BTV
Tiếng Dân
11/06/2020
Tin Biển Đông
Báo Tuổi Trẻ đưa
tin: Mỹ điều hai tàu sân bay đến Thái Bình Dương giữa căng thẳng khu
vực. Bản tin dẫn nguồn Wall Street Journal hôm 10/6
cho biết, tàu USS Ronald Reagan đã rời cảng Yokosuka ở Nhật Bản từ ngày 8/6 để
bắt đầu sứ mệnh tuần tra sau khi hoàn tất quá trình tu sửa định kỳ. Trong cùng
ngày, tàu USS Nimitz cũng rời cảng San Diego.
Chuẩn đô đốc George M.
Wikoff, chỉ huy đội tàu chiến dẫn đầu nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy
an ninh khu vực cùng các đối tác và duy trì tình trạng sẵn sàng cao độ”.
Báo Thanh Niên có
bài: Mỹ đưa ‘mắt thần’ tới giám sát Biển Đông, phỏng vấn
chuyên gia quân sự cho biết nếu triển khai 3 chiếc máy bay không người lái
Global Hawk do thám luân phiên thì gần như có thể giám sát 24/7 toàn khu vực biển
Đông.
Cựu đại tá Carl O.
Schuster, Giám đốc điều hành Trung tâm tình báo hỗn hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình
Dương, nhận định, việc điều động Global Hawk được xem là cách Washington đáp trả
mạng lưới giám sát của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông Schuster nói: “Washington
gửi đến thông điệp địa chính trị rằng đang thiết lập ‘đôi mắt’ giám sát Biển
Đông. Động thái này mở ra giai đoạn tiếp theo trong chiến lược tăng cường hiện
diện ở vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong bối cảnh khu vực có nhiều diễn
biến đáng lo ngại”.
Tin từ Philippines, báo
Rappler có bài: ‘Chúng ta đừng làm tổn thương cảm xúc của Trung Quốc’: Tại
sao Duterte không đến thăm đảo Thị tứ?”, nói về lý do Tổng thống
Duterte không ghé thăm đảo Thị Tứ như đã hứa trước đó, mà lại cử Bộ trưởng Quốc
phòng Delfin Lorenzana đi thay hôm 10/6.
Bài viết cho biết, tháng
4/2017, trong một bài phát biểu tại Trại Artemio Ricarte ở Palawan, tổng thống
Duterte nói rằng, ông ta sẽ đến thăm đảo Thị Tứ vào dịp quốc khánh Philippines
12/6 và sẽ treo cờ lên đó. Tuy nhiên, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana
tiết lộ, một tuần sau sự kiện này “Trung Quốc đã yêu cầu ông ấy không
được làm như vậy” và Duterte cũng thổ lộ: “Tôi không muốn làm tổn thương
cảm xúc của họ”.
Báo Pháp Luật TP.HCM có
bài: Không sợ Trung Quốc dọa dẫm, ép buộc. Bài viết dẫn lời
Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định, “sẽ không bao giờ đánh đổi các giá
trị” của Úc vì sự dọa dẫm, ép buộc của Trung Quốc, khi được hỏi về mối quan
hệ thương mại với quốc gia này.
Mời đọc thêm:
.
Dư luận phản ứng về
“quá độ lên CNXH cần tiếp tục làm rõ”
Ngày 10/5, báo Thanh niên
có đăng bài: “Quá độ lên CNXH bao lâu, có mấy chặng đường cần tiếp tục làm
rõ”. Bài viết dẫn lời của ông Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Hội đồng Lý
luận Trung Ương, bàn về chủ nghĩa xã hội, ông Phú cho biết: “Giữa thế kỷ 21,
nước ta trở thành nước phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa“. Sau phát biểu
của ông Phú, dư luận có những phản ứng vạch trần sự dối trá của nhà lý luận
này.
Nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn nhận
định: “Hết lần này tới lần khác, đảng Cộng Sản phải thừa nhận rằng bản
thân họ cũng không biết làm cách nào để xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Ấy vậy mà vẫn
cứ bắt ép cả quốc gia phải đi vào cuộc hành trình vô định mang tên Quá độ lên
CNXH.
Đất nước là của chung, các người đã có mấy chục năm
để thử nghiệm lý thuyết chính trị của mình, và nó đã thất bại. Đã đến lúc trao
trả quyền điều hành quốc gia lại cho người dân, để dân bầu lên một chính phủ mới,
với ý tưởng mới. Người Việt Nam xứng đáng được lãnh đạo bởi một chính phủ tốt
hơn”.
Nhà báo Huy Đức thể hiện quan điểm tương đồng, khi viết: “Tại
sao có những con đường ‘chưa được nghiên cứu tường minh’ mà các ông vẫn bắt dân
tộc này đi”.
Ông Phạm Ngọc Hưng nhận định,
bài trên báo Thanh Niên là “một cú ‘vén màn’ hiếm hoi để chúng ta nhìn
thấy sự thật lý luận dẫn đường của đảng”. Ông Hưng phân tích: “Bỏ qua những lý luận lòng
thòng, có thể thấy điểm cốt lõi là sự thừa nhận rằng CNXH là lý do duy trì chế
độ độc đảng, nhưng ‘cần tiếp tục làm rõ’ nên được hiểu là ‘để tính sau’, hay ngầm
ý ‘có đâu mà làm rõ’. Cắt nghĩa cho gọn, thì XHCN chỉ còn là ‘cớ’ để duy trì độc
đảng, chứ không còn là một lý tưởng để theo đuổi nữa”.
.
Bao giờ “kẻ máu lạnh”
Lê Thanh Hải vào lò?
Báo Asia Sentinel có bài
của ông David Brown: Sự sụp đổ của ‘kẻ máu lạnh nhất miền Nam Việt Nam’. Bài
nói về ông Lê Thanh Hải, cựu Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành Hồ.
Ông Lê Thanh Hải. Ảnh
trên Asia Sentinel
Bài viết xuất đăng ngày
9/6, khắc họa chân dung của Lê Thanh Hải, qua việc đi tìm sự lý giải về “một
thanh niên vai rộng, thô kệch và hầu như không biết chữ” lại trở thành “một
ông vua không ngai ở TP.HCM, một ông trùm mafia, một kẻ máu lạnh nhất miền Nam”.
Theo tác giả, sự “lên
voi” của ông Hải mang tính bước ngoặc từ cuộc hôn nhân với một gia đình thượng
lưu có lý lịch cách mạng hoàn hảo, mà nhờ ảnh hưởng của “chị vợ”, ông được bổ
nhiệm làm Bí thư quận 5 vào năm 1990, rồi chỉ sau 15 năm, ông leo lên vị trí
quyền lực nhất ở TP.HCM.
Bài viết nói rằng ông Hải
là một “đồng minh tự nhiên” với cựu thủ tướng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì cả
hai đều là người miền Nam, và có thời điểm trùng nhiệm kỳ trong Bộ Chính trị.
Trước đại hội đảng 12, những
người ủng hộ Nguyễn Phú Trọng đã làm cuộc nổi dậy loại bỏ ông Dũng để ông Trọng
làm tổng bí thư từ năm 2016, kéo theo việc ông Hải cũng buộc phải nghỉ hưu.
Mọi thứ bất đầu sụp đổ với
Lê Thanh Hải, dù vậy ông vẫn được gọi bằng cái tên thân thương là “đồng chí Hai
Nhựt”, cho đến khi chiếc lò của ông Trọng được đốt lên. Ông đã “xuống chó” một
cách nhanh chóng khi không thể ngăn được Thanh tra Trung ương điều tra về liên
minh của ông, với kết quả những người thân cận của ông đã phải bị “ném vào lò”.
Bài viết cho biết, ông Hải
khi đang ở trên đỉnh cao của quyền lực, có thể kiếm được số tiền rất lớn thông
qua bất động sản, đặc biệt là quá trình chuyển đổi đất thuộc sở hữu nhà nước
sang sử dụng thương mại, chỉ cần nhìn qua dự án Thủ Thiêm.
Bài viết cũng đặt câu hỏi
liệu Lê Thanh Hải có bị truy tố trong vài tháng tới, trước khi đại hội 13 đang
đến gần? Nếu điều đó xảy ra, theo tác giả nhận định “sẽ chỉ có vài giọt nước
mắt ở thành phố Hồ Chí Minh”.
Mời đọc lại: Cựu Bí thư thành Hồ: “Vô sản lưu manh” (kỳ 1) — Kỳ 2 — Kỳ cuối.
No comments:
Post a Comment