Monday, 1 June 2020

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾN KHOẢNH KHẮC NÀY THÀNH BƯỚC NGOẶT ĐỂ THAY ĐỔI THỰC SỰ (Barack Obama)




Barack Obama
Trà Mi dịch
Posted on June 1, 2020   

Chúng ta phải huy động để nâng cao nhận thức, và chúng ta phải tổ chức và đi bỏ phiếu để bảo đảm rằng chúng ta bầu đúng những ứng cử viên sẽ hành động đổi mới.

George Floyd.  Ảnh: Xena Goldman/Medium

Khi hàng triệu người trên khắp toàn quốc xuống đường và lên tiếng phản đối vụ giết George Floyd và vấn đề liên quan đến công lý bất bình đẳng, nhiều người đã đưa ra câu hỏi làm thế nào chúng ta có thể duy trì động lượng này để đem lại sự thay đổi thực sự.

Cuối cùng, nó sẽ tùy vào một thế hệ những người hoạt động mới; họ sẽ định hình những chiến lược phù hợp nhất với thời đại. Nhưng tôi tin rằng có một số bài học căn bản rút ra được từ những nỗ lực trong quá khứ, đáng ghi nhớ.

Đầu tiên, làn sóng phản đối trên toàn quốc thể hiện sự thất vọng thực sự và chính đáng đối với một thất bại kéo dài hàng nhiều chục năm để đổi mới hành động cảnh sát và tổng thể hệ thống tư pháp hình sự ở Hoa Kỳ. Phần lớn những người tham gia biểu tình là người ôn hòa, can đảm, có trách nhiệm và gây cảm hứng. Họ xứng đáng được chúng ta tôn trọng và hỗ trợ, không lên án – điều mà cảnh sát ở các thành phố như Camden và Flint đã hiểu một cách đáng khen ngợi.

Mặt khác, một số ít người đã dùng đến bạo lực dưới nhiều hình thức khác nhau, cho dù vì tức giận thực sự hay chỉ vì chủ nghĩa cơ hội, khiến những người vô tội gặp nguy hiểm, vừa phá hủy các khu phố thường thiếu dịch vụ và đầu tư và còn làm mất tập trung vào mục đích lớn hơn. Tôi thấy một cụ da đen lớn tuổi, nước mắt ròng ròng, được phỏng vấn hôm nay vì cửa hàng tạp hóa duy nhất trong khu phố của cụ đã bị đập phá. Nếu lịch sử là kinh nghiệm thì cửa hàng đó có thể mất nhiều năm mới có thể trở lại như xưa. Vì vậy, không thể bào chữa cho bạo lực, hoặc biện hộ hay tham gia với nó. Nếu chúng ta muốn hệ thống tư pháp hình sự của chúng ta và xã hội Mỹ nói chung hoạt động theo một quy tắc đạo đức cao hơn, thì chúng ta phải tự lập mô hình hóa cho nó.

Thứ hai, tôi đã nghe một số gợi ý rằng vấn đề tái diễn của sự thiên vị chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự của chúng ta chứng minh rằng chỉ có các cuộc biểu tình và hành động trực tiếp mới có thể mang lại sự thay đổi, và bỏ phiếu và tham gia chính trị bầu cử chỉ là một sự mất thời giờ. Tôi không thể đồng ý nhiều hơn. Quan điểm của sự phản kháng là nâng cao nhận thức cộng đồng, làm nổi bật sự bất công và làm cho các giơi quyền lực phải khó chịu; Trên thực tế, trong suốt lịch sử Hoa Kỳ, chỉ vì phải phản ứng với các cuộc biểu tình và sự bất tuân dân sự đã khiến hệ thống chính trị đã phải chú ý đến các cộng đồng bị thiệt thòi. Nhưng cuối cùng, nguyện vọng phải được chuyển thành luật pháp cụ thể và thể chế hóa một cách thực tiễn – và trong một nền dân chủ, điều đó chỉ xảy ra khi chúng ta bầu những viên chức chính phủ đáp ứng những yêu cầu của chúng ta.

Hơn nữa, điều quan trọng đối với chúng ta là hiểu được cấp chính phủ nào có tác động lớn nhất đến hệ thống tư pháp hình sự và hoạt động cảnh sát của chúng ta. Khi chúng ta nghĩ về chính trị, rất nhiều người trong chúng ta chỉ tập trung vào tổng thống và chính phủ liên bang. Và vâng, chúng ta nên đấu tranh để bảo đảm rằng chúng ta có một tổng thống, một Quốc hội, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và một hệ thống tư pháp liên bang thực sự nhận ra sự sói mòn đang diễn ra trong xã hội của chúng ta vì sự kỳ thị và muốn làm gì đó để dứt điểm nó. Nhưng giới hữu trách dân cử quan trọng nhất trong việc cải cách các sở cảnh sát và hệ thống tư pháp hình sự làm việc ở cấp tiểu bang và địa phương.

Đó là những vị thị trưởng và giám đốc điều hành quận bổ nhiệm hầu hết các cảnh sát trưởng và đàm phán các thỏa thuận họp đồng tập thể với các nghiệp đoàn cảnh sát. Đó là những chưởng lý ở cấp quận và cấp tiểu bang quyết định có nên điều tra hay không và cuối cùng buộc tội những người có hành vi sai trái khi thi hành công vụ cảnh sát. Đó là tất cả các vai trò đều do dân bầu. Ở một số nơi, các ban giám sát cảnh sát có quyền giám sát hành vi của cảnh sát cũng là những người được dân bầu. Không may, tỷ lệ cử tri đi bầu trong các cuộc tranh cử địa phương này thường rất thấp, đặc biệt là ở giới trẻ tuôi – điều này thật vô nghĩa vì  tác động trực tiếp của các văn phòng này đối với các vấn đề công bằng xã hội, chưa kể đến việc ai thắng và ai mất những ghế đó thường được quyết định chỉ bằng vài ngàn, hoặc thậm chí vài trăm, phiếu bầu.

Vì vậy, điểm mấu chốt là đây: nếu chúng ta muốn mang lại sự thay đổi thực sự, thì sự lựa chọn không phải là lựa chọn giữa sự phản kháng và tham gia định hình chính trị. Chúng ta phải làm cả hai. Chúng ta phải huy động để nâng cao nhận thức, và chúng ta phải tổ chức và đi bỏ phiếu để bảo đảm rằng chúng ta bầu đúng những ứng cử viên sẽ hành động đổi mới.

Cuối cùng, càng cụ thể hơn, chúng ta có thể đưa ra yêu cầu về công lý hình sự và đổi mới cảnh sát, giới chức được bầu càng khó khăn chỉ nói đãi bôi về đổi mới khi tranh cử và sau đó quay trở lại tình trạng vẫn như cũ khi các cuộc biểu tình đã biến mất. Nội dung của chương trình cải cách đó sẽ khác nhau cho những cộng đồng khác nhau. Một thành phố lớn có thể cần một số cải cách; một cộng đồng nông thôn có thể cần một số đổi mới khác. Một số cơ quan sẽ phải được cải tổ từ nền móng; những cơ quan khác có thể chỉ cần một số cải thiện nhỏ. Mỗi cơ quan thực thi pháp luật nên có chính sách rõ ràng, gồm cả một cơ quan độc lập tiến hành điều tra các hành vi bị cáo buộc là sai trái. Điều chỉnh sự đổi mới cho mỗi cộng đồng sẽ yêu cầu giới hoạt động và tổ chức địa phương phải nghiên cứu và giáo dục quần chúng trong cộng đồng của họ về chiến lược nào hiệu quả nhất.

Nhưng như một điểm để bắt đầu, sau đây là một bản báo cáo và cầm nang do Hội nghị Lãnh đạo về Dân quyền và Nhân quyền thực hiện và dựa trên công việc của Lực lượng Đặc nhiệm về Chính sách Thế kỷ 21 mà tôi hình thành khi còn ở Tòa Bạch Ốc. Và nếu bạn đọc quan tâm đến việc có hành động cụ thể, chúng tôi cũng đã tạo ra một trang web chuyên dụng tại Quỹ Obama để tổng hợp và hướng dẫn bạn đến các tài nguyên và tổ chức hữu ích, những người đã chiến đấu thành công ở cấp địa phương và quốc gia trong nhiều năm.

Tôi nhận ra rằng những tháng vừa qua thật khó khăn và chán nản – vì nỗi sợ hãi, nỗi buồn, sự không chắc chắn và khó khăn do một đại dịch gây ra đã bị đè nặng bằng những lời nhắc nhở bi thảm rằng định kiến ​​và bất bình đẳng vẫn định hình rất nhiều cuộc sống của người Mỹ. Nhưng xem sự tích cực tăng cao của lớp người trẻ tuổi trong những tuần gần đây, thuộc mọi sắc tộc và mọi nẻo đường, làm cho tôi hy vọng. Nếu, trong tương lai, chúng ta có thể hướng sự tức giận chính đáng của mình vào hành động hòa bình, bền vững và hiệu quả, thì khoảnh khắc này có thể là một bước ngoặt thực sự trong hành trình dài của đất nước chúng ta để sống theo lý tưởng cao nhất của chúng ta.

Hãy cùng bắt tay vào việc.

© 2020 DCVOnline
Nếu đăng lại, in ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

----------
Nguồn: 







No comments:

Post a Comment

View My Stats