Monday, 22 June 2020

VIỆT NAM CÒN RẤT NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM (Trần Duy Nam)




Trần Duy Nam
22/06/2020


Điểm sáng cho Việt Nam khi phòng chống dịch COVID-19 thành công

Theo số liệu thống kê của Worldometers, vào 18/6/2020 nước Mỹ có đến 2.261.265 người nhiễm COVID-19 với số phục hồi là 929.013 người và 120.604 người đã tử vong. Số ca nhiễm mới được ghi nhận toàn nước Mỹ là tăng thêm 25.538 và số người tử vong trong ngày là 665 người. Trong đó, 4 tiểu bang có số người mới mắc bệnh cao nhất là Florida với 3.207 người, California với 3.142 người, Texas với 2.757 và Arizona là 2.519. Như vậy, kế hoạch mở cửa theo 3 giai đoạn của chính phủ Mỹ khi đến nay chỉ mới thực hiện giai đoạn 2 nhưng vẫn có thêm khá nhiều người mắc bệnh COVID-19. Nước Mỹ kỳ vọng thời tiết nắng ấm hơn sẽ giảm dịch bệnh nhưng các số liệu trong ngày 18/6/2020 lại chứng minh điều ngược lại khi cả 4 tiểu bang nổi tiếng nắng ấm ở Mỹ lại có số người mới mắc bệnh COVID-19 tăng cao nhất. Vì vậy, có lẽ chất lượng cuộc sống người dân và nền kinh tế Mỹ còn phải chịu sự tác động lớn bởi đại dịch COVID-19.

Ở chiều ngược lại, sau gần 2 tháng Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng. Cụ thể ngày 13/6/2020, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã trình bày trước quốc hội về kết quả phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian qua. Ông Đam cho rằng Việt Nam hiện nay có hơn 330 ca nhiễm bệnh, đã điều trị hết bệnh thành công 320 người, chỉ còn 10 người đang điều trị và đặt biệt không có người nhiễm bệnh COVID-19 nào tại Việt Nam bị tử vong. Ông Đam còn phát biểu “Tất cả cuộc sống người Việt Nam ta hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước, có được thành công là sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cả hệ thống, có lực lượng thầy thuốc, công an nhân dân, có nhân dân Việt Nam mà thế giới và bạn bè nói rằng rất tuyệt vời. Việt Nam chiến thắng đại dịch COVID-19 là nhờ truyền thống quý báu được vun đắp hàng ngàn năm của dân tộc là yêu nước thương nòi, đoàn kết”. Thành quả phòng chống dịch bệnh thành công và cuộc sống người dân Việt Nam đã hoạt động trở lại bình thường từ ngày 23/4/2020 đến nay đã làm cho rất nhiều người dân trong nước, người Việt hải ngoại, các báo đài và nhiều quốc gia trên thế giới rất ngạc nhiên, ngưỡng mộ, khâm phục, vui mừng cho Việt Nam. Đó là điểm sáng, là niềm tự hào cho Việt Nam trong thời điểm hiện tại khi Việt Nam đang yên bình thì nhiều nước trên thế giới lại bất an và tổn thất nặng nề do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Mặc dù trong vài ngày gần đây ông Steve Hanke là Giáo sư Kinh tế Ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins, bang Maryland đã đăng các thông tin trên Twitter cũng như trả lời báo chí nước ngoài là ông “nghi ngờ số liệu người mắc bệnh COVID-19 tại Việt Nam” và lý giải cho điều này vì cho rằng “Việt Nam hầu như không có tự do báo chí” khi ông dựa vào xếp hạng 175/180 về tự do báo chí của Việt Nam từ Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF). Chính điều này cũng đã gây ra sự tranh cãi, bất bình cho người dân trong nước và nhiều người Việt ở hải ngoại.

Tuy nhiên, thay vì cứ tự mãn và ngủ quên trên chiến thắng với thành tích chống dịch COVID-19 cũng như không hài lòng về những lời nhận định trái chiều thì Việt Nam nên nhìn nhận, đánh giá nhiều khía cạnh khác cần phải làm để nắm bắt thời cơ tiến về phía trước tốt đẹp hơn. Bởi thực tế khi Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 thành công là chỉ chứng minh rằng Việt Nam tự chiến thắng trên quê nhà, hạn chế tổn thất cho quốc gia chứ không có nghĩa Việt Nam chiến thắng trên tất cả mặt trận! Điều vui mừng cho Việt Nam chính là việc phòng chống dịch thành công có ý nghĩa lớn là sự an toàn tính mạng dân chúng, gây tổn thất tối thiểu cho nền kinh tế so với các quốc gia khác bị nhiễm bệnh nặng. Tuy nhiên, giữa rất nhiều “tiềm năng - cơ hội” mà nhiều chuyên gia đánh giá về Việt Nam thì riêng tôi lại thấy rất quan ngại của “hiệu quả thực sự của tiềm năng - cơ hội” cho Việt Nam sau đại dịch COVID-19. Nếu thế giới “không an toàn” và Việt Nam “an toàn” như hiện nay thì “chỉ có chúng ta vui chơi với chính chúng ta”. Trong khi Việt Nam không còn “bế quan tỏa cảng” như thời bao cấp mà Việt Nam có được những thành quả to lớn về kinh tế, đời sống người dân có nhiều cải thiện như ngày hôm nay là nhờ “mở cửa”, nhờ giao thương với các nước trên thế giới để gia tăng sản xuất, gia công, xuất nhập khẩu, dịch vụ, du lịch và thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài. Chỉ điều này cũng thấy rằng nếu thế giới “sổ mũi” thì chúng ta cũng “muốn bệnh theo”.

Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để đạt những thành quả tốt hơn

Nếu ai nói rằng Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều khách du lịch trên thế giới vì uy tín chống dịch COVID-19 thành công và là một trong những quốc gia an toàn khi ít dịch bệnh. Vậy có bao giờ chúng ta tự hỏi về khả năng “tái dịch bệnh hoặc dịch bệnh bùng phát” khi mở cửa đón khách quốc tế vào Việt Nam vào thời điểm này? Việt Nam muốn có nguồn thu về du lịch, dịch vụ từ khách nước ngoài thì không thể để khách nước ngoài vào là phải cách ly 14 ngày như hiện nay. Hơn nữa, Việt Nam liệu có đủ đội ngũ nhân sự để thực hiện, giám sát chặt chẽ khách du lịch vào Việt Nam? Dịch bệnh COVID-19 rất nguy hiểm và chỉ cần có một người bệnh không kiểm soát sẽ lây lan rất nhanh cả cộng đồng. Vì vậy, mặc dù Việt Nam đã 2 tháng không có ca nhiễm bệnh nào nhưng thế giới vẫn đang có quá nhiều ca nhiễm bệnh COVID-19 và số ca nhiễm bệnh vẫn còn tăng nên Việt Nam chưa thể mở cửa giao thương quốc tế là một quyết định đúng đắn, ít nhất là để bảo toàn tình hình dịch bệnh trong tầm kiểm soát của Việt Nam thời điểm này. Chính phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng nguy cơ dịch bệnh COVID-19 vẫn còn rất cao. Ông Đam còn ví Việt Nam hiện nay như "cánh đồng trũng" và bên ngoài còn đang mưa nên nguy cơ nước xâm nhập vào “cánh đồng trũng” này là rất lớn nên Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác để đảm bảo an toàn. Do đó, hiện nay khuyến khích tinh thần “người Việt xài hàng Việt - người Việt du lịch nước Việt” cũng góp phần kích thích nội lực kinh tế cũng là điều cần làm.

Tuy nhiên, suy cho cùng thì nếu Việt Nam “không có thế giới”, không xuất nhập khẩu, không giao thương với thế giới thì cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ phát triển của nền kinh tế quốc gia. Theo dự báo thì đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2020 sẽ giảm 30% so với năm 2019, du lịch giảm 50% và thương mại quốc tế giảm 18%. Dịch bệnh COVID-19 cũng tác động xấu đến vấn đề việc làm, thu nhập và đời sống của người dân Việt Nam. Điều này cũng phần nào thể hiện thực trạng qua bài báo Dân Trí đăng vào ngày 11/6/2020 với tựa đề “Người dân Hà Nội ùn ùn đi làm trợ cấp thất nghiệp... từ 5h sáng. Ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc cắt giảm công nhân nên những ngày gần đây Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội luôn quá tải giải quyết thủ tục trợ cấp thất nghiệp”.

Qua kết quả chữa trị cho các bệnh nhân qua khỏi căn dịch bệnh COVID-19 thì Việt Nam nên chia sẻ cho thế giới cách điều trị và chạy đua bào chế vắc-xin cũng như thuốc đặc trị căn bệnh dịch COVID-19. Hiện nay, ngay cả các nước có nền y học hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, Úc cùng các nước Châu Âu vẫn chưa chính thức bào chế thành công vắc-xin hoặc thuốc đặc trị COVID-19, do đó nếu Việt Nam làm được thì không chỉ khẳng định nền y tế Việt Nam tiên tiến ngang bằng hoặc vượt qua các cường quốc thế giới về điều trị bệnh COVID-19 mà góp phần mang lại kinh tế rất lớn cho quốc gia khi phân phối vắc-xin hoặc thuốc đặc trị COVID-19 cho toàn thế giới. Một thực tế hiện hữu mà đa số người dân Việt Nam nào đã từng vào bệnh viện thì chúng ta đều hiểu sự quá tải của hầu hết các bệnh viện của Việt Nam, đặc biệt là bệnh viện ở các thành phố lớn. Nhiều bệnh viện không đủ sức chứa bệnh nhân đến nỗi phải để bệnh nhân nằm la liệt ngoài hành lang của lối đi trong bệnh viện. Chỉ riêng bệnh liên quan đến phổi (chẳng hạn như bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TPHCM) đã có rất nhiều bệnh nhân được điều trị xuất viện nhưng sau đó một vài tuần, vài tháng thì nhập viện trở lại liên tục đến nỗi đội ngũ y bác sĩ nhìn mặt bệnh nhân đó mà thân quen như người thân trong nhà vì quay đi quay lại bệnh viện như “đi chợ”. Những điều này chính người dân chúng ta hiểu rõ cũng như chứng kiến tình trạng bệnh tật cùng với nền y tế của Việt Nam chúng ta trong nhiều năm qua vẫn còn những hạn chế cho đến ngày hôm nay. Vì vậy, việc Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 thành công không có nghĩa là nền y học của Việt Nam vượt trội so với thế giới. Đây là điều mà chúng ta phải xác định rõ để cố gắng hơn chứ không tự mãn mà dừng lại.

Ngoài những lý do giúp Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 thành công như lời của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thì còn một lý do khác góp phần là Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó dịch bệnh lây lan trong những năm gần đây chẳng hạn như SARS và H5N1. Hơn nữa, hàng năm Việt Nam còn phải chịu nhiều tổn thất do thiên tai gây ra cho kinh tế, tính mạng và đời sống người dân nên tâm lý luôn đề phòng ứng phó với “thiên tai, dịch bệnh” từ người dân đến các cấp chính quyền địa phương là rất tốt. Khi thế giới bị lâm nạn do dịch Covid-19, đặc biệt là các cường quốc, các nước giàu có, các nước văn minh hàng đầu thế giới bị dịch bệnh nặng như ở Mỹ, Canada, Brazil, Nga và các nước Châu Âu cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc thì không có nghĩa là họ thua kém Việt Nam về y tế, về khoa học kĩ thuật, về nền kinh tế, về hệ thống chính trị. Một trong những lý do chính là vì những cường quốc này đa phần bị lây lan từ “đường hàng không” khi mà các quốc gia này có sự giao thương lớn với các quốc gia khác và có nhiều người nhập cư có nguồn gốc từ các quốc gia khởi nguồn lây bệnh. Hơn nữa, những quốc gia này người dân đã có văn hóa tự do, thoải mái quá mức bởi được tận hưởng sự an bình từ nhiều chục năm, nhiều trăm năm và không chịu nhiều khổ cực, nhiều thiên tai, dịch bệnh như các nước nghèo khó nên tâm lý ỷ y, ỷ lại, không có kinh nghiệm, không lường trước được hậu quả, không biết sợ như những nước thường xuyên có dịch bệnh nghiêm trọng cho nên điều này đã góp phần làm cho nhiều dịch bệnh lây lan mạnh ở nhiều quốc gia phát triển hiện nay. Người Mỹ, người Nhật, người Úc và các nước tiên tiến ở phương Tây có nhiều kinh nghiệm phòng chống những căn bệnh khác và họ thường xuyên khám sức khỏe định kì, phát hiện các dấu hiệu bệnh kịp thời, điều trị đúng lúc. Do đó, tình trạng bệnh viện bị quá tải do các căn bệnh thông thường, phổ biến rất hiếm khi xảy ra ở các quốc gia này. Chỉ có COVID-19 là họ hầu như không có kinh nghiệm, ỷ y và ban đầu hoàn toàn tin vào những báo cáo ban đầu đánh giá không đúng tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nên đã làm cho dịch COVID-19 gây hậu quả nghiêm trọng như hiện nay. Hiện nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quy tội cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi được nhận nhiều tiền tài trợ từ Mỹ để hoạt động trong việc hỗ trợ, cảnh báo phòng chống dịch bệnh trên thế giới nhưng lại thiếu trách nhiệm, cung cấp thông tin không kịp thời, không đúng mức độ nghiêm trọng về dịch bệnh COVID-19 làm cho Hoa Kỳ và các nước trên thế giới nhận hậu quả. Tổng thống Donald Trump cũng đã tuyên bố sẽ kết thúc viện trợ cho WHO cũng như Hoa Kỳ cùng nhiều nước trên thế giới sẽ kiện Trung Quốc vì che dấu thông tin bệnh dịch COVID-19. Do đó, với đà uy tín hiện nay qua việc phòng chống thành công đại dịch COVID-19 thì Việt Nam nên đẩy mạnh hơn nữa ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh” trong nhân dân. Đồng thời, tăng cường đầu tư nhiều vào bệnh viện, trang thiết bị, nâng cao chuyên môn đội ngũ y bác sĩ để vừa phục vụ tốt hơn cho người dân trong nước và nhiều người từ nước ngoài sẽ đến Việt Nam trong tương lai.

Về chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam có thực sự hoàn hảo hay không thì vẫn còn là một dấu hỏi lớn và tùy theo quan điểm mỗi người. Nhiều người Việt Nam hiện nay cho rằng họ đi làm và sau đó đi du lịch là có chất lượng cuộc sống tốt. Những người khác thì cho rằng có chất lượng cuộc sống tốt khi sau giờ làm việc họ được đi ăn nhậu, tụ họp với bạn bè với nhau. Cũng có người thì cho rằng chất lượng cuộc sống tốt khi họ được làm điều họ thích và cuộc sống không lo lắng về vất chất, họ có cuộc sống thảnh thơi, an nhàn “sáng sáng uống cà phê – tối tối uống cà phê”. Ngược lại, có những người cho rằng chất lượng cuộc sống của họ chưa tốt vì thu nhập hàng tháng của họ không đủ để trang trãi, khi họ không thể mua được căn nhà riêng để ở, khi không khí bị ô nhiễm, khi ra đường luôn bị kẹt xe ở các thành phố lớn, môi trường sống và xã hội còn nhiều bất cập. Nói chúng, mỗi người mỗi vẻ, mỗi quan điểm và mỗi hoàn cảnh khác nhau. Theo từ điển bách khoa toàn thư Wikipedia thì chất lượng cuộc sống được định nghĩa là “Thuật ngữ chất lượng cuộc sống được sử dụng trong một loạt các ngữ cảnh bao gồm các lĩnh vực phát triển quốc tế, y tế, sức khỏe và thậm chí là cả về mặt chính trị. Một số tiêu chí khác có thể phản ánh chất lượng cuộc sống như: Chỉ số phát triển con người (Human Development Index – HDI), thu nhập bình quân đầu người hay tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Product - GDP), chỉ số giáo dục (gồm tỷ lệ người biết chữ, trình độ văn hóa và tay nghề, số người mù chữ, số năm đến trường, cơ sở hạ tầng cho giáo dục), Chỉ số tuổi thọ (gồm tuổi thọ, sức khỏey tế và các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng cho y tế), và một số tiêu chí khác như chỉ số calo bình quân đầu người - phản ánh tình trạng no đủ và chất lượng bữa ăn đầu người, điều kiện sử dụng điện sinh hoạt, sử dụng nước sinh hoạt (nước sạchnước lọcnước máynước ngầmnước giếng...) là vấn đề cơ bản và cấp thiết của con người, điều kiện về nhà ởchỗ ở của con người (bao gồm diện tích nhà ở và chất lượng nhà ở), ngoài ra còn các công trình công cộng, xã hội khác như công viênnhà vệ sinh công cộngnhà ở xã hội....và các công trình phúc lợi công cộng khác phục vụ cho cuộc sống vật chất và tinh thần của con người.” Nếu xét trên những tiêu chí, tiêu chuẩn này thì rõ ràng chất lượng cuộc sống của rất nhiều người Việt Nam chưa thật sự gọi là “Có chất lượng cuộc sống cao”. Do đó, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân được hoàn hảo và đồng đều hơn.

Về kinh tế vĩ mô của Việt Nam thì nặc dù tốc độ tăng trưởng GDP cao nhưng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khá thấp so với nhiều nước trên thế giới khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2018 đạt 2.590 USD/người và GDP bình quân đầu người năm 2019 vào khoảng 3.000 USD/1 người nếu áp dụng cách tính GDP mới vừa được Tổng cục Thống kê hoàn thành, tăng gần 400 USD so với cách tính áp dụng thời gian dài vừa qua. Theo đại biểu tỉnh Phú Thọ ông Hoàng Quang Hàm, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã phát biểu thảo luận tại hội trường về tình hình - kinh tế xã hội sáng 30/10/2019 rằng “Mặc dù tăng trưởng của Việt Nam với 7%, đạt mức cao trong khu vực và thế giới, nhưng xét về con số tuyệt đối, thì ngày càng cách xa. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000 USD, gấp đôi, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm. Theo đó, khoảng cách giữa GDP bình quân đầu người của Việt Nam với thế giới năm 2017 là khoảng 8.300 USD, năm 2018 là 8.400 USD. Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều nước dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn”. Theo báo cáo tài chính Nhà nước của chính phủ thì tổng tài sản Nhà nước trong năm 2018 là 7,8 triệu tỷ đồng, trong đó tổng nguồn vốn Nhà nước là 4,65 triệu tỷ đồng và tổng nợ Nhà nước phải trả là 3,15 triệu tỷ đồng. Năm 2020, nợ gốc trong nước phải trả là 150.000 tỷ đồng và nợ gốc năm 2021 là 211.000 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2020. Với trái phiếu Chính phủ trong nước, năm 2020 phải trả nợ gốc khoảng 166.000 tỷ đồng và năm 2021 phải trả nợ gốc khoảng 204.800 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Hải là Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách Quốc hội cũng đã nhận định “Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2020 là không khả thi. Đồng thời, dự kiến thâm hụt ngân sách năm 2020 là rất lớn với con số khoảng 130-150 ngàn tỉ đồng”. Do đó, thực tế thấy rằng Việt Nam chịu rất nhiều áp lực nợ công với những khoản cần phải chi trả vào năm 2020 và 2021.

Chúng ta biết rằng, ngày nay khi Việt Nam có mối quan hệ hợp tác đa phương với nhiều quốc gia trên thế giới và là thành viên của các tổ chức thế giới thì cũng sẽ có sự tác động, ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Điều đó có nghĩa là khi thế giới “bị bệnh” và tổn thất thì mặc dù chúng ta “không bị bệnh” nhưng cũng không có nghĩa là chúng ta mạnh lên hay chúng ta vượt qua mặt các nước trên thế giới. Việt Nam cũng có sự thiệt hại và bị ảnh hưởng do tác động dây chuyền từ các quốc gia bị thiệt hại do COVID-19. Điều này đã được Ngân hàng thế giới (The World Bank) đánh giá về nền kinh tế Việt Nam hiện nay như sau: “Năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy nền tảng mạnh mẽ và khả năng chống chịu cao, nhờ nhu cầu trong nước và sản xuất định hướng xuất khẩu vẫn ở mức cao. Số liệu sơ bộ cho thấy GDP thực tăng khoảng 7% trong năm 2019, gần với tỉ lệ tăng trưởng năm 2018 và Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Do hội nhập kinh tế sâu rộng, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tác động y tế của dịch bệnh không nghiêm trọng như nhiều quốc gia khác, nhờ có các biện pháp đối phó chủ động ở cả các cấp trung ương và địa phương. Trong khi kinh tế vĩ mô và tài khóa ổn định với mức tăng trưởng GDP ước đạt 3,8% trong quý đầu năm 2020, tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 đang diễn ra là khó dự đoán, tùy thuộc vào quy mô và thời gian kéo dài của dịch bệnh. Tăng trưởng kinh tế năm 2020 dự báo sẽ giảm xuống 3-4% so với tỉ lệ 6,5% được dự báo trước khủng hoảng. Yêu cầu lên tài chính công sẽ gia tăng do thu ngân sách giảm xuống trong khi chi ngân sách tăng lên do cần khởi động gói kích cầu để giảm thiểu tác động của đại dịch đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp. Nhờ có nền tảng cơ bản tốt và nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát ở Việt Nam cũng như trên thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục vào năm 2021. COVID-19 cũng cho thấy cần phải cải cách mạnh mẽ hơn để giúp kinh tế phục hồi trong trung hạn, như cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế số, nâng cao hiệu quả đầu tư công, đây là các nội dung chính mà Việt Nam cần cân nhắc để cải cách nhanh và mạnh hơn”. Vì vậy, Việt Nam chúng ta còn rất nhiều việc phải làm cũng như phải có những cải cách để hồi phục nền kinh tế trong ngắn hạn và cũng như tăng trưởng cao trong dài hạn.

Qua đại dịch COVID-19 đã khẳng định được tính hiệu quả nhờ sự đoàn kết, đồng lòng từ các cấp lãnh đạo đến người dân trong toàn xã hội. Việt Nam cũng đã được quốc tế ghi nhận với thành tích chống dịch rất tốt và sự minh bạch số liệu người nhiễm bệnh COVID-19. Khi Việt Nam thành công và minh bạch thì cho dù những quốc gia, những cá nhân có ý đồ xấu cũng không thể làm ảnh hưởng hoặc lung lây của sự thật mà Việt Nam đã – đang – sẽ đạt được. Tuy nhiên, nhân vô thập toàn và xã hội nào, quốc gia nào cũng có những mặt ưu và mặt nhược. Quan trọng là chúng ta cần cầu thị để nhìn nhận những mặt hạn chế để khắc phục và phát huy những điểm mạnh để càng phát triển hơn. Việc có những tư duy phản biện sẽ giúp cho Việt Nam cân nhắc các giải pháp một cách toàn diện thông qua việc so sánh các lợi ích và bất lợi của từng lựa chọn đó để đưa ra quyết định một cách phù hợp nhất. Vì vậy, những tư duy phản biện mang tính tích cực và tiêu cực thì cũng không nên quy chụp là “thế lực thù địch chống phá” để bảo thủ, triệt tiêu những quan điểm trái ngược nhưng nhằm mục đích góp phần xây dựng, hoàn thiện và phát triển đất nước bền vững hơn. Chính điều này cũng được đại biểu Quốc hội là ông Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đã phát biểu vào ngày 15/6/2020 trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội, ngân sách rằng “Đừng mượn bóng ma thế lực thù địch để công kích người góp ý mình. Trong hội trường Diên Hồng, thế lực thù địch chỉ tồn tại trong suy nghĩ người quy chụp. Do đó, mỗi khi người dân phản ứng với chính sách hành động của chính quyền, cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Vì làm như vậy là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về phía thế lực thù địch. Cách làm đó trái với tư tưởng Hồ Chí Minh, tôn chỉ, mục đích của Đảng, Nhà nước”.

Bài học từ Nhật Bản và Hoa Kỳ đứng lên sau những cơn hoạn nạn

Thực tế ở Hoa Kỳ hầu như hàng năm cũng chịu nhiều thiên tai, thảm họa, bão, lũ lụt, lốc xoáy, bão tuyết tại nhiều tiểu bang. Điều này đã từng ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, gây khó khăn, cản trở và thậm chí bị tê liệt các hoạt động của đời sống người dân trong một thời gian. Trong lịch sử, Hoa Kỳ cũng đã có những cuộc nội chiến đẫm máu giữa 2 miền Nam Bắc còn gọi là Nội chiến Hoa Kỳ (American Civil War, 1861-1865) hoặc có tên khác là cuộc Chiến tranh giữa các tiểu bang (War Between the States). Hoa Kỳ đã trải qua các cuộc đấu tranh về vấn nạn phân biệt chủng tộc dẫn đến nhiều người da đen phải chết và Mục sư Martin Luther King nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1964 vì đã đấu tranh bất bạo động để chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ khi Quốc hội Mỹ thông qua Luật về Quyền Dân sự vào năm 1964 và Luật về Quyền Bầu cử vào năm 1965 cho phép người da đen được quyền bầu cử, quyền được đối xử bình đẳng và các quyền dân sự căn bản khác như người da trắng được hưởng. Hoa Kỳ cũng đã chứng kiến 4 vị Tổng thống bị ám sát khi còn đương nhiệm. Cụ thể, Abraham Lincoln là Tổng thống thứ 16 đã bị ám sát vào tháng 04 năm 1865, James Abram Garfield là Tổng thống thứ 20 đã bị ám sát vào tháng 09 năm 1881, William McKinley, Jr. là Tổng thống thứ 25 đã bị ám sát vào tháng 09 năm 1901 và gần nhất là John F. Kennedy, Tổng thống thứ 35 đã bị ám sát vào ngày 22 tháng 11 năm 1963 tại thành phố Dallas, tiểu bang Texas. Hoa Kỳ cũng chịu đựng sự kiện đen tối qua vụ 11/9/2001 làm rúng động thế giới khi bị khủng bố gây ra hàng ngàn cái chết, gây tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế, gây câm phẫn cùng sự hoang mang tột cùng cho người dân Hoa Kỳ. Còn rất rất nhiều sự kiện không tốt xảy đến làm thiệt hại lớn về người và của ở Hoa Kỳ. Nhưng chúng ta thấy kết quả thì sao? Hoa Kỳ vẫn tiếp tục giữ vị thế là cường quốc số 1 Thế giới. Hoa Kỳ vẫn là quốc gia vượt trội hàng đầu trên thế giới so với các nước về khoa học, công nghệ, kĩ thuật, giáo dục và kinh tế.

Trong khi đó, Nhật Bản là Quốc gia đã gánh chịu hậu quả nghiêm trọng từ hai quả bom nguyên tử thời chiến tranh thế giới thứ 2 tại thành phố Hiroshima vào 06/8/1945 và thành phố Nagasaki vào 09/8/1945 được thực hiện bởi Quân đội Mỹ theo lệnh của Tổng thống Harry S. Truman. Sau chiến tranh và đến tận ngày nay, Nhật Bản liên tục bị thiên tai hoành hành đặc biệt là động dất và sóng thần. Những thiên tai này cũng đã gây ra biết bao đau thương về mạng người và tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế của quốc gia mặt trời mặt mọc. Nhưng chúng ta thấy rằng, người Nhật họ đã đứng lên như thế nào? Họ đã nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia cường quốc hàng đầu thế giới ra sao? Người Nhật nổi tiếng khiêm tốn, giữ uy tín, chịu khó và làm việc nghiêm túc như thế nào? Chắc chắn Việt Nam chúng ta hiểu rõ về nước Nhật, con người của đất nước xứ sở Hoa Anh Đào và mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhật Bản với Việt Nam.

Có nhiều điểm chung giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản là sẵn sàng “vượt qua quá khứ để hướng đến tương lai”, họ chấp nhận sự thật tất cả mặt tốt và mặt không tốt. Họ rút kinh nghiệm để đứng lên và tiến về phía trước theo từng ngày, từng tháng từng năm. Họ không quá tự mãn, tự sướng hoặc ngủ quên trên chiến thắng. Vì vậy mà những quốc gia này luôn theo kịp thời đại, theo kịp tốc độ phát triển của thế giới và luôn là quốc gia nằm trong số dẫn đầu thế giới. Qua đại dịch COVID-19 những quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Úc và các nước Châu Âu có kinh nghiệm “xương máu” nên họ sẽ có những giải pháp hữu hiệu hơn nếu có căn bệnh lây nhiễm tương tự xảy ra trong tương lai. Do đó, khi các quốc gia phát triển đã hoạt động liên tục và căng thẳng thì các sự cố này cũng có thể được xem như thời gian “nghỉ đông - tạm dừng để nghỉ ngơi - dừng lại để suy ngẫm”. Khi mọi việc trôi qua, họ có nhiều áp lực và tràn đầy khao khát như lò xo bị nén lâu ngày bị bung ra. Điều đó sẽ giúp họ quý trọng những gì họ đã có, họ sẽ hoạt động tích cực và hiệu quả hơn. Điều đó sẽ mang lại những giá trị lớn lao cho chính người dân và cho chính những quốc gia này.

Dẫu biết rằng mỗi quốc gia và từng dân tộc sẽ có những đặc điểm khác nhau! Nhưng để đánh giá hoặc so sánh một vấn đề nào đó thì phải dựa trên những tiêu chuẩn, tiêu chí nhất định. Do đó, nếu dựa lên những tiêu chuẩn, tiêu chí nhất định để phát triển vững mạnh hơn nữa thì Việt Nam chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Việt Nam phải cố gắng thật nhiều và phải mất rất nhiều năm nữa thì mới hy vọng chúng ta sẽ vươn lên một tầm cao mới, sánh ngang với các cường quốc trong khu vực châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Vì vậy, ngoài việc vui mừng vì đạt những thành quả tốt trong phòng chống dịch COVID-19 thì đã đến lúc chúng ta phải tỉnh giấc, đừng ngủ say trên chiến thắng và càng không nên tự mãn. Hãy nhìn nhận thực tế những ưu điểm và khuyết điểm, nắm bắt thời cơ và nhanh chống thực hiện các công việc cần phải làm để Việt Nam có những thành quả tiến bộ hơn, sớm sánh ngang với các cường quốc 5 Châu và đạt toàn diện về mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Có như vậy, Việt Nam mới thực sự trở thành “con rồng mới của châu Á” và là một trong những “quốc gia đáng sống nhất” như sự kỳ vọng của chính quyền và nhân dân Việt Nam.








No comments:

Post a Comment

View My Stats