Thursday, 11 June 2020

KÝ ỨC VỀ CHẾ ĐỘ NÔ LỆ Ở MỸ : TT TRUMP & CHỦ TỊCH HẠ VIỆN ĐỐI ĐẦU (RFI)




NỘI DUNG :
Trọng Thành  -  RFI
.
Tú Anh  -  RFI

================================================
.
Trọng Thành  -  RFI
Đăng ngày: 11/06/2020 - 14:27

Phong trào chống kỳ thị chủng tộc, dấy lên sau cái chết của người da đen George Floyd, tiếp tục làm bùng lên một mâu thuẫn lớn khác trong xã hội Hoa Kỳ: ký ức liên quan đến chế độ nô lệ. Hôm qua, 10/06/2020, chủ tịch Hạ Viện Mỹ kêu gọi đưa tượng tướng lĩnh ủng hộ chế độ nô lệ thời nội chiến ra khỏi nhà Quốc Hội. Trong khi đó, tổng thống Donald Trump bác đề nghị đặt lại tên các căn cứ quân sự Mỹ, vinh danh tướng lĩnh phe bảo vệ chế độ nô lệ.

Qua Twitter tổng thống Mỹ Donald Trump đã cực lực phản đối việc đổi tên 10 căn cứ quân sự mang tên các thủ lĩnh của các bang bảo vệ chế độ nô lệ trong thời kỳ nội chiến (1861 – 1865). Ông Donald Trump nhấn mạnh rằng đây là « các di sản vĩ đại của nước Mỹ », và việc đổi tên là sự xúc phạm đến các quân nhân, đến quân đội. Thông báo của tổng thống Mỹ khép lại khả năng đổi tên một số căn cứ quân sự, theo đề xuất trước đó của bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper, nhằm tìm kiếm hòa giải trong bối cảnh căng thẳng xung quanh vấn đề chủng tộc đang dâng lên tại Mỹ.

Trong khi đó, chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, trong một bức thư gửi đến ủy ban phụ trách quản lý tượng của Quốc Hội, đã yêu cầu rút bỏ 11 tượng tướng lĩnh và quân nhân của Liên minh miền Nam ủng hộ chế độ nô lệ. Bà Pelosi giải thích: « Các bức tượng này là biểu tượng cho lòng hận thù, chứ không phải di sản ».

Toàn bộ các căn cứ quân sự vinh danh tướng lĩnh chế độ nô lệ đều nằm ở miền Nam Hoa Kỳ, đa số là ở các bang đã từng giúp cho ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, và cũng là các địa bàn mà tổng thống Trump hy vọng sẽ tìm được chỗ dựa, để tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu đầu tháng 11 tới.

Đòi hỏi đặt tên lại các căn cứ quân sự vinh danh tướng lĩnh phe ủng hộ chế độ nô lệ không phải là điều mới. Năm 2015, Lầu Năm Góc đã từng dự kiến làm việc này, sau vụ xả súng tại Charleston, bang Nam Carolina, khi một thanh niên chủ trương da trắng thượng đẳng hạ sát 9 tín đồ người da đen tại một thánh đường. Dự án rút cục không thành do Lục Quân Hoa Kỳ quyết định bảo lưu các tên gọi hiện có. 

Vẫn liên quan đến phong trào chống kỳ thị chủng tộc tại Mỹ, hôm qua, nhiều bức tượng của người lâu nay được coi là « nhà thám hiểm phát hiện ra châu Mỹ » Christophe Colomb, đã bị phá hủy, bị cắt đầu hoặc bị vứt xuống hồ, tại Boston (bang Massachusetts), Miami (bang Florida) và bang Virginia. Đối với nhiều nhà tranh đấu chống phân biệt chủng tộc, Christophe Colomb là một trong các hình tượng tiêu biểu cho cuộc diệt chủng nhắm với các bộ tộc da đỏ, và các cộng đồng cư dân bản địa nói chung.

--------------------------
.
Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày: 11/06/2020 - 15:02

Một ngày sau khi an táng nạn nhân da đen bị cảnh sát da trắng "chèn cổ" thiệt mạng, vụ tai tiếng kỳ thị gây căm phẫn tại Mỹ và trên thế giới, Quốc hội Mỹ xem xét phương án cải tổ ngành cảnh sát. Ủy ban Tư Pháp Hạ viện mời một loạt nhân chứng ra điều trần để hậu thuẫn cho dự luật của đảng Dân Chủ đối lập. Nhân chứng đầu tiên là Philonise Floyd, em trai của George Floyd.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật:

Đất nước đòi hỏi và xứng đáng có được những thay đổi có ý nghĩa. Chủ tịch Ủy ban tư pháp Hạ viện Mỹ, Jerrold Nadler khai mạc buổi điều trần với lời tuyên bố trên đây. Phe Dân Chủ muốn cải cách ngành cảnh sát với một dự luật đã được đệ trình. Để tìm hậu thuẫn, phe Dân Chủ mời người em của George Floyd ra điều trần.

Philonise Floyd tuyên bố: Hôm nay, khi bày tỏ với quý vị dân biểu, có lẽ tôi có thể yên tâm nghĩ rằng anh tôi không chết một cách vô ích. Không phải là một khuôn mặt, một cái tên trên danh sách mỗi ngày mỗi dài thêm.

Xúc động và phẫn nộ, Philonise Floyd nói tiếp: Tôi không thể mô tả với quý vị niềm đau và nỗi chán chường khi chứng kiến cảnh tượng như thế. Cảnh tượng người anh cả mà mình khâm phục cả đời chết trong tiếng gọi Mẹ ơi.

Tôi đề nghị quý vị làm sao chấm dứt nỗi đau này.

Về phần đảng Cộng Hòa, họ mời thân nhân của một cảnh sát viên tử thương trong các vụ bạo loạn xảy ra sau cái chết của George Floyd : "Ai sẽ còn nhớ đến Patrick và sự nghiệp để lại? Quý vị đừng quên Patrick. Thật là điều khôi hài nếu giảm ngân sách của cảnh sát".

Thật ra, biện pháp giảm ngân sách không nằm trong dự luật của đảng Dân Chủ nhưng tổng thống Donald Trump khẳng định là đối lập muốn giải thể lực lượng cảnh sát. Đây cũng là thông điệp mà đảng Cộng Hòa muốn công luận hiểu như vậy.

Tuy nhiên, trước sức ép của công luận, phe Cộng Hòa đã loan báo họ cũng suy nghĩ một phuơng án cải cách lối ứng xử của cảnh sát Mỹ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats