Thursday, 29 September 2016

MỘT CUỘC "THANH TRỪNG" TRONG ĐẢNG Ở VIỆT NAM ? (VOA Tiếng Việt)




29.09.2016

Một loạt các tin tức tiêu cực về bí thư các cấp ở Việt Nam, cả trên báo chính thống lẫn mạng xã hội thời gian qua, “dẫn tới nhiều đồn đoán và bất an trong xã hội” về khả năng “mất kiểm soát” trong Đảng Cộng sản, các nhà quan sát cho biết.

Mới nhất, báo chí Việt Nam hôm 26/9 đưa tin rằng, một bí thư xã ở tỉnh miền trung Quảng Nam đã bị cách chức vì “quan hệ bất chính” và “ngoài luồng” với nữ cán bộ đoàn.

Một ngày trước đó, bí thư huyện đảo Lý Sơn Nguyễn Viết Vy, được coi là trẻ nhất tỉnh Quảng Ngãi, phải đính chính qua tờ Tiền Phong rằng ông “không phải con ông cháu cha” như những lời đồn thổi.

Trước đó ít ngày, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa phải lên tiếng bác bỏ thông tin đồn đoán trên mạng xã hội về việc ông “có bồ nhí” và nói rằng đó là “một sự vu khống trắng trợn”.

Nếu tìm kiếm chữ “bí thư” trên trang Google xuất hiện 14 triệu kết quả tìm kiếm cả trên trang chính thống lẫn “lề trái” trong vài chục giây.

Trước các thông tin liên tục xuất hiện về những người đứng đầu đảng ở các cấp địa phương, giáo sư Tương Lai nói với VOA Việt Ngữ:

“Đất nước đối diện với những vấn đề quá bất bình thường. Một trận địa tư tưởng bị rối loạn nó phản ánh một cái gì? Phản ánh rằng cái đảng này mất kiểm soát. Cái nước này mất kiểm soát. Và vì vậy nó gây nên một nỗi bất an trong dân rất rõ ràng”.

Nguyên cố vấn cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu dẫn chứng về vụ nổ súng ở Yên Bái, làm bí thư và chủ tịch tỉnh này thiệt mạng.

Giáo sư Tương Lai nói thêm:

“Nhưng mà, sau đó, không hề có một giải thích nhất quán, công khai minh bạch. Nếu như mà có một kết luận rõ ràng, thì sẽ khiến cho dư luận không bàn tán thêm tiếp rằng đây là nội bộ đảng thanh trừng lẫn nhau, và lần này, phải giở tới súng”.

Hồi giữa tháng này, Yên Bái đã bầu nữ bí thư tỉnh ủy đầu tiên lên thay ông Phạm Duy Cường, nạn nhân của vụ xả súng, trong khi chính quyền trong nước vẫn chưa thông tin thêm về vụ việc.

Nhà quan sát về tình hình chính sự ở Việt Nam này cũng nêu các vụ Formosa, ông Trịnh Xuân Thanh và vụ nhà máy thép Tôn Hoa Sen để làm dẫn chứng cho “trận địa tư tưởng bị rối loạn đó”.


Ông Thanh hiện bị truy nã quốc tế sau khi bỏ trốn trong bối cảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao cho các cơ quan liên quan “kiểm tra, xem xét, và kết luận” thông tin liên quan tới Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhất là vụ xe sang trị giá nhiều tỷ đồng.

'Lái' dư luận?

Anh Nguyễn Đình Hà, một người từng chạy đua vào Quốc hội Việt Nam trên danh nghĩa ứng viên độc lập, nói với VOA Việt Ngữ về các thông tin liên quan tới nhiều “bí thư” ở trong nước thời gian qua:

 “Chúng ta đã biết, nền báo chí Việt Nam chịu sự giám sát, quản lý rất là chặt của Ban Tuyên giáo các cấp cũng như là hệ thống kiểm duyệt rất là chặt chẽ. Tôi thấy rằng không thể nào có sự tự nhiên, bỗng nhiên có thông tin đó tuồn ra cho báo chí, và cũng không bỗng nhiên báo chí được đăng như thế".

Nhà hoạt động xã hội này nói tiếp:

"Tôi nghĩ rằng đó là sự ẩn ý nào đó, chiêu trò, cuộc đấu đá hay là liên quan tới động cơ chính trị nào đó đằng sau các bài viết này. Và nó có thể là một sự đấu đá ở bên trong nội bộ cơ quan của đảng”.

Anh Hà nói thêm rằng trong xã hội Việt Nam “hiện đang có rất nhiều câu chuyện nóng bỏng khác so với câu chuyện bí thư này, mà người ta muốn sử dụng các câu chuyện này để kéo dư luận sang hướng khác”.

Nhà hoạt động xã hội này lấy ví dụ về chuyện người dân Nghệ An “kéo vào Hà Tĩnh để nộp đơn kiện Formosa” trong khi theo anh, “báo chí chính thống đưa tin rất là ít”.

Khi được hỏi là liệu phải chăng xảy ra nhiều vụ việc liên quan tới các bí thư cấp dưới nên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới lần đầu tiên tham gia đảng ủy công an Việt Nam để theo lời một số nhà quan sát để “thị uy”, giáo sư Tương Lai nói rằng “cũng nhiều người phân tích như thế”.

Ông nói thêm:

“Đấy là một nước cờ rất thấp, để tự minh chứng rằng tôi là tổng bí thư, nhưng nếu tôi không trực tiếp vào đảng ủy công an, thì tôi không thể nào điều hành được các anh, thì tôi phải nhảy vào”.

VOA Việt Ngữ không thể liên hệ phỏng vấn đại diện chính quyền Việt Nam để hỏi phản ứng về các ý kiến trái chiều trên mạng.

Tuy nhiên, quan chức Việt Nam từng một số lần kêu gọi cảnh giác và xử lý các trang “xấu, độc” trên Internet.




No comments:

Post a Comment

View My Stats