Người
Việt
June 21, 2020
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Ba người phụ nữ đã đứng ra thành lập,
vận hành quán cơm miễn phí 0 đồng cho người nghèo ở Đà Nẵng, đã đón nhận được
hàng triệu tấm lòng từ trong nước ra đến hải ngoại.
Các tình nguyện
viên chuẩn bị cơm ở “Bếp ăn 0 đồng.” (Hình: Đoàn Nhạn/Tuổi Trẻ)
Đó là chị Quế Chi, chị Tường
Vi và chị Đặng Thị Liên. Tuy độ tuổi, công việc khác nhau nhưng nhờ có chung tấm
lòng yêu thương và mong muốn sẻ chia đã kết nối họ lại làm nên “Bếp 0 Đồng” ấm tình
người ở số 47 Bùi Dương Lịch, quận Sơn Trà.
Mỗi người mỗi việc, chị
Quế Chi lo liên hệ các mạnh thường quân xin tài trợ, tính toán sổ sách, quản lý
thu chi. Còn chị Tường Vi, chị Liên hai người trực tiếp đứng bếp. Trên Facebook
của mình, chị Quế Chi luôn đăng đầy đủ những thông tin các mạnh thường quân ủng
hộ cho “Bếp 0 Đồng.”
Nói với báo Tuổi Trẻ chị
Tường Vi cho biết tuy công việc mưu sinh là chạy “xe ôm công nghệ” (Grab bike)
nhưng dành hầu hết thời gian từ sáng đến trưa để lo việc nấu nướng, đưa cơm ở
“Bếp 0 Đồng.” Buổi chiều, chị chạy vài cuốc xe kiếm đôi ba chục ngàn để mưu
sinh. Chập tối, lại chuẩn bị nguyên liệu để nấu cơm cho quán vào sáng sớm hôm
sau.
Để có một bữa cơm trưa đều
đặn hằng ngày, các chị phải chuẩn bị từ 6 giờ sáng. Đến khoảng 10 giờ trưa, chị
Liên cùng với mấy tình nguyện viên lo phục vụ khách. Trong khi đó chị Vi tất tả
đội nắng, đội mưa mang cơm cho những người già neo đơn, các bệnh nhân nghèo ở bệnh
viện Chỉnh Hình, bệnh viện Phụ Sản-Nhi Đà Nẵng.
Suốt buổi trưa, trong bếp
cơm lợp tôn tạm ngày Hè, thực khách vẫn ra vào, cười nói vui vẻ. “Rửa ráy đi
cho mát rồi vào ăn cơm mấy anh ơi. Trời nắng ni đi làm vất vả hỷ,” lời chị
Tường Vi chào vọng ra từ trong bếp.
“Mấy anh cứ tự nhiên nhé, ăn hết lại lấy thêm thức
ăn và cơm, chắc bụng chiều mới có sức làm việc nặng,” chị Vi không quên dặn thêm thực khách.
Chị Vi (phải) thường
thăm hỏi thực khách đến quán. (Hình: Đoàn Nhạn/Tuổi Trẻ)
Bà Huệ một phụ nữ ngoài
50 làm nghề bán vé số dạo vừa ăn dĩa cơm ngon lành vừa kể với báo Tuổi Trẻ: “Tui,
em gái và cả mẹ già gần 80 tuổi đi bán vé số dạo. Trước đây, cứ đến bữa trưa
thường ghé các quán mua cơm, mỗi suất thường 20,000-25,000 đồng (khoảng $1) thì
mình mua nửa giá với phần thức ăn, cơm ít lại xíu. Giờ, nghe người ta chỉ ở đây
có quán cơm chay miễn phí, vậy là mỗi buổi trưa, mẹ con tui thường ghé qua ăn.
Mỗi ngày tiết kiệm được vài chục ngàn.”
Thấy có khách lạ vào quán
là chị Vi đến làm quen, hỏi chuyện rồi dặn dò lần sau ghé lại, biết có ai đi
làm cùng thì chỉ họ đến quán ăn. Cứ như thế, buổi trưa mỗi ngày có hàng chục phần
ăn chan chứa yêu thương sẻ chia đến với những người nghèo, người thu nhập thấp.
Tiếng lành đồn xa, hàng
trăm sự giúp đỡ từ người trong nước và hải ngoại gửi về. Người góp bao gạo, bó
rau, người góp thời gian công sức… để có những phần cơm góp phần vơi bớt gánh nặng
mưu sinh cho nhiều mảnh đời.
Nhiều người bán vé số lớn
tuổi tuy biết là cơm miễn phí, nhưng họ vẫn bỏ vào thùng quyên góp nơi góc bếp tờ
5,000 đồng, 10,000 đồng (21 cent – 42 cent), khiến ai nhìn cũng thấy xúc động.
Có những cụ già nghèo khó, neo đơn khi thấy cứ mỗi buổi trưa bếp ăn đều đưa cơm
đến, can ngăn: “Chứ tiền đâu mà tụi con mang cơm cho miết rứa? Còn nhiều người
khác khó khăn hơn, thôi mấy đứa mang cho người ta bớt.”
Chị Quế Chi (trái) và
nhóm thiện nguyện của mình thường thăm, tặng quà cho người già nghèo, neo đơn.
(Hình: Tuổi Trẻ)
Ngoài “Bếp 0 Đồng,” các
thành viên còn lập nên nhóm An Nhiên, tổ chức thường xuyên các hoạt động thiện
nguyện tận những vùng núi khó khăn. Thời gian dịch COVID-19, nhóm nấu cơm phát ở
các điểm cho người thu nhập thấp.
Nhóm thường xuyên gây quỹ
tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà cho những mảnh đời bất hạnh, trẻ em bị bỏ
rơi, chăm sóc hỗ trợ các cụ già neo đơn không nơi nương tựa…
Ba chị đều tâm niệm qua
“Bếp 0 Đồng” chỉ mong muốn được sẻ chia một phần nào khó khăn của những người
nghèo đang hằng ngày vất vả mưu sinh. (Tr.N) [qd]
No comments:
Post a Comment