Nguyễn
Văn Chiến
16/08/2019
Thời
còn tắm truồng bên giếng nước là thời ta ê a học bảng cửu chương “Hai lần một
là hai, hai lần hai là bốn, hai lần ba là sáu...”.
Còn nhớ
và còn thương những bạn tối dạ, học toán như học vẹt, thầy hỏi: “Ba lần bốn là
bao nhiêu?” mà không trả lời ngay được, các bạn phải hát nhạc Phạm Duy “Cho đi
lại từ đầu, chưa đi vội về sau…” bằng cách ê a: “Ba lần một là ba, ba lần hai
là sáu, ba lần ba là chín, ba lần bốn mười hai; dạ thưa thầy ba lần bốn là là
mười hai ạ!”.
Tương tự,
hỏi “Chín lần chín” là bao nhiêu, những bạn này phải khoanh tay “xin đi từ thơ ấu”
theo bài sớ “chín lần một là chín, chín lần hai mười tám....” tới những chín lần
“lần... là” như vậy mới đọc ra kết quả!
Tưởng
là chuyện trẻ con tối dạ, ai ngờ đó cũng là cách nhà nước ta “chỉ đạo công tác
phòng chống bão lụt”, dẫu rằng nước ta đã sống chung với bão lụt hàng chục thế
kỷ, và nhà nước ta đã thực hiện công tác “chỉ đạo phòng chống thiên tai” từ mấy
chục năm nay với các ban bệ từ trung ương xuống tới địa phương.
Tôi
không hề nói gian, không tin hãy đọc bản tin “Thủ tướng yêu cầu khẩn trương khắc
phục hậu quả do bão số 3” * [Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, 3.8.2019):
“Thủ
tướng Chính phủ vừa có công điện về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả
mưa lũ do bão số 3.”
Giời ạ,
lại có chuyện này nữa: “tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả”.
Đã là “ứng
phó” thì ta chỉ “ứng phó” khi việc đang xảy ra, do đó nếu bàn chiến thuật ứng
phó ta chỉ nên bàn trước khi có chuyện!
Còn “khắc
phục hậu quả” là điều chỉ nên bàn khi chuyện đã rồi, không còn phải lo chuyện ứng
phó nữa.
Giặc tới
nhà, ta ứng phó bằng cách cử quân ra nghênh chiến hay ẩn thân và nghi binh, dụ
chúng vào ổ mai phục v.v… Khi giặc thua, giặc rút, ta phải xây cầu, sữa nhà, đền
bù cho những ai đã hy sinh mất mát quá nhiều, an ủi và trợ cấp thương binh, vợ
con tử sĩ v.v… Nói theo ngôn ngữ “chính luận” của ta là “khắc phục hậu quả”.
Thủ tướng
ra cái công điện “vượt thời gian, quá khứ không ra quá khứ, hiện tại không ra
hiện tại mà tương lai cũng chả ra tương lai!
Nhưng
năm nào báo đảng cũng diễn tả là bão lụt “diễn biến phức tạp”, nó thay đổi thế
nào ta không lường trước được. Do đó ứng phó với bão lụt cũng giống
như ứng phó với giặc, nó đánh chỗ nào ta không thể biết chính xác trăm phần
trăm, nếu muốn tự vệ hiệu quả phải luôn đặt mình trong tình thế sẵn sàng chiến
đấu, do đó phải tập luyện thành thục khả năng cơ động, điều binh khiển tướng
sao cho uyển chuyển, linh hoạt.
Lấy thí
dụ: hiện bọn bành trướng Bắc Kinh đang tấn công trực diện vào Bãi Tư Chính, biết
chúng nhắm vào đây nhưng ta không thể “tập trung” toàn bộ cảnh sát biển lại đây
để “ứng phó”!
Cái cần làm là cử những đơn vị
tinh nhuệ cùng đơn vị thông thuộc địa hình tại đây nhất đến để đối phó với bọn
“cướp biển bạn” (hay “cướp biển lạ”) nhưng cũng phải hờm quân để sẵn sàng đối
phó với quân giặc biển này tại bất cứ nơi nào!
Như thế
thì cái “tinh thần” cần đạt là phải “sẵn sàng ứng phó” chứ không phải “tập
trung ứng phó”.
Nếu mọi
sự xong xuôi rồi, thảnh thơi, lúc này hãy “tập trung” mà… “khắc phục”
Tờ báo
thuật lại công điện của thủ tướng:
“Bão số
3 đã gây mưa to đến rất to tại nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ,
đặc biệt tại các huyện Quan Sơn và
Mường
Lát, tỉnh Thanh Hoá và một số địa phương khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra
lũ, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, tính mạng
và tài sản của nhân dân, một số người còn mất tích.
Trước
những thiệt hại đó, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất
tới các gia đình có người thân bị chết, mất tích do mưa lũ, chia sẻ những khó
khăn, mất mát của chính quyền và người dân vùng lũ.”
Ơ hay,
nếu thương cảm, nếu mũi lòng, thủ tướng nên bảo thư ký soạn một lô thư, điền
tên từng gia đình rồi ký tên TT Nguyễn Xuân Phúc, gởi như là thư riêng kèm theo
gói quà, hay cái “bao thư” dày dày.
Loại
bao thư “dày” thuộc nghi thức “đầu tiên” mà dân ta phải chịu mỗi khi xin xỏ thủ
tục nào đó, hay xin được yên ổn làm ăn khi bị các “cơ quan chức năng” thanh
tra, gọi là “rà soát”.
Nói thật,
sống trên đời này chẳng mấy ai tâm phục khẩu phục hạng người làm được tý việc
thiện mà gặp ai cũng khoe, cả làng: “Ông Tư bị cháy nhà, tao tới biếu ngay hai
triệu; bà Năm bị xe đụng gãy chân, tao tới lì xì ngay năm trăm ngàn!”.
Nhưng
“nhân vô thập toàn” mà. Họ làm được một việc tốt thì cũng cho họ khoe một chút,
còn khá hơn kẻ chả cho đồng nào mà vác loa và mõ đi gõ, đi ra cả làng: “Cốc, cốc,
cốc, tôi chia buồn sâu sắc với ông Tư bị cháy nhà. Cục, cục, cục. Tôi xin sắc
sâu chia buồn với bà Năm bị gãy chân”!
Thủ tướng
mình thì không vác mõ ra gõ và vác loa ra gào!
Thủ tướng
chỉ đơn giản sao thư ký viết cái công điện gởi, rồi gởi luôn cho báo đăng!
Làm cái
trò này, không biết thủ tướng có nghe tới mấy giai thoại về ông giáo Văn Như
Cương.
Ông
giáo Cương sanh năm 1937 trong một gia đình nhà Nho ở Nghệ An. Năm 1954
ông ra Hà Nội học Toán tại Đại học Sư phạm rồi được giữ lại dạy, sau sang
nghiên cứu tại Viện Toán học Liên Xô. Tốt nghiệp phó tiến sĩ năm 1971, ông về
nước dạy hình học tại Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Vinh, nổi tiếng
là dạy hay và soạn nhiều sách toán giáo khoa.
Nhưng
ngoài tiếng dạy hay, ông còn nổi tiếng hơn nhờ kiểu gàn của mấy ông “đồ Nghệ”
ngày xưa.
Vào thập
nhiên 1980, gọi là thời “bao cấp”, dạy đại học lương không đủ sống nên ông nuôi
lợn để “kiếm thêm thu nhập”.
Khổ một
nổi là phân lợn thối quá nên tổ dân phố phản đối, công an khu vực xuống giải
quyết. Họ viết vào biên bản đại loại “Văn Như Cương nuôi lợn gây ô nhiễm” nhưng
ông đồ Nghệ này nhất định không ký, bảo phải sửa biên bản mới ký.
Ông cãi
lý phải viết vào biên bản là “Lợn nuôi Văn Như Cương” mới chánh xác!
Ông nói
oang oang đại loại thế này: “Lương nhà nước cấp nuôi tôi và gia đình không nổi,
tôi có dư cơm đâu mà nuôi lợn. Nhờ mấy con lợn này mà tôi mới sống được. Các đồng
chí phải viết vào biên bản rằng ‘Lợn nuôi Văn Như Cương nên gây ô nhiễm môi trường’
thì tôi mới ký!”
Đó là
giai thoại kể về quan hệ giữa ông với lợn.
Còn
quan hệ giữa ông với… bác Hồ cũng thú vị và giống chuyện nạn nhân bão lụt được
thủ tướng “ chia buồn sâu sắc”.
Hồi làm
“lý lịch khoa học” ở Đại học Sư phạm, mục nào ông trả lời ra mục đó. Thí dụ
mục “Thành tích, huân chương”, ông ghi: “1 huân chương độc lập, 7 huân chương
chiến công, 5 lần được Bác Hồ gửi thư khen.”
Cán bộ
tổ chức thấy lý lịch thế này hãi quá, cho người thẩm tra. Thẩm tra chả thấy gì
nên bèn gọi ông lên kiểm điểm, bảo đồng chí Cương sao mà lôi thôi thế, man khai
thành tích, đồng chí chỉ có dăm ba cái bằng khen của Bộ Đại học và Trung học
chuyên nghiệp thôi, sao lại ghi thế này.
Thế là
ông vuốt râu cười khà, bảo rằng tôi đâu có man khai. Ông lý luận rất là toán học:
“Huân chương độc lập, huân chương chiến công Chính phủ tặng quân dân tỉnh Nghệ
An, tôi là dân Nghệ An thì tôi cũng có phần chớ. Còn Bác Hồ 5 lần gửi thư khen
đều ghi: “Gửi quân và dân Nghệ An” thì cũng coi như Bác có gửi thư khen tôi.”
Cán bộ
tổ chức còn gườm gườm con mắt, chừng tìm lý truy vấn thì ông quật luôn: “Nếu
Bác ghi: “Gửi quân và dân tỉnh Nghệ An, trừ thằng Văn Như Cương” thì khi đó các
anh mới bảo tôi man khai.”
Lý luận
đến nước ấy thì cán bộ tổ chức trợn mắt há mồm, không biết nói sao.
Nếu uy
tín của thủ tướng mà cao ngất trời xanh, dám chắc cái công điện chung chung này
cũng sẽ khiến khối anh nạn nhân bão lụt này đi khoe ầm lên: “Chúng mày có biết
không, tao mới được thủ tướng gởi điện chia buồn sâu sắc đấy”!
Trở lại
với thủ tướng, công điện của thủ tướng nêu:
“Dự
báo, đêm nay và ngày mai (04-8), tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ
(Thanh Hoá, Nghệ An) có thể còn tiếp tục có lớn; nguy cơ cao xảy
ra lũ cục bộ, lũ quét và sạt lở đất tại vùng núi.
Để chủ
động ứng phó, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa
phương tập trung chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả bão, mưa lũ.
Đồng thời,
yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hoá và các địa phương tiếp tục rà soát các
khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, khu khai thác
khoáng sản, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán khẩn cấp dân
cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm.”
Tưởng lỡ
miệng một lần rồi thôi, đằng này còn nói đi, nói lại: “chủ động ứng phó -- tập
trung chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả”.
Đã bảo
“có thể còn tiếp tục có lớn” thì có nghĩa là đang
thực sự xảy ra bão lụt lớn rồi.
Cha ông
ta có câu “Nước tới chân mới nhảy” để chê trách hạng người không biết lo xa! Đằng
này nước đã ngập tới bụng, tới cần cổ rồi mà thủ tướng mới gởi công điện yêu cầu
“chủ động ứng phó” và “tiếp tục rà soát”.
Người
ta đang căng mình ra chống bão lụt đâu có thời giờ dư mà đọc mấy cái công điện
vớ vẩn này?
Công điện
viết:
“Tiếp
tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm
những người còn mất tích (bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn).
Tổ chức
thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị chết,
mất tích; hỗ trợ cứu chữa người bị thương. Tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực,
nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói. Kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm
an toàn giao thông, nhất là tại các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở, ngập sâu. Huy
động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường
ngay sau lũ. Chủ động khắc phục hậu quả, tập trung khôi phục công
trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước,
y tế, giáo dục để phục vụ công tác cứu trợ và sinh hoạt cho người dân.”
Đó là
chuyện đương nhiên, chuyện tất yếu mà bất cứ tỉnh huyện “sống chung với bão lụt”
nào cũng phải thuộc lòng, đâu cần phải đợi thủ tướng gởi công điện nhắc?
Mà chuyện
“thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại” thì cũng giống chuyện thưa chào.
Con cái
còn nhỏ, còn tuổi... học cửu chương, ta cần nhắc nhở chúng phải lễ phép thưa
chào khi có khách đến nhà.
Chúng
đã lớn, đã trưởng thành, đã “học tới kỹ sư bác sĩ”, có vợ có con rồi mà
ta cũng phải nhắc “Chào bác Năm, chào chú Tư đi con” hay sao?
Không
biết Thủ tướng dạy con sao, chứ xem cái công điện ông căn dặn mấy ông quan hàng
tỉnh thấy y chang kiểu “nhắc con” vô duyên và thừa thãi này!
Nếu có
gởi công điện giữa lúc tình hình đang “khẩn trương”, thủ tướng chỉ nên gởi để cập
nhật thông tin, thí dụ các nhà khí tượng ta dự đoán bão sẽ chuyển hướng, không
đổ bộ vào tỉnh Quảng Trị mà là phía bắc Quảng Trị và phí nam Quảng Bình.
Người
ta cần biết “9 lần 9 là mấy”, thì thủ tướng cần nói ngay 9 lần 9 là 81.
Đằng
này thủ tướng cứ lằng nhằng chuyện ruồi bu ai cũng biết: 9 lần 1 là 9, 9 lần 2
là 18 bla bla bla…...
Gởi
công điện chỉ để nói những chuyện ruồi bu này thì quả là thủ tướng đang làm trò
mà dân ta diễu là “mang tơi chữa lửa”: trời mưa ầm ầm đến độ anh phải mặc áo
mưa (áo tơi), thế mà cũng bảo là ta đây đi chữa lửa!
Mà thế
nào là “chủ động khắc phục hậu quả”?
Bị cái
gì thì ta phải “khắc phục” cái đó, cái nhà bị sập thì ta dựng lại để ở, con đường
bị lỡ cái cầu bị trôi thì ta phải làm lại, dựng lại mới có để đi.
Mà nếu
họ bỏ bê, không làm gì cả, đợi đọc công điện nhắc nhở của thủ tướng thì mới ra
tay thì đấy là họ “bị động khắc phục”, đâu phải là “chủ động”?
Bão lụt
thì năm nào cũng “diễn biến phức tạp cả” mà không hiểu sao năm này qua năm
khác, việc “chỉ đạo phòng chống bão lụt” của các vị thủ tướng nước ta vẫn đều đều
và vô vị như lối đọc vẹt bảng cửu chương của những đứa trẻ tối dạ còn ở tuổi tắm
truồng, chỉ biết gởi những cái “công điện” ruồi bu nội dung y chang nhau, loại
công điện “biết rồi, khổ quá, nói mãi”, chỉ tổ làm mất thì giờ!
No comments:
Post a Comment