Saturday 30 July 2016

HILLARY CLINTON : CHÔNG GAI TRÊN CON ĐƯỜNG VÀO TÒA BẠCH ỐC (Mai Vân - RFI)





Mai Vân  -  RFI
Đăng ngày 30-07-2016 

Cùng với nạn khủng bố ở Pháp, cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ với việc đảng Dân Chủ chính thức đề cử ứng viên Hillary Clinton, là hai hồ sơ nóng bỏng được các tạp chí tuần này dành tựa trang bìa : Với tấm ảnh gương mặt tươi cười của Hillary Clinton, l'Obs chạy dòng tựa « Hillary Clinton, một câu chuyện Mỹ ». L’Express đăng ảnh cả gia đình Bill, Hillary, Chelsea Clinton và một tít ngắn gọn : Dynasty (Triều Đại/Dòng tộc), mô phỏng tựa một bộ phim truyền hình trước đây.


Về bầu cử Mỹ, tạp chí L’Obs đã dành cả 10 trang trong cho hồ sơ này, mở đầu với bài báo tựa đề : « Sự phục hận của một người phụ nữ ». Tác giả bài báo, Philippe Boulet-Gercourt, thông tín viên của l’Obs ở Hoa Kỳ, ghi nhận là bà Hillary đã hy vọng và chờ đợi ngày này trong suốt 25 năm qua. Tạp chí điểm lại quá trình của ứng viên tổng thống đảng Dân Chủ : Luật sư có tầm cỡ, đệ nhất phu nhân bị cắm sừng, thượng nghị sĩ có uy tín, ứng viên tổng thống hụt, ngoại trưởng và bây giờ thì đi lại con đường ứng cử viên.

Đối với l’Obs, con đường trước mắt của Hillary Clinton cũng không dễ dàng, liệu bà có thể đánh bại một đối thủ mị dân như Donald Trump để cuối cùng vào được Nhà Trắng hay không ? Tác giả bài báo không chút nghi ngờ về việc bà Hillary sẽ là một tổng thống tốt, đây cũng là hình ảnh mà bà cố đưa ra cho cử tri Mỹ thấy. Tác giả bài viết cũng cố tìm hiểu xem bà sẽ đề nghị những gì cho người dân Mỹ.

Trả lời câu hỏi này trong bài tiếp theo mang tựa đề : « Bà sẽ làm gì nếu thắng ? », thông tín viên của tuần báo Pháp cho là nữ tổng thống Clinton sẽ hợp thức hóa hàng triệu người nhập cư không giấy tờ, cải thiện đời sống tầng lớp trung bình và cải tổ thị trường Wall Street. Về mặt đối ngoại bà sẽ can thiệp nhiều hơn là Obama, vì bà tin tưởng vào sứ mệnh của Hoa Kỳ, đúng theo quan điểm chính thống của đảng Dân Chủ.

Tạp chí L’Obs cuối cùng nhìn lại ‘cỗ máy’ vận động tranh cử của bà Clinton, hiện đồ sộ hơn nhiều so với ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump : Về tài chính bà Clinton đã thu hoạch được 314 triệu đô la và đã chi ra 225 triệu đô la, trong khi Donald Trump chỉ có 64 triệu ; ban vận động của bà Clinton có đến 684 nhân viên trong khi Trump chỉ có 66 người. Về quảng cáo thì bà Hillary chi ra 57 triệu đô la, hơn gần gấp 20 lần ông Trump với 3,6 triệu. Quảng cáo trên internet cũng vậy, bà Clinton đã xài đến 35 triệu, ông Trump chỉ vỏn vẹn 1 triệu, nhưng ông lại hữu hiệu trên các mạng xã hội.

Trong giới ủng hộ bà Clinton, L’Obs còn ghi nhận vô số nghệ sĩ nổi tiếng, từ các danh ca như Beyoncé, Stevie Wonder… cho đến các ngôi sao màn bạc dấn thân như George Clooney, Leonardo Dicaprio v.v… L’Obs trích tờ New York Times cho là dù thế cơ may thắng cử của bà Hillary Clinton là 76%.

Tại sao Hillary Clinton lại bị nhiều người ghét bỏ?

Tạp chí L’Express cũng dành trang bìa và 10 trang trong cho thời sự Mỹ, nói về cả gia đình Clinton dưới dòng tựa tiếng Anh « Dynasty » tức là Triều Đại, mô phỏng tựa một bộ phim truyền hình nhiều tập trước đây. Tạp chí cũng rất chú ý đến cỗ máy vận động tranh cử của bà Hillary Clinton.

Nhận định đầu tiên của tạp chí L’Express là được đảng Dân Chủ đề cử, nguyên đệ nhất phu nhân đang tiến những bước lớn đến ngôi vị tổng thống. Đây là kết quả của một cao vọng mãnh liệt, một quyết tâm tuyệt đối. Từ Bill cho đến Chelsea, cả gia đình đã đóng góp cho sự chinh phục quyền lực này.

Nhưng theo quan điểm của L’Express, là phụ nữ đầu tiên, ứng viên của một đảng lớn vào chiếc ghế tổng thống Hoa Kỳ, con đường của Hillary Clinton đến với dân chúng Mỹ còn dài, trong việc này Donald Trump là một đối thủ đáng gờm. Bà Hillary đã vượt qua mọi chướng ngại ngoại trừ việc không mấy được cảm tình. L’Express rất thắc mắc và tìm hiểu “tại sao bà Hillary bị thù ghét như thế”, qua bài viết của Célia Belin.

Bài viết nêu một thực tế : sự kiện mang tính lịch sử như thế, phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ được đề cử ứng viên tổng thống, lại không được đón mừng đúng với tầm vóc của nó, không như lúc Barack Obama được đề cử. Người dân có vẻ thờ ơ lạnh nhạt, có người còn ghét bỏ ra mặt.

Dĩ nhiên cũng có người ngưỡng mộ nhưng bà Clinton không thu phục được nhân tâm và có nguy cơ bà bị đối thủ thô kệch Donald Trump đánh bại vào giờ phút chót. Theo cuộc thăm dò CBS/ New York Times, thì ứng viên Hillary và Donald Trump đều được bằng nhau 40% dự định bầu, 8% cho biết là không biết bầu cho ai và 7% nói thẳng là không đi bầu. Đây là một tỷ lệ rất cao.

Ở Pháp, theo tác giả bài viết người ta thường cho là cuộc bỏ phiếu vào tháng 11/2016 có thể xem là một cuộc trưng cầu dân ý đối với ông Trump nhưng thật ra nó sẽ là một cuộc trưng cầu đối với bà Hillary, và nếu bà thất bại đó là do hình ảnh rất xấu khó thể gột rửa đi trong tâm khảm người Mỹ. Họ xem bà là một người nói dối, không trung thực, không liêm chính, thủ đoạn, trong lòng một hệ thống mà bà hiểu biết rất rõ và chỉ biết lo cho quyền lợi cá nhân mà thôi. Chỉ 37% tin tưởng bà trong lúc 45% đánh giá Donald Trump đáng tin cậy.
Nhận định trên không phải chỉ mới đây, và càng lúc càng nghiêm trọng thêm sau những vụ tai tiếng từ lúc gia đình Clinton vào Nhà Trắng, rồi đến những sự cố trong lúc bà làm ngoại trưởng.

Tác giả bài báo cho là người Mỹ có định kiến đối với người phụ nữ đã công khai cho thấy tham vọng quyền lực. Có một yếu tố tâm lý trong sự ghét bỏ này: trong suốt 25 năm qua, bà là nhân vật nổi tiếng luôn được đề cập đến, và người ta rất thích có ý kiến về một nhân vật như thế, nhất là thích chê bai.

L’Express trích bài viết trên tờ New York Times, năm 1996, tựa đề ‘ghét bỏ Hillary’ đã nhận định từ thời ấy: “Cũng như các cuộc đua ngựa, ghét bỏ Hillary đã trở thành một trong những thú tiêu khiển của cả nước, liên kết giới ưu tú và quần chúng".

Bài báo kết luận bằng nghịch lý, khi bà đảm trách công việc thì bà rất được tán thưởng, nhưng khi bà vận động tranh cử thì sự ghét bỏ lại bùng nổ. Và bà rất có thể bị trừng phạt về tham vọng quyền lực của bà và không được chọn vào tháng 11 tới. Nhưng điều mỉa mai của lịch sử có thể là nếu bà Hillary vẫn đắc cử, thì nước Mỹ lại sẽ rất tự hào hoan nghênh người nữ tổng thống đầu tiên của mình

Một nghề mới tại Mỹ : Cung cấp đám đông
Liên quan đến Mỹ, Courrier International tuần này đã chú ý đến một sự kiện xã hội độc đáo trong bài mang tựa đề : « Nghề nghiệp : Bán đám đông ». Trích đăng một bài trên Tạp chí Mỹ The California Sunday Magazine, Courrier International ghi nhận : Tại Mỹ, một công ty đã lao vào dịch vụ cung cấp diễn viên quần chúng, nhưng không phải cho các nhà làm phim, mà là cho những ai cần đến đám đông. Trong một số trường hợp, các diễn viên này đóng vai người biểu tình, trong những trường hợp khác, họ trở thành nhà báo hay fan của những người nổi tiếng.
Bài báo là kết quả điều tra của một ký giả của tạp chí Mỹ, đã xin vào làm việc tại công ty cung cấp dịch vụ đó để tìm hiểu. Công ty này có tên rất cụ thể Crowds on Demand – tạm dịch là Đám Đông Theo Yêu Cầu. Khi cần đến một đám đông nào đó, bất kể vì mục đích gì, một khách hàng có thể yêu cầu công ty này cung cấp. Ký giả của tạp chi Mỹ được trả lương 15 đô la một giờ.
Theo tờ báo, Adam Swart, giám đốc Crowds on Demand đã thành lập công ty của anh khi còn là một sinh viên 21 tuổi. Từng làm việc không công cho ban vận động tranh cử của ông Jerry Brown vào chức Thống Đốc bang California năm 2010, Adam Swart đã sớm nhận thấy rằng rất khó mà tập hợp được đông đảo người đến tham gia một cuộc mít tinh tranh cử.
Từ đó, anh nghĩ đến việc thành lập một công ty chuyên lo việc cung cấp đám đông, mà đối tượng khách hàng chủ yếu là các ban vận động bầu cử. Thế nhưng ngay sau khi hoạt động, công ty này đã được mời cung cấp đám đông để làm nhiều việc không ngờ đến.
Dĩ nhiên, công ty từng được thuê để cung cấp đám đông đi dự mít tinh ủng hộ một ứng cử viên nào đó, nhưng cũng đã được thuê cử người đến chống lại một ứng viên. Theo Adam Swart, khi một ứng viên tập hợp được 500 người ủng hộ đến nghe ông ta tại một nơi nào đó, công ty anh chỉ cần phái 5 người đến cầm biển, la ó trước cửa phòng họp, là lập tức thu hút được sự chú ý của truyền thông.
Theo bài báo, công ty Crowds on Demand đã từng được giới thân cận của một lãnh đạo nước ngoài rất nổi tiếng nhưng gây tranh cãi, thuê để bố trí tại khu cao ốc Manhattan ở New York, một số « cảm tình viên », mang theo cờ xí và biểu ngữ ủng hộ nhân vật này. Mục tiêu là giúp nhà lãnh đạo này – vốn không biết gì về vụ thuê người ủng hộ - tự tin hơn trước khi đọc một diễn văn quan trọng.
Bên cạnh đó còn có những đám đông được cử đi ủng hộ một nghệ sĩ Đan Mạch, đến bày tỏ thái độ bất mãn trước các đại lý bán xe hơi, các văn phòng luật sư, các nhà hàng…Một câu hỏi : Phải chăng ai bỏ tiền ra cũng có thể thuê dịch vụ của công ty Crowds on Demand ? Trên vấn đề này, nhà sáng lập công ty đã trả lời không bằng cách nêu ví dụ về tổ chức kỳ thị người da đen khét tiếng tại Mỹ : « Thưa quý ông của Ku Klux Klan ! Rất tiếc chúng tôi sẽ không cử đám đông đến phục vụ quý ông ».

Kiến trúc Pháp năng động tại Trung Quốc
Về Châu Á tuần này, tạp chí Le Point rất tự hào về « người Pháp rất năng động ở Trung Quốc ». Qua 5 trang báo, kèm theo nhiều hình ảnh, tạp chí giới thiệu những công trình kiến trúc ngoạn mục : Trước tiên là trung tâm hàng miễn thuế, hình dáng chiếc hoa begonia ngoạn mục ở Tam Á (Sanya), trên đảo Hải Nam, do Valode & Pistre thiết kế. Đây là cửa hàng miễn thuế (duty free) lớn nhất thế giới, trải rộng trên 120.000 mét vuông, với 300 cửa hàng trưng bày 100.000 sản phẩm, cao 5 tầng, kế đến là bệnh viện ở Thẩm Quyến, 100.000 mét vuông, cũng do Valode & Pistre thực hiện và sẽ được giao vào cuối 2016.
Bên cạnh những công trình vừa kể còn có nào là viện bảo tàng ở Bắc Kinh, ở Lhassa Tây Tạng, nhà máy thuốc lá ở Thượng Hải, Trung Tâm Văn Hóa ở Tế Nam, diện tích hơn 300.000 mét vuông, nhà ga Thanh Đảo, Thượng Hải, Bắc Kinh… Theo Le Point, Pháp đang xuất khẩu tài năng xây dựng sang Trung Quốc.

Mì ăn liền tiến vào vũ trụ
Bên cạnh tài năng của Pháp xuất sang Trung Quốc, Le Point chú ý đến một « tài năng khác » đã chinh phục thế giới, nhưng trong một địa hạt khác - ẩm thực - và xuất xứ từ Nhật : Mì ăn liền. Với đề tựa « Chúa tể của mì », bài báo đã giới thiệu công ty kiểu gia đình, Nissin, đã chinh phục hành tinh như thế nào với loại mì ăn liền đủ hương vị.
Theo tác giả bài báo, loại mì ăn liền này và công ty Nissin được ông Momofuku Ando cho ra đời từ năm 1958. Và ở Yokohama hiện nay có cả một viện bảo tàng mì ăn liền với cả trăm loại hương vị khác nhau, và đây là nơi mà học sinh rất thích đến viếng, vì có thể tự mình pha trộn những hương vị tùy thích.
Nissin, công ty đầu tiên bán mì ăn liền từ cuối thập niên 1950, từ một công ty nhỏ, đã vươn lên thành cả một ‘đế chế’ mì ăn liền với doanh số hàng năm khoảng 3,9 tỷ euro, và hiện sử dụng khoảng 11.200 nhân viên. Công thức làm mì ăn liền Nissin tất nhiên được bảo vệ rất cẩn mật.
Tác giả bài báo trên Le Point cũng lần mò tìm hiểu bối cảnh ra đời của mì Nissin cho biết, ông Momofuku Ando, thật ra sinh ở Đài Loan, mất cha mẹ lúc 10 tuổi, và được ông bà nuôi nấng. Cũng như người ông đến Nhật vào năm 1933 và có một cửa hiệu bán áo kimono, Momofuku Ando lao vào kinh doanh vải sợi. Nhưng vào thời Đệ Nhị Thế Chiến, khi chiến tranh nổ ra với hệ quả là đời sống khổ cực, với những lúc mỏi mòn chờ đợi trước những quầy bán mì, ông cho là phải nghĩ cách đáp ứng nhu cầu ăn mì này của người Nhật một cách đơn giản và nhanh nhất.
Ông đã thuê một căn nhà nhỏ bằng gỗ làm phòng thử nghiệm và làm việc ngày đêm không ngơi nghỉ. Điều mà ông tìm là phương thức làm khô sợi mì, để rồi làm nở ra trở lại trong nước nóng và có thể... ăn liền. Sau nhiều lần thất bại, ông đã tình cờ tìm ra giải pháp nhờ bà vợ của ông. Ông đã tìm ra phương thức khi nhìn vợ chiên tôm lăn bột – tempura : mì chiên trong dầu ở nhiệt độ thấp sẽ khô đi và nở ra một khi cho vào nước sôi, và có thể ăn được rất nhanh.
Tháng 8/1958, những gói mì ăn liền đầu tiên được bày bán. Ông Momofuku Ando xem như thế đã đáp ứng đúng mong muốn của người Nhật. Dĩ nhiên là Nissin cũng nhanh chóng có nhiều đối thủ cạnh tranh. Qua đầu thập niên 70, Nissin kề cận phá sản, đã phải sa thải gần một nửa nhân viên. Ông Momofuku Ando tìm cách ứng phó với một sáng kiến mới : mì đựng trong ly, được tung ra năm 1971, với quảng cáo : chỉ cần 3 phút thôi là mì sẵn sàng. Ly mì trông rất đẹp và hấp dẫn, có dáng vẻ hàng cao cấp.
Trước khi chết vào tháng Giêng 2007, lúc ông được 96 tuổi, Momofuku Ando giới thiệu với báo chí một sáng kiến khác của Nissin : mì ăn liền cho phi hành gia, dùng cho các phi hành gia Nhật làm việc ở trạm không gian quốc tế. 
Theo bài báo, mì ăn liền Nissin được bán ở 80 quốc gia, 70% doanh thu của tập đoàn là ở ngoài nước Nhật. Nissin có cơ sở sản xuất ở nhiều quốc gia : từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Việt Nam, cho đến Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Nga.

Trang bìa tuần báo Pháp
Như nói ở trên, ngoài trang bìa trên L’Obs và L’Express dành cho cuộc bầu cử Mỹ, Le Point đã dành ảnh trang bìa cho cha Jacques Hamel, người đã bị hạ sát ngay trong nhà thờ Saint -Etienne –du- Rouvray, ngày 26/07/2016, và nhắc lại một cách chua xót trong hàng tựa, lời của cha Hamel từng nói : « Thế giới của chúng ta rất cần đến hy vọng ».
Riêng Courrier International, với trang bìa nói về sự phát triển của các siêu đô thị, những cỗ máy mới của kinh tế thế giới, đã nhận thấy là « các đô thị đang chiếm lĩnh quyền hành », chủ yếu là thành phố tại các nước đang phát triển như Thẩm Quyến (Trung Quốc), Kinshasa (Congo), Mêhicô…







No comments:

Post a Comment

View My Stats