Mỹ Hằng
BBC News Tiếng Việt
25/06/2020
Ngoài việc phải đền bù công ty dầu khí Tây Ban Nha
Repsol một khoản tiền khổng lồ, chính phủ VN đang đứng trước thách thức đáp ứng
nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trong nước và sự e dè của các đối tác năng lượng
nước ngoài.
Repsol mới đây đã chính thức nhượng lại
cho PetrolVietnam cổ phần ba lô dầu, trong đó có dự án Cá Rồng Đỏ,
nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của VN vốn đã bị đình trệ ba năm nay, do sức
ép từ Trung Quốc.
Bình luận về động thái
này với BBC News Tiếng Việt, TS Bill Hayton, nhà nghiên cứu Việt Nam và khu
vực Đông Nam Á, đồng thời là phóng viên BBC News từ Anh quốc, cho hay:
"Việc này chứng tỏ TQ đã thành công trong việc
đe dọa VN để gây áp lực buộc Repsol ngừng khoan dầu."
"Việt Nam duy trì các quyền của mình về lý thuyết
nhưng không thể thực hiện các quyền ấy trên thực tế."
"Nó không có nghĩa rằng Việt Nam đã từ bỏ các
quyền của mình nhưng có vẻ như Việt Nam không thể tiếp tục [thực hiện các quyền
này] một mình."
Các công ty dầu
khí quốc tế 'cẩn trọng' hơn với thị trường VN?
Lô 07/03 nằm cạnh
Lô 136-03 mà VN phải ngưng khai thác hồi 7/2017
TS Bill Hayton nhìn nhận rằng sự việc xảy ra với Repsol đang khiến các công ty dầu
khí khác cẩn trọng hơn khi đầu tư vào các khu vực dính dáng tới Trung Quốc. Ông
nói:
"Các công ty dầu khí quốc tế có vẻ đang cẩn trọng
hơn rất nhiều, đặc biệt là ở các khu vực gần với, hoặc cắt qua, đường chín đoạn
của Trung Quốc.
"Một vài nhà đầu tư mạo hiểm có vẻ sẽ tiếp tục
- như là các nhà đầu tư vào ENI của Ý. Exxon (Mỹ) có vẻ đã rút khỏi dự án Cá
Voi Xanh ở Việt Nam nhưng việc này chủ yếu là do các nguyên nhân thương mại chứ
không phải địa chính trị. Nếu các vấn đề thương mại có thể được giải quyết, một
công ty quốc tế khác có thể tham gia vào dự án này."
Trong khi đó, trao đổi với
BBC News Tiếng Việt, ông Nguyễn Lê Minh, thành viên Hội đồng Biên tập và
Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, có ý kiến trái chiều.
Ông Minh nói với BBC: "Đối
với các đối tác hay công ty dầu khí quốc tế khác thì không có ảnh hưởng gì, các
hoạt động đầu tư, thăm dò và khai thác ở các lô dầu khí trong vùng đặc quyền
kinh tế EEZ trên thềm lục địa Việt Nam vẫn diễn ra bình thường, theo đúng các
thông lệ quốc tế, Luật Dầu khí và các hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC)."
Ông Minh cho rằng việc
Repsol chuyển nhượng lại cổ phần cho phía chủ nhà là "chuyện bình thường
trong ngành dầu khí" khi Repsol "vốn đã không mặn mà ngay từ khi tạm
dừng từ năm 2018".
"Sau hai năm, cũng như nhiều công ty dầu khí
trên thế giới, do tác động xấu từ đại dịch Covid-19 vừa qua ảnh hưởng đến tiềm
lực tài chính nên Repsol có nhu cầu cân đối vốn và cơ cấu lại đầu tư không chỉ ở
Việt Nam mà còn ở một số nước khác. Cụ thể là trong năm nay, họ cắt giảm 26%
các khoản đầu tư để giảm tải khoản nợ ròng gần 4,5 tỷ USD và cắt giảm chi phí
hoạt động hơn 350 triệu USD," ông Minh phân tích.
Cá nhân ông Minh cho rằng
việc PetroVienam giành được quyền mua lại cổ phần và nhận quyền điều hành từ
Repsol thậm chí còn là "một thắng lợi về mặt kinh tế - chính trị để chủ động
triển khai các phương án thăm dò và phát triển mỏ tiếp theo."
Nhưng TS Bill Hayton thì
dường như không chắc những điều ông Minh phân tích.
Ông Bill Hayton nói: "Có giả thuyết rằng PetrolVietnam muốn Repsol ra đi để mà
có thể giành lấy mọi lợi nhuận. Nếu điều này là đúng, tôi cho rằng
PetrolVietnam sẽ rất thất vọng bởi họ sẽ đối mặt với các áp lực chính trị như
Repsol đã từng."
"Không thể có chuyện một công ty dầu khí quốc tế
khác sẽ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam căn cứ vào việc đã xảy ra với
Repsol."
Việt Nam phải đền
bù hàng trăm triệu đôla?
Một giàn khoan của
tập đoàn Repsol (hình chỉ có tính minh họa).
GETTY IMAGES
Trong một tuyên bố,
Repsol nói rằng "việc chuyển nhượng sẽ không gây ra tác động đáng kể nào
lên tình trạng tài chính của công ty".
TS Bill Hayton cho rằng
điều này hẳn có nghĩa rằng Repsol đã nhận được đền bù từ Việt Nam.
"Tôi nghe tin rằng Repsol đã chi 200 triệu đôla
cho các dự án mà họ đã buộc phải từ bỏ. Có lẽ Việt Nam đã phải trả cái gì đó
tương tự như thế. Con số chính xác không được tiết lộ nhưng có vẻ có lý khi cho
rằng Việt Nam đã phải trả Repsol hàng chục hoặc hàng trăm triệu đôla," ông Bill Hayton nói,
Còn ông Nguyễn Lê Minh
thì khẳng định hẳn phải có thiệt hại, "nhưng không nhiều như dư luận đồn
đoán."
Ông Minh không đưa ra con số chính xác là bao nhiêu "do tính bảo mật",
mà nêu thông tin rằng "ngay sau khi dừng dự án Cá Rồng đỏ thì Repsol và
PetrolVietnam (thay mặt chính phủ Việt Nam) đã đàm phán để đảm bảo quyền lợi cả
2 phía".
"Cụ thể là, các chi phí lịch sử (Repsol mua lại
cổ phần của công ty Tập đoàn Dầu khí và Năng lượng Talisman của Canada) và chi
phí phát triển dự án mà Repsol đã bỏ ra tương ứng 51.75% ở mỏ Cá Rồng Đỏ (lô
07/03), chi phí khoan ở các lô 135-136/3 (40%), cũng đã chốt xong thông qua thỏa
thuận chuyển nhượng đã ký."
"Riêng đối với các hợp đồng mua sắm, cung ứng vật
tư, thiết bị, chi phí chuyên gia cho dự án Cá Rồng Đỏ, nhà điều hành Repsol
cũng đã đề nghị các nhà thầu cung ứng tính đến lúc dừng dự án và thanh lý hoặc
dùng cho dự án khác."
"Vì vậy, chi phí mua lại của PetroVietnam không
nhiều như đồn đoán," ông
Minh kết luận.
Tương lai nào cho
các dự án bế tắc buộc Repsol ra đi?
Trả lời BBC, ông Nguyễn
Lê Minh nói rằng hiện PetroVietnam chưa có chiến lược cụ thể về phương án
tiếp theo. Nhưng theo quan điểm cá nhân của ông thì PetroVietnam nhiều khả năng
sẽ hình thành hai phương án.
"Một là PetrolVietnam tự phát triển thăm dò và
phát triển mỏ các lô dầu khí này. Hai là hợp tác với một đối tác dầu khí từ Nga
đang hoạt động ở khu vực lân cận ở bể Nam Côn Sơn, Rosneft hoặc Gazprom."
"Được biết, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng
thống Nga sắp tới, ngoài chủ đề làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược về
an ninh, quốc phòng, thì hai bên sẽ đi sâu về hợp tác dầu khí của các công ty dầu
khí Nga ở khu vực này. Về tổng quan, từ nghị quyết Trung ương 8 về kinh tế biển
ban hành cuối năm ngoái mà dầu khí là một trong các trọng tâm hàng đầu, lĩnh vực
dầu khí sẽ được Đảng và Chính phủ ưu tiên thúc đẩy phát triển," ông Minh nói.
Trong cuộc phỏng vấn mới
đây với BBC News Tiếng Việt, GS Carl Thayer có vẻ nghiêng về phương án
thứ hai mà ông Minh nêu ra, khi cho rằng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có lẽ không
có đủ nguồn lực để tự vận hành các dự án phát triển tại các lô này mà phải tìm
kiếm đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, dù hợp tác với
đối tác nào thì điều này sẽ khó khăn vào thời điểm sự hiếu chiến của Trung Quốc
gia tăng và căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang, theo phân tích của
GS Carl Thayer.
TS Bill Hayton thì lo ngại
cho vấn đề năng lượng của Việt Nam cần để đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế
đang tăng trưởng.
"Liệu Việt Nam có chấp nhận các nhà máy điện
than bẩn thỉu do Trung Quốc xây dựng với đủ mọi hậu quả tiêu cực lên môi trường?
Hay thay vì thế, Việt Nam sẽ vận hành đủ các nguồn năng lượng tái tạo? Câu trả
lời hiện chưa rõ ràng," ông Bill Hayton nhìn nhận.
Về khả năng Việt
Nam kiện Trung Quốc
Trước câu hỏi liệu động
thái của Repsol có khiến Việt Nam chùn bước, không 'dám' kiện Trung Quốc ra tòa
quốc tế liên quan đến các tranh chấp trên Biển Đông nữa hay không, câu trả lời
của TS Bill Hayton là "không hề".
"Đây là một lập luận
rất tốt để Việt Nam đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa trọng tài. Những lý lẽ phản
bác lại việc này là do tính chính trị."
Liên quan đến các biện
pháp trả đũa của Trung Quốc nếu Việt Nam kiện, hay cái lợi cho Việt Nam nếu thắng
kiện, TS Bill Hayton đề cập đến một bài báo mới xuất bản gần đây của ông Wu
Shicun, Giám đốc Học viện Quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc. Trong đó
đưa ra một loạt các biện pháp mà Trung Quốc có thể thực hiện để chống lại Việt
Nam.
Đó là bốn kịch bản,
bao gồm: Trung Quốc sẽ công bố đường cơ sở quanh quần đảo Hoàng Sa; tăng cường
đàn áp tàu cá Việt nam; ngăn chặn quá trình quân sự hóa của Việt Nam; thực hiện
thăm dò dầu khí ở Bãi Tư Chính.
"Những đe dọa này đang trở nên rõ ràng
hơn," ông Bill Hayton nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn
Lê Minh có vẻ lạc quan hơn khi đề cập đến việc Việt Nam đã xác lập được mối
quan hệ chiến lược và đối tác toàn diện với nhiều nước, trong đó có những nước
lớn có quyền lợi trực tiếp hoặc gián tiếp trên Biển Đông gồm Nga, Mỹ và Trung
Quốc; đồng thời lại là chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng
Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Ông nói Việt Nam đã cân
nhắc kỹ việc đưa các tranh chấp ở Biển Đông ra tòa trọng tài quốc tế
"nhưng chưa cần thiết". Và để tránh leo thang chia rẽ trong cộng đồng
ASEAN và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, Việt Nam lựa chọn các biện
pháp hòa bình, lên tiếng phản đối các vi phạm của Trung Quốc thông qua Bộ ngoại
giao.
***
Tin liên quan
No comments:
Post a Comment