an bắt giam
và hành hạ. Mọi biểu hiện yêu nước chống Trung Quốc đều có thể bị khép tội và bị
những án tù dài khủng khiếp.
Nhìn bề ngoài, Việt Nam
có vẻ đang tiến gần hơn tới Mỹ, nhưng chỉ dừng ở mức độ mà Trung Quốc cho phép,
nghĩa là không được trở thành đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á
như Thái Lan, Philippines hay Singapore.
Hà Nội không thể tiếp tục
duy trì cái não trạng “chống Mỹ cứu nước” nhưng cũng không tỏ vẻ quá thân Mỹ để
phật lòng “đại ca” ở Trung Nam Hải. Hà Nội mới chỉ có vài động tác hữu hảo với
Mỹ nhân 25 năm quan hệ ngoại giao mà ông Hồ Tích Tiến trong bài dẫn trên đã đe
dọa: “Nhưng chúng tôi sẽ phản đối quan hệ Việt-Mỹ bị lợi dụng để ủng hộ Mỹ kiềm
chế Trung Quốc bằng bất cứ hình thức nào.”
Người Mỹ không phải không
biết những tính toán của Hà Nội, nhưng Washington chưa mấy bận tâm vì Việt Nam
không phải là một ưu tiên trong tầm nhìn toàn cầu của Mỹ. Chừng nào Hà Nội vẫn
loay hoay trong cái vòng kim cô của Bắc Kinh thì Washington chưa vội nâng tầm
quan hệ với Việt Nam lên hàng “đối tác chiến lược.” Trong thông điệp kỷ niệm 25
năm quan hệ Việt-Mỹ, hôm 10 Tháng Bảy, Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng
Mỹ cam kết “làm cho 25 năm tiếp theo của mối quan hệ song phương (giữa Hoa Kỳ
và Việt Nam) trở thành một mô hình của hợp tác và đối tác quốc tế.”
Vấn đề là, tình hình đang
thay đổi chóng mặt. Mỹ đã công khai điều chỉnh lại quan hệ với Trung Quốc, từ đối
tác thành đối thủ. Những ngày gần đây, dù vật vã đối phó với đại dịch COVID-19
xuất phát từ Trung Quốc, chính phủ Mỹ vẫn để mắt sang bên kia Thái Bình Dương
và liên tục ra đòn, ban hành liên tiếp các đạo luật cấm vận Trung Quốc vì đàn
áp người thiểu số ở Tân Cương, vì luật an ninh quốc gia ở Hồng Kôngg, sắp tới
là cấm vận vì hành vi ngang ngược trên Biển Đông, gia tăng các cuộc tuần tra bảo
vệ tự do hàng hải và đưa các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm tới khu vực này.
Đáng chú ý, đường lối đối đầu với Trung Quốc là một chính sách lớn của Mỹ, được
sự đồng thuận cao của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa nên bất kể kết quả cuộc bầu
cử Tháng Mười Một tới sẽ như thế nào, đường lối này cũng sẽ không có thay đổi lớn.
Sợi dây quan hệ giữa Mỹ
và Trung Quốc đang rất căng thẳng và có thể “đứt” bất cứ lúc nào, khi đó, diễn
viên đu dây Việt Nam sẽ rơi vào tình thế hiểm nghèo. Thời gian và cơ hội không
còn nhiều để Hà Nội chọn lựa đi về hướng dân chủ tự do của thời đại hoặc cam phận
chư hầu của Trung Quốc, hứng chịu sự phỉ nhổ ngàn đời của nhân dân và lịch sử.
[đ.d.]
No comments:
Post a Comment