Cao Nguyên
17/08/2019
Vừa qua, Phó giáo sư - tiến sỹ Vũ Văn Phúc, hiện là
Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Cộng sản Trung ương trả lời phỏng
vấn báo chí trong nước về thực trạng nhiều thanh niên ngại xin vào đảng.
Phản bác, phản biện
Có 3 nguyên nhân chính được ông Vũ Văn Phúc nêu ra về
tình trạng thanh niên hiện nay không muốn vào đảng:
Thứ
nhất, “tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở nhận thức về
vấn đề bồi dưỡng quần chúng để kết nạp vào đảng còn chưa thực sự chú trọng. Nhiều
tổ chức, cơ sở Đảng, nhiều chi bộ không quan tâm đến việc kết nạp đảng viên,
nên có những chi bộ mấy năm không kết nạp được đảng viên mới nào.”
Đối với nguyên nhân này, Cát Linh, một nhà hoạt động
xã hội dân sự ở Hà Nội có phản biện:
“Từ lúc bắt đầu đi học, học sinh đã bị bắt gia
nhập vào Đội, Đoàn, phải học về đảng Cộng sản rất nhiều cho tới hết cấp hai, cấp
ba nên có thể thấy công tác tuyên truyền là rất tốt, cả về mặt truyền
thông.”
Thứ
hai, theo lời phó giáo sư- tiến sĩ Vũ Văn Phúc “về đảng
viên, bên cạnh đại bộ phận đảng viên tốt, còn một bộ phận không nhỏ đảng viên
có biểu hiện suy thoái, đặc biệt là đảng viên cấp cao, nhiều đồng chí bị xử lý
kỷ luật, thậm chí có đồng chí bị truy tố hình sự, vào tù. Nhiều thanh niên nhìn
vào đó mà không phấn đấu vào Đảng. Họ băn khoăn vào Đảng mà như những đồng chí ấy
thì vào Đảng làm gì.”
Bạn Minh Phụng, 26 tuổi, hiện đang kinh doanh ở Sài
Gòn nêu ý kiến:
“Đảng viên suy thoái vốn đã nhiều xưa giờ, chẳng
qua bây giờ “thế giới phẳng” nên nhiều người trẻ biết vấn đề hơn thôi.”
Ông Vũ Văn Phúc cho biết thêm trong bài trả lời phỏng
vấn rằng từ năm 2011-2017, đảng Cộng sản Việt nam đã kết nạp hơn 1,4 triệu đảng
viên. Nhưng cũng trong giai đoạn này, có gần 51.000 đảng viên bị kỷ luật xóa
tên, trong đó gần 12.500 đảng viên bị kỷ luật khai trừ.
Kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ ghế Tổng
bí thư, hàng loạt đảng viên bị kỷ luật, khởi tố. Chính Ban Chỉ đạo Trung ương về
phòng chống tham nhũng tại phiên họp thứ 16 nêu rõ tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay
đã thi hành kỷ luật đảng, và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện
Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư Quản lý. Điển hình như là kỷ luật cựu bộ trưởng Thông
tin truyền thông Trương Minh Tuấn liên quan tới vụ MobiFone mua AVG, bắt Vũ
Nhôm, Út Trọc, truy bắt Trịnh Xuân Thanh hay nổi cộm nhất là lần đầu tiên bắt
giam xét xử một uỷ viên Bộ chính trị đương nhiệm Đinh La Thăng.
Thứ
ba, là do bản thân quần chúng, đặc biệt là thanh niên
nhận thức chưa đúng về đảng, về vai trò lãnh đạo của Đảng, của người cán bộ đảng
viên. Động cơ của họ không rõ ràng nên họ không phấn đấu vào Đảng."
Trả lời về nhận định này, bạn Minh Phụng khẳng định “Họ
chán ngán không quan tâm chuyện vào đảng chứ không phải là nhận thức sai.”
Ngoài ra, ông Vũ Văn Phúc cũng phản bác những ý kiến
nói rằng vào đảng sẽ được ưu tiên trong tuyển dụng, học hành. Theo ông, vào Đảng
để phục vụ sự nghiệp cách mạng chung của Đảng, của đất nước, khi đất nước phát
triển thì quyền lợi của từng đảng viên cũng phát triển theo, chứ không phải vào
Đảng để được ưu tiên trong tuyển dụng, đi học nước ngoài.
Nhà hoạt động Cát Linh cũng cho rằng “Nhận định
vào đảng sẽ dễ được thăng tiến hơn không hẳn là đúng vì hiện nay vẫn
có nhiều đảng viên bị oan, có những đảng viên vẫn phải quỳ xuống để
xin được gửi đơn…
Nhưng cũng có những người được thăng tiến rất
nhanh, có lẽ là nhờ mối quan hệ hoặc tiền bạc hay cách nào đó. Hiện
nay nếu muốn vào đảng để được thăng tiến thì cũng phải có gia đình hậu
thuẫn, có cơ sở, có quan hệ, có tiền… Còn những người không
có gì cả vào đảng cũng chỉ để phục vụ họ thôi.”
Không vào đảng vì sợ bị ràng buộc!
Giải thích về thực trạng ngày càng ít thanh niên xin
vào đảng, giảng viên trường Đại học âm nhạc Huế, bà Dương Bích Hà, người
tuyên bố ra khỏi đảng Cộng sản vào năm 2018 nói với RFA:
“Qua một số em sinh viên trình bày, nói chuyện
với mình thì mình thấy các em hầu như cũng rất sợ vào đảng. Bởi
vì có những vấn đề làm cho các em mất lòng tin. Chính vì mất
lòng tin nên các em tránh né, không muốn mình bị bó buộc vào một cái
gì hết.
Các em bàn về vấn đề chính trị rất nhiều nhưng theo
góc nhìn của các em thôi. Có thể các em chưa hiểu biết sâu sắc lắm về các vấn đề
chính trị xã hội, nhưng nhìn thực trạng của xã hội hiện giờ, các
em tuy không dám nói ra nhưng hầu hết đều không muốn vào đảng.”
Nhà
hoạt động trẻ Cát Linh cho biết mình chưa bao giờ
quan tâm đến chuyện xin vào đảng. Tuy nhiên, việc tham gia đảng phái nào là quyền
tự do cá nhân của mỗi người.
“Không hẳn cứ vào đảng mới làm được việc có ích cho
đất nước. Khi mình chưa có mục đích để vào đảng thì cũng không
nên vào làm gì cả.
Những nhà báo hay người hoạt động xã hội
dân như mình thì mục đích là muốn giúp đất nước trở nên tốt đẹp
hơn. Và mình không nghĩ vào đảng sẽ là cách giúp đất nước.”
Mỗi người có một quan điểm riêng
và chuyện tham gia đảng phái nào cũng là tự do của mỗi người.
Quan trọng là những người trong hàng ngũ chính phủ có làm việc tốt
hay không, có mang lại lợi ích cho người dân hay không mà thôi.
Thế nhưng Việt Nam chỉ có duy nhất một đảng
lãnh đạo, mình thấy rằng điều đó sẽ gây ra nhiều bất lợi cho đất nước
này.”
Còn bạn Minh Phụng thẳng thắn nêu quan điểm rằng
chưa bao giờ muốn đứng vào hàng ngũ của đảng Cộng sản, bởi vì đảng viên phải chịu
nhiều ràng buộc:
“Hiện nay thế giới trở nên “phẳng” và cơ hội tiếp
cận quốc tế đã dễ dàng hơn trước rất nhiều dẫn đến việc người trẻ càng
có xu hướng muốn tự khẳng định giá trị bản thân và vươn ra “biển
lớn”.
Nếu tự khẳng định bản thân và vươn ra “biển
lớn” đòi hỏi sự tự do tự tin và bản lĩnh, mà những thứ đó lại
không có được khi vào Đảng.
Nói cách khác vào đảng thì không có tự do
vì bị ràng buộc, không có bản lĩnh vì hèn nhát luồn cúi
và dựa dẫm. Chính điều đó làm thui chột đi bản lĩnh và giá trị bản
thân.”
Bỏ đảng vì mất lòng tin
Bên cạnh tình trạng thanh niên Việt Nam ngày càng e
ngại vào đảng, ngay chính nhiều đảng viên cũng quá thất vọng khi đã đứng trong
hàng ngũ đảng viên Cộng sản.
Bà
Dương Bích Hà chia sẻ với RFA rằng mình từng là một đảng viên nhiệt
huyết, muốn vào đảng để góp sức xây dựng xã hội. Tuy nhiên, càng ngày bà càng
nhận ra rằng đảng là nơi để nhiều người trục lợi cho bản thân. Năm 2018, bà ra
khỏi đảng Cộng sản vì không muốn làm những điều trái với lương tâm:
“Mình xin ra khỏi Đảng còn là vì những con người
xung quanh mình luôn nhân danh Đảng, nhân danh luật để làm bậy.
Từ nhỏ đã là một bí thư Đoàn với
một tinh thần khí thế, luôn luôn muốn đóng góp sức khỏe của thanh niên, muốn
hòa chung với tình hình với cả nước. Hồi đó, suy nghĩ của mình là vào
được đảng cũng tốt và cũng không có những suy nghĩ sâu sắc lắm về
chính trị.
Nhưng đến khi mình vào rồi thì gặp rất nhiều vấn
đề như là bè phái, những người nói một đường làm một nẽo. Những
người có chức có quyền hơn lại thoái hóa và biến chất, họ tìm mọi
cách để chèn ép. Mình nhận ra một vấn đề là ở ngoài xã hội
tất cả những người làm bậy đều là đảng viên cả.”
Bà Dương Bích Hà nêu ra thực tế bị những đảng viên
nhân danh tổ chức ép bà phải làm những điều mà theo bà là trái lương tâm. Bản
thân bà nhận thấy nếu tiếp tục ở trong đảng thì sẽ không làm được gì hết và
không thể bày tỏ được chính kiến của bản thân.
Bà phân tích rằng khẩu hiệu khi vào đảng là
"phê bình và tự phê bình" thật là hay; nhưng khi thực hiện lại nhằm để
trù dập. Những người lên tiếng nói lên sự thật luôn luôn bị o ép.
Chính vì mất lòng tin bà Hà ra khỏi đảng. Thế nhưng
việc từ bỏ đảng cũng không phải dễ dàng gì như trong trường hợp của bà:
“Khi đã xin ra khỏi đảng rồi thì biết
bao nhiêu người bên tỉnh ủy đã gặp vận động mình rút đơn. Họ còn
doạ mình đủ thứ, động đến quyền lợi của con cái mình, nói đủ chuyện nhưng
mình vẫn dứt khoát chấp nhận ra khỏi đảng.
Sau khi họ thấy không khuyên mình rút đơn được nên
phải chấp nhận cho mình ra đảngnhưng lại đưa ra một quyết định nói rằng
mình là người vô tổ chức, ý thức kỷ luật kém. Vì vậy, mình lại càng mất
lòng tin vào Đảng.”
Giảng viên Bích Hà là một trong trong số gần 20 người
tuyên bố rời bỏ đảng Cộng sản sau sự kiện ông Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ
Khoa học - Công nghệ, Giám đốc kiêm Tổng Biên Tập Nhà xuất bản Tri thức bị Ban
Kiểm Tra Trung ương Đảng Cộng sản đề nghị kỷ luật vào năm 2018.
Suốt từ năm 2011 đến nay, đã có nhiều lần các đảng
viên, trí thức ở Việt Nam bỏ đảng như luật gia Lê Hiếu Đằng, nhà báo độc lập Phạm
Chí Dũng và bác sĩ Nguyễn Đắc Diên. Năm 2013, Nghệ sỹ ưu tú Kim Chi cũng tuyên
bố ra khỏi Đảng.
Vào tháng 12/2017, ông Tổng bí thư, chủ tịch nước Việt
Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu ở Hải Phòng về nhu cầu thúc đẩy công tác xây dựng
Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Ông Trọng yêu cầu Đoàn cần giáo dục thanh
niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu
tranh ngăn chặn, phản bác thông tin sai trái, chống phá xuyên tạc của các thế lực
thù địch, nhất là trên mạng xã hội, "tránh tình trạng nhạt Đảng, khô Đoàn,
xa rời chính trị".
Đó là lối nói ‘văn vẻ’ của ông Nguyễn Phú Trọng;
trong thực tế đã lâu nay hầu hết những người trẻ ở Việt Nam còn cam tâm phấn đấu
tham gia đảng từ những nấc đầu tiên đều chỉ vì danh lợi cá nhân.
-----------------------
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment