David Hutt - Asia Times
Trúc Lam dịch
19/06/2020
Trump
bổ nhiệm một người cánh hữu vào đài phát thanh, truyền hình do Quốc hội tài trợ,
mà quan điểm của người này có thể không đồng thuận với 117 triệu khán giả của
các đài phát thanh ở châu Á.
Hai giám đốc điều hành cấp
cao của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) do Quốc hội Hoa Kỳ tài trợ, đã từ chức trong
tuần này, sau khi một đồng minh gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump được
xác nhận là giám đốc điều hành mới của cơ quan giám sát các cơ quan truyền
thông, cũng như Đài Á châu Tự do (RFA) và Đài Tiếng nói châu Âu (VE).
Trong một trường hợp khác
về việc Trump bổ nhiệm một người trung thành chính trị cho một công việc phi
chính trị, nhà hoạt động bảo thủ và là nhà làm phim Michael Pack đã được
xác nhận hồi tuần trước với tư cách là người đứng đầu Cơ quan Truyền thông Toàn
cầu Hoa Kỳ (USAGM), một cơ quan độc lập với chính phủ Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm
về các hãng tin, được tài trợ bởi những người nộp thuế.
Điều này xảy ra sau một
cuộc bỏ phiếu phân chia giữa hai đảng tại Thượng viện Hoa Kỳ, gần ba năm sau
khi tên của ông ta lần đầu tiên được Trump đưa tới.
Pack được cho là đồng minh thân cận của Steve Bannon, cựu chiến lược gia của Trump và là cố vấn tòa
Bạch Ốc, là người mà ông đã thực hiện hai bộ phim tài liệu. Ông cũng là người đứng
đầu Viện Claremont trước đây, một nhóm chuyên gia bảo thủ có mối liên hệ chặt
chẽ với phong trào Trump.
Sự bổ nhiệm của Pack đã
khiến người ta lo ngại rằng, ông có thể cố gắng thay đổi chính sách biên tập của
các cơ quan truyền thông như Radio Free Asia (RFA) và Voice of America (VOA),
ông Trump đã dành nhiều tháng chỉ trích VOA, cáo buộc đài này lặp lại sự tuyên
truyền của Trung Quốc.
Hôm thứ Tư [17/6], Pack
đã sa thải các lãnh đạo của các tổ chức cơ quan khác, gồm cả những người đứng đầu
Mạng lưới phát thanh truyền hình Trung Đông, Đài Á châu Tự do và Đài Âu châu Tự
do / Đài Tự do, mà không cần giải thích.
Người ta cũng lo ngại rằng,
khi cố gắng biến Đài Tiếng
nói Hoa Kỳ thành “Đài Tiếng nói của Trump”, việc tiếp quản của cánh hữu
sẽ gây nguy hiểm cho niềm tin của độc giả và người nghe ở các khu vực độc đoán ở
châu Á, nơi thu hút một số lượng thính giả lớn nhất ở châu Á lắng nghe.
Michael Pack trước
đây đã làm phim tài liệu với Steve Bannon, là người quản lý chiến dịch Trump và
cố vấn của ông ta. Ảnh: Facebook
“Tôi sợ rằng sự xuất
hiện của Pack sẽ mang đến một công cụ thẳng thừng cho các vấn đề tại USAGM”,
ông Brett Bruen, giám đốc tham gia toàn cầu trong nhiệm kỳ tổng thống
Barack Obama và là người đã làm việc với cơ quan này để giới thiệu các cải cách
dưới thời chính quyền trước đó, ông Bruen nói với Asia Times.
Ông Bruen nói thêm: “Từ
những gì tôi nghe được, họ sẽ xem xét sa thải hàng loạt, cắt giảm ngân sách và
định hình lại nhiệm vụ của nó. Trump muốn một bộ thông tin sẽ nói lên tiếng nói của đảng.
Tất cả những điều này đang diễn ra trong khi Nga, Trung Quốc và các đối thủ
khác đang ráo riết mở rộng hoạt động thông tin của họ. Một thời điểm nguy
hiểm cho nền dân chủ”.
Hồi tháng Tư, Trump thậm
chí còn đe dọa, buộc Quốc hội phải tạm dừng phiên họp để ông có thể lách qua
nhiều người mà ông đề cử khác, gồm cả ông Pack, sau khi ông tuyên bố cơ quan lập
pháp Mỹ đang cố tình trì hoãn các vụ đề cử của ông.
Tuần trước, những người Cộng
hòa ở Thượng viện đã nhất trí bỏ phiếu chấp thuận ông Pack, mặc dù cuộc điều
tra đang diễn ra, liên quan đến các cáo buộc ông có thể đã có những sự chi tiêu
không chính đáng giữa những công việc phi lợi nhuận và lợi nhuận.
Ngày 15 tháng 6, Amanda
Bennett, Giám đốc VOA, và Phó Giám đốc Sandy Sugawara tuyên bố từ chức.
Vẫn không rõ liệu ông chủ mới của họ có yêu cầu họ ra đi hay họ chọn làm như vậy.
Tuần này cũng chứng kiến sự từ chức của bà Libby Liu, Giám đốc Điều hành của Quỹ Công nghệ
mở, một cơ quan thúc đẩy tự do internet phi lợi nhuận cũng do USAGM giám sát.
Trước đó, bà Liu là Chủ tịch của RFA trong 14 năm.
Đã có những lo ngại về sự
rung chuyển sẽ ảnh hưởng đến chất lượng truyền thông ở châu Á như thế nào. VOA
và RFA đưa tin khắp Đông Nam Á và nội dung phát thanh bằng tiếng Thái, tiếng
Khmer, tiếng Việt, tiếng Lào, tiếng Indonesia và tiếng Miến Điện.
Janet Steele, giáo sư báo chí tại Đại học George Washington và là giám đốc của Học
viện Ngoại giao và Truyền thông Toàn cầu, là người chuyên về truyền thông Đông
Nam Á, nói rằng: “Kiểu can thiệp chính trị trắng trợn này là tiêu chuẩn ở
nhiều nước Đông Nam Á, nhưng không phải ở Mỹ”.
“Vì vậy, đó là một
ngày rất buồn đối với những người trong chúng ta, những người coi trọng sự
đóng góp của các nhà báo tại USAGM – nhiều người trong số họ đã thoát khỏi chế
độ độc đoán – và đưa tin đáng tin cậy, phi đảng phái”, bà
Janet Steele nói thêm.
Một cuộc khảo sát năm
ngoái của USAGM, cho thấy, có khoảng 117 triệu khán giả của VOA và RFA ở
Đông Nam Á và Đông Á. Nhưng một số nhà nước độc tài, bao gồm cả những nước ở
Đông Nam Á, vẫn mô tả VOA và RFA là những cơ quan tuyên truyền của Mỹ.
Những cáo buộc mà họ đã
nhận được tài trợ trong quá khứ từ Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đã được chứng
minh là đúng, trong Chiến tranh Lạnh, một số giám đốc của các đài phát thanh
nhìn thấy vai trò của họ là chống lại chủ nghĩa cộng sản.
Tuy nhiên, trong những thập
niên gần đây, cả hai đài đã cam kết vô tư. Cơ quan USAGM – có tên là Hội đồng
Quản trị Phát thanh Truyền hình của Chính quyền (BBG) cho đến năm 2018 – hoạt động
độc lập với chính phủ Hoa Kỳ và các quy tắc nghiêm ngặt được đưa ra để bảo đảm
tính trung lập và khách quan.
Nhưng với một đồng minh của
Trump đứng đầu USAGM, một số nhà phân tích tin rằng, những cáo buộc chỉ đơn thuần
là sự tuyên truyền của chính phủ Hoa Kỳ chi phối các đài phát thanh của các nhà
nước độc tài thế giới, sẽ khó phủ nhận hơn.
“Các đài
phát thanh của VOA được những người trong chế độ độc tài tôn trọng chỉ vì
họ nói sự thật, không giống như truyền thông của chúng ta. Nếu nó trở
thành cơ quan tuyên truyền dưới thời Trump – điều mà
nó luôn bị cáo buộc bởi các chế độ độc tài – thì coi như kết
thúc”, ông Garry Kasperov, chủ tịch Tổ chức Nhân quyền đã tweet
trong tuần này.
Ở Campuchia, hai cựu nhà
báo RFA là Uon Chhin và Yeang Sothearin, đã bị bắt hồi năm 2017 vì tội gián điệp,
chỉ vài tháng sau khi cơ quan này buộc phải đóng cửa văn phòng ở Phnom Penh vì
áp lực của chính phủ.
Cùng thời gian đó, chính
quyền Campuchia cũng cấm các đài phát thanh địa phương đưa tin do RFA và VOA sản
xuất.
Điều này xảy ra ngay trước
khi Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền lâu năm chuyển sang đóng cửa đảng đối lập
của đất nước này và bắt giữ nhà lãnh đạo của đảng, với cáo buộc phản quốc, qua
những cáo buộc âm mưu đảo chính với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.
Trong những năm kể từ khi
đảng đối lập bị buộc phải giải thể, các nguồn tin của đảng cầm quyền đã nhấn mạnh
rằng, RFA và VOA có thể là một phần của âm mưu giả tạo này.
Nhà nước Việt Nam độc tài
cũng đã chỉ ra những người đóng góp bài vở cho RFA và VOA để đàn áp. Trương Duy
Nhất, một blogger đóng góp cho Ban Việt ngữ RFA, đã bị kết án 10 năm tù hồi
tháng 3 về các cáo buộc tham nhũng.
Ông ta bị bắt cóc bởi các
đặc vụ Việt Nam tại Thái Lan và bị đưa trở về Việt Nam sau khi xin tị nạn chính
trị với Liên Hiệp quốc ở Bangkok.
Nhiều tháng trước, người
viết bài cho VOA là ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập, một tổ chức
ngoài vòng pháp luật Việt Nam, đã bị bắt vì tiến hành “các hoạt động chống
chế độ như viết các bài báo chống nhà nước, [và] hợp tác với truyền
thông nước ngoài”.
Tham gia vào danh sách
các nhà phê bình lâu dài của VOA chính là ông Trump, là người trong những tháng
gần đây đã cáo buộc VOA thúc đẩy tuyên truyền của Trung Quốc và thực hiện công
việc của “những kẻ thù của nước Mỹ”. Các báo cáo cho biết, ở nơi riêng tư, ông
Trump gọi nó là “Đài Tiếng nói của Liên Xô”.
Trong một cuộc họp báo hồi
tháng 4, Trump đã làm nổ tung đài VOA: “Nếu các bạn nghe những điều
phát ra từ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, thì nó thật kinh tởm”. Vài tuần trước,
nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã tweet: “Những người nộp thuế ở Mỹ – trả
tiền cho [đài] tuyên truyền cho chính Trung Quốc, thông qua
Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ! Nhục nhã!!”
Cuối tháng 4, khi đại dịch
Covid-19 lan rộng ở Mỹ, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đã
lưu hành một bản ghi nhớ, nói với nhân viên không được trả lời phỏng vấn VOA,
dường như sau khi được tòa Bạch Ốc chỉ đạo.
Carlos Martinez de la
Serna, giám đốc chương trình tại Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, cho biết trong một
tuyên bố gần đây rằng: “Chính quyền Trump đã tạo ra một môi trường sợ hãi
cho các quan chức nói chuyện với báo chí, là điều can thiệp vào các phương
tiện truyền thông cộng đồng làm việc như một cơ quan giám sát”.
Sự thù địch của Trump đối
với VOA đã được ghi nhận bởi Eliot Engel, dân biểu đảng Dân chủ từ New
York và là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.
“VOA đã trở thành mục
tiêu thích thú của tổng thống và các đồng minh, có lẽ vì VOA đã tuân
thủ yêu cầu pháp lý rằng, đó là một nguồn tin tức độc lập, không phải là một
cơ quan tuyên truyền cho chính quyền”, ông Engel nói trong một tuyên bố
ngày 15/6.
Trong lá thư từ chức, các
giám đốc điều hành của VOA là Bennett và Sugawara, nói rằng, “Michael Pack
đã tuyên thệ trước Quốc hội, tôn trọng và tôn vinh tường
lửa, bảo đảm sự độc lập của VOA, là điều đóng vai trò quan trọng
nhất trong niềm tin tuyệt vời của khán giả trên toàn thế giới có được trong
chúng ta”.
Về mặt kỹ thuật, chức vụ
mới của Pack không có sự giám sát biên tập đối với nhiều báo, đài dưới sự kiểm
soát của nó và nhân viên tại các cơ quan này phủ nhận rằng họ sẽ bị ảnh hưởng bởi
ý kiến của giám đốc điều hành cấp cao.
Tuy nhiên, những thay đổi
được đưa ra gần cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama hồi tháng 12 năm 2016 đã trao
nhiều quyền lực hơn cho chức vụ mà ông Pack hiện đang nắm giữ tại USAGM so với
những người đứng đầu trước đây nắm giữ.
Năm đó, cải cách đã tạo
ra một vị trí Giám đốc điều hành mới, được bổ nhiệm bởi tổng thống Hoa Kỳ và một
Ban điều hành chỉ giữ quyền lực cố vấn. Trước đây, USAGM được lãnh đạo bởi một
hội đồng lưỡng đảng, gồm chín thành viên với quyền điều hành quản lý trực tiếp.
Rõ ràng ông Trump xem việc
chỉ định Pack là một chiến thắng. Trump tweet ngày 5/6: “Không ai biết gì
về một chiến thắng lớn này đối với nước Mỹ. Tại sao? Bởi vì anh ấy sẽ điều
hành ĐÀI TIẾNG NÓI HOA KỲ và tất cả mọi thứ liên quan đến nó”.
Tuy nhiên, đối với những
người ở các khu vực đàn áp hơn như ở châu Á, những người phụ thuộc vào tin tức
độc lập của VOA và RFA, không rõ rằng sự bổ nhiệm ông Pack có sẽ là một chiến
thắng hay không.
--------------------------------------------------------------
.
BBC
Tiếng Việt
19/06/2020
Tân Tổng giám đốc Cơ quan truyền thông quốc tế của
Chính phủ Mỹ (USAGM, USA Global Media) vừa sa thải bà Bay Fang, Tổng Giám đốc Đài Á châu Tự do
(RFA) và một loạt giám đốc các kênh truyền thông quốc tế hôm 18/06.
Trước đó, hôm thứ Hai
15/06, Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), bà Amanda Bennett và phó
giám đốc Sandy Sugawara đều đệ đơn từ nhiệm sau khi ông Michael
Pack lên nhậm chức.
Bình luận chuyện này,
nhà báo David Hutt, cây bút chuyên về châu Á, nêu lo ngại trong bài viết trên tờ
Asia Times (18/06/2020) rằng “Đài Tiếng nói Hoa Kỳ nay thành 'Tiếng nói Trump'”
Bài báo “Voice of America to become Voice
of Trump” cho rằng việc bổ nhiệm “một nhân vật cánh hữu” làm
lãnh đạo ngành truyền thông quốc tế của Hoa Kỳ “có thể sẽ không đồng điệu với
117 triệu khán thính giả tại châu Á” của các đài Mỹ.
Ông Michael Pack, một chính trị gia được báo Mỹ như New York Times cho là “bảo thủ,
thân tổng thống Donald Trump” đã sa thải cả lãnh đạo Đài Châu Âu Tự do và Radio
Liberty/Radio Free Europe, ông Jamie Fly, cùng giám đốc của mạng lưới
truyền thông Trung Đông (Middle East Broadcasting Network), ông Alberto
Fernandez.
Cũng trong tuần này, bà
Libby Liu, giám đốc “Open Technology Fund”, quỹ phi lợi nhuận cổ vũ cho tự
do Internet do USAGM giám sát, cũng từ chức.
Bà Libby Liu từng làm Tổng
giám đốc RFA trong 14 năm.
Theo David Hutt, thì ông Michael Pack “được cho là
thân cận với ông Steve Bannon, cựu chiến lược gia của bộ tham mưu tranh cử
cho Donald Trump, và hai ông đã từng cùng sản xuất hai phim tài liệu”.
Ngoài ra, vẫn theo bài
trên trang Asia Times, ông Pack “từng lãnh đạo Claremont Institute, một think
tank theo xu hướng bảo thủ, gần gũi với phong trào Trump”.
Theo phóng viên tự do Joaquin
Hòa Nguyễn từ California thì việc điều ông Pack, một đồng minh của Tổng thống
Trump, về đứng đầu Cơ quan truyền thông quốc tế “được xem là một hành động nhằm kiểm soát truyền thông của
chính phủ Mỹ”.
Các đài Mỹ có tiếng
nói về châu Á
Ngoài đài VOA (thành lập
năm 1942) Cơ quan truyền thông quốc tế của Hoa Kỳ USAGM còn kiểm soát các kênh
truyền thông khác do chính phủ Mỹ tài trợ, trong đó có RFA.
RFA được thành lập vào
năm 1996 nhằm đưa thông tin đến các quốc gia mà Hoa Kỳ cho là “độc tài, không
minh bạch thông tin”.
Đài này nói họ cổ vũ cho
tự do dân chủ ở Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, Lào, Campuchia, Miến Điện.
RFA gồm 9 ban ngôn ngữ
khác nhau trong đó có tiếng Việt. Bà Bay Fang là một nhà báo chuyên nghiệp từng
hoạt động ở Afghanistan, Iraq, từng làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ.
Sau khi về RFA năm 2015,
bà đã lên làm Tổng Giám đốc từ năm 2019.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã
có chương trình tiếng Việt lâu năm qua sóng phát thành, và sau này có thêm
trang web cùng chương trình TV/video.
Bài
đọc nhiều nhất trên trang tiếng Việt của VOA hôm 18/06 là câu
chuyện "GS. Steve Hanke phản hồi sau khi nói Việt Nam là ‘táo thối’ trong
chống dịch Covid-19".
Vẫn theo ông Joaquin Hoà
Nguyễn nói với BBC từ San Francisco cuối ngày thứ Năm giờ Anh thì đài “CNN gọi
đó là cuộc thảm sát” với truyền thông công của Hoa Kỳ. Có lo ngại rằng các đài này sau thay đổi lãnh đạo
sẽ không quan tâm đến dân chủ nhân quyền.
Tuy thế, tân CEO của
USAMD, Michael Pack trong email thông báo cho nhân viên cuối ngày thứ Tư đã tìm
cách giảm đi lo ngại của họ rằng ông “cam kết duy trì độc lập” cho các đài vốn
có nhiệm vụ đưa tin độc lập tới khán thính giả trên toàn thế giới, theo
trang Politico trích các nguồn thông tấn từ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment