Saturday 30 July 2016

BỒI BÚT. TẠI SAO BỒI BÚT? HIỆN NAY CÓ BỒI BÚT? (FB Nguyễn Đình Bổn)






Anh Phạm Quang Tuấn, một người quen của tôi có nhiều còm trong các status về những nhân vật lịch sử là nghệ sĩ, anh cho rằng không nên nguyển rủa hay mỉa mai họ, vì như anh viết: "Tai sao những chế độ dân chủ thì không có bồi bút? Chỉ độc tài là có bồi bút, và CS là nhiều bồi bút hơn hết! Điều đó đã được chứng minh suốt 100 năm lịch sử chế độ CS."

Câu còm trên rất chính xác. Và nguyên nhân cũng dễ hiểu: trong các chế độ độc tài, không có báo chí tự do, không có phản kháng, không có đảng đối lập, mọi điều đều bị dập tắt bằng bạo lực. Và chính vì vậy, bồi bút sinh sôi nảy nở, bởi không ai dám làm gì họ.

Nhưng nói rằng không nên chỉ trích họ, bởi họ chỉ là "nạn nhân" của sự tàn độc từ độc tài là không thỏa đáng. Người làm văn nghệ, cũng như người làm chính trị, luôn lộ diện trong dòng chảy lịch sử, nó có cả vinh quang và cay đắng, vinh và nhục. Các cây bút tụng ca chế độ tại miền Bắc trước 1975, tác phẩm dù chẳng ra gì, cũng được in ngay, rồi tem phiếu ưu tiên, rồi đi nước ngoài... v.v..., trong khi những người cố giữ nhân cách thì phải bị đày đọa. Vậy tại sao những kẻ đó không thể tránh sự phán xét của công chúng về sau? Như tôi từng viết trong các status đó, bạn có thể nguyền rủa hay tha thứ họ, tùy theo cách bạn muốn. Tôi không cho rằng điều nào là tốt hơn.

Giờ đây, ngay tại VN, dù thể chế vẫn toàn trị, nhưng so với Bắc Triều Tiên chẳng hạn, thì nó đã rất nhiều cởi mở, với sự xuất hiện của internet và mạng xã hội facebook. Tất nhiên phải có 1 chút dũng cảm, phải chấp nhận những hệ lụy có thể xảy ra từ phía chính quyền, bạn mới dám viết phản biện hoặc bạn phải ẩn danh. Nhưng càng ngày, các công dân mạng đã trở thành một lực lượng phản biện đáng gờm với báo chí, văn nghệ có giấy phép. Vì vậy bồi bút kiểu lố lăng xưa gần như không còn nữa. Các bài viết tụng ca quá đáng hay chỉ trích một nhân vật nào đó, tác giả thường dùng một bút hiệu xa lạ, hoặc ký là P.V (?). Bồi bút hầu như im tiếng bởi họ biết rằng lên tiếng bằng tên tuổi của mình thì sẽ nhận lấy những hậu quả từ mạng xã hội.

Nhưng có còn bồi bút hay không? Tất nhiên là còn. Có một câu nói rất đáng suy ngẫm, mà tôi không nhớ tên tác giả, đại ý rằng: "Một khi có bất công xảy ra, mà anh chọn thái độ im lặng, nghĩa là anh chọn kẻ mạnh".

*

Pham Quang Tuan Trả lời Bổn Đình Nguyễn: Câu trả lời phải tùy trường hợp. Những người được gọi là "bồi bút" cũng nhiều loại: có loại chỉ vì tham lam hay hèn nhát, có loại thực tình tin tưởng sai lầm vì bị nhồi sọ, có loại ý chí bị bẻ gãy vì cường quyền, và kết hợp những đặc tính này ở một người cũNg không hiếm. Ta không thể đánh giá tất cả những trường hợp này như nhau.

Sự đánh giá cũng còn tùy hoàn cảnh. Nước dân chủ không có bồi bút, nước độc tài sẽ có vài bồi bút, nước CS có rất nhiều bồi bút, và nước CS sắt máu như Bắc Việt thời xưa hay Bắc Hàn bây giờ thì hầu hết nhà văn là bồi bút. Vì vậy không thể đánh giá "bồi bút" ở tất cả mọi trường hợp như nhau. Như tôi đã đưa ví dụ: Khi có 1 trận lụt và vài cái nhà bị ngập, ta có thể chê những nhà đó thấp. Một trận bão làm vài cây đổ, ta có thể bảo những cây đó yếu. Nhưng nếu hầu hết nhà trong nước bị ngập hay hầu hết cây trong nước bị đổ, thì ta không thể chê những nhà đó quá thấp, những cây đó quá yếu, mà phải kết luận rằng trận lụt đó, trận bão đó quá mạnh.

Dĩ nhiên, vạch trần hành động của bồi bút ở mọi chế độ là chuyện nên làm, nhưng đừng quên là trong 100 người chê trách bồi bút, sẽ có ít nhất 99 người trở thành bồi bút nếu sống trong chế độ Bắc Việt thời xưa. Vì vậy cần nhớ ai là thủ phạm đã biến giới văn chương thành bồi bút, và nói rộng ra, thủ phạm đã làm cho dân VN mọi ngành nghề trở nên hèn yếu, an phận sau 60 năm trồng người.





No comments:

Post a Comment

View My Stats