Saturday, 24 September 2016

TRUYỀN THÔNG MẠNG ĐANG ĐI TRƯỚC BÁO CHÍ (Quốc Phương - BBC)




Quốc Phương
BBC Việt ngữ
24 tháng 9 2016

Truyền thông mạng xã hội, truyền thông 'lề dân' hay 'lề trái' đang 'đi trước' báo chí chính thống của nhà nước và loại hình truyền thông này thực sự đang phát huy được sức mạnh 'giám sát, phản biện', theo ý kiến của chuyên gia và khách mời Bàn tròn trực tuyến của BBC.

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng cho rằng truyền thông mạng đang phát huy được sức mạnh giám sát và phản biện của mình và ngày càng phát triển rộng rãi.

Trao đổi với Bàn tròn thứ Năm về chủ đề 'Truyền thông dân và phản ứng quan' hôm 22/9/2016, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) từ Hà Nội, nói:

"Mạng xã hội ngày nay đang ngày càng trở thành một kênh thông tin để cho các vị lãnh đạo, các cơ quan thực thi công vụ, những cơ quan công quyền của nhà nước tham khảo, nó càng ngày càng trở nên một kênh thông tin để tham khảo và hành động.
"Việc hai vị bí thư ở hai tỉnh phải có phản hồi ngay lại dư luận ở trên mạng xã hội bắt đầu phản ánh việc các vị hành động, cũng như chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có phản hồi lại dư luận xã hội trên mạng về đoàn xe hộ tống của Thủ tướng đi vào Hội An cho thấy không chỉ là nghe...
"Tôi tin rằng từ trước đến bây giờ nguồn thông tin ở trên mạng vẫn được tham khảo, vẫn được nghiên cứu, có thể nói rất là kỹ, nhưng để phản hồi, để có những hành động, thì bắt đầu từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tiếp đây là hai ông bí thư với tư cách là những vị lãnh đạo cấp cao.
"Ngoài ra, mạng xã hội cũng là nguồn thông tin mà tôi thấy hiện nay rất thú vị ở chỗ rằng những thông tin từ mạng xã hội lại đi trước báo chí và nó trở thành nguồn dinh dưỡng, hay nguồn cung cấp thức ăn rất phong phú cho báo chí.
"Nhiều khi báo chí lại đến sau mạng xã hội. Ví dụ như chuyện chở tử thi ở Sơn La chẳng hạn, có một ai đó chụp được một cái ảnh đưa lên và lúc đó báo chí đưa vào và mạng xã hội cũng lên tiếng rất là mạnh mẽ và cuối cùng chính quyền tỉnh Sơn La, Bệnh viện Lao ở tỉnh Sơn La và ngành y tế đã phải vào cuộc.
"Tôi thấy rằng mạng xã hội hiện nay thực sự đang phát huy được sức mạnh của nó, sức mạnh giám sát, sức mạnh phản biện, sức mạnh cung cấp thông tin và chia sẻ thông tin ngày càng rộng rãi hơn và tôi cũng xin chia sẻ với nhà báo Trương Duy Nhất cũng như chị Mạc Việt Hồng (khách mời tại Bàn tròn) rằng chính quyền, các nhà lãnh đạo đã bắt đầu có những phản hồi tích cực hơn với những thông tin từ mạng xã hội.

"Bằng chứng là việc hai ông Bí thư (Tỉnh ủy) phải thanh minh, rồi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý xin lỗi việc làm của đoàn xe hộ tống của ông, cho thấy rằng bây giờ không phải lúc người ta có thể bỏ qua mạng xã hội nữa rồi, mà phải sử dụng nó, đấy là một cách phản ứng rất thông minh, một cách phản ứng rất sáng suốt, tôi cho là như vậy," Tiến sỹ Xã hội học Khuất Thu Hồng nói với BBC.

'Chuyên nghiệp hơn nhiều'

Phóng viên Lan Phương của BBC cho rằng chất lượng của truyền thông mạng nói chung đã được nâng cao rất nhiều.

Phóng viên Lan Phương của BBC Việt ngữ từ Bangkok, trong tư cách khách mời, chia sẻ với Bàn tròn một nhận định về chất lượng của truyền thông mạng xã hội ở Việt Nam:

"Lý do mà các quan chức (Việt Nam) đã phản hồi rất nhanh trước sự kiện này cho thấy có một yếu tố mà chúng ta quên nhắc đến đó là trình độ của chính độc giả và những người tạo ra thông tin trên mạng đã tăng lên rất nhiều so với trước đây.
"Có thể lấy một ví dụ là trước đây chúng ta đọc thấy một tin trên mạng xã hội thì nó có thể chỉ là một vài cái hình, có rất nhiều cảm tính, bình luận, vì tôi nghĩ rằng người đọc và người tạo thông tin trên mạng xã hội thời điểm đó chắc chắn ban đầu không phải là những nhà báo chuyên nghiệp.
"Họ viết một cách bản năng, viết những cảm giác của họ và họ chưa thuyết phục được độc giả vào thời điểm đó, nhưng đến thời điểm này họ đã càng ngày càng chuyên nghiệp hơn.
"Ví dụ, khi một sự việc nào đó xảy ra thì họ bật máy và làm 'live-stream' (trực tiếp), sau đó họ gọi điện đến các cơ quan để xác minh, sau đó họ đối chiếu thông tin với những trang chính thức của chính phủ.
"Tôi lấy ví dụ việc ông Bí thư Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh, có nhiều người thân làm các vị trí, thì các trang đó đã đi tìm thông tin của ông ở trên các trang chính thức của nhà nước, sau đó họ đối chiếu lại rồi mới đăng bài.
"Tức là họ có đi qua quá trình xử lý thông tin như nhà báo chúng tôi, họ không còn dừng lại ở mức mô tả thông tin nữa, họ đã xử lý thông tin. Rồi lấy ví dụ ông Nguyễn Xuân Phúc đi vào phố cổ, rất nhiều ý kiến nói là Thủ tướng 'trăm công, nghìn việc' nên không thể đi bộ vào được.

"Thế nhưng có những người đã đo khoảng cách con phố đó để nói rằng con phố đó rất là ngắn và lẽ ra để tỏ ra văn minh thì Thủ tướng có thể đi bộ vào. Thế tức là sự phản biện của cư dân mạng đã tăng trình độ, điều đó khiến cho nhà nước cảm thấy rằng không thể nào dừng ở mức độ im lặng được nữa.
"Và họ phản ứng lại, họ đang đối thoại với những thông tin ngày càng có uy tín hơn, chứ không phải là đối thoại như những cuộc tranh cãi lộn xộn ở ngoại chợ ngày trước nữa," nhà báo Lan Phương nói với Tọa đàm.

Tác động xã hội

Nhà báo Mạc Việt Hồng cho rằng truyền thông mạng xã dù ở mô hình xã họi nào cũng đều có những tác động tích cực. MAC VIET HONG

Từ Warsaw, thủ đô Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồng bình luận với bàn tròn về vai trò và tác động xã hội của truyền thông mạng xã hội ở nước này, bà nói:

"Tôi nghĩ rằng mạng xã hội này đối với bất kỳ nước nào, tùy theo mô hình chính trị của mỗi nước có thể có những tác động khác nhau, nhưng ở bất kỳ mô hình xã hội nào thì nó đều có những tác động tích cực nhất định.
"Ở Ba Lan, người ta có quyền tự do hội họp, tự do biểu tình, có điều gì đó bất bình với chính phủ, gần đây nhất là cuộc 140 nghìn người kéo đi biểu tình, thì những cuộc biểu tình đó người ta đều hô hào trên mạng xã hội.
"Và cái đó mạng xã hội có thể biến thành các cuộc biểu tình, ở Việt Nam quyền biểu bình vẫn còn bị ngăn chặn, cho nên mạng xã hội ở một mặt nào đó chưa có một tác động trực tiếp như đối với ở Ba Lan mà chỉ sau một cuộc kêu gọi, chỉ sau một, hai, ba ngày, một trăm nghìn người có thể xuống đường ngay.

"Ở Việt Nam, vì những lý do mà ai cũng biết, chúng ta chưa thể có được những sự kiện như thế," nhà báo Mạc Việt Hồng nói với BBC.

Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất đánh giá cao hành động phản hồi mạng xã hội của các quan chức ở Việt Nam mới đây.

Cũng tại cuộc Tọa đàm, nhà báo Trương Duy Nhất cho hay ông đánh giá cao hành động của các quan chức ở Việt Nam khi họ có phản hồi với mạng xã hội, ông nói:

"Tôi đánh giá cao sự phản ứng trả lời lại của phía các quan chức, bởi vì nếu anh không trả lời, anh tạo một hình ảnh xấu, hành vi xấu cho các quan chức đó.
"Ví dụ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc..., nếu mà ông không trả lời chuyện đó, thì nó tạo ra một hình ảnh rất xấu của Thủ tướng, nhưng khi ông chọn cách đối thoại như thế, thì ông lại lấy điểm rất nhanh và lấy điểm rất sáng trong cách nhìn của người dân, của bạn đọc."

Nhân đây, blogger từ Đà Nẵng cũng đưa ra một bình luận mang tính so sánh giữa tính chất của truyền thông mạng xã hội và báo chí chính thống nhà nước qua một sự kiện thời sự là vụ xét xử phúc thẩm blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và động sự:
"Ngày nay đang xét xử Ba Sàm, thì có một câu nhận định là báo chí chính thống toàn nói chuyện Ba Sàm, nhưng trang Ba Sàm thì toàn nói chuyện chính thống," nhà báo Trương Duy Nhất nói với BBC.





No comments:

Post a Comment

View My Stats